KINH BẢO VÂN
Hán dịch: Đời Lương, Tam tạng Mạn-đà-la Tiên, người Phù Nam
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là không quên mất tâm Bồ-đề, đó là:

  1. Tâm không dua nịnh, dối trá, cũng không huyễn hoặc.
  2. Tâm thường buộc giữ, thanh tịnh, vắng lặng.
  3. Đối với Phật, Pháp, Tăng trọn không sinh nghi.
  4. Thọ trì pháp Phật cũng không sinh nghi.
  5. Không sinh tưởng làm thầy mà lẫn tiếc giáo pháp, trừ bỏ pháp keo kiệt.
  6. Trọn không tạo nhân duyên hoại diệt pháp Phật.
  7. Thọ trì pháp Đại thừa, ngôn hạnh tương ưng, trọn không hư vọng.
  8. Nếu thấy người thọ trì thì thường hay cung kính.
  9. Đối với pháp Đại thừa dần dần thâm nhập.
  10. Đối với người thuyết pháp sinh tưởng như Phật, tưởng như bậc Tri thức thiện.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ-tát thường không quên mất tâm Bồ-đề.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp có thể nhận biết túc mạng. Đó là:

  1. Từng nhiều lần cung kính cúng dường chư Phật.
  2. Thọ trì pháp chư Phật, hay trì giới thanh tịnh.
  3. Trừ các nghi hối, trừ các thu ngăn che, gây chướng ngại.
  4. Tâm luôn luôn hoan hỷ, vui trong thiền định.
  5. Thường thọ hóa sinh có được sự hiểu biết đúng đắn.
  6. Người cúng dường Phật thường đối với chánh pháp luôn sinh tâm cung kính. Người thọ trì chánh pháp cũng thường cung kính.
  7. Vì nhân duyên hay thọ trì chánh pháp.
  8. Vì người rộng nói, đọc tụng, biên chép.
  9. Không tiếc thân mạng, dốc lòng vì chánh pháp.
  10. Tịnh tu giới hạnh, thân, khẩu, ý nghiệp đều được thanh tịnh.

Vì giới thanh tịnh nên tâm không nghi, hối. Vì trì giới một cách trong sạch nên không bị ngăn che, chướng ngại.

Do không bị ngăn che, chướng ngại nên tâm được hoan hỷ.

Do tâm hoan hỷ nên có thể tu thiền định.

Do tu thiền định nên sinh ở nơi thanh tịnh.

Do sinh ở nơi chốn thanh tịnh nên liền được hóa sinh.

Do hóa sinh nên có được sự hiểu biết đúng đắn.

Do có được hiểu biết đúng đắn nên liền đạt được trí túc mạng.

Do được trí túc mạng nên hay nhớ biết một thân, hai thân, cho đến nhớ biết về trăm ngàn thân mạng ở vô số đời trước.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ-tát đạt được trí túc mạng.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp đạt được việc không lìa tri thức thiện. Đó là:

  1. Được gặp Phật, hoặc nghe Phật giảng nói, hoặc nhớ nghĩ về Phật.
  2. Được thường nghe Pháp.
  3. Được thường cúng dường Tăng.
  4. Được lễ bái, thăm hỏi, cung kính chắp tay cúng dường… chư Phật và Bồ-tát.
  5. Được không lìa người đa văn, gặp người thuyết giảng pháp.
  6. Được không lìa việc nghe các pháp Ba-la-mật.
  7. Được không lìa việc nghe các đạo phẩm giác ý.
  8. Được không lìa việc nghe ba môn giải thoát.
  9. Được không lìa việc nghe bốn phạm hạnh.
  10. Được không lìa việc nghe Nhất thiết chủng trí.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ-tát không lìa tri thức thiện.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp đạt được việc xa lìa tri thức ác. Đó là:

  1. Lìa xa tri thức ác phá giới.
  2. Lìa xa kẻ phá bỏ chánh kiến.
  3. Lìa xa kẻ phá bỏ oai nghi.
  4. Lìa xa kẻ tà mạn.
  5. Lìa xa kẻ ưa nói chuyện thế tục ồn ào.
  6. Lìa xa kẻ uể oải, biếng nhác.
  7. Lìa xa kẻ mê say nơi cõi sinh tử.
  8. Lìa xa kẻ thoái thất tâm Bồ-đề.
  9. Lìa xa chúng tại gia.
  10. Lìa bỏ tất cả kết sử.

