SỐ 185
PHẬT NÓI KINH BẢN KHỞI THÁI TỬ HIỆN ĐIỀM LÀNH
Hán dịch: Đời Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nguyệt chi
Việt dịch:Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN HẠ

Bồ-tát trải qua nhiều kiếp thực hành hạnh thanh tịnh, tâm đại bi, thiền định tự tại, sức nhẫn hàng phục ma khiến cho chúng thoái lui tan rã. Với định tâm như thế, không phải do trí suy tư mà do không có tưởng ưu, hỷ. Cho nên sau đầu đêm hôm ấy, Bồ-tát chứng đắc minh thứ nhất, tự biết sinh mạng đời trước của mình từ vô số kiếp đến nay; tinh thần thay đổi, lần lượt thọ thân, nhiều không kể hết, Bồ-tát đều chứng biết tất cả.

Đến nửa đêm, Bồ-tát chứng đắc minh thứ hai, biết tất cả ý niệm trong tâm của chúng sinh, thiện hay ác, họa hay phước, chỗ đi đầu thai trong vòng sinh tử.

Đến cuối đêm, Bồ-tát chứng đắc minh thứ ba, giác ngộ giải thoát, dứt hẳn các lậu, biết rõ các nghiệp trong nhiều kiếp xa xưa của mình, chứng đắc Tứ thần túc, tinh tấn định, dục định, ý định và giới định. Đạt được pháp biến hóa, những điều mong muốn điều như ý, không cần dụng tâm thân có thể bay được và có thể phân một thân thành trăm ngàn thân, cho đến ức, vạn, vô số, rồi trở lại thành một thân. Ngài có thể đi xuyên vào lòng đất, xuyên qua vách đá, từ một phương hiện khắp, ẩn mất, xuất hiện cũng như sóng nước, có thể làm cho trong thân phát ra nước lửa, có thể lặn trong nước hoặc đi trong hư không mà thân không bị rơi xuống, ngồi nằm trong hư không như chim bay lượng. Bồ-tát có thể đứng trên cao bằng trời, tay nắm tới mặt trời, mặt trăng, thân muốn đứng thẳng đến trời Phạm, Tự tại cũng được. Mắt Bồ-tát có thể nhìn suốt, tai có thể nghe khắp, ý có thể biết trước mọi sự việcề.Chư Thiên, Người, Rồng, Quỷ thần và những loài bò, bay, những côn trùng nhỏ nhiệm nhất,… thân đi, miệng nói, tâm nghĩ, Bồ-tát đều thấy nghe biết. Những người có tham dâm hay không tham dâm, có sân giận hoặc không sân giận, người ngu si hoặc không ngu si, người có ái dục hoặc không ái dục, người có hạnh đại chí hoặc không có hạnh đại chí, người có hạnh nội ngoại hoặc không có hạnh nội ngoại, người có niệm thiện hoặc niệm bất thiện, người có nhất tâm hoặc không nhất tâm, người có ý giải thoát hoặc không có ý giải thoát, tất cả Bồ-tát đều biết.

Bồ-tát quán thấy khắp trong năm đường: trời, người, địa ngục, súc sinh, quỷ thần. Bồ-tát quán thấy cha mẹ, anh em, vợ con trong nhiều đời trước, tên họ trong ngoài thảy đều phân biệt. Việc của một đời, mười đời, trăm ngàn vạn ức vô số đời cho đến thời gian của kiếp hoại, kiếp không và thời gian xuất hiện của con người trong kiếp thành đều có thể biết hết.

Bồ-tát có thể biết tên họ nội ngoại, ăn mặc, khổ vui, thọ mạng dài vắn, chết đây sinh kia, luân chuyển các thứ từ lúc khởi đầu cho đến qua sự thay đổi thân hình, sinh già bệnh chết, hình sắc xấu đẹp, hiền ngu khổ vui… của chúng sinh trong ba cõi, trong mười kiếp, trăm kiếp cho đến ngàn vạn ức vô số kiếp, Bồ-tát đều có thể phân biệt biết được. Bồ-tát thấy người, quỷ thần, tùy theo nghiệp của họ mà sinh vào năm đường: Địa ngục, hoặc làm súc sinh, hoặc làm quỷ thần, hoặc sinh lên cõi trời hoặc làm thân người, có người sinh vào nhà giàu có an vui, có người sinh vào nhà ti tiện nghèo hèn.

Bồ-tát biết chúng sinh mê hoặc, bị năm ấm ngăn che, đó là: 1. Sắc; 2. Thọ; 3. Tưởng; 4. Hành; 5. Thức; đều chạy theo năm dục như: Mắt tham sắc, tai tham tiếng, mũi tham hương, lưỡi tham vị, thân tham xúc láng mịn… đưa đến ái dục. Hoặc đối với tài sắc mơ ước được an vui, từ đó phát sinh nguồn gốc ác, từ ác đưa đến khổ. Khả năng để đoạn tận ác tập là không theo tâm dâm, dù nhỏ như lông tóc, thực hành Bát chánh đạo, thì các khổ sẽ diệt. Thí như không có củi sẽ không có lửa. Gọi đó là đạo giải thoát vượt khỏi thế gian.

Bồ-tát tự biết đã bỏ gốc ác không dâm, nộ, si, đã dứt sinh tử, cội gốc đã đoạn, không còn tai nạn, việc làm đã xong, trí tuệ viên mãn.

Khi sao mai vừa mọc, Bồ-tát hoát nhiên đại ngộ, đắc đạo Vô thượng Chánh chân, trở thành Bậc Tối Chánh Giác, chứng đắc mười tám pháp Phật, mười thần lực và bốn vô sở úy.

Mười tám pháp Phật, nghĩa là từ lúc thành Phật cho đến lúc nhập Niết-bàn, là:

  1. Không mất đạọ.
  2. Không nói lời vô nghĩa.
  3. Luôn luôn chánh niệm.
  4. Luôn luôn tĩnh giác.
  5. Luôn luôn ở trong định.
  6. Luôn luôn tỉnh táo, quán xét.
  7. Ý chí độ sinh không giảm.
  8. Sự tinh tấn không giảm.
  9. Định ý không giảm.
  10. Trí tuệ không giảm.
  11. Sự giải thoát không giảm.
  12. Giải thoát tri kiến không giảm.
  13. Biết rõ tất cả việc quá khứ.
  14. Biết rõ tất cả việc vị lai.
  15. Biết rõ tất cả việc hiện tại.
  16. Quán sát hành động về thân bằng trí tuệ.\
  17. Quán sát ngôn hành bằng trí tuệ.
  18. Quán các ý hành bằng trí tuệ.

Đó là mười tám pháp bất cộng.

Mười thần lực là:

1. Đức Phật có tri kiến rất sâu xa vi diệu. Đó là xứ và phi xứ đều hiển lộ như thật hữu.

