KINH BÁT SƯ
Hán dịch: Đời Đông Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Thuở nọ, Đức Phật ngụ tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Khi ấy, có vị Phạm chí tên là Da Cú đến chỗ Phật. Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Có một vị Phạm chí ngoại đạo đang ở bên ngoài, vị ấy muốn thưa hỏi Đức Như Lai về những điều nghi ngờ.

Đấng Thiên Tôn bảo:

–Hãy mời ông ta vào.

Phạm chí liền đến, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật.

Đấng Thiên Tôn bảo ông ta ngồi xuống. Sau khi ngồi xong, Phạm chí thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con được nghe nghĩa lý của Phật đạo thật sâu xa, mênh mông không bờ bến, thành tựu hết thảy, cứu độ tất cả chúng sinh, cao vời rực rỡ, như vầng trăng tỏa sáng giữa các vì sao, thần thông, trí tuệ thật vi diệu, là vua trong Thánh chúng, chư Thiên không thể theo kịp, dân chúng không thể nghe được. Cúi xin Thế Tôn vì kẻ ngu tối này mà giảng nói: “Nhờ vào bậc thầy nào mà Thế Tôn đạt đến quả vị tôn quý như vậy?” Đấng Thiên Tôn đáp:

–Lành thay! Như Lai sẽ giảng nói cho ông. Những bậc thầy đời trước của Như Lai, danh hiệu của các vị nhiều không thể tính kể.

Hôm nay, Như Lai tự nhiên chứng đắc đạo quả thần diệu, không có vị thầy nào cả. Nhưng, Như Lai có tám vị thầy. Đó là:

–Có người bị quan giết, hoặc bị pháp luật nhà vua tru di cả dòng tộc, sau khi chết bị đọa vào địa ngục, bị lửa đốt, đánh đập, cả vạn thứ độc đều làm hại, cầu chết cũng không được, chịu tội xong mới có thể thoát khỏi, lại làm ngạ quỷ, hoặc làm súc sinh bị mổ giết phanh thây, sau khi chết lại xoay vần làm quỷ, thần, lại giết hại lẫn nhau. Như Lai thấy những người sát sinh phải chịu tội như vậy nên không bao giờ dám giết hại. Đó là vị thầy thứ nhất của Như Lai. Khi ấy, Đức Phật nói kệ:

Người sát sinh tâm ác
Luôn tàn hại lẫn nhau
Đời sau và nhiều đời
Chất chứa nhiều oán kết.
Chịu tội, luôn chết yểu
Kinh hãi, gặp tai ương
Như Lai sợ điều ấy
Dùng tâm Từ hàng ma.

Đức Phật nói:

–Hai là trộm cắp, là cướp đoạt tài sản của người khác, hoặc bị người chủ tài sản lấy dao, gậy đánh đập, ném gạch ngói, hoặc bị pháp luật vua quan bắt bớ, giam cầm, tra khảo, cả năm thứ độc đều đến, hoặc bị phanh thây giữa chợ, hoặc cả dòng họ đều bị giết, sau khi chết bị đọa vào địa ngục, dùng tay bưng lửa, nước đồng sôi rót vào miệng, muốn chết cũng không được, khi hết tội mới có thể thoát ra, phải làm thân ngạ quỷ, luôn muốn uống nước thì nước hóa thành mủ, muốn ăn vật gì thì vật ấy đều hóa thành than, thân thường chở nặng, bị khổ sở vây buộc. Hoặc làm súc sinh luôn bị chết vì chém giết, đem thịt để cung cấp cho con người để đền trả nợ đời trước. Thấy tội của người trộm cắp như vậy, nên Như Lai không bao giờ dám trộm cắp. Đó là vị thầy thứ hai của Như Lai. Khi ấy, Đức Phật nói kệ:

Người trộm cắp cướp đoạt
Tài sản của người khác
Người mất dù nhiều, ít
Đã sân hận, lo buồn.
Chết đọa thân sáu loài
Đền trả nợ đời trước
Như Lai sợ điều này
Bỏ thế tục, xuất gia.