Bồ-tát tuy thích lìa xa những sự việc như vậy, nhưng trọn không sinh tâm não hại, cũng không sinh tâm khinh khi, hủy báng. Bồ-tát suy nghĩ: “Ta từng nghe Phật dạy: Chúng sinh tánh nhiễm cùng dục, do gần gũi, huân tập những việc như vậy nên có nhiều chỗ bị hủy hoại. Vì vậy, ta nên xa lìa tất cả.”

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ-tát xa lìa tri thức ác.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp đạt được Pháp thân của Như Lai. Đó là:

  1. Thân bình đẳng.
  2. Thân vô nhị.
  3. Thân thanh tịnh.
  4. Thân vô tận.
  5. Thân tu tập thiện lâu đời.
  6. Thân pháp.
  7. Thân thâm diệu không thể suy tính, thân chẳng thể nghĩ bàn.
  8. Thân tịch diệt.
  9. Thân hư không.
  10. Thân trí.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ-tát chứng đắc Pháp thân của Như Lai.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Khi nào Bồ-tát đạt được Pháp thân của Như Lai?

Phật đáp:

–Thiện nam! Hàng Bồ-tát trụ Địa thứ nhất được thân bình đẳng.

Vì sao? Vì Bồ-tát trụ Địa thứ nhất trừ hết thảy thân ác, cùng các Bồtát đồng một danh hiệu là thân bình đẳng.

Bồ-tát trụ Địa thứ hai được thân thanh tịnh, nhờ trì giới thanh tịnh.

Bồ-tát trụ Địa thứ ba được thân vô tận, nhờ trừ sạch sân hận, não hại.

Bồ-tát trụ Địa thứ tư được thân từ lâu tích tụ tất cả pháp thiện, nhờ tu tập tất cả pháp Phật.

Bồ-tát trụ Địa thứ năm được Pháp thân, nhờ lực nơi thiền định nhận biết tất cả pháp Phật.

Bồ-tát trụ Địa thứ sáu được thân chẳng phải là chỗ có thể nhận biết, có thể trù tính xét đoán của thế gian, do thân này hết sức sâu xa.

Bồ-tát trụ Địa thứ bảy được thân chẳng thể nghĩ bàn, do khéo dùng phương tiện.

Bồ-tát trụ Địa thứ tám được thân tịch diệt, do khéo trừ hết mọi hý luận, dứt tận hết thảy phiền não.

Bồ-tát trụ Địa thứ chín được thân hư không, được thân vô ngại, do hiện bày khắp hư không.

Bồ-tát trụ Địa thứ mười được thân diệu trí. Vì sao? Vì nhận biết khắp hết thảy các pháp nơi các Địa của Bồ-tát.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Pháp thân của Bồ-tát và Pháp thân của Như Lai có sai khác chăng?

Phật đáp:

–Thân thì không sai biệt nhưng về công đức thì có khác.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là thân không sai biệt mà công đức thì có sai khác?

Phật đáp:

–Tên của thân không có khác. Vì sao? Vì thân, khẩu cùng đồng một tướng, nhưng tướng công đức thì có sai khác.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Vì sao trong cùng một thân mà thấy tướng công đức có khác? Phật đáp:

–Thiện nam! Nay ta vì ông mà nói ví dụ để giải thích nghĩa ấy. Ví như ngọc ma-ni đều cùng danh từ là ma-ni. Ngọc ấy tên tuy là một, nhưng nếu được mài dũa kỹ lưỡng thì ánh sáng của nó hiển hiện, khiến tâm ý ưa thích. Ví như thân của Như Lai, nếu không được tu luyện kỹ lưỡng thì cũng giống như thân của Bồ-tát; vì thân của Như Lai cũng là ngọc báu ma-ni và thân của Bồ-tát cũng là ngọc báu ma-ni, không khác. Nhưng sắc tướng của ma-ni báu sáng tỏa nơi Như Lai và của Bồ-tát có khác. Vì sao? Vì thân ma-ni báu của Như Lai thì vô lượng, trùm khắp cõi chúng sinh, tràn đầy cõi hư không, thanh tịnh, lìa hết mọi thứ trần cấu. Thân ma-ni báu của Bồtát thì có giới hạn, chẳng thể đầy khắp cõi hư không. Vì sao? Vì còn cấu uế chướng ngại.