2. Đức Phật biết rõ nhân quả nghiệp báo đời vị lai, hiện tại và quá khứ của tất cả chúng sinh.

3. Đức Phật phân biệt được tất cả ý niệm khác nhau của trời, người và các chúng sinh.

4. Đức Phật biết hết bao nhiêu loại ngôn ngữ của chúng sinh và ngôn ngữ để độ đời.

5. Đức Phật biết rõ vô lượng tình thái phức tạp trong thế gian.

6. Đức Phật luôn luôn sống trong thiền định, hiểu rõ các loại thiền định và các tạp nhiễm của các thiền khác.

7. Đức Phật biết hết chỗ trói buộc hoặc cởi bỏ bí yếu của dục và điều nên thực hành.

8. Trí tuệ Đức Phật rộng như biển, ngôn ngữ hoàn toàn thiện, biết rõ túc mạng của tất cả chúng sinh.

9. Thiên nhãn thanh tịnh của Đức Phật thấy thần thức người và vật ra khỏi thân, khi dứt và thọ báo tùy theo thiện ác họa phước.

10. Đức Phật đã đoạn hết phiền não, không còn bị ràng buộc, trí tuệ hoàn toàn chân chánh tối thượng, tự chứng tri kiến, thấu suốt đạo hạnh. Điều đáng làm đã làm xong, không còn sinh tử, trí tuệ sâu xa sáng suốt.

Đó là mười thần lực của Phật.

Tứ vô sở úy là:

1. Thần trí chánh giác của Đức Phật không có gì là không biết. Nhưng người ngu si cho rằng Đức Phật không thể biết khắp. Đến Phạm, Ma các Thánh đều không thể bàn luận về trí tuệ của Phật được. Ngài đi một mình không sợ.

2. Đức Phật đã chấm dứt phiền não. Những người ngu si nói phiền não của Phật chưa hết. Đến Phạm, Ma, các Thánh đều không thể bàn luận chí của Phật được. Ngài đi một mình không sợ.

3. Đức Phật thuyết giới kinh, mọi người tụng tập. Người ngu si nói kinh Phật ngăn ngại. Đến Phạm, Ma, các Thánh đều không thể bàn luận hủy báng kinh điển chân chánh của Phật. Ngài đi một mình không sợ.

4. Đức Phật thể hiện đạo nghĩa, dạy những điều chân chánh và quan trọng vượt qua mọi khổ ách. Người ngu si nói Phật không thể độ chúng sinh hết khổ. Đến Phạm, Ma, các Thánh đều không thể bàn luận con đường chân chánh của Phật. Ngài đi khắp nơi không sợ.

Đức Phật đạt được pháp này với tất cả tri kiến, Ngài ngồi tư duy: “Đây là sự thật vi diệu, khó biết khó lường, rất khó đạt được đến cao tột vô thượng, rộng không biên giới, thăm thẳm không bờ đáy, sâu xa không thể đo, to lớn bao trùm khắp đất trời, mà nhỏ thì không chỗ nào.

Thuở xưa, khi Đức Phật Đăng Quang thọ ký Ta sẽ làm Phật hiệu là Thích-ca Văn, nay quả viên thành. Trải qua vô số kiếp, cần khổ tiến tu hôm nay mới đạt được đạo quả như vậy. Ta nhớ kiếp xưa, thực hành bao nhiêu công hạnh: Từ hiếu nhân nghĩa, chí thành kính lễ hiền thiện trung chánh, học đạo vô vi của bậc Thánh, giữ ý thanh tịnh nhu hòa, thực hành lục độ: Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Trí tuệ, Nhất tâm rốt ráo, hành Tứ đẳng tâm, từ bi cứu giúp, nuôi dưỡng chúng sinh xem như con đỏ. Thừa sự chư Phật, tích đức vô lượng, trải qua nhiều kiếp khổ nhọc tinh cần vẫn không quên công hạnh này, nay Ta đã thành tựu viên mãn.”

Đức Phật hoan hỷ nói kệ:

Nay làm Phật chí tôn,
Bỏ dâm sạch phiền não
Người theo đều hoan hỷ
Nguyện mầu được thành tựu
Ta sẽ vào Niết-bàn.

Khi Đức Phật mới đắc đạo, Ngài biết vì ăn quá ít nên thân thể gầy gò, Ngài từ từ đứng dậy xuống sông tắm gội.

Tắm xong, muốn lên bờ thì Ngài được Thiên thần đè cành cây thấp xuống để Ngài vịn mà lên.

Đức Phật trở lại ngồi dưới gốc cây, có năm trăm con chim Thanh tước bay đến lượn quanh Phật ba vòng rồi bay đi. Lại có người con gái của trưởng giả, mới lấy chồng phát nguyện nếu sinh con trai, sẽ nấu cháo đủ trăm vị để cúng thần núi rừng. Vì thế sau khi sinh được con trai, cô gái ấy rất vui mừng liền nấu cháo và dùng bát vàng để đựng. Cô gái rót cháo, bát và muỗng đều sạch sẽ, với lòng vô cùng tôn kính cô ta cùng hai thị nữ đi vào trong núi.

Từ xa cô gái thấy một cội cây đẹp, liền sai thị nữ đến đó trước quét dọn sạch sẽ, thị nữ đến nơi thấy có Đức Phật, không biết đây là vị thần gì, liền trở về báo với cô chủ:

-Có một vị thần ngồi dưới gốc cây.

Cô gái sai thị nữ đội cháo trăm vị lên đầu, quỳ xuống dâng thực phẩm bằng chiếc bát vàng.

Đức Phật dạy:

-Các con có ý tốt, hiện đời sẽ được phước đức, gặp được đạo.

Các cô gái chắp tay kính lễ Đức Phật và trở về.

Đức Phật dùng bát cháo xong, nhớ đến ba đời Đức Phật trước, khi mới đắc đạo đều có người hiến cúng thức ăn trăm vị dâng lên bằng chiếc bát vàng như thế này. Nay những chiếc bát ấy đều ở tại Long cung Văn lân. Đức Phật liền ném chiếc bát xuống dòng sông, tự nhiên bát trôi ngược dòng nước lên phía trên bảy dặm, chiếc bát của Phật chìm trên theo ba chiếc bát trước, cả bốn cái chồng lên nhau cùng loại như một. Long vương hoan hỷ biết là có Đức Phật.

Đức Phật thiền định trong bảy ngày hoàn toàn không dao động. Thần cây nghĩ Đức Phật mới đắc đạo an vui thiền tọa bảy ngày, chưa có ai cúng dường, ta phải tìm người cúng thức ăn cho Đức Phật.

Khi ấy có năm trăm khách buôn đi ngang qua bên núi, xe bò bị trở ngại không đi được, trong nhóm đi buôn có hai người làm trưởng đoàn: Một người tên Đề-vị, người thứ hai tên Ba-lợi sợ hãi, bảo với mọi người là hãy đến cầu nguyện thần núi.

