KINH BẢO VÂN
Hán dịch: Đời Lương, Tam tạng Mạn-đà-la Tiên, người Phù Nam
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là gồm đủ chiên y. Những gì là mười?

Đó là:

  1. Chẳng thuận theo dục nhiễm.
  2. Chẳng thuận theo sân hận.
  3. Chẳng thuận theo si mê.
  4. Chẳng thuận theo não hại.
  5. Chẳng thuận theo tham lam, ganh ghét.
  6. Chẳng thuận theo kiêu mạn, phân biệt tôi, ta.
  7. Chẳng vì được người nhận biết.
  8. Chẳng vì tiếng tăm, lợi dưỡng.
  9. Chẳng để cho quân ma được tùy tiện.
  10. Tâm không cao, thấp.

Này thiện nam! Gồm đủ mười pháp này, đó là chiên y của Bồ-tát.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là khất thực. Những gì là mười?

Đó là:

  1. Vì tạo lợi ích cho chúng sinh, khiến họ được phước đức.
  2. Khất thực theo thứ lớp.
  3. Tốt xấu theo thời, chẳng sinh hối hận.
  4. Nên ít ham muốn, biết đủ.
  5. Khất thực được rồi, nên ban cho người cùng hưởng.
  6. Đối với thức ăn ngon, dở không sinh tâm tăng, giảm.
  7. Không sinh tâm tham đắm.
  8. Đối với thức ăn nên biết rõ về hạn lượng.
  9. Hướng đến nẻo thiện.
  10. Tu tập thiện căn, lìa mọi chấp giữ.

Thế nào là khất thực vì tạo lợi ích cho chúng sinh?

Bồ-tát hành khất thực, thấy các chúng sinh thiện căn ít ỏi, nên thọ pháp khất thực là nhằm tạo lợi ích cho họ.

Khi vào các chốn làng xóm, thành ấp khất thực, Bồ-tát luôn giữ niệm không bỏ, oai nghi đầy đủ, hoặc lúc nhìn, ngó, trọn không hấp tấp, cử động luôn thuận hợp, các căn tịch tĩnh, phải nhìn kỹ, mắt hướng về phía trước không quá một tầm. Nơi Phật, Pháp, Tăng sinh tâm tin kính sâu xa, sau đấy mới khất thực. Khất thực theo thứ lớp tâm không lựa chọn. Đối với các hàng Sát-lợi, Bà-la-môn, những nhà giàu sang cũng hoàn toàn theo đúng thứ lớp, thức ăn xin đủ thì dùng.

Trừ những nơi có chó dữ, trâu mẹ mới sinh con, do kiếp trước phá bỏ giới cấm nên bị đọa vào đường súc sinh; những nơi hoặc nam, nữ, đồng nam, đồng nữ hay quấy phá gây phiền não thì không nên đến. Hoặc các chốn có thể tạo hiềm nghi cũng đều lánh xa. Theo thứ lớp khất thực, trước hết là không nên sinh tham vướng, không nên sinh giận dữ, đối với mọi người không dấy tâm yêu ghét, đối với các thức ăn ngon, dở, tâm luôn bình đẳng. Nên ít ham muốn, biết đủ, theo chỗ khất thực được nhiều hay ít. Trở lại nơi chúng tăng ở để giải y, cất bát, rửa ráy tay chân. Nếu tới chỗ thờ Phật, tháp, chùa, nơi có chúng Tăng, luôn cung kính, cúng dường. Thức ăn khất thực được phân ra làm bốn phần: Một phần cho người đồng phạm hạnh, một phần cho kẻ khốn khó nhất trong số khất thực, phần thứ ba dành cho các quỷ thần, sau cùng là phần của mình thọ thực. “Ta nay thọ thực, chỉ nhớ nghĩ tới việc tu đạo, không nên vì chuyện ăn uống mà sinh tham nhiễm. Cũng chẳng nên phóng túng, ham thích không chán.” Ăn uống như vầy là để giữ lấy mạng sống này, cho nên việc thọ thực là nhằm duy trì sắc thân, không khiến phải gầy ốm hoặc quá béo tốt. Vì sao? Vì nếu thân ốm yếu thì trở ngại cho việc hành đạo. Còn nếu ăn uống nhiều thì lại thêm nhiều ngủ nghỉ. Nhằm hành đạo, nên đối với việc ăn uống phải biết dè chừng, vừa đủ, không nhiều không ít. Dốc tu tinh tấn, trừ bỏ bê trễ, là nhằm làm viên mãn các pháp Bồ-đề giác phần. Viên mãn các pháp này nên ngã kiến được diệt. Ngã kiến được diệt trừ thì có thể dùng thịt nơi thân mình bố thí cho chúng sinh.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp này, gọi là Bồ-tát hành pháp khất thực.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là “Nhất xứ tọa.” Những gì là mười? Đó là:

  1. Nơi cội Bồ-đề, nhất tọa đạo tràng, hàng phục quân ma, khiến chúng thảy đều kinh sợ.
  2. Chốn này chẳng động, đạt được định xuất thế gian.
  3. Chốn này chẳng động, đạt được tuệ thế gian.
  4. Chốn này chẳng động, đạt được trí xuất thế gian, 5. Chốn này chẳng động, đạt được Tam-muội không.
  5. Chốn này chẳng động, đạt được sự giác ngộ về hết thảy các pháp.
  6. Chốn này chẳng động, đạt được tám chánh đạo.
  7. Chốn này chẳng động, đạt được chân thật.
  8. Chốn này chẳng động, chứng đắc như thật.
  9. Chốn này chẳng động, chứng đắc Nhất thiết chủng trí tọa.