Thiện nam! Ví như mặt trăng từ đầu tháng cho đến ngày mười lăm gọi là trăng tròn đầy, sau ngày thứ mười lăm cũng gọi là trăng, cho đến cuối tháng cũng gọi là trăng; danh từ trăng tuy đồng nhưng ánh sáng thì chẳng đồng, vì ánh trăng ngày thứ mười lăm sáng rỡ, bản chất của nó xưa nay là như vậy. Thân của Như Lai và thân của Bồ-tát tuy cùng danh từ thân – như danh từ mặt trăng, cùng đồng như nhau – nhưng ánh sáng chiếu diệu của Bồ-tát và của Như Lai thì lại không đồng. Ánh sáng chiếu diệu nơi thân Bồ-tát không bằng ánh sáng nơi thân Như Lai chiếu diệu một cách rực rỡ. Ví như ánh sáng của trăng cuối tháng, trăng giữa tháng và trăng đầu tháng, tướng ánh sáng của chúng không giống nhau.

Thiện nam! Do vậy, thân Như Lai và thân Bồ-tát, hai thân này tuy đồng nhưng công đức có khác.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là thân kim cang bất hoại.

Đó là:

  1. Tham dục, sân hận, ngu si chẳng thể hủy hoại.
  2. Phiền não, kiêu mạn, chấp ngã, tự thị, thấy biết điên đảo chẳng thể hủy hoại.
  3. Tám pháp thế gian chẳng thể hủy hoại.
  4. Cõi ác chẳng thể hủy hoại.
  5. Tất cả khổ chẳng thể hủy hoại.
  6. Sinh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não chẳng thể hủy hoại.
  7. Hết thảy ngoại đạo, dị kiến chẳng thể phá hoại.
  8. Hết thảy thiên ma cùng quyến thuộc của ma chẳng thể phá hoại.
  9. Chẳng bị hoại do hết thảy hàng Thanh văn và Bích-chi-phật.
  10. Tất cả cõi dục chẳng thể hủy hoại.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ-tát đạt thân kim cang bất hoại.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là đại thương chủ, đó là:

  1. Hay khiến thương nhân thuận theo lời dạy.
  2. Hay khiến thương nhân cung kính cúng dường.
  3. Hay làm người dẫn đường, không sợ các nạn.
  4. Hay làm nơi nương tựa cho mọi người.
  5. Có khả năng làm cho người nương tựa.
  6. Thường được sự sống.
  7. Tư lương dồi dào.
  8. Châu báu vô số.
  9. Tâm không dừng nghỉ, cho là đủ.
  10. Thường làm người đi đầu, đến được đại thành Nhất thiết chủng trí.

Thiện nam! Thế nào gọi là Bồ-tát hay khiến thương nhân thuận theo lời dạy?

Ví như thương chủ khéo dẫn đường, hoặc dạy bảo thương nhân đều thuận theo. Bồ-tát cũng vậy, khéo hóa độ chúng sinh, có khả năng làm cho tất cả đều thuận theo mình.

Ví như thương chủ được các thương nhân cung kính cúng dường. Bồ-tát thương chủ cũng lại như vậy, được hàng Hữu học, Vô học, các chúng Trời, Người, Rồng, Quỷ, Thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Nhân và Phi nhân… đều đến cung kính cúng dường.

Ví như ở chỗ đồng vắng có nạn cướp giật, thương chủ có khả năng đưa chúng bạn vượt qua an ổn. Bồ-tát thương chủ cũng lại như vậy, có khả năng đưa mọi người vượt qua giặc phiền não nơi đồng hoang sinh tử, đạt được an ổn.

Ví như thương chủ có khả năng đưa mọi người ra khỏi đồng hoang, cứu sống được mạng họ. Bồ-tát cũng lại như vậy, dẫn dắt các ngoại đạo Bát-la-bà, Thực-ni-càn-đà… thoát khỏi đồng hoang sinh tử, cứu được mạng sống của họ.

Hoặc có những kẻ ưa thích nơi sinh tử như các hàng vua, đại thần, quan viên cùng tất cả chúng sinh… đều nhờ nương vào Bồ-tát thương chủ mà được cứu sống trọn vẹn.

Như đại thương chủ khéo phòng bị hành trang, châu báu cần dùng, có khả năng dẫn chúng nhân vượt qua đường hiểm được an ổn, thẳng đến đại thành. Bồ-tát thương chủ cũng lại như vậy, muốn cùng chúng bạn vượt qua đồng hoang sinh tử hiểm nạn để đến thành giác ngộ của Phật thì phải tu thiền định giải thoát, tự trang nghiêm công đức đầy đủ.