Đức Phật nói:

–Ba là tà dâm, là xâm phạm đến thê thiếp người khác, hoặc bị chồng họ hay người hàng xóm biết được thì khi ấy phải chịu tai ương, bị đánh đập bằng dao, gậy, hoặc bị pháp luật vua quan bắt giam vào ngục, khảo tra tàn ác, hoặc bị phanh thây giữa chợ, sau khi chết bị đọa vào địa ngục, phải nằm trên giường sắt nóng, hoặc ôm cột đồng nóng đỏ, bị quỷ trong ngục đốt cháy thân thể, hết tội ở địa ngục phải làm loài súc sinh, nếu được làm người thì luôn dâm loạn, trái với Phật, xa lìa pháp, không được gần gũi bậc Thánh hiền, thường lo sợ, nhiều nguy hiểm, ít an ổn. Như Lai thấy như vậy nên không dám tà dâm. Đó là vị thầy thứ ba của Như Lai. Khi ấy, Đức Phật nói kệ:

Dâm là hạnh bất tịnh
Mê hoặc, mất chánh đạo
Tinh thần, hồn tiêu tan
Hại thân lại chết yểu.
Chịu tội ngu, phóng túng
Chết đọa vào cõi ác
Như Lai sợ điều này
Bỏ nhà, thích rừng núi.

Đức Phật lại nói:

–Bốn là lời nói ác, nói lưỡi đôi chiều, nói dối, nói thêu dệt, khen ngợi không ăn nhập vào đâu, chê bai Tam bảo, vì cái lưỡi mà phải bị đánh đập đến nỗi cả dòng họ đều bị giết, sau khi chết thì bị đọa vào địa ngục, bị các quỷ thần trong ngục kéo lưỡi ra, cho trâu cày lên đó, rót nước đồng sôi vào miệng, muốn chết cũng không được, hết tội mới có thể thoát ra, lại phải làm súc sinh, thường ăn cỏ gai, nếu được làm người thì nói không ai tin, miệng luôn hôi dơ, bị nhiều người chê bai, mắng nhiếc, hễ nằm xuống là thấy mộng ác, tuy có miệng nhưng không được nếm mùi vị của kinh Phật. Như Lai thấy như vậy nên không dám nói lời ác. Đó là vị thầy thứ tư của Như Lai. Khi ấy, Đức Phật nói kệ:

Khinh người có bốn lỗi
Dua nịnh, tổn hại người
Mắc tội ngu, đui, điếc
Què chân, ngọng, miệng hôi.
Miệng thì không nói được
Chết bị cày trên lưỡi
Ta tu bốn tịnh khẩu
Đạt được tám âm thanh.

Đức Phật lại nói:

–Năm là uống rượu, rượu là chất độc, là nguồn gốc tạo thành các tội ác, làm tiêu tan đạo vua tôi, mất hết nhân cách, khinh thường bậc trưởng thượng, không kính cha già, thất lễ với mẹ, chẳng thương con cái, hung dữ, trái nghịch đạo hiếu, làm chồng thì đánh mất niềm tin, làm vợ thì xa hoa, dâm loạn, dòng họ tranh chấp, tài sản hao sút, mất nước nguy thân… tất cả đều do rượu cả. Rượu có ba mươi sáu điều lỗi đạo. Thấy như vậy rồi, Như Lai không bao giờ uống rượu. Đó là vị thầy thứ năm của Như Lai. Khi ấy, Đức Phật nói kệ:

Người say là bất hiếu
Oán kết từ đây sinh
Mê hoặc người thanh cao
Mất hết đức hiền thục.
Như Lai không uống rượu
Lòng Từ giúp chúng sinh
Trí tuệ vượt tám nạn
Tự thành bậc Chánh giác.
Đức Phật lại nói:
–Sáu là già yếu, già yếu là khổ, đầu bạc răng rụng, mắt thì thấy mờ mờ, tai thì nghe chẳng rõ, tuổi trẻ qua đi, già yếu liền đến, da mặt nhăn nheo, trăm đốt xương đều đau đớn, đi đứng khổ cực, lúc nào cũng rên rĩ, lo buồn, khổ sở, thần thức chuyển đổi, bỗng chốc biến mất, đến lúc mạng sống sắp hết, nói ra thì nước mắt tuôn trào. Thấy vô thường tai họa, biến đổi như vậy nên Như Lai đi tìm đạo, không muốn trở lại nữa. Đó là vị thầy thứ sáu của Như Lai. Khi ấy, Đức Phật nói kệ:

Ta nghĩ đời vô thường
Người chắc chắn sẽ già
Trẻ qua, tuổi già đến
Thân gầy yếu, tóc bạc.
Lo buồn, trăm bệnh sinh
Đi, đứng đều đau đớn
Như Lai sợ điều này
Bỏ nhà đi học đạo.

Đức Phật lại nói:

–Bảy là bệnh tật, gầy ốm, chỉ còn da bọc xương, trăm khớp xương đều đau nhức, chỉ nhờ vào cây gậy, bốn đại chống trái nhau, tay chân không thể làm gì được, sức lực cạn kiệt, ngồi nằm đều nhờ người khác, môi miệng khô khốc, gân cốt rã rời, mũi thì nứt nẻ, mắt không thể thấy, tai chẳng thể nghe, đồ bất tịnh chảy ra, thân thì đang nằm trên giường, tâm thì ôm buồn khổ, nhắc đến thì buồn lo, hiện tại thấy mọi người tuổi trẻ, có sức mạnh, danh tiếng lan truyền khắp vùng, nhưng khi phước hết thì tội đến, do vô thường nên trăm thứ dời đổi. Thấy những tai họa như vậy nên Như Lai đi tìm đạo, không muốn trở lại nữa. Đó là vị thầy thứ bảy của Như Lai. Khi ấy, Đức Phật nói kệ:

Nghĩ đến người già yếu
Trăm bệnh phát cùng lúc
Nước hết, lửa cũng mất
Gió như dao cắt thân.
Xương gân đều rã rời
Mạng lớn chắc sẽ mất
Như Lai sợ điều này
Cầu đạo, không trở lại.

Đức Phật lại nói:

–Tám là người chết, có bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh cùng lúc phát khởi, bốn đại sắp tan rã, tinh thần bất an, khi gió rời thân thì tắt thở, lửa không còn thì thân lạnh. Đi trước tiên là gió, kế đến la lửa, khi thần thức rời thân thì thân thể nằm thẳng, không còn biết gì. Trong khoảng mười ngày thì thịt rữa, máu chảy, trương sình hôi hám, không còn một chút gì đáng giữ lại, trong thân lại có trùng, trở lại ăn thịt người ấy, gân mạch thối rữa, các đốt xương rời ra, đầu lâu thì ở nơi khác, còn xương sống, xương sườn, xương vai, cánh tay, xương đùi, cẳng chân và các ngón chân thì mỗi thứ một nơi, những loài muông thú giành nhau để ăn, dù cho trời, rồng, quỷ thần, bậc đế vương hay thứ dân, nghèo, giàu, sang, hèn… không ai tránh khỏi tai họa này. Thấy sự đổi thay như vậy nên Như Lai xuất gia tìm đạo, không bao giờ muốn trở lại nữa. Đó là vị thầy thứ tám của Như Lai. Khi ấy, Đức Phật nói kệ:

Ta nghĩ già, bệnh, chết
Họa lớn trong ba cõi
Phước hết liền lâm chung
Tắt thở xuống suối vàng.
Thân rã trở về đất
Thần thức tùy nhân duyên
Như Lai sợ điều này
Học đạo đến Niết-bàn.

Bấy giờ, nghe Đức Phật giảng nói xong, Phạm chí thông đạt hết thảy, liền chứng quả vị Tu-đà-hoàn, ở trước Đức Phật xin giữ năm giới, làm Ưu-bà-tắc không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không dối trá, không uống rượu, rồi hoan hỷ lui ra.