Thiện nam! Nhất tọa tức là pháp tọa. Bồ-tát chẳng hề dao động nên gọi là Nhất tọa.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy gọi là Bồ-tát hành pháp Nhất tọa.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là Nhất thọ thực.

Đó là:

  1. Thọ thực không tham cầu.
  2. Thọ thực không nhiễm, đắm.
  3. Cho là thọ thực đã đủ thì không thọ nhận bơ, dầu.
  4. Không thọ nhận hắc thạch mật.
  5. Không thọ nhận nước quả A-ma-lặc.
  6. Không thọ nhận nước mía, cùng nước của những thứ quả khác. Đúng thời hay phi thời đều không ăn uống.
  7. Thấy người khác ăn uống không sinh phiền não.
  8. Thường ăn một lần.
  9. Bồ-tát giả như có bệnh khổ, hoặc tánh mạng gặp hoạn nạn, hay pháp thiện gặp trở ngại, trong các trường hợp ấy đều không sinh tâm nghi, hối.
  10. Luôn tạo tưởng thọ thực như uống thuốc.

Này thiện nam! Đầy đủ mười pháp ấy, gọi là Bồ-tát hành pháp Nhất thọ thực.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là trụ nơi A-lannhã. Đó là:

  1. Tu tập phạm hạnh từ lâu.
  2. Không hiểu về giới luật.
  3. Các căn đầy đủ.
  4. Nghe rộng biết nhiều.
  5. Trí tuệ sâu xa.
  6. Dứt trừ ngã kiến.
  7. Ví như hươu nai.
  8. Thân tướng không mập không ốm.
  9. Tâm luôn chán lìa điều ác.
  10. Ưa thích chốn thanh vắng tịch tĩnh, chốn A-lan-nhã. Thế nào là tu tập phạm hạnh từ lâu?

Này thiện nam! Đại Bồ-tát ở trong pháp Phật xuất gia học đạo, ba nghiệp thanh tịnh, thọ trì giới cấm, khéo nhận biết về các pháp, hiểu rõ về oai nghi ứng hợp với nơi chốn đi, ở. Qua, lại, nằm, ngồi, hoàn toàn dựa theo giới pháp. Trong pháp của Như Lai, luôn hành trì đúng với các bậc Thượng, Trung, Hạ. Chỉ dạy về oai nghi nơi giới, hoặc có thể chỉ dạy về pháp thiền. Các pháp như thế đã tự thông hiểu, hành trí, không thọ nhận từ kẻ khác. Hiểu biết về nghĩa, về nẻo xuất ly, giải thoát. Biết rõ về tọa thiền, về lỗi lầm phát sinh, nên tránh những sự hủy phạm, tinh tấn tu trì về giới. Nếu có chỗ phạm dù ít, cũng nên tự chê trách, Sám hối. Theo chỗ bị phạm cùng do đấy mà chẳng phạm, đều có thể nhận biết rõ. Nếu phạm tội nặng, kể cả tội vừa, nhẹ, đều có thể phân biệt về sự thọ nhận quả báo nhẹ nặng xa gần. Các căn đầy đủ, dựa nơi chốn A-lan-nhã. Nơi được nương tựa ấy không bị kẻ khác gây phiền não. Luôn ưa thích hành khất thực, chốn lui tới không gần không xa. Gần chỗ nước trong sạch, không đục không dơ. Thích chỗ có nhiều cây rừng, nơi không gây sự sợ hãi, hoa quả đủ đầy, lìa xa nơi có thú dữ, hang động, đền thờ, chọn chốn tịch tĩnh bậc nhất, lui tới không khó khăn. Bồ-tát ở nơi chốn như thế, ngày đêm sáu thời, đọc tụng kinh, luật, âm thanh vừa phải, khéo giữ các căn, tâm không tán loạn, có lòng tin sâu xa, luôn vui vẻ nên có thể nhớ đủ về câu kệ. Khéo chọn lấy tướng nhân để trừ bỏ việc ham ngủ nghỉ.

Các bậc quốc vương, vương hầu, vương tử, các hàng Bà-la-môn, Sát-lợi, cùng chúng dân, đi đến chốn A-lan-nhã của Bồ-tát, vị Tỳkheo xướng: “Lành thay! Đại vương đã thân hành đến đây. Xin an tọa vào chỗ này!” Khi vua ngồi, Bồ-tát cùng ngồi. Nếu quốc vương không ngồi, Bồ-tát cũng không ngồi.