Thần núi hiện ra chói sáng nói:

-Hiện có Đức Phật đang ở bên bờ sông Ni-liên-thiền, nước Ưu-lưu này, chưa có ai cúng dường thức ăn. Các ngươi may mắn có thiện ý được gặp Ngài trước, chắc chắn sẽ được phước lớn.

Người khách buôn nghe danh hiệu Phật rất vui mừng, nói: “Đức Phật là Đâng Chí Tôn duy nhất mà trời, thần đều cung kính, không phải hạng tầm thường”. Ông ta dùng gạo rang xay nhuyễn trộn với mật ong, đem đến gốc cây đảnh lễ dâng lên Đức Phật.

Đức Phật nhớ các vị Phật đời trước, nhận sự cúng dường đều trì bát, không phải như các đạo nhân khác nhận thức ăn bằng tay. Tứ Thiên vương từ xa biết Phật đang cần bát, nhanh như người lực sĩ co duỗi cánh tay, họ đã đến trên núi Át-na. Như ý họ nghĩ, tự nhiên trong đá hiện ra bốn chiếc bát sạch thơm. Bốn vị Thiên vương mỗi vị cầm một cái bát dâng lên Đức Phật, xin Phật thương xót cho người khách buôn cho họ được phước lớn. Do đó từ đây mới có bát sắt, sau này đệ tử Phật đều dùng để thọ thực. Đức Phật nghĩ: “Nếu chỉ lấy một bát, còn ba cái bát kia để lại, các vị Thiên vương sẽ không vui.” Ngài nhận cả bốn cái chồng lên tay trái, rồi lấy tay phải ấn xuống khiến bốn cái hợp thành một.

Đức Phật nhận cốm mật xong, bảo các người khách buôn:

-Các người nên quy y Phật, quy y Pháp. Nếu có chúng Tỳ-kheo thì nên tự quy y.

Mọi người đều vâng lời chỉ giáo xin quy y ba ngôi báu. Phật đứng lên đến nơi khác thọ thực. Thọ thực xong, Đức Phật chú nguyện cho các người khách buôn:

-Nay sự bố thí này sẽ làm cho người ăn được sức lực dồi dào, sẽ làm cho người thí đời đời được như ý, được sắc đẹp sức khỏe, được yêu mến, vui vẻ, an lành không bệnh, tuổi thọ được dài lâu, các quỷ ác tà mị không thể đến gần khuây phá. Vì có thiện tâm nên lập gốc đức vững, các quỷ thần thiện, trời thường ủng hộ, khai mở đạo tràng, lợi ích tốt đẹp, không gặp gian nan, hoạn nạn. Làm người có chánh kiến hoan hỷ kính tin thuần khiết, không lỗi lầm; bố thí người có đạo đức, phước càng lớn dần dần tăng trưởng, may mắn tốt đẹp. Ngũ tinh, mặt trời, mặt trăng, hai mươi tám ngôi sao, trời, thần, quỷ vương thường theo hỗ trợ.

Đại vương của bốn cõi trời thường ban thưởng cho người hiền thiện. Đông Đề-đầu-lại, Nam Duy-thiểm-văn, Tây Duy-lâu-lặc, Bắc Câu-quân-la cũng thường ủng hộ các ngươi khiến cho không gặp điều bất trắc, có trí tuệ nghiên tầm học hỏi kính tin Phật, Pháp, Tăng, từ bỏ các việc ác, không tự buông lung, được cát tường trong hiện tại.

Gieo phước sẽ được phước, hành đạo sẽ đắc đạo. Do nhờ đầu tiên gặp Phật, các ngươi một lòng tôn kính phụng sự, từ đó đưa đến phước báo đệ nhất, hiện đời được chư thần ủng hộ, hiểu rõ chân lý, giàu sang sống lâu, đạt đến Niết-bàn.

Vì dùng cốm mật mát, Đức Phật phát nội phong. Đế Thích biết ngay, liền đến chỗ cây Diêm-phù-đề ở trên thượng giới hái quả thuốc A-lê-lặc, đem đến bạch Phật:

-Quả này thơm ngon, có thể dùng để trị bệnh nội phong rất hay. Đức Phật dùng quả A-lê-lặc, bệnh liền khỏi ngay. Ngài đi đến bên bờ sông Văn lân cổ long vô đề, thiền định trong bảy ngày, không còn trụ vào hơi thở, hào quang chiếu sáng cả dòng sông. Mắt Long vương mở ra, tự biết như trước, đã thây ánh sáng của ba Bậc Chánh Giác rõ ràng trước mắt.

Long vương hoan hỷ tắm gội bằng các danh hương Chiên-đàn, tô hợp, ra khỏi nước, thấy Phật tướng tốt bóng sáng như cây có hoa. Long vương nhiễu chung quanh Phật bảy vòng thân cách chỗ Phật bốn mươi dặm, rồng có bảy đầu làm mạng lưới che trên Đức Phật, ý rồng muốn dùng mạng lưới này để che chắn muỗi mòng, nóng lạnh.

Khi ấy trời mưa bảy ngày liền, rồng vẫn nhất tâm, không đói không khát, bảy ngày mưa mới dứt, Đức Phật xuất thiền. Long vương tự hóa làm đạo nhân nhỏ tuổi, phục sức xinh đẹp, cung kính đảnh lễ thăm hỏi Phật:

-Ngài không bị lạnh, không bị nóng, không bị ruồi muỗi làm phiền chung quanh chứ?

Đức Phật đáp:

Từ lâu nơi vắng vẻ
Nghĩ đạo đạt phước nhanh,
Xưa mong muốn được nghe
Đến nay biết thật nhanh,
Không bị bạo quấy nhiễu
Làm an chúng sinh nhanh,
Độ đời dứt ba độc
Đạt Niết-bàn Phật nhanh,
Sinh đời được gặp Phật
Nghe thọ kinh pháp nhanh,
Được cùng Bích-chi-phật
Gặp gỡ Chân nhân nhanh,
Không làm việc người ngu
Lìa được người ác nhanh,
Có trí phân chân ngụy
Biết tin chánh đạo nhanh.

Đức Phật bảo Long vương.

-Nay ngươi nên quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo Tăng.

Long vương thọ tam quy, trong loài súc sinh thì rồng được gặp Phật đầu tiên.