Bồ-tát thương chủ muốn đến đại thành Nhất thiết chủng trí phải hành trì đủ hết thảy pháp Phật, công đức châu báu.

Ví như thương chủ gồm chứa các châu báu không có chán đủ. Bồ-tát cũng vậy, gồm chứa các pháp tài quý báu không có chán đủ.

Ví như thương chủ thông tuệ tối thắng, tài sản vô số là hàng cự phú, khéo hướng dẫn các thương nhân, nói điều gì ra chúng đều phụng hành. Bồ-tát thương chủ cũng lại như vậy, vì chúng sinh mà làm người dẫn đầu, công đức vô lượng, đối với pháp được tự tại, lời nói không hai.

Ví như thương chủ có khả năng giỏi dẫn dắt chúng thương nhân vượt qua đường hiểm, đến được đại thành. Bồ-tát thương chủ cũng lại như vậy, dẫn dắt các chúng sinh vượt hiểm nạn sinh tử, đến được đại thành chủng trí Niết-bàn.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi Bồ-tát là bậc đại thương chủ.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là thông hiểu về đạo, đó là:

  1. Hiểu thông đạo bình đẳng.
  2. Hiểu thông xứ hiểm ác.
  3. Hiểu thông đạo an ổn.
  4. Hiểu thông xứ không an ổn.
  5. Hiểu thông các mối đạo.
  6. Hiểu thông các xứ đạo.
  7. Hiểu thông xứ sở dừng trụ.
  8. Hiểu thông tướng đạo.
  9. Hiểu thông đạo chánh tà.
  10. Hiểu thông đạo xuất yếu.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ-tát khéo biết rõ về đạo.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp biết đạo không điên đảo. Đó là:

  1. Với người cần được độ bằng đạo Đại thừa, Bồ-tát liền chỉ dẫn đạo Đại thừa, không chỉ đạo Thanh văn.
  2. Người cần được độ bằng đạo Thanh văn, Bồ-tát liền chỉ đạo Thanh văn, không chỉ đạo Đại thừa.
  3. Người cần được độ bằng đạo Nhất thiết chủng trí, Bồ-tát liền chỉ đạo Nhất thiết chủng trí, không chỉ đạo Thanh văn.
  4. Người cần được độ bằng đạo Duyên giác, Bồ-tát liền chỉ đạo Duyên giác, không chỉ đạo Nhất thiết chủng trí.
  5. Vì người chấp ngã kiến, Bồ-tát vì họ mà nói pháp “không, vô ngã.”
  6. Người không chấp ngã kiến, Bồ-tát vì họ mà giảng pháp “khổ, không, vô thường, vô ngã.”
  7. Vì người chấp nhị biên, Bồ-tát vì họ mà nói giảng pháp trung đạo.
  8. Người chấp trung đạo, Bồ-tát nên vì họ mà giảng nói về nhị biên.
  9. Vì kẻ thất tâm, cuồng loạn, Bồ-tát vì họ mà giảng nói về pháp Sa-ma-tha (chỉ) và Tỳ-ba-sa-na (quán).
  10. Vì kẻ chấp tà đạo, Bồ-tát liền nói chánh đạo khiến lìa bỏ các loại gai gốc kết sử.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ-tát biết đạo không điên đảo.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là luôn ở nơi thiền định. Đó là:

  1. Quán thân niệm xứ của thân.
  2. Quán thọ niệm xứ của thọ.
  3. Quán tâm niệm xứ của tâm.
  4. Quán pháp niệm xứ của pháp.
  5. Ở A-lan-nhã thâu giữ tâm hành trì.
  6. Quán năm dục thâu giữ tâm hành trì.
  7. Thâu giữ tâm hành trì ở những nơi như: thôn xóm, doanh trại, thành ấp, làng mạc.
  8. Thâu giữ tâm hành trì đối với danh tiếng, lợi dưỡng.
  9. Thâu giữ tâm hành trì đối với giới cấm của Như Lai chế định.
  10. Thâu giữ tâm hành trì đối với các phiền não, tâm sân hận và tâm tà, nịnh.

Thâu giữ tâm hành trì, quán thân niệm xứ như thế nào?