Nếu các căn của vua không ổn định, Bồ-tát phải nên tán thán: “Đại vương khéo đạt được lợi lớn. Vì trong cõi nước của vua có nhiều vị Sa-môn, Bà-la-môn hành trì giới luật, nên không bị những kẻ ác, đạo tặc phá hoại.” Nếu vua là hàng lợi căn, hòa nhã khéo thuận hợp, có thể làm bậc pháp khí, thì nên vì đấy mà thuyết giảng giáo pháp. Hoặc không thích việc thuyết pháp thì nên giảng nói về năm dục là vô thường khiến vua nhận biết mà chán lìa điều ác. Nếu không ưa việc chán lìa điều ác thì nên vì vua nêu giảng về chư Phật có tâm đại Từ bi, uy đức tự tại với chỗ hành hóa ứng hiện rộng khắp.

Đối với các hàng Sát-lợi, Bà-la-môn, Trưởng giả, chủ các thành ấp cùng chúng dân thì tùy hoàn cảnh thích hợp mà giảng nói pháp. Bồ-tát đối trước những người đa văn như vậy nên cho là có thể làm bậc pháp khí, tức nên vì họ hết lòng giảng giải pháp Phật, nghe rồi tin, thọ, tâm sinh vui thích, đều khiến hoan hỷ. Bồ-tát đa văn, hiểu biết sâu rộng nên không phiền não dấy khởi. Do khéo tu pháp đối trị, có thể dứt trừ ngã kiến, nên không sinh sợ sệt. Trí tuệ biện tài gồm đủ nên đối nơi đại chúng không chút kinh sợ. Dũng mãnh, không cho là khó khăn, hành trì đủ các sự việc như vậy nên có thể an trụ nơi chốn A-lan-nhã. Giữ vững tâm, chán lìa điều ác, vui thích ở một mình nơi vắng lặng, giống như nai rừng thường ở chốn sơn lâm. Tỳ-kheo trụ A-lan-nhã khác với loài nai rừng vì tâm không còn kinh sợ. Loài nai kia khi thấy người thì vội vàng chạy lánh, vì sợ bị bắn giết. Đại Bồ-tát cũng lại như vậy, đối với các nơi chốn đông đúc náo nhiệt, hết thảy nam nữ đều nên xa lìa. Vì sao? Vì khiến cho tâm mình bị loạn động, khó tu thiền định, không thể chán bỏ điều ác, tu tập công đức, tạo sự ưa thích tịch tĩnh. Ta nay không nên đắm nhiễm, gần gũi nơi đô hội, khiến mất tâm định, trụ nơi A-lan-nhã.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy, gọi là Bồ-tát hành trì chốn A-lan-nhã.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là trụ nơi cội cây.

Những gì là mười? Đó là:

  1. Chẳng ở gần nơi làng xóm.
  2. Nương theo chỗ có cây cối mà trụ.
  3. Chẳng trụ gần chỗ có nhiều gai gốc.
  4. Chẳng trụ gần chỗ có cây cỏ độc hại.
  5. Chẳng trụ nơi cây cối trụi lá.
  6. Chẳng trụ nơi cây có loài khỉ vượn ở.
  7. Chẳng trụ nơi cây có tổ, hang của loài chim, thú.
  8. Chẳng trụ nơi có loài thú dữ.
  9. Chẳng trụ nơi có kẻ trộm, giặc, nguy hiểm.
  10. Chỗ trụ của Bồ-tát không có những sự sợ hãi, khiến tâm luôn an vui.

Này thiện nam! Đầy đủ mười pháp như thế, gọi là Bồ-tát hành trì pháp trụ nơi cội cây.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là ngồi nơi khoảng đất trống. Những gì là mười?

Đó là:

  1. Bốn mùa xuân, thu, đông, hạ không dựa nơi tường vách mà trụ.
  2. Cũng không nương nơi cội cây mà trụ.
  3. Chẳng dựa nơi bãi cỏ mềm mà trụ.
  4. Chẳng dựa nơi mé núi cao dốc.
  5. Chẳng trụ nơi bờ sông.
  6. Không tạo các vật dụng ngăn lạnh, ngăn gió, ngăn mưa, ngăn nóng, ngăn sương móc.
  7. Bồ-tát ngồi nơi khoảng đất trống, trường hợp thân bị bệnh, ốm yếu, nên tìm đến trụ xứ của chúng Tăng, suy niệm: “Đức Như Lai vì nhằm ngăn chận các thứ kết sử, nên thuyết giảng về hạnh Đầu-đà. Ta nay tuy ở tại trụ xứ của chúng Tăng, nhưng phải dốc đoạn trừ kết sử.”
  8. Tuy ở nơi chúng Tăng nhưng không sinh tâm tham đắm.
  9. Không phải vì thân mình, chỉ vì các hàng thí chủ, giúp họ thành tựu các công đức.
  10. Luôn khởi tưởng như ngồi nơi chỗ đất trống.