Phật dùng thần túc, dời tòa vào trong thất đá. Ngài nghĩ đến bản nguyện muốn cứu độ chúng sinh. Ngài tư duy về cội nguồn sinh tử, từ pháp mười hai nhân duyên phát khởi: “Do pháp nhân duyên khởi cho nên có sinh tử, nếu pháp nhân duyên diệt thì sinh tử diệt: vì làm như vậy, nên đạt được như vậy. Tất cả chúng sinh, ý là tinh thần tối tăm mờ mịt, hoảng hốt vô hình, khởi ra thức tưởng, tùy theo nghiệp thọ thân, nhưng thân không làm chủ. Thần thức vô thường, thức tâm biến hóa vẫn đục khó trong sạch, tự sinh tự diệt chưa từng ngừng nghỉ, một niệm vừa dứt một niệm lại sinh. Giống như bọt nước, giọt này vừa tan, lại tiếp nối giọt khác. Đến như ba cõi: Dục, sắc, Vô sắc chín đường đều buộc nơi Thức, không thoát được khổ đau mê muội, không biết tự giác. Cho nên gọi đó là si, không biết đạo mầu tối thượng của Phật, vốn vắng lặng vô niệm mà ý của kẻ phàm phu thế gian không thể biết được.

Đạo thuật đạo thế gian có chín mươi sáu loại, loại nào cũng tin sự thờ phụng của mình, họ làm sao biết được sự mê hoặc của nó? Chúng sinh tham đắm sống an nhàn, ưa thích ăn uống, đam mê thinh sắc, cho nên không thể ưa Phật đạo. Phật đạo thanh tịnh rỗng không, không sở hữu, kể cả thân mạng, vạn vật cũng không trường tồn. Giả sử Ta nói với họ thế gian là khổ, rỗng không, không sở hữu thì ai có thể tin được điều ấy? Thật là khó khăn cho Ta! Ta muốn mặc nhiên im lặng, không thuyết pháp cho thế gian.”

Đức Phật liền nhập định ý, phóng ánh sáng giữa chân mày chiếu đến tầng trời thứ bảy. Trời Đại Phạm biết Đức Phật muốn nhập Niết-bàn. Vì xót thương ba cõi đều bị suy hoại lâu dài, không bao giờ hiểu được giáo pháp xuất thế gian, sau khi chết lại đọa vào ba đường ác, biết bao giờ mới thoát luân hồi, vì lâu xa mới có một Đức Phật. Khó thay được gặp Phật, giống như hoa Ưu-đàm, nên bấy giờ Phạm thiên vì trời, người mà tha thiết thỉnh cầu xin Đức Phật thuyết kinh. Đại Phạm nói với Đế Thích:

-Đem thiên nhạc Bàn-giá đến thạch thất.

Đức Phật mới xuất thiền, Bàn-giá đánh đàn và ca rằng:

Nghe con ca mười lực
Bỏ triền cái thiền định
Hào quang chiếu bảy trời
Hương đức vượt chiên-đàn
Vua trời thần diệu đến
Ngưỡng mộ mong thấy Phật
Phạm, Thích đều tôn kính
Cúi đầu muốn được nghe.
Nguyện bản sinh của Ngài
Tinh tấn qua trăm kiếp
Đại bố thí, Tứ đẳng
Mười lực thọ ân rộng
Trì tịnh giới không nhơ
Từ bi giúp muôn loài
Cương quyết nhập thiền trí
Trải đại bi đi qua
Khổ hạnh nhiều vô số
Công huân đến nay thành
Sức giới, nhẫn, định, tuệ,
Đã thu phục ma nhiễu
Oai đức trùm thiên hạ
Thần trí hơn Thánh linh
Tướng hảo không ai sánh
Tám tiếng vang mười phương
Chí cao như Tu-di
Thanh tịnh không thể bàn,
Dứt hẳn dâm, giận, si
Không còn họa già chết
Tư duy theo định giác
Thương xót khắp trời người
Khai mở kho pháp báu
Ban trải cam lộ quý
Khiến cởi bỏ sợ lo
Nguy ách được an lành
Mê hoặc, thấy chánh đạo
Tà ngụy gặp chân ngôn
Tất cả đều ưa thích
Muốn nghe thọ không nhàm
Xin mở pháp bất tử
Hóa độ cõi vô cùng.

Đức Phật đã biết tất cả, liền xuất định. Phạm thiên bạch Phật:

-Từ kiếp lâu xa đến nay, con được gặp Phật. Chư Thiên hân hoan vui mừng muốn được nghe giáo pháp. Xin Ngài hãy thuyết kinh cho thế gian. Mong Phật chớ vào Niết-bàn mà hãy vì chúng sinh ngu muội không có mắt trí tuệ, chỉ dạy con đường từ bi khiến chúng sinh được giải thoát. Trong chư Thiên và loài người có nhiều bậc hiền thiện, thích đạo và mau hiểu pháp, cũng có người tinh tấn, có thể thọ giới pháp, rất sợ ba đường ác. Xin Ngài mở kho báu pháp, rưới nước cam lộ khiến cho nhiều người được hưởng thọ.

Khi cõi đời không có Phật, con thấy các đạo nhân khác còn đủ ba độc, tự ý sáng tác kinh điển mà mọi người học pháp không chân thật đó, huống gì đạo thanh tịnh, không còn dâm, nộ, si của Phật? Cúi xin Phật thuyết pháp cho chúng sinh được nghe đạo chí thành.

Đức Phật dạy:

-Lành thay, lành thay! Phạm thiên muốn ban bố an lạc cứu độ cùng khắp các thế gian, an ủi cứu giúp chúng sinh làm cho họ được giải thoát. Ta nghĩ thế gian tham ái, tham dục, đọa trong khổ sinh tử ít có thể tự giác, vốn phát sinh từ mười hai nhân duyên: Si duyên Si, Hành duyên Hành, Thức duyên Thức, Danh tượng duyên Danh tượng, Lục nhập duyên Lục nhập, Cánh lạc duyên Cánh lạc, Thống duyên Thống, Ái duyên Ái, Thọ duyên Thọ, Hữu duyên Hữu, Sinh duyên Lão, tử, ưu, bi, khổ, não sầu lo. Có đủ đại họa này, thần thức từ đây chuyển thọ sinh tử. Người muốn đắc đạo nên đoạn tham ái, diệt trừ dục tình, vô vi vô khởi. Như thế Si diệt, Si diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh tượng diệt, Danh tượng diệt thì Lục nhập diệt, Lục nhập diệt thì Cánh lạc diệt, Cánh lạc diệt thì Thống diệt, Thông diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Sinh diệt, Sinh diệt thì Lão, tử, ưu, bi, khổ, não đều đoạn tận. Đó gọi là đắc đạo, chỉ có Đức Phật mới giác ngộ được, vì các pháp này sâu xa khó hiểu, pháp trí tuệ thanh tịnh này kẻ phàm phu thế gian không thể biết được.

Đạo thuật thế gian có chín mươi sáu loại, mỗi loại có cách thờ phụng khác nhau: hoặc thờ ngũ tinh, mặt trời, mặt trăng, trời đất hoặc thờ nước, lửa, quỷ, thần, rồng… tất cả vì muốn cầu an ổn trong đời sống, tham dục, tham vị, Ưa thích thanh, sắc, cho nên không thể ưa thích Phật đạo, không nghe kinh Phật, không biết pháp yếu. Kẻ phàm phu tâm ý sai lầm, cho rằng thân này và vạn vật thường còn. Nếu Ta nói với họ rằng những gì hiện hữu đều vô thường, có thân đều có khổ, thân này thật chẳng phải của ta, rỗng không không có sở hữu, bà con họ hàng chẳng phải của ta. Những lời nói chân chánh đó giống như ngược đời, ai mà chịu tin điều này? Thật khó khăn cho Ta! Chi bằng Ta nhập vào Niết-bàn! Cho nên chỉ muốn im lặng mà thôi.