Bồ-tát dùng trí tuệ chân chánh tuyển chọn, loại bỏ các điều ác bất thiện. Từ chân lên đỉnh đầu, cho đến màng não, Bồ-tát quan sát các phần đều vô ngã và vô ngã sở, từng sát-na sinh diệt liên tục, là pháp tan hoại, là chỗ gân mạch ràng buộc, hôi thối đáng ghét, thuần là sự tích tập các sắc xấu ác, Bồ-tát nên quan sát như vậy: Quán tưởng của ngã sở, tưởng của thân hoạnh sinh, quán rõ nhân duyên của thân tướng như vậy, hình trạng như vậy thì tâm được tự tại.

Quán thọ niệm xứ như thế nào?

Bồ-tát nghĩ nhớ: “Quan sát hết thảy các thọ đều là khổ.” Kẻ phàm phu điên đảo sinh tưởng là vui; kẻ ngu si vô trí không phân biệt khổ vui. Bậc Hiền thánh đều quán các thọ là khổ, siêng tu phương tiện đoạn trừ khổ ấy, cũng dạy chúng sinh quán thọ như vậy, đoạn xả các thọ, không yêu, không ghét.

Thế nào là quán tâm niệm xứ của tâm?

Tâm theo pháp chỉ, quán. Vô thường mà tưởng là thường, khổ mà tưởng là vui, vô ngã mà tưởng là ngã, bất tịnh mà tưởng là tịnh; tâm như khỉ vượn, như gió lay động, niệm niệm không dừng, thay đổi nhanh chóng, là gốc rễ của kết sử, là nguồn gốc của cõi ác, là ông chủ của phiền não thường sinh dua nịnh, tà vạy, cũng là nhân duyên của tham dục, sân hận, ngu si. Tâm là tông chủ của tất cả các pháp, là ông thợ, là kẻ dẫn đường đi trước. Tâm từ nhân duyên khởi, biết tất cả các pháp. Tâm như họa sư, vẽ hết thảy hình tượng mà tâm không biết. Các nghiệp thiện ác đều do tâm tạo. Tâm như vòng lửa xoay tròn như sự tuần hoàn. Tâm như lửa dữ thiêu củi ba cõi. Tâm có thể sinh khởi các vật giống như đại thủy. Người quan sát tâm nên biết tướng của tâm là gốc của hoạn nạn lớn. Tâm này chẳng khiến được tự tại. Nếu ai đối với tâm ấy mà được tự tại thì đối với pháp cũng được tự tại.

Quán pháp niệm xứ như thế nào?

Nhận biết đúng như thật về các pháp bất thiện, tham dục, sân hận, ngu si, cùng chỗ nương khởi của hết thảy pháp ác, Bồ-tát có thể tu tập đối trị tham, sân, si… đoạn trừ pháp bất thiện, quán các pháp thiện mà tâm ưa tùy thuận, buộc tâm chuyên niệm, thuận hành các pháp thiện, cũng dạy người khác đồng quán như mình.

Thâu giữ tâm tu hành đối với năm dục, quán như thế nào?

Đối với năm dục, Bồ-tát không sinh hỷ lạc, cũng không oán ghét. Đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, Bồ-tát cũng không sinh ái luyến, cũng không oán ghét. Đối với pháp không thể tướng ấy, Bồ-tát nếu sinh tâm thương ghét liền đồng với hàng phàm phu ngu si, đồng với hàng trẻ con bất thiện.

Đức Thế Tôn nói:

–Nếu đối với pháp mà sinh tâm ưa thích thì cũng sinh tâm đắm nhiễm. Sinh tâm đắm nhiễm thì liền thành ngu si. Nếu ngu si sinh, liền không biết rõ về thiện ác. Do nhân duyên ấy nên rơi vào cõi ác. Vì vậy, đối với pháp không ấy, không nên ghét bỏ. Nếu ai ghét bỏ tức là không thể thọ nhận. Nếu không thể thọ nhận thì tâm oán hận tăng trưởng, người ấy bị các vị A-xà-lê quở trách, cũng bị đồng phạm hạnh chê cười. Quan sát năm dục như vậy, tu hành chánh niệm, tâm không đắm nhiễm, cũng không oán ghét, cũng chỉ dạy người khác quán xét như vậy.

Thế nào gọi là ở nơi A-lan-nhã?

Thâu giữ tâm lìa loạn tưởng, như pháp tu hành, gọi là ở nơi Alan-nhã, gọi là trụ xứ không tranh chấp, cũng gọi là trụ xứ tịch diệt. Nơi A-lan-nhã này có các hàng Trời, Rồng, Quỷ, Thần, bậc đạt được tha tâm trí khéo thấy biết tâm ta. Vì vậy, ta nay không nên khởi tự giác bất thiện, phải đoạn trừ giác bất thiện, dốc tu giác thiện, nên làm cho giác thiện thường được tăng trưởng.

Trong các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, Bồ-tát ở nơi thôn xóm, hàng quán, làng mạc, thành ấp, mọi phương sở, quốc độ như thế nào?

Ở những nơi bất thiện, người xuất gia đều phải lìa xa không nên đến.

Những nơi nào là không nên đến?

Đó là quán rượu, nhà dâm nữ, nhà vương quyền, chỗ cờ bạc, chỗ say sưa, chỗ ca múa kỹ nhạc… Những nơi như vậy, chẳng phải là nơi chốn của người xuất gia nên đến, chẳng nên vãng lai. Nên thâu giữ tâm hành trì đối với những nơi thôn ấp, làng mạc như vậy.

Thâu giữ tâm hành trì đối với danh tiếng lợi dưỡng như thế nào?

Vì nhằm khiến cho đàn-việt tăng trưởng phước nghiệp, Bồ-tát ở chỗ được lợi dưỡng, không nên tham đắm tài lợi có được, không tác tưởng ích kỷ, nên ban cho hết thảy chúng sinh khổ não đều được cùng hưởng. Nhờ nhân duyên bố thí ấy nên Bồ-tát được tán thán khen ngợi. Tuy được tán thán có tiếng tăm nhưng Bồ-tát không tự khen, không sinh kiêu mạn, không tự phóng dật. Được tán thán có tiếng tăm như vậy chỉ một thời gian thì tự diệt. Đối với pháp vô thường mau chóng không dừng như thế, người có trí ai lại bám vào! Lẽ nào đối với việc ấy lại sinh sự yêu ghét? Có người trí nào lại sinh tưởng là mình có, sinh tâm kiêu căng, phóng dật. Đây gọi là Bồ-tát thâu giữ tâm hành trì đối với danh tiếng lợi dưỡng.

Bồ-tát đối với giới cấm do Đức Như Lai chế ra, thường nhớ nghĩ tu hành như thế nào?

Như chư Phật quá khứ hành trì giới cấm mà được thành Phật cho đến Niết-bàn, chư Phật vị lai cũng hành trì giới cấm mà được thành Phật cho đến Niết-bàn, chư Phật hiện tại cũng hành trì giới cấm mà được thành Phật cho đến Niết-bàn. Bồ-tát quán xét như vậy nên hành trì giới cấm trọn không hủy phạm, gọi là Bồ-tát khéo tu trì giới cấm do Như Lai chế.

Đối với các phiền não trần cấu, che ngăn, Bồ-tát khéo tu tập, thâu giữ tâm hành trí như thế nào?

Bồ-tát khéo nhận biết phiền não, kết sử, trần cấu, che ngăn

tạo chướng ngại, biết rõ về nguyên nhân, biết rõ nơi chốn nguyên nhân dấy khởi, từ nhân này mà phát xuất. Đối với kết sử, ngăn che tạo chướng ngại, Bồ-tát thường nhớ nghĩ, thâu giữ tâm tu hành như vậy.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ-tát thường hành trì thiền định.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là mặc y phấn tảo.

Đó là:

  1. Hay thọ trì y trọn đời không hủy hoại.
  2. Tâm thường khiêm cung.
  3. Không mệt mỏi chán bỏ.
  4. Chẳng đem việc thọ trì y cho là giải thoát.
  5. Chẳng thấy sự thô xấu của y.
  6. Thấy rõ mọi công đức ích lợi.
  7. Mình chẳng tự cao.
  8. Không cất chứa nhiều.
  9. Khéo trì giới cấm.
  10. Chư Thiên gần gũi.

Thế nào là thọ trì y, không hủy hoại?