Đầy đủ mười pháp này, gọi là Bồ-tát hành trì pháp ngồi nơi đất trống.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là ngồi nơi vùng gò mả. Đó là:

  1. Theo chỗ an trụ luôn khởi tâm chán lìa điều ác.
  2. Thường tu tập quán tưởng về thây chết cùng những liên hệ từ thây chết.
  3. Ngồi nơi vùng gò mả, luôn tu tập tâm Từ.
  4. Khởi tưởng tạo lợi ích, thương xót chúng sinh.
  5. Thọ trì thanh tịnh các giới cấm, luôn đầy đủ các oai nghi.
  6. Trọn không ăn thịt. Vì sao? Vì gần với vùng gò mả có các loài phi nhân cùng những quỷ thần xấu ác ăn máu thịt người, tâm địa thấp hèn, không vui khi thấy Bồ-tát ăn thịt, sẽ tạo mọi sự não hại.
  7. Tỳ-kheo ngồi nơi vùng gò mả, đi tới trụ xứ của Tăng chúng, trước hết nên lễ bái tháp Phật, rồi đảnh lễ các vị Thượng tọa, Đại đức. Nói năng, bàn luận nên đứng để thưa, đáp. Không ngồi chỗ có y áo, chăn đệm. Vì sao? Vì luôn giữ lấy sự quý trọng đối với vật của Tăng chúng.
  8. Như kẻ phàm phu ngu tối xem thường nơi chốn vùng gò mả. Bồ-tát thì không như thế.
  9. Giá như có người bày biện chỗ ngồi, mời Bồ-tát an tọa, Bồtát nên hỏi: “Đây là ý riêng của ông hay là ý của chúng Tăng?” Xem ý của người trước mặt mình chẳng sinh tâm hối hận, sau đấy mới ngồi.
  10. Khởi tâm cho là thấp kém như con cái hàng Chiên-đà-la.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy gọi là Bồ-tát hành trì pháp ngồi nơi nghĩa địa.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là luôn ngồi, không nằm. Những gì là mười? Đó là:

  1. Chẳng vì thân khổ nên thường ngồi.
  2. Chẳng vì tâm khổ nên luôn ngồi.
  3. Chẳng vì dứt bỏ sự ngủ nghỉ nên thường ngồi.
  4. Chẳng vì quá mệt nhọc nên thường ngồi.
  5. Vì nhằm thực hiện đầy đủ các pháp Bồ-đề nên thường ngồi.
  6. Nhằm khiến tâm được chuyên nhất nên luôn ngồi.
  7. Nhằm khiến hướng tới chánh đạo.
  8. Nhằm an tọa nơi đạo tràng chứng đắc đạo quả giác ngộ vô thượng.
  9. Nhằm tạo lợi ích cho chúng sinh.
  10. Vì dốc đoạn trừ tất cả các thứ kết sử.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy gọi là Bồ-tát hành trì pháp luôn ngồi không nằm.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là tùy nghi trải tòa ngồi. Những gì là mười? Đó là:

  1. Chẳng tham đắm chỗ ngồi nên thuận theo đấy mà ngồi.
  2. Không tự bày tòa ngồi, cũng không khiến người khác trải tòa ngồi.
  3. Không tạo ra hình tướng khác lạ để khiến người khác trải tòa.
  4. Tòa ngồi hoặc bằng cỏ hoặc bằng cành lá cây khô, tùy nghi mà ngồi lên.
  5. Nếu là chỗ có nhiều kiến, ong, ruồi nhặng… thì nên bỏ đi.
  6. Nếu khi muốn nằm thì nên nằm nghiêng theo phía hông bên phải. Hai chân chồng lên nhau, khéo tóm vén y phục gọn gàng.
  7. Hoặc lúc ngủ nghỉ thì phải giữ vững lấy tâm, minh tướng xuất hiện thì dậy.
  8. Ý không tham vướng việc ngủ nghỉ, cho là vui thích.
  9. Khi nằm nghiêng theo phía hông bên phải, nếu bị mệt mỏi lắm cũng không chuyển sang nằm theo hông bên trái.
  10. Nhằm điều hòa bốn đại, luôn nhớ nghĩ đến điều thiện.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp này gọi là Bồ-tát hành trì pháp tùy nghi trải tòa ngồi.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là thành tựu về thiền. Những gì là mười?

Đó là:

  1. Tu tập nhiều pháp quán bất tịnh.
  2. Tu tập nhiều pháp quán từ bi.
  3. Tu tập nhiều pháp quán mười hai nhân duyên.
  4. Tu tập nhiều pháp lìa lỗi lầm.
  5. Tu tập nhiều về pháp không.
  6. Tu tập nhiều về môn vô tướng.
  7. Tu tập nhiều về môn vô nguyện.
  8. Tu tập nhiều về thiền.
  9. Tu tập nhiều về pháp không hối hận.
  10. Trì giới đầy đủ, hoàn hảo.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát tu tập nhiều pháp quán bất tịnh?