Phạm vương lại thỉnh:

Người trong thế gian từ vô số kiếp
Trong tử sinh khó nghe kinh Phật
Phật hiện trong đời cứu muôn loài
Nay đạt nguyện rồi, đời khó có
Con kính lễ Phật, Đấng Cao Tột
Thế gian buộc mãi trong tối tăm
Phát khởi mười lực trí vô biên
Sẽ mở kho pháp, ban tuệ sáng
Chiếu khắp trời người khiến khai ngộ.
Phật độ tất cả, con quy kính!
Ngài từng phát nguyện vì người khổ
Tinh cần tích đức nguyện viên thành
Thương chúng sinh vô minh lão tử
Xin ban thuốc pháp cứu bệnh đau
Phật từ vô thượng, con kính thỉnh!

Đức Phật nhận lời thỉnh của Phạm thiên, Ngài nghĩ ai có thể được hóa độ? -Ngày xưa phụ vương sai năm người theo hầu ta, nay họ đang ở trong núi. Đức Phật đi vào núi. Năm người kia trông thấy Phật họ nói với nhau:

-Người kia đến đây, chúng ta cẩn thận đừng đứng dậy.

Khi Đức Phật đến, năm người đều đứng dậy và bất chợt đảnh lễ Ngài. Đức Phật hỏi:

-Các ông đã dặn lòng sao không giữ vững? Các ông dặn nhau khi Ta đến chớ đứng dậy, sao lại đảnh lễ Ta?

Năm người không trả lời được, họ xin làm đệ tử Phật. Đức Phật đưa tay xoa đầu năm người cho làm Sa-môn. Năm người đi đến những gốc cây, mỗi người đều ngồi tư duy Đức Phật.

Đức Phật lại nhớ đến ông Ưu-vi Ca-diếp ở gần đấy, ông dũng mãnh và thông minh xuất chúng lại có danh tiếng, từ vua quan, dân chúng ai cũng tôn sùng. Ông ta cùng năm trăm đệ tử đang ở bên bờ sông Ni-liên-thiền, Đức Phật muốn hóa độ ông trước khiến cho ông ta được liễu ngộ hoan hỷ, tin Ưa Phật pháp. Đức Phật cùng những người theo học đi đến chỗ Ca-diếp.

Ca-diếp thấy Đức Phật, đứng dậy nghênh đón ca ngợi:

-Hạnh phúc thay! Bậc Đại Đạo Nhân đến đây. Ngài có được khỏe không?

Đức Phật đáp:

Vô bệnh phúc lợi nhất
Tri túc giàu có nhất
Bạn tốt thân hậu nhất
Niết-bàn an vui nhất.

Ca-diếp thưa:

-Đức Thế Tôn có điều chi dạy bảo.

Đức Phật dạy:

-Ta muốn nói với ông một việc, ông hãy bình thản đừng nổi giận, cảm phiền cho ta mượn ngôi nhà lửa ở trong đó một đêm.

Ông ta đáp;

-Tôi không thích như vậy, vì trong đó có một con rồng độc, sợ nó sẽ hại Ngài.

Đức Phật bảo:

-Không, rồng độc không hại Ta đâu.

Đức Phật mượn đến ba lần, Ca-diếp nói:

-Dĩ nhiên là Đại Đạo Nhân đức cao có thể ở trong nhà đó rất an ổn.

Đức Phật tắm gội sạch rồi vào trong nhà lửa, lấy cỏ trải dưới đất, Ngài ngồi được giây lát thì độc long nổi sân giận, trong thân phun ra khói, Đức Phật cũng hiện thần thông phun khói từ trong thân ra. Rồng càng phẫn nộ, toàn thân phun ra lửa, Đức Phật cũng hiện thần thông thân phóng ra ánh lửa. Ngọn lửa của rồng, ánh sáng của Phật, lúc đó đều bốc mạnh làm cho ngôi thất đá bừng cháy. Khói lửa đã bốc lên cao, giống như tình trạng bị hỏa hoạn. Đang đêm Ca-diếp dậy nhìn sao, thấy ngôi thất lửa cháy rực, ông la lên:

-Ôi thôi! Khá tiếc cho Đại Sa-môn đoan chánh, không nghe theo lời ta để đến nỗi bị độc long làm hại.

Đức Phật biết ý Ca-diếp, Ngài ở trong thất dùng đại thần lực tiêu diệt sự độc hại của rồng và hàng phục con rồng để vào trong bát của Ngài.

Lúc ấy Ca-diếp hoảng hốt sai năm trăm đệ tử đem một bình nước để dập tắt ngọn lửa, nhưng hễ xịt một bình nước thì thành một ngọn lửa. Thầy trò càng kinh hoảng cùng than:

-Ôi chao đại đạo nhân đã bị chết rồi!

Sáng sớm Đức Phật cầm bình bát đựng độc long đi ra. Ca-diếp kinh hãi nói:

-Đại đạo nhân vẫn còn sống sao? Cái gì ở trong bát ấy vậy?

Đức Phật đáp:

-Đương nhiên là Ta còn sống, còn trong bát này chính là con độc long.

Mọi người sợ hãi không dám vào thất. Đức Phật nói:

-Ta đã hàng phục độc long và truyền giới cho nó rồi.

Ca-diếp tự cho là mình đã đắc đạo, gọi Phật là phi chân, quay lại nói với các đệ tử:

-Vị Đại Sa-môn này là bậc Thần cao tột, tuy nhiên vị thần này chưa đắc đạo, không bằng ta đã chứng quả La-hán.

Đức Phật đi đến gần Ca-diếp ngồi xuống một gốc cây. Đêm thứ nhất Tứ Thiên vương cùng xuống nghe Phật thuyết kinh. Tứ vương có thân hình chói sáng rực rỡ như lửa. Ca-diếp đang đêm dậy, trông thấy Đức Phật bên cạnh có bốn ngọn lửa. Sáng sớm ông ta đến hỏi:

-Đại đạo nhân mà cũng thờ lửa sao?

Đức Phật đáp:

-Ta không thờ lửa.

Ca-diếp nói:

-Chứ sao tối hôm qua ở đây có bốn ngọn lửa?

Đức Phật bảo:

-Tối hôm qua có Tứ Thiên vương xuống đây nghe kinh, đó là ánh sáng của các ông ấy.