Bồ-tát có tâm kính tín, thể tánh đầy đủ. Đối với Như Lai, Bồtát sinh tâm kính tín sâu xa, thà xả bỏ thân mạng, không bỏ những điều đã thọ, giữ vững những điều đã thọ, không để lay động. Tâm hay khiêm cung, do tâm như thế nên Bồ-tát không sinh ngã mạn. Do ý khiêm cung nên Bồ-tát liền đối với các vật phẩn tảo dơ xấu, giữ lấy, tẩy sạch, sau đó may nhuộm, tâm không mệt chán. Do không mệt chán nên Bồ-tát thường giữ y phấn tảo, cũng không vì hạnh nhỏ ấy mà tự cho là đủ, thường tiến cầu thượng pháp, chắc chắn được đại lợi.

Bồ-tát cũng không thấy sự thô xấu của y phấn tảo mà mình thường mặc từ đây cho đến già. Bồ-tát không cho y này là xấu tệ, cũng không khởi niệm: “Y ấy xấu tệ, có nhiều rận rệp, nếu thường mặc thì thân nhơ uế.”

Bồ-tát thường niệm tư duy: “Mặc y phấn tảo có các công đức, là pháp phục của bậc Hiền thánh, là pháp phục của người tu hành lùa xa dục nhiễm, gọi là Thánh chủng, được chư Phật tán thán, Như Lai khen ngợi.”

Với việc làm như vậy mà không tự hào, không tự cao, cũng không hạ thấp kẻ khác, gọi là Bồ-tát trì giới đầy đủ. Nhờ giới đầy đủ nên Bồ-tát được chư Thiên thân cận, chư Phật tán thán, các Bồ-tát giữ gìn quan sát thường xuyên; hàng nhân và phi nhân, Sát-lợi, Bà-lamôn trong chủ ấp, làng mạc cung kính, lễ bái, được bạn đồng phạm hạnh ca ngợi.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ-tát mặc y phấn tảo.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Bồ-tát chí lớn, vì nhân duyên gì lại ưa thích y phấn tảo thô xấu kém cỏi?

Phật đáp:

–Này thiện nam! Bồ-tát vì nhằm hộ trì các chúng sinh, với năng lực của công đức có thể làm được, đối với phiền não chưa sinh có thể ngăn chận chẳng phải là việc các phàm phu thấp kém có thể làm được.

Phật bảo Bồ-tát Trừ Cái Chướng:

–Thiện nam! Ông cho Như Lai là bậc Đại chí hay chỉ là hàng chí nhỏ?

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Vấn đề này con không thể nêu bày, không thể đáp được. Vì sao? Vì con không có khả năng nhận biết về dung lượng của Như Lai. Hiện tại con thấy Như Lai biết rõ về tất cả pháp, thọ trì y phấn tảo, hay chế phục kết sử, không thấy Như Lai có chỗ bị ngăn cấm. Bốn cõi thiên hạ, Trời, Người, Rồng, Quỷ đều có chí thấp kém; Như Lai tuy thị hiện sự thấp kém nhưng vì nhằm tạo mọi thành tựu cho tất cả chúng sinh, tán thán hạnh Đầu-đà ở trước các chúng sinh.

Phật nói:

–Ông nay nên biết nhân duyên như vậy.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Vì nhằm tạo mọi thành tựu cho các chúng sinh cùng hàng mới tu học, vì để ngăn đoạn kết sử của Bồ-tát nên Đức Thế Tôn giảng nói việc này.

Phật bảo:

–Thiện nam! Bồ-tát với diệu lực từ oai đức, vì hóa độ chúng sinh nên thị hiện thọ y phấn tảo, chẳng phải là do chí nguyện thấp kém. Do ý nghĩa như vậy nên Bồ-tát thọ y phấn tảo.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là thọ giữ ba y. Đó là thiểu dục, tri túc, không tham cầu nhiều, không tích tụ nhiều. Do không tích tụ nên lìa được các sự âu lo. Không hư mất nên lìa các ưu não. Do lìa ưu não nên lìa được các khổ tụ tập. Do lìa các khổ tụ tập nên không còn ái dục. Do không còn ái dục nên hay dứt sạch các lậu.

Bồ-tát thiểu dục nên luôn biết đủ. Người biết đủ tuy được ít vẫn cho là đủ. Do thiểu dục nên không mong cầu nhiều. Lìa mong cầu nên không tích tụ nhiều. Lìa tích tụ nên không bị khổ não vì hư mất. Do không khổ não vì sự hư mất nên không có ưu sầu. Không có ưu sầu nên không khổ não. Không khổ não nên không có thọ dụng.

Không có thọ dụng nên liền dứt sạch hết các lậu.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ-tát thọ trì ba y.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7