SỐ 150 (A)
PHẬT NÓI KINH BA PHÁP QUÁN BẢY XỨ
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam Tạng An Thế Cao, người nước An Tức.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

KINH SỐ 1

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Ngài gọi các Tỳ-kheo, các vị ấy đều xin thọ giáo.

Đức Phật dạy:

–Này Tỳ-kheo, nên biết về bảy chốn và quan sát ba chỗ thì mau đạt được đạo pháp, thoát khỏi mọi trói buộc. Không còn trói buộc thì tâm lý được giải thoát, do sáng suốt nên thấy pháp, đã thấy pháp thì chứng đạo, chấm dứt sự thọ sinh, thực hiện trọn vẹn đạo hạnh, đã làm điều phải làm, không còn bị cuốn theo các nẻo luân hồi nữa.

Đức Phật hỏi các Tỳ-kheo:

–Thế nào là bảy chỗ phải nên biết?

Này các Tỳ-kheo, hãy nghe cho rõ: Biết đúng về sắc, biết đúng về nguồn gốc của sắc, biết đúng về sắc tận diệt, biết đúng về con đường đưa đến sắc tận diệt, biết đúng về sắc vị, biết đúng về đau khổ do Sắc, biết đúng về sự cần thiết phải rời bỏ Sắc, nói chung là cần phải biết tất cả. Cũng như vậy, biết rõ về thống dương (thọ), tư tưởng (tưởng), sinh tử (hành), và thức; biết rõ về thức tập, biết rõ về thức tận diệt, biết rõ về con đường dẫn đến thức tận diệt, biết rõ thức vị, biết rõ đau khổ do thức, biết rõ về sự thoát ly thức, biết đúng về thức một cách rõ ràng.

Thế nào là biết đúng về sắc? Sắc là bốn đại và những gì do Bốn đại tạo thành, đó là biết về nguồn gốc của sắc.

Thế nào là biết đúng về nguồn gốc của sắc? Ái tập khởi là sắc tập khởi. Đó là biết đúng về nguồn gốc của sắc.

Thế nào là biết đúng về sắc diệt? Ái diệt là sắc diệt. Đó là biết đúng về sắc diệt.

Thế nào là biết đúng con đường dẫn đến Sắc diệt? Dựa theo tám Chánh đạo từ chánh kiến đến chánh định. Như vậy là biết đúng con đường dẫn đến sắc diệt.

Thế nào là biết đúng sắc vị? Do tham ái về sắc, nên hỷ sinh, dục sinh. Như vậy là biết đúng về sắc vị.

Thế nào là biết đúng về sự khổ não của sắc? Sắc là pháp vô thường, khổ, thay đổi. Như vậy là biết đúng về sự khổ não của sắc.

Thế nào là biết đúng về sự thoát ly sắc? Giải thoát mọi dục tham về sắc, vứt bỏ dục, xa lánh dục. Như vậy là biết đúng về sự thoát ly khỏi sắc.

Thế nào là thống dương (thọ), biết rõ về sáu thống dương (sáu thọ). Mắt tiếp xúc đối tượng sinh thống dương (thọ); tai, mũi, miệng, thân, ý tiếp xúc sinh ra thống dương (thọ). Như vậy là biết về thống dương (Thọ).

Thế nào là biết rõ nguồn gốc của thống dương (thọ)? Xúc tập khởi là thống dương (thọ) tập khởi. Như vậy là biết sự tập khởi của thống dương (thọ).

Thế nào là thống dương (thọ) tận? Xúc diệt là thống dương (thọ) tận. Như vậy là biết đúng về thống dương (thọ) tận.

Thế nào là biết về con đường đưa đến thống dương (thọ) tận diệt? Nhờ vào tám Chánh đạo từ chánh kiến đến chánh định. Như vậy là biết đúng về con đường đưa đến thống dương (thọ) tận diệt.

Thế nào là biết về thống dương vị? Do thống dương (thọ) nên tìm cầu sự ưa thích. Như vậy là biết đúng về thống dương vị.

Thế nào là biết về mọi khổ não của thống dương? Thống dương là pháp vô thường, thay đổi, tạo sự khổ não cho tâm ý. Như vậy là biết đúng về sự khổ não của thống dương (thọ).