Ca-diếp suy nghĩ: “Vị Đại Sa-môn này là thần cao tột, tuy nhiên vị thần này vẫn chưa đắc đạo, không bằng ta đã chứng quả La-hán”.

Đức Phật dừng lại dưới gốc cây. Đêm thứ hai, Thiên đế Thích nửa đêm lại xuống nghe Phật thuyết kinh. Đế Thích với hào quang chiếu sáng rực rỡ còn hơn cả ánh sáng lớn. Ca-diếp đang đêm dậy trông thấy một bên Đức Phật có lửa sáng gấp bội hơn cả ánh sáng tối hôm qua, ông suy nghĩ: “Vị Đại Sa-môn này tiếp tục thờ lửa”.

Sáng sớm ông ta lại đến hỏi Phật:

-Đại đạo nhân thờ thần lửa phải không?

Đức Phật đáp:

-Không, tối hôm qua Đế Thích xuống đây nghe thuyết kinh nên có tướng chói sáng như vậy.

Ca-diếp suy nghĩ: “Vị Đại Sa-môn này chính là Bậc Đại thần thánh, tuy nhiên chưa đắc đạo, không bằng ta đã chứng quả La-hán.”

Đêm sau lại có đệ thất Phạm thiên đến nghe kinh, tướng chói sáng của Phạm thiên gấp bội hơn trời Đế Thích.

Ca-diếp nửa đêm thức dậy, trông thấy ánh sáng bên Đức Phật còn rạng rỡ hơn đêm qua. Sáng sớm ông ta lại hỏi:

-Đại đạo nhân thờ lửa chăng?

Đức Phật đáp:

-Ta không thờ lửa.

Ca-diếp lại hỏi:

-Vậy thì tối hôm qua sao lại có ánh sáng chiếu gấp bội?

Đức Phật nói:

-Tối hôm qua Phạm thiên xuống đây nghe kinh, đó là tướng chói sáng của ông ta.

Ca-diếp lại suy nghĩ: “Vị Đại Sa-môn này tuy có thần túc, nhưng chưa đắc đạo, không bằng ta đã chứng quả La-hán”.

Năm trăm đệ tử Ca-diếp, mỗi người thờ ba ngọn lửa tổng cộng là một ngàn năm trăm ngọn. Sáng sớm họ đốt lửa, nhưng lửa không cháy, lấy làm lạ, họ bạch thầy, thầy nói:

-Ta nghi đây là do Đại Sa-môn làm.

Ca-diếp đến hỏi Phật:

-Năm trăm người đệ tử của tôi thường thờ một ngàn năm trăm ngọn lửa, sáng hôm nay họ đốt lửa, nhưng các ngọn lửa đều không cháy, có phái do Đại Đạo Nhân làm không?

Đức Phật đáp:

-Bây giờ ông có muốn làm cho lửa cháy không?

Đức Phật hỏi đến ba lần, Ca-diếp đều đáp là muốn.

Đức Phật bảo:

-Ông về đi lửa sẽ cháy.

Theo lời nói, các ngọn lửa đều cháy. Ca-diếp lại nghĩ: “Đại Sa-môn này tuy có thần túc nhưng chưa đắc đạo, không bằng ta đã chứng quả La-hán”.

Ca-diếp cũng thờ ba ngọn lửa, buổi sáng sớm ông ta đốt lửa, lửa lại không cháy. Ông nghĩ lại là Đại Sa-môn làm chứ không ai cả, liền đến hỏi Đức Phật:

-Tôi thờ ba ngọn lửa, sáng nay đốt lửa, lửa không cháy được. Tôi nghĩ là Đại Sa-môn làm phải không?

Đức Phật đáp:

-Ông có muốn lửa cháy trở lại không?

Đức Phật hỏi đến ba lần, Ca-diếp đều nói muốn.

Đức Phật bảo:

-Hãy về đi, lửa sẽ cháy.

Theo lời nói, các ngọn lửa đều cháy.

Ca-diếp lại suy nghĩ: “Đại Sa-môn tuy có thần túc, nhưng chưa đắc đạo, không bằng ta đã chứng quả La-hán”.

Sau khi lửa cháy, Ca-diếp lại muốn lửa tắt nhưng không thể làm cho tắt được. Năm trăm đệ tử và các người thờ lửa cùng góp sức hỗ trợ làm cho lửa tắt mà lửa vẫn không tắt. Họ đều nói: “Đây là do Đại Sa-môn làm chứ không ai cả”.

Ca-diếp đến hỏi Phật:

-Lửa đã cháy rồi nay không thể dập tắt được.

Đức Phật bảo:

-Ông có muốn dập tắt lửa không?

Ca-diếp thưa:

-Muốn.

Đức Phật bảo:

-Hãy về đi, lửa sẽ tắt.

Tức thời tất cả lửa đều tắt. Ca-diếp suy nghĩ như cũ: “Vị Đại Sa-môn tuy có thần túc, nhưng chẳng bằng chân đạo của ta”.

Ca-diếp đến bạch Phật:

-Xin đại đạo nhân hãy ở lại đây đừng đi đâu xa. Ta sẽ cung cấp thực phẩm cho Ngài.

Ca-diếp trở về, ra lệnh cho người nhà: ngày mai hãy làm cơm thật ngon, chuẩn bị giường ghế. Đến giờ cơm, đích thân Ca-diếp đi thỉnh Phật.

Đức Phật dạy:

-Ông hãy về trước đi, Ta sẽ đến sau.

Ca-diếp vừa đi, như người co duỗi cánh tay, Đức Phật đã đến thế giới Phất-vu-đãi cách hàng mấy ngàn ức vạn dặm về hướng Đông, hái quả Diêm-bặc bỏ đầy bát rồi trở về. Ca-diếp vẫn chưa đến, Đức Phật đã ngồi trên tòa của mình.

Ca-diếp đến hỏi:

-Đại đạo nhân đi đường nào đến đây?

Đức Phật đáp:

-Sau khi ông đi rồi, Ta đến cõi Phất-vu-đãi phía Đông, hái quả Diêm-bặc mùi vị rất ngon, có thể ăn được. Ông hãy lấy ăn thử. Đức Phật thọ thực xong rồi ra đi, Ca-diếp tiếp tục suy nghĩ: “Vị Đại Sa- môn này tuy có thần túc, nhưng không bằng chân đạo của ta”.

Sáng hôm sau, đến giờ ăn Ca-diếp lại thỉnh Đức Phật, Đức Phật nhận lời, bảo Ca-diếp đi trước Ngài sẽ đi sau. Ca-diếp ra đi rồi, Đức Phật lại đi về phía Nam cuối cõi Diêm-phù-đề khoảng vài ngàn vạn dặm, hái quả A-lê-lặc bỏ đầy bát rồi trở về. Ca-diếp vẫn chưa về, Đức Phật đã ngồi trên tòa. Ca-diếp đến nơi hỏi:

-Vì sao Ngài đến đây trước được?

Đức Phật đáp:

-Sau khi ông đi rồi, Ta đi đến phía Nam cuối cõi này hái quả A- lê-lặc cũng có mùi vị thơm và ăn được. Ông hãy lấy ra dùng. Đức Phật thọ thực xong rồi đi, Ca-diếp tiếp tục suy nghĩ: “Vị Đại Sa-môn này tuy có thần túc nhưng không bằng chân đạo của ta”.

Sáng ngày sau Ca-diếp lại đến thỉnh Phật. Đức Phật chấp thuận, bảo Ca-diếp đi trước Ngài sẽ đến sau. Khi Ca-diếp ra đi rồi, Đức Phật đi về phía Tây đến cõi Câu-da-ni cách vài ngàn ức dặm, hái quả A-ma-lặc bỏ đầy bát rồi trở về. Ngài về trước Ca-diếp và ngồi lên tòa của mình. Ca-diếp đến sau, hỏi:

-Đại nhân đi ngã nào về đây?

Đức Phật đáp:

-Sau khi ông đi rồi, Ta đi về phía Tây cõi Câu-da-ni hái quả A-ma-lặc, mùi vị thơm có thể ăn được. Ông hãy lấy ra ăn.

Ca-diếp lại suy nghĩ: “Vị Đại Sa-môn này tuy có thần túc, nhưng không bằng chân đạo của ta”.

Sáng hôm sau Ca-diếp lại thỉnh Phật. Đức Phật bằng lòng bảo Ca-diếp đi trước, Ngài đi sau. Ca-diếp nhìn lui lại bỗng nhiên không thấy Đức Phật. Đức Phật dùng thần túc lên phía Bắc, đến cõi Uất- đơn-việt, cách vài ngàn ức dặm, lấy lúa gạo tự nhiên đựng đầy bát trở về. Ngài đến trước Ca-diếp và ngồi lên tòa của mình. Ca-diếp đến sau hỏi:

-Đại đạo nhân lại đi đường nào đến đây?

Đức Phật đáp:

-Khi người đã đi rồi, Ta đi về phương Bắc đến xứ Uất-đơn-việt lấy thứ gạo đã chín có mùi vị thơm ngon, ông hãy lấy ăn thử.

Đức Phật thọ trai xong trở về, Ca-diếp lại suy nghĩ: “Vị Đại Sa- môn này tuy có thần túc nhưng không bằng chân đạo của ta”.

Ngày hôm sau, đến giờ thọ trai, Đức Phật ôm bình bát tự đến nhà Ca-diếp nhận thực phẩm rồi về. Đến chỗ yên tịnh Đức Phật thọ thực xong và muốn súc miệng, Thiên đế biết ý Phật liền đến chỗ Ngài, lấy tay chỉ đất, nước chảy thành ao để cho Phật dùng.

Vào lúc xế trưa, Ca-diếp đi dạo quanh trong xóm, thấy có suối nước, lấy làm lạ hỏi Phật:

-Vì sao có con suối này?

Đức Phật đáp:

-Buổi sáng Ta đến nhà ông khất thực, lúc trở về ngang đây thọ thực xong, có ý muốn súc miệng, Thiên đế Thích chỉ đất làm cho nước chảy ra. Ông phải gọi đây là ao Chỉ địa.

Ca-diếp lại nghĩ: “Vị Đại Sa-môn này tuy có thần túc, nhưng không bằng chân đạo của ta”.

Đức Phật trở về dưới gốc cây, giữa đường thấy y rách ai bỏ Ngài muốn lấy giặt. Trời Đế Thích biết ý Phật, liền lên trên núi Át- na lấy tảng đá vuông vức, đẹp, bằng thẳng đem đến bên bờ ao bạch Phật:

-Ngài có thể dùng để giặt y.

Đức Phật giặt xong muốn phơi y, Thiên đế Thích lại đi lấy tảng đá sáu cạnh đem đến để Phật dùng phơi y.

Ca-diếp thấy bên bờ ao có hai viên đá tốt, lại hỏi Phật:

-Vì sao có đá tốt này?

Phật đáp:

-Ta muốn giặt y và phơi y, Thiên đế Thích đến núi Át-na đem hai tảng đá này đến cho Ta dùng.

Ca-diếp lại suy nghĩ: “Vị Đại Sa-môn này tuy là có thần túc nhưng không có bằng chân đạo của ta”.

Đức Phật sau khi vào ao Chỉ địa tắm gội xong muốn lên bờ mà không có chỗ vịn, trên bờ ao vốn có cây tên Ca-hòa rất cao lớn đẹp đẽ, cây đó tự nhiên cong xuống đến chỗ Phật. Phật vịn cây lên bờ.

Ca-diếp thấy cây cong xuống rủ bóng mát, lấy làm quái lạ nên hỏi Phật. Đức Phật đáp:

-Ta vào ao tắm, muốn lên bờ mà không có chỗ vịn, cho nên thần cây làm cho cành cong lại để Ta lên bờ.

Ca-diếp lại nghĩ: “Vị Đại Sa-môn này tuy có thần túc nhưng không bằng chân đạo của ta”.

Khi ấy vua Ma-kiệt và các quan dân, vào ngày lễ hội trong năm họ cùng đến chỗ Ca-diếp vui chơi bảy ngày.

Ca-diếp suy nghĩ: ‘Thật có trí thần thánh sáng suốt, mọi người thấy Phật ắt sẽ bỏ ta mà không thờ phụng ta nữa, phải làm thế nào để ông ấy bỏ đi, cho ta vui chơi bảy ngày.

Đức Phật biết ý Ca-diếp, liền ẩn đi bảy ngày. Sau bảy ngày, Ca-diếp lại suy nghĩ: ‘Trong thời gian bảy ngày ta có lễ hội còn lại rất nhiều thức ăn, phải chi có Đại Sa-môn đến dùng cơm thì vui biết bao”.

Đức Phật từ xa biết ý Ca-diếp, liền đến ngay. Ca-diếp vui mừng nói:

-Đại đạo nhân đến, thật hay quá! Tôi cúng dường Ngài, nhưng trong thời gian bảy ngày không biết Ngài ở đâu?

Đức Phật nói:

-Trong lúc vua cùng các quan dân đến đây dự lễ hội bảy ngày, ông đã nghĩ rằng: “Vị Đại Sa-môn này thật là trí tuệ thần thánh sáng suốt;, nếu mọi người thấy ông ta ắt sẽ bỏ ta và không thờ phụng ta nữa, phải làm thế nào để ông ấy bỏ đi, cho ta vui chơi bảy ngày.” Vì thế nên Ta đi. Nay ông nghĩ nhớ đến Ta nên Ta trở lại.

Ca-diếp lại nghĩ: “Vị Đại Sa-môn này mới biết ý người, tuy nhiên không bằng chân đạo của ta”.

Bấy giờ năm trăm đệ tử của Ca-diếp đều đi chặt củi, mỗi người vác theo một cái búa, nhưng các búa ấy đều không chặt được. Họ hoảng sợ đến bạch thầy, thầy nói:

-Đúng là Đại Sa-môn làm chứ không ai cả.

Ca-diếp đến hỏi Phật:

-Các đệ tử của tôi cùng đi chặt củi, đưa búa lên nhưng hạ xuống không được.

Đức Phật nói:

-Người về đi, búa sẽ hạ xuống được.

Các búa đều hạ xuống, sau khi búa hạ xuống lại dính vào củi không nhấc lên được. Ca-diếp lại đến bạch Phật:

-Nay búa đã hạ xuống rồi không nhấc lên được.

Đức Phật đáp:

-Hãy về đi, Ta sẽ làm cho búa nhấc lên được.

Ngài làm cho búa nhấc lên sử dụng được.

Ca-diếp lại nghĩ: “Vị Đại Sa-môn này có thần túc nhưng không bằng chân đạo của ta”.

Lúc ấy nước sông Ni-liên-thiền chảy xiết Đức Phật dùng thần thông tự nhiên làm cho nước đứng yên một chỗ, khiến nước bị nghẽn dâng lên cao quá đầu người, làm cho bụi dưới đáy sông bốc lên cao rồi Đức Phật đi trong đó.

Ca-diếp sợ Phật bị nước cuốn trôi liền cùng các đệ tử đến đó, họ ngồi trên thuyền đi tìm Phật. Ca-diếp thấy nước bị nghẽn gián đoạn, chính giữa bụi bay lên và Phật đi trong đó. Ca-diếp kêu lên:

-Đại đạo nhân vẫn còn sống ư?

Đức Phật đáp:

-Dĩ nhiên, Ta vẫn còn sống.

Ca-diếp hỏi:

-Ngài có muốn lên thuyền không?

Đức Phật bảo:

-Rất tốt.

Đức Phật phát sinh ý nghĩ: “Nay Ta phải hiện thần thông để ông ta tâm phục”. Ngài liền từ trong nước xuyên qua dưới đáy thuyền vào mà không có dấu vết xuyên qua.

Ca-diếp lại nghĩ: “Vị Đại Sa-môn này tuy có thần túc nhưng chưa đắc đạo, không bằng ta đã chứng qụả La-hán”.

Đức Phật nói với Ca-diếp:

-Ngươi chẳng phải là La-hán cũng không biết đạo chân chánh, thật là luông dối mà tự xưng là tôn quý ư?

Lúc ấy Ca-diếp kinh sợ lông tóc dựng ngược, tự biết mình chưa chứng đạo, liền cúi đầu thưa:

-Đại đạo nhân thật là Thần thánh mới biết được tâm chí của con, chúng con có thể theo đại đạo nhân lãnh thọ giới pháp và làm Sa-môn chăng?

Đức Phật đáp:

-Ông hãy về báo cho các đệ tử của ông biết điều tốt đẹp lợi ích này. Ông là bậc Đại trưởng giả, là nơi mà trong nước trông nhờ, nay ông muốn học đạo lớn ông không thể biết một mình được.

Ca-diếp nghe lời Phật dạy, trở về báo với các đệ tử:

-Các ông có biết chăng? Chính mắt ta thấy ý ta mới tin, ta sẽ cạo bỏ râu tóc, mặc pháp y, lãnh thọ giới pháp của Phật để làm Sa-môn. Các ông muốn đi theo đường nào?

Năm trăm đệ tử đáp:

-Sự hiểu biết của chúng con là nhờ ân đại sư, vì thế thầy kính tín nơi nào chắc là không hư vọng, xin cho chúng con theo thầy làm Sa-môn.

Lúc đó thầy trò Ca-diếp cởi áo lông cừu, lấy bình nước, cây gậy, giầy dép và các dụng cụ thờ lửa đều ném xuống sông, rồi cùng nhau đến chỗ Đức Phật, cúi đầu bạch Phật:

-Đệ tử năm trăm người chúng con do có lòng tin, xin được từ bỏ gia đình, cạo bỏ râu tóc, y lãnh thọ giới pháp Phật.

Đức Phật dạy:

-Được, các Sa-môn hãy đến đây!

Ca-diếp và năm trăm đệ tử tự nhiên râu tóc đều rụng, trở thành Sa-môn.

Ưu-vi Ca-diếp có hai người em là Na-đề Ca-diếp và Yết-di Ca- diếp, mỗi người em như vậy có hai trăm năm mươi đệ tử, ở nhà lá ven sông, thấy y phục, đồ vật, các dụng cụ thờ lửa của các Phạm chí trôi theo dòng nước, hai người em kinh ngạc, sợ anh mình và năm trăm đệ tử của họ bị người ác làm hại hoặc bị nước lớn cuốn trôi, liền cùng năm trăm đệ tử đi ngược dòng nước, lên phía trên thì thấy thầy trò của anh đều làm Sa-môn. Họ ngạc nhiên hỏi:

-Đại huynh đã một trăm hai mươi tuổi, trí tuệ cao vời, quốc vương, quan dân đều hết lòng tôn thờ, chúng tôi cho rằng anh là vị La-hán. Nay anh bỏ đạo Phạm chí, học pháp Sa-môn, việc này chẳng phải nhỏ, vì Phật đâu có thể vượt hơn đạo của anh.

Ca-diếp đáp:

-Phật đạo tối thắng, giáo pháp của Ngài vô lượng, ta tuy học thế gian nhưng chưa từng có ai trí thần đắc đạo như Phật, giới kinh của Ngài rất thanh tịnh sâu xa. Ta nay đem lòng từ bi cứu độ mọi người, lấy ba việc giáo hóa:

  1. Đạo định thần túc biến hóa tự nhiên.
  2. Dùng trí tuệ biết bản ý của người.
  3. Kinh đạo chánh hạnh tùy bệnh mà cho thuốc.

Hai người em Ca-diếp quay lại hỏi các đệ tử:

-Các ngươi muốn đi theo con đường nào?

Họ họp thành năm trăm người đồng thanh nói;

-Chúng con nguyện như Đại sư.

Tất cả đảnh lễ Đức Phật xin làm Sa-môn.

Phật dạy:

-Được, các Sa-môn hãy đến đây!

Hai người em Ca-diếp và năm trăm đệ tử râu tóc đều rụng, theo Phật làm Sa-môn.

Đức Phật có một ngàn Sa-môn, đều đến ngồi dưới gốc cây trong rừng Di huyện, xứ Ba-la-nại. Các đệ tử Phật đều là các Phạm chí. Đức Phật vì các đệ tử thị hiện oai thần biến hóa:

  1. Bay đi.
  2. Thuyết kinh.
  3. Giáo hóa.

Các đệ tử thấy oai thần Đức Phật thảy đều hoan hỷ đảnh lễ, vâng làm.

Pages: 1 2