Bồ-tát một mình ở nơi chốn vắng lặng, tịch tĩnh, an nhiên thâu giữ tâm ý hiện tiền, chán lìa điều ác, thẳng thân ngồi yên theo lối kiết già, các chi phần nơi thân đều hoàn bị, thâm tâm hoan hỷ, tư duy: “Con người ăn uống hoặc bằng các thức ăn ngon lạ, hoặc chỉ là thức ăn dở kém, tất cả đều dựa nơi thân này biến thành những thứ bất tịnh. Máu mủ nhơ uế thảy đều đáng ghét. Hết thảy chúng sinh tham đắm nơi mỹ vị, nên tâm luôn vui chấp. Ta nay sẽ nguyện, nương theo chánh pháp của Phật, quán xét thân này đúng như tướng thật của nó, chẳng thể nhiễm vướng, cũng không chán lìa để dốc cầu Niết-bàn. Đó gọi là Bồ-tát tu tập nhiều pháp quán bất tịnh.

Thế nào là Bồ-tát tu tập nhiều pháp quán tâm Từ? Như trên đã nói về nơi chốn cấu nhiễm, Bồ-tát với thân đoan nghiêm, một mình an tọa chỗ vắng lặng, tư duy: “Chúng sinh có nhiều sân hận, nên dấy khởi não hại, tạo nhiều điều bất thiện. Nếu có chúng sinh đối với ta bình đẳng thì vì sao vào đời sau tự sinh oán hận? Chúng sinh như thế, ta phải dùng phương tiện để đoạn trừ sân hận nơi họ.” Tư duy rồi thì từ thâm tâm khởi tâm Từ bi thực hành, chẳng phải chỉ nói suông.

Thế nào là Bồ-tát tu tập nhiều pháp quán mười hai nhân duyên?

Chúng sinh phần nhiều dấy khởi tham dục, giận dữ. Những thứ phiền não ấy đều do nhân duyên sinh. Giả sử các pháp còn lại, hết thảy đều từ nhân duyên sinh khởi. Vì sao kẻ trí lại không thấy rõ về tướng như vậy? Trong khoảng một sát-na, pháp từ nhân duyên sinh nên thảy đều là không, chẳng nên vì đấy mà tự hủy hoại.

Thế nào là Bồ-tát tu tập nhiều về pháp lìa bỏ lỗi lầm? Nếu tự sinh khởi lỗi lầm thì có thể đoạn trừ liền. Thấy rõ lỗi lầm của người khác thì đi sâu vào tâm Xả. Thế nào là tự tìm cách đoạn trừ lỗi lầm? Lỗi lầm là đối với chư Phật không sinh tâm tin kính. Đối với Pháp, Tăng cũng không sinh tâm kính tin. Đối với giới luật, với các bậc Hòa thượng, A-xà-lê, các bậc tôn túc, trí đức… cũng chẳng sinh tâm tin, kính. Tự đề cao về bản thân, hạ thấp kẻ khác. Nơi năm thứ dục tâm luôn ưa thích hướng tới, quay lưng với Niết-bàn, tạo đủ mọi kiến chấp về ngã về chúng sinh, về thọ mạng, về người, chấp có hư không, dấy khởi đoạn kiến, chấp sâu nơi tưởng có dấy khởi thường kiến. Xa lìa Hiền thánh, thân cận kẻ phàm phu, lìa bỏ người trì giới, gần gũi hàng phá giới, gần tri thức ác, xa tri thức thiện, chê bai kinh pháp, không tin, nghe các nghĩa lý sâu xa tâm sinh hoảng sợ, bê trễ, biếng nhác, pháp cần tu tập thì coi thường, không hành trì, ý chí sút kém, không có ngôn ngữ biện tài, điều không nên nghi thì lại khởi nghi hoặc, chỗ đáng nghi ngờ thì lại không nghi. Bị năm thứ ngăn che trùm phủ gây chướng ngại, huyễn hoặc, tà nịnh, gắn chặt với chuyện ngủ nghỉ, đắm nhiễm lợi dưỡng, danh vọng nơi thế gian, cậy dựa nơi tộc họ, cơ nghiệp, tham ái theo đồ chúng, xa lìa chánh pháp, ưa bàn chuyện thế tục, bỏ bê thiền định, quán tưởng.

Thấy điều thiện không vui, nghe việc xấu ác thì thích thú, không chịu gần gũi cảnh xuất gia, chỉ nhớ nghĩ việc kết thân với đám trẻ, người nữ, đồng nam, đồng nữ, chẳng vui với chốn A-lan-nhã, uống ăn không biết hạn lượng, không kết thân với người thiện, các vị thầy trí đức, không biết đọc tụng, kinh hành đúng thời, cũng không rõ về nơi chốn thích hợp để đi đến, lui tới. Ở nơi giới luật vi tế, tâm ý tỏ ra xem nhẹ, cũng xem thường những điều ác nhỏ, nên tha hồ dòm ngó, ngắm nghía, cử động hấp tấp, luôn hành theo phi pháp, nói năng thô ác.

Đối trước mọi thứ hình sắc tốt xấu, tâm đều tham vướng, ưa giận dữ chẳng tu tập tâm Từ, không chút thương xót nơi các chúng sinh khổ não. Thấy kẻ khổ vì bệnh cũng chẳng chán bỏ điều ác. Nghe việc chết chẳng kinh hãi, luôn gắn với chốn lửa dữ cháy bùng, chẳng cầu nẻo xuất ly, giải thoát. Không quan sát nơi thân, chẳng giữ gìn giới cấm. Chẳng xét kỹ về bản thân, điều đáng làm thì không làm, điều nên hiểu biết thì không hiểu biết, điều phải tư duy thì không chịu tư duy, chẳng phải đạo cho là đạo, đạo thì cho là chẳng phải đạo, chưa chứng đắc bảo là đã chứng đắc. Hoặc ít mong phước đức, chỉ chú trọng việc được giàu có, nên tâm ý loạn động.

Ở nơi công đức lớn trọn chẳng tu hành, lại chê bai, hủy báng pháp Đại thừa, người ưa cầu Đại thừa, pháp Thanh văn, người ưa thích pháp Thanh văn. Cũng trách chê giới pháp, với giới thì gây tranh cãi, với người thì ương bướng, ngôn từ thường hung tợn. Tự cao, không rõ hạnh khiêm cung, không biết hổ thẹn, thô tháo, nói năng chẳng từ tốn, ưa chuộng lời thêu dệt, ác khẩu, nên hay nói dối, đùa cợt, buông lung vô độ…

Tạo vô số lỗi lầm như thế, nên vì nhằm lìa bỏ các pháp tội lỗi ấy, xa lìa mọi thứ buông thả đùa cợt, cần dốc tu tập định không. Tu tập nhiều về không, nên quán xét tất cả mọi thứ, thể tánh đều không. Trí của chủ thể quán không ấy cũng là không. Quán như vậy rồi thì buộc tâm quán vô tướng nơi pháp trong, ngoài. Không thủ đắc nơi tướng của thân, cũng không thủ đắc nơi tướng buộc giữ niệm. Bấy giờ chẳng thấy tâm bị buộc, nơi thân cũng không thủ đắc tướng của thân, cũng chẳng thủ đắc tướng bên ngoài, cũng chẳng thủ đắc chỗ niệm về tướng bên ngoài. Tướng bên ngoài dứt trừ, thì tướng của thân cũng dứt trừ. Đoạn trừ chỗ nhận thức về bên trong thì tâm ưa thích pháp thiện, việc tu tập càng tăng trưởng, thứ lớp không dứt.

Luôn nhớ nghĩ tới định, tuệ để tu tập gốc các công đức. Quán xét đúng các pháp với ý nghĩa thâm diệu, như thật, đó gọi là tuệ. Khéo thâu tóm tâm ý tán loạn, hoan hỷ, không dối, đó gọi là định. Vì sao? Vì trì giới thanh tịnh nên Bồ-tát có thể làm thanh tịnh hoàn thiện việc trì giới, tất thành tựu thiền, giới, đầy đủ thiền đạo. Do đó, trì giới đầy đủ gọi là tu thiền.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp này, đó là Bồ-tát khéo tu tập pháp thiền.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là thọ trì Tu-đa-la. Đó là:

  1. Vì hộ trì chánh pháp nên nghe pháp thì có thể thọ trì, chẳng vì tài vật các thứ ăn uống mà thọ trì.
  2. Vì nhằm nối tiếp chủng tánh của Tam bảo, khiến cho pháp Phật không bị đoạn tuyệt, chẳng vì lợi dưỡng nên thọ trì.
  3. Vì khiến cho giáo pháp Đại thừa được lưu hành rộng khắp nên thọ trì, chẳng vì được cung kính, có nhiều lợi lạc mà thọ trì.
  4. Vì nhằm cứu độ các chúng sinh không ai cứu giúp, nên thọ trì, chẳng vì tiếng tăm, được ca ngợi mà thọ trì.
  5. Vì các chúng sinh bị khổ não, khiến họ được an lạc nên thọ trì.
  6. Vì nhằm khiến chúng sinh đạt được mắt tuệ nên thọ trì.
  7. Vì những người cầu pháp Thanh văn khiến họ đạt được nên thọ trì.
  8. Vì sự tu tập theo pháp Đại thừa được thành tựu nên thọ trì.
  9. Vì nhằm thành tựu viên mãn Nhất thiết chủng trí nên thọ trì.
  10. Chẳng vì cầu các thừa thấp nên thọ trì.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp này, đó là Bồ-tát thọ trì Tu-đala.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là bậc Luật sư. Những gì là mười?

Đó là:

  1. Khéo thông tỏ về nhân duyên dấy khởi của Luật tạng.
  2. Thông tỏ về chỗ thâm diệu của Luật tạng.
  3. Thông tỏ về các sự việc vi tế của Luật tạng.
  4. Thông tỏ về các trường hợp nên làm, không nên làm.
  5. Thông tỏ về giới tánh trọng.
  6. Hiểu rõ về giới chế trọng.
  7. Hiểu rõ về nhân duyên phát khởi việc chế tác giới luật.
  8. Thông hiểu về giới luật của hàng Thanh văn.
  9. Thông hiểu về giới luật của hàng Bích-chi-phật.
  10. Thông tỏ về Luật tạng của Bồ-tát.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp này, đó là Bồ-tát khéo hành trì Luật sư.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là khéo nhận biết về oai nghi, khéo nhận biết về chỗ nên làm, không nên làm, về pháp cầu hành trì, về các cử chỉ, động tác nơi oai nghi. Những gì là mười?

Đó là:

  1. Khéo tu học giới luật của hàng Thanh văn.
  2. Khéo tu học giới luật của hàng Bích-chi-phật.
  3. Do khéo tu học nên oai nghi đầy đủ.
  4. Do oai nghi đầy đủ, nên chốn không thể hành trì thì trọn không đi đến.
  5. Các vùng, cõi chẳng nên lui tới thì cũng không tìm đến.
  6. Hành trì luôn đúng thời.
  7. Hành trì đúng với nơi chốn hành hóa của Sa-môn, chốn không thể hành hóa thì chẳng hành, do đấy, oai nghi luôn đầy đủ.
  8. Nơi chốn bị các hàng Sa-môn phạm hạnh chê trách thì không nên đến.
  9. Cũng có thể giáo hóa kẻ khác hành trì giới cấm, oai nghi như thế.
  10. Do ý nghĩa ấy, nên oai nghi gồm đủ, oai nghi vắng lặng, oai nghi không dua nịnh, dối trá.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy, đó là Bồ-tát thực hiện trọn đủ mọi thứ tiến, dừng, hành, trụ của oai nghi.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là trừ bỏ ganh ghét.

Những gì là mười? Đó là:

  1. Tự hành bố thí.
  2. Cũng chỉ dẫn cho người khác hành bố thí.
  3. Tán thán pháp bố thí.
  4. Thấy người khác bố thí sinh tâm tùy hỷ.
  5. Vì những trường hợp ấy mà nêu giảng pháp chính yếu, khen ngợi người kia, khiến được hoan hỷ.
  6. Trọn không sinh niệm: “Chỉ nên bố thí cho ta, chớ bố thí cho người kia!”
  7. Nguyện cho tất cả chúng sinh đều được lợi ích của bố thí.

Mọi chỗ cần dùng đều có đủ, nên được an lạc.

  1. Đạt được những lợi lạc thế gian.
  2. Đạt được những lợi lạc xuất thế gian.
  3. Bồ-tát tư duy: “Ta nay vì chúng sinh, tu tập đạo Vô thượng, nhằm đem lại lợi ích cho họ.” Vậy sao lại khởi tâm ganh ghét?

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp này, đó là Bồ-tát có thể diệt trừ sự ganh ghét.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp, có thể vì chúng sinh mà khởi tâm bình đẳng. Những gì là mười? Đó là:

  1. Vì tất cả chúng sinh mà tu tập tạo nhân duyên của phước.
  2. Khiến hết thảy chúng sinh tâm không hiềm khích, sân hận.
  3. Không khiến cho tất cả chúng sinh dấy khởi giận dữ.
  4. Vì hết thảy chúng sinh nên tu tập sáu độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.
  5. Vì tất cả chúng sinh nên phát tâm cầu đạt Nhất thiết chủng trí.
  6. Vì hết thảy chúng sinh nên tự làm viên mãn tâm tu đạt Nhất thiết chủng trí.
  7. Đều không khởi hai tưởng.
  8. Công đức tạo được ban cho hết thảy chúng sinh cùng đạt được.
  9. Duyên hợp nơi hết thảy chúng sinh dùng làm cảnh giới. Khi tư duy như vậy thì có thể mau chóng thành tựu pháp của. Thành tựu mau chóng pháp Bồ-tát nên có thể quán xét về sinh tử như đám lửa cháy dữ dội, tự hành hóa theo pháp ấy thì có thể ra khỏi sinh tử. Cũng khiến cho các chúng sinh được cứu độ khỏi biển khổ.
  10. Luôn khởi tâm bình đẳng, không sinh tăng, giảm.

Thiện nam! Ví như ông trưởng giả có sáu người con, tâm yêu thương đối với các con thảy đều bình đẳng, chỉ bày phương tiện. Nhưng các con hãy còn quá trẻ, chưa đủ trí tuệ, không thể làm theo, chẳng biết thiện ác. Nhà bị lửa cháy, những chú bé con đều đang chơi ở những nơi khác nhau. Này thiện nam! Ông trưởng giả ấy đâu có thể khởi tâm, đứa con này nên đem ra, đứa con kia chẳng nên đem ra, đứa con này đem ra trước, đứa con kia nên đem ra sau chăng?

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Không thể. Vì sao? Vì ông trưởng giả ấy, đối với các con tâm luôn bình đẳng, không sai khác.

Phật dạy:

–Này thiện nam! Bồ-tát cũng lại như vậy. Đối với các chúng sinh tâm đều xem họ như con trẻ, ngu tối không trí, nơi thế giới sinh tử lửa cháy dữ dội khắp chốn, các người con ấy đều ở khắp sáu đường, Bồ-tát tùy chỗ ứng hợp thành tựu, thảy đều cứu vớt, Cùng khắp được ra khỏi, đến nơi chốn vắng lặng.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy, đó là Bồ-tát đối với hết thảy chúng sinh luôn khởi tâm bình đẳng.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là khéo cúng dường Phật. Những gì là mười? Đó là:

  1. Dùng pháp để cúng dường Phật.
  2. Dùng sự cứu độ chúng sinh để cúng dường Phật.
  3. Dùng sự giáo hóa chúng sinh, khiến họ an lập nơi pháp thiện để cúng dường Phật.
  4. Dùng sự luôn ban cho hết thảy chúng sinh mọi thứ lợi lạc để cúng dường Phật.
  5. Dùng việc không lìa bỏ hạnh nguyện để cúng dường Phật.
  6. Không bỏ nẻo hành hóa của Bồ-tát để cúng dường Phật.
  7. Ngôn, hành luôn tương ưng để cúng dường Phật.
  8. Tâm không mệt chán để cúng dường Phật.
  9. Không bỏ tâm Bồ-đề để cúng dường Phật.
  10. Không đem tài thí để cúng dường Phật.

Vì sao? Này thiện nam! Vì Pháp thân của Như Lai không phải được cúng dường bằng tài thí, mà chỉ dùng pháp thí để cúng dường là hơn hết. Do cúng dường đầy đủ, đem lại lợi ích cho chúng sinh khiến họ đạt được an lạc, thiện lợi. Nếu không thể tạo lợi ích cho chúng sinh thì sẽ buông bỏ pháp thiện, chỗ tạo tác trở nên chán nản, ưa thích vọng ngữ, ý chí sút kém, tâm sinh mỏi mệt, lìa bỏ tâm Bồ-đề. Có các sự việc như thế thì không thể vì các chúng sinh mà tạo lợi ích. Vì sao? Vì Bồ-tát cần dựa nơi chúng sinh để tu tập các công đức, cho đến thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu không có chúng sinh thì trọn không thể thành tựu đạo quả kia. Đạo quả Vô thượng Chánh giác là gồm đủ Phật đạo, nên dùng pháp cúng dường là hơn hết, là tối thượng. Dùng tài thí cúng dường chưa phải là cúng dường đích thực.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy, đó gọi là Bồ-tát hành trì pháp khéo cúng dường Phật.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là phá trừ kiêu mạn. Đó là Bồ-tát hoặc khi xuất gia, tư duy: “Đã lìa bỏ cha mẹ, quyến thuộc để xuất gia, xem như là thây chết thối rửa bị từ bỏ”, vậy sao ở trong ấy lại khởi kiêu mạn? Ta nay cạo bỏ râu tóc, bỏ hình tướng cũ, hướng cầu đạo pháp, hạn chế nơi thân tâm biết đủ. Mặc y hoại sắc, trước tiên là cải đổi chỗ ưa thích. Tu pháp xuất gia, xả bỏ mọi ứng xử theo thế tục, vì sao lại dấy khởi tâm kiêu mạn? Cạo tóc, ôm bình bát, hành pháp khất thực, tạo tưởng khất thực thì chẳng nên kiêu mạn, phải tự hạ mình xem như hàng Chiên-đà-la. Ta nay xin ăn là do kẻ khác cứu giúp mạng sống của mình, vậy sao lại kiêu mạn mà tự làm thương tổn? Vì vậy, tư duy nhằm phá trừ kiêu mạn. Ta nay thọ pháp khất thực, tức bị kẻ khác xem thường, người đem cho thức ăn tợ như đem vất bỏ, như thế thì sao lại khởi kiêu mạn? Ta nay, đối với hết thảy chúng sinh luôn khởi tưởng như các bậc Hòa thượng, A-xàlê, nên gia tăng sự khiêm tốn, cung kính để phá bỏ tâm kiêu mạn. Ta cùng với các vị đồng học, đồng phạm hạnh, nên khéo gìn giữ oai nghi luôn nhớ nghĩ để hành trì thuận hợp, không nên tới các nơi chốn chẳng phải là luật nghi, nên khiến cho các bạn đồng phạm hạnh trông thấy ta đều sinh hoan hỷ. Khi tư duy như vậy thì phá trừ được kiêu mạn. Ta chưa từng được tu hành Phật pháp, nay được tu tập, ở trong chỗ chúng sinh sân hận, não hại, phải luôn nhớ nghĩ tới nhẫn nhục. Lúc suy xét như thế thì phá bỏ được kiêu mạn.

Này thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy, đó là Bồ-tát hành trì pháp phá trừ kiêu mạn.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7