Thế nào là biết về sự thoát ly khỏi thống dương (thọ)? Ham muốn về thống dương (thọ) tiến triển thành tham ái, vậy nên phải vượt qua tham ái. Như vậy là biết đúng về sự thoát ly khỏi thống dương (thọ).

Thế nào là biết đúng về tư tưởng (tưởng)? Là sáu tư tưởng thuộc thân, như mắt tiếp xúc sinh tư tưởng; tai, mũi, miệng, thân, ý tiếp xúc sinh tư tưởng. Như vậy là biết đúng sáu tư tưởng (tưởng).

Thế nào là biết đúng về nguồn gốc của tư tưởng (Tưởng)?

Xúc tập là tư tưởng tập. Như vậy là biết đúng về tư tưởng tập khởi từ xúc.

Thế nào là tư duy đến ác? Hướng đến ác là tập khởi của khổ não. Vì vậy, Ta giảng dạy phải từ bỏ ác hạnh về thân. Nếu Tỳ-kheo từ bỏ ác hạnh về thân, thì đạt được lợi ích, được an ổn. Vì vậy, Ta giảng dạy phải từ bỏ thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác.

 

KINH SỐ 2

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ Ca-la-việt đến gặp Đức Phật, sau khi làm lễ, ngồi qua

một bên, bạch Phật:

–Thế nào là không thủ hộ, không giữ gìn thân? Thế nào là không thủ hộ, không giữ gìn miệng, lời nói? Thế nào là không thủ hộ, không giữ gìn ý?

Đức Phật dạy:

–Này người nhà Cấp cô độc, do không thủ hộ ý nên không giữ gìn thân hành (hành động của thân), không giữ gìn khẩu hành (lời nói của miệng), không giữ gìn tâm hành (hành vi của tâm). Không thủ hộ hành động của bản thân, tức không không giữ gìn hành động của thân, không giữ gìn lời nói của miệng, không giữ gìn hành vi của tâm nên hành động của thân là tồi bại, lời nói là tồi bại, tâm ý cũng là tồi bại. Hành động của thân, của lời nói, của tâm đã tồi bại thì đời sống bất thiện, chết cũng bất thiện và thọ sinh vào cảnh giới bất thiện.

Này Ca-la-việt, ví như căn lầu hay gian nhà không lợp kính mái, nếu mưa đến, tấm rèm cũng ướt, vách tường cũng ướt. Khi bị ướt thì vách tường bị hư sập, cây cột bị hư sập, tấm rèm bị hư. Này Ca-la-việt, cũng vậy, do không giữ gìn tâm ý nên không giữ gìn hành động của thân, không giữ gìn hành động của miệng, không giữ gìn hành vi của suy nghĩ. Vì không giữ gìn tâm niệm, lời nói, thân nên đời sống bất thiện, chết bất thiện và sinh vào cảnh giới bất thiện.

Ca-la-việt hỏi Đức Phật:

–Giữ gìn những gì để giữ gìn thân? Giữ gìn những gì để giữ gìn miệng? Giữ gìn những gì để giữ gìn tâm niệm?

Đức Phật dạy Ca-la-việt:

–Giữ gìn ý thì giữ gìn được thân, miệng và niệm. Giữ gìn được thân, được miệng, được tâm của bản thân thì thân không tồi bại, miệng nói lời không tồi bại, tâm niệm không tồi bại. Như vậy khi chết, chết một cách tốt đẹp, thọ sinh ở cảnh giới thiện. Này Ca-la-việt, như căn lầu hay gian nhà được lợp kín mái. Nếu mưa đến, rèm không ướt, cột không ướt, vách không ướt. Tường không ướt thì không hư sập, cột không ướt thì không hư sập, rèm không ướt thì cũng không hư sập. Với ví dụ này, giữ gìn được ý thì giữ gìn được thân, giữ gìn được miệng. Giữ gìn được thân, miệng, ý của bản than thì khi chết được an lành, vì thọ trì thiện nên sinh vào cảnh giới thiện.

Đức Phật lại dạy:

–Người không giữ gìn được ý thì bị tà kiến, nghi ngờ, bị cuốn vào các thứ hôn trầm, thùy miên, bị các thứ ma sai khiến. Vì vậy phải giữ gìn tâm. Muốn hành động, phải quán sát đúng hành động, phải biết rõ từ trong ra ngoài, không chìm vào sự tối tăm mê muội, ham ngủ nghỉ tức trừ tận gốc khổ đau.

Đức Phật dạy Ca-la-việt như vậy.

 

KINH SỐ 3

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Có ba hạng người. Ba hạng người ấy là gì?

  1. Người mù không thấy.
  2. Người có một mắt.
  3. Người có hai mắt.

Thế nào là người mù, không có mắt?

Này Tỳ-kheo, người vì nhân duyên bị mù, không có mắt ấy, họ không có ý nghĩ: “Ta sẽ không làm công việc sinh kế mà trước đây ta chưa từng làm”. Nếu họ có làm thì cũng không làm nên việc. Họ cũng không có mắt này: “Ta sẽ bố thí, ta sẽ làm phước để nhờ vào nhân duyên ấy, về sau ta được an lạc, sinh lên cõi trời lâu dài”. Đây là người mù không có mắt. Thế nào là người có một mắt?

Này Tỳ-kheo, trong thế gian có người chỉ có một mắt. Họ chỉ có một mắt này: “Tài sản chưa có, ta sẽ làm ra. Đã làm ra rồi, ta giữ gìn không cho suy giảm”. Họ chỉ có mắt ấy chứ không có mắt này:

“Ta sẽ đem tài sản huyễn hóa ấy ra bố thí, từ nhân duyên đó sẽ được sinh vào cõi trời”. Họ không có con mắt sau, nên gọi là chỉ có một mắt.

Thế nào là người có hai mắt?

Này Tỳ-kheo, trong thế gian có người có mắt này: “Tài sản của ta chưa có thì làm cho có, đã có rồi thì phải giữ gìn đừng cho hao tổn”. Họ đã có mắt lại còn có mắt: “Ta phải bố thí, nhờ nhân duyên ấy giúp cho ta được sinh lên cõi trời”. Họ có cả mắt này nên gọi là người có hai mắt. (Từ đây đến cuối kinh này nói về tưởng cho đến thức)

Thế nào là biết về tưởng diệt? Xúc diệt là tư tưởng diệt. Như vậy là biết đúng về tưởng diệt.

Thế nào là biết con đường đưa đến tư tưởng diệt tận? Nhờ biết về tám hành thức từ chánh kiến đến chánh định ý. Đó là biết con đường đưa đến tư tưởng tận.

Thế nào là biết tư tưởng vị? Tư tưởng là nguyên nhân sinh ra lạc, có được. Đây là biết về vị của tư tưởng.

Thế nào là biết về sự khổ não của tư tưởng? Tư tưởng là pháp vô thường, đau khổ, thay đổi. Đó là biết về sự khổ não của tư tưởng.

Thế nào là sự thoát ly khỏi tư tưởng? Đối với tư tưởng giải thoát dục tham, cũng như vượt qua dục tham. Đó là biết về sự thoát ly khỏi tư tưởng (tưởng).

Thế nào là biết sinh tử (hành)? Có sáu sinh tử thuộc thân, biết mắt tiếp xúc nên sinh ra sinh tử (hành); biết tai, mũi, miệng, thân, ý tiếp xúc nên sinh ra sinh tử. Như vậy là biết rõ về sinh tử (hành).

Thế nào là biết về nguồn gốc của sinh tử (hành)? Xúc tập khởi thì biết sinh tử (hành) tập khởi.

Thế nào là biết sinh tử tận? Xúc tận thì sinh tử (hành) tận.

Thế nào là biết con đường dẫn đến sinh tử (hành) tận? Nhờ biết rõ tám chi từ chánh kiến đến chánh định. Đó là biết con đường đưa đến sinh tử tận.

Thế nào là biết sinh tử vị? Sinh tử là nhân duyên sinh ra ý hỷ lạc. Đó là biết vị của sinh tử (hành).

Thế nào là biết về sự khổ não của sinh tử (hành)? Sinh tử là pháp vô thường, hoại diệt khổ, thay đổi. Đó là biết về sự khổ não của sinh tử (hành).

Thế nào là biết sự thoát ly khỏi sinh tử (hành)? Đối với dục tham của sinh tử, dục tham đi theo sinh tử, nên cần phải đoạn trừ dục tham, thoát ly dục tham. Đó là biết sự thoát ly khỏi sinh tử (hành).

Thế nào là thức? Có sáu thức thuộc thân. Mắt tiếp xúc sinh ra thức; tai, mũi, miệng, thân, ý tiếp xúc sinh ra thức. Đó là biết về thức.

Thế nào là biết về nguồn gốc sinh ra thức? Danh sắc tập khởi là thức tập khởi. Đó là biết thức tập khởi.

Thế nào là biết về thức tận? Danh sắc tận là thức tận. Đó là biết về thức tận.

Thế nào là biết con đường dẫn đến thức tận? Nhờ biết rõ về tám hành thức từ chánh kiến đến chánh định. Đó là biết về con đường đưa đến thức tận.

Thế nào là biết về thức vị? Thức là nhân duyên đưa đến hỷ lạc.

Đó là biết rõ về thức vị.

Thế nào là biết về sự khổ não của thức? Thức là pháp hoại diệt, là khổ, là thay đổi. Đó là biết về sự khổ não của thức.

Thế nào là sự xuất ly khỏi thức? Biết rõ dục tham thay đổi, cần phải thoát ly dục tham. Đó là biết về sự xuất ly của thức.

Như vậy, này Tỳ-kheo, phải biết đúng về bảy chỗ. Những gì là bảy chỗ? Sắc, sắc tập, sắc diệt, sắc đạo, sắc vị, sắc khổ, sắc yếu.

Ngay trong thân năm ấm này có đầy đủ bảy chỗ.

Thế nào là quán về ba chỗ? Biết rõ có bảy sự, nên biết được năm ấm và trở thành sáu suy. Quán sắc thân là một, quán năm ấm là hai, quán lục suy là ba. Quán sát đầy đủ như thế gọi là quán sát ba chỗ.

Này Tỳ-kheo, biết đúng về bảy chốn, thường tu tập, quán sát ba chỗ không bao lâu sẽ đoạn được mọi thứ phiền não, không còn bị chúng trói buộc, thấy đạo, thấy rõ của xuất ly, được giác ngộ giải thoát. Khi đã chứng đắc thì chấm dứt các lậu, đoạn trừ sinh tử, đã làm xong việc, đắc đạo không còn không còn trở lại sinh tử nữa.

Đức Phật dạy như vậy, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

 

KINH SỐ 4

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo Tỳ-kheo:

–Có bốn sự trói buộc. Những gì là bốn?

  1. Bị dục trói buộc.
  2. Bị thế gian trói buộc.
  3. Bị tà kiến trói buộc.
  4. Bị si mê trói buộc.

Lại có bốn sự giải thoát. Giải thoát khỏi dục, giải thoát khỏi thế gian, giải thoát khỏi tà kiến, và giải thoát khỏi si mê.

Do si mê bao vây nên bị dục và tà kiến trói buộc, do nhân duyên ấy nên ở lại thế gian, từ đó phải thọ thân. Xả bỏ dục thì thoát ly thế gian, đoạn từ tà kiến, tiêu diệt si mê. Như vậy trong hiện tại được lợi ích an lạc, không còn có gì trói buộc nữa. Không còn bị trói buộc thì không còn sinh tử.

Đức Phật giảng dạy như vậy.

 

KINH SỐ 5

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Tư tưởng (tưởng) có bốn điên đảo, tâm ý và kiến thức cũng  vậy. Con người do điên đảo này nên bị tối tăm, bị ràng buộc, tạo ra những điều: “Không nên theo cái này, nên theo cái này…”. Do đó, đời này đời sau họ phải chịu khổ não, sinh tử trong thế gian, không thể thoát được. Bốn điên đảo ấy là gì?

  1. Vô thường cho là thường. Đấy là tư tưởng điên đảo, tâm ý điên đảo, kiến thức điên đảo.
  2. Khổ cho là vui.
  3. Vô ngã cho là ngã.
  4. Bất tịnh cho là tịnh.

Đấy là tư tưởng điên đảo, tâm ý điên đảo, kiến thức điên đảo. Tâm ý con người cho vô thường là thường, vọng khổ cho là vui, vô ngã thì cho là ngã, bất tịnh thì cho là tịnh. Do ý nghiệp sinh ra như vậy, trợ giúp cho ma, muốn làm những việc không nên làm đưa đến già, chết. Ví như con nghé đã có mẹ chăm sóc, đã có Đức Phật xuất hiện trong đời, thương yêu khắp trời đất, làm cho con người có đạo nhãn, để thoát khỏi thế gian. Ai thấy được pháp này thì diệt được tất cả các khổ. Đức Phật giảng dạy về nguyên nhân sinh ra khổ và dạy con đường thoát khổ. Ai gặp được các bậc Hiền thánh, theo tám Chánh đạo thì đạt đến chỗ an lạc. Người nghe được pháp này, thấy rõ vô thường, khổ, vô ngã; thân là bất định, đắc vô sở úy có được an lạc, thấy đúng về thế gian, chứng đắc pháp vô vi, giải thoát hết tất cả khổ não trong đời, không còn bị trói buộc.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 6

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo Tỳ-kheo:

–Nên thực hiện bốn pháp làm vừa tâm ý người khác. Bốn pháp ấy là gì? Một là bố thí, hai là tương ái, ba là lợi hành, bốn là đồng lợi.

1. Bố thí những gì? Bố thí bằng nhiều cách, nhưng không gì bằng bố thí giáo pháp.

2. Tương ái thì không gì bằng khi được nghe nói, tâm ý được thông suốt.

3. Lợi hành, không gì bằng dạy người chưa tin làm cho họ tin vững chắc, chưa trì giới làm cho trì giới, chưa học làm cho học, tham lam keo kiết làm cho bố thí, ngu si được sáng suốt, hướng dẫn họ vào chánh đạo.

4. Đồng lợi, thì sự đồng lợi cao cả nhất là không gì bằng làm cho chứng đắc đạo quả A-la-hán, A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn.

 

KINH SỐ 7

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo Tỳ-kheo:

–Có bốn bánh xe pháp cần thực hiện, bốn bánh xe này đi khắp cõi trời và loài người. Nếu bánh xe pháp này lưu hành trong chư Thiên và loài người nào thì họ được tôn quí số một, được giàu sang, làm theo thiện pháp. Những gì là bốn?

  1. Cùng nhau ở chỗ thiện.
  2. Y chỉ nơi bậc đạo đức.
  3. Biết ước nguyện chân chánh.
  4. Hành theo phước đã có từ đời trước.

Cùng nhau ở chỗ thiện, y chỉ nơi các bậc đạo đức, biết ước nguyện chân chánh, làm theo phước đã có từ đời trước là đạt an lạc không chút ưu sầu, được tự tại đầy đủ.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 8

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo Tỳ-kheo:

–Có bốn hạng người:

  1. Người làm lợi mình, không lợi người.
  2. Người làm lợi người, không lợi mình.
  3. Người không làm lợi mình, không làm lợi người.
  4. Người vừa làm lợi mình, vừa làm lợi cho người.

Đức Phật đã dạy như vậy.

 

KINH SỐ 9

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo Tỳ-kheo:

–Có bốn hạng người:

  1. Người làm lợi mình, không lợi người.
  2. Người làm lợi người, không lợi mình.
  3. Người không làm lợi mình, không làm lợi cho người.
  4. Người vừa làm lợi cho mình, vừa làm lợi cho người.

Người không làm lợi cho mình cũng không làm lợi cho người là kẻ rất hạ tiện, thấp kém.

Người làm lợi người, không lợi cho mình là hàng cao thượng.

Người làm lợi mình, không lợi người cũng gọi là cao thượng.

Người làm lợi mình và lợi người là cao thượng bậc nhất.

Đức Phật thuyết giảng như vậy.

 

KINH SỐ 10

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo Tỳ-kheo:

–Có bốn loại mây mưa:

  1. Chỉ có sấm không mưa.
  2. Chỉ có mưa không sấm.
  3. Không có mưa và không có sấm.
  4. Vừa có mưa vừa có sấm.

Như ví dụ về mây mưa, cũng có bốn hạng người:

  1. Người có sấm không có mưa.
  2. Người có mưa không có sấm.
  3. Người không mưa không sấm.
  4. Người vừa có mưa vừa có sấm.

Người như thế nào là như có sấm không có mưa? Ở đây, này Tỳ-kheo, người ấy chỉ biết nói kinh, khéo nói phần trên, khéo nói phần giữa, khéo nói phần cuối, nói có phân biệt chi tiết, nhưng chỉ chú trọng ở chỗ hiểu biết. Tự mình không thật biết pháp và không thực hành theo đúng pháp. Người ấy được gọi là hạng người có sấm, không có mưa.

Người như thế nào là như có mưa không có sấm? Ở đây, có người không thuyết giảng kinh pháp, không khéo nói phần trên, không khéo nói phần giữa, không khéo nói phần cuối, không biết phân biệt chi tiết, không chú trọng ở chỗ biết, chỉ chú trọng hành trì pháp, hành trì thiện xảo, đúng như pháp, thọ trì pháp hành theo như pháp, hành động tùy thuộc pháp. Người này là hạng chỉ có mưa không có sấm.

Người thế nào là như không có mưa cũng như không có sấm?

Người không thuyết giảng kinh pháp, không khéo nói phần trên, không khéo nói phần giữa, không khéo nói phần cuối, không trình bày phân biệt chi tiết được, chỗ chủ yếu cũng không nói được, tự không hiểu rõ thiện pháp, lại không thực hiện theo pháp. Người này là hạng không có mưa cũng không có sấm.

Người như thế nào là người vừa có mưa vừa có sấm? Ở đây, có người khéo nói kinh pháp, khéo nói phần trên, khéo nói phần giữa, khéo nói phần cuối, biết phân biệt các chi tiết, tự hiểu rõ về chỗ hành trì chủ yếu, hiểu biết về các pháp và giảng thuyết được, thực hành tự tại, thiện xảo các pháp cũng như hiểu rõ giảng giải các pháp. Người này là hạng vừa có mưa vừa có sấm.

Đức Phật thuyết giảng như vậy.

 

KINH SỐ 11

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo Tỳ-kheo:

–Có bốn xả. Thế nào là bốn?

  1. Xả xả.
  2. Thủ xả.
  3. Hộ xả.
  4. Hành xả.

Thế nào là Xả xả? Khi niệm về niệm phát sinh, không nhận lấy, không làm theo, xả bỏ mọi ràng buộc, tránh xa. Nếu sân hận từ phiền não nổi lên thì cũng không quan tâm, xả bỏ mọi ràng buộc, tránh xa. Đó gọi là Xả xả.

Thế nào là Thủ xả? Mắt thấy sắc không nhận lấy tướng chung, không quán sát tướng riêng. Như từ nhân duyên thấy nên ác sinh ra.

Như từ nhân duyên thấy nên si sinh ra. Như từ nhân duyên thấy nên không vừa ý sinh ra. Hoặc vì nhân duyên thấy nên tệ ác sinh ra, tất cả nên liền tự chế ngự cảm thọ, hành động yên ổn. Chế ngự mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, là đúng như pháp, không ghi nhận tướng chung, như nói ở trên. Đó gọi là Thủ xả.

Thế nào là Hộ xả? Ở đây, này Tỳ-kheo, vị Tỳ-kheo đối với tướng thiện đã sinh, không phải một loại, như thây chết sình trướng lên chảy nước màu hồng, hoặc bị chôn chó ăn một nữa, hoặc máu chảy màu đỏ, hoặc hư nát màu xanh bầm đen, hoặc xương trắng, hoặc đầu lâu, quán sát kỹ, khéo léo hộ trì ý, không cho quên mất thiện tướng ấy. Đó gọi là Hộ xả.

Những gì là Hành xả? Ở đây, này Tỳ-kheo, vị Tỳ-kheo tu tập giác ý, thực hành viễn ly, phân biệt pháp, viễn ly từng phần, như vậy cho đến khi nhận rõ giác ý. Đây gọi là Hành xả.

Thủ xả, Xả xả, Hành xả, Hộ xả là Bốn xả.

Đức Phật dạy:

–Hiền giả nào thực hành không dừng lại nữa chừng, thì dứt tận các khổ, đắc đạo.

Đức Phật thuyết giảng như vậy, các đệ tử đứng dậy lạy Phật, vâng làm.

 

KINH SỐ 12

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo Tỳ-kheo:

–Nếu Tỳ-kheo thực hiện theo bốn pháp không tự thối lui thì đến gần nẻo vô vi giải thoát. Những gì là bốn? Ở đây, này Tỳ-kheo, vị Tỳ-kheo giữ giới, hành trì trong pháp luật, giữ gìn các căn, phòng hộ tâm ý, tiết độ trong ăn uống không ăn quá nhiều, đầu đêm cuối đêm thường nhiếp phục mọi hành động. Đây là bốn hạnh, không bị ngăn chặn, trở ngại thì đến gần vô vi giải thoát.

Nếu Tỳ-kheo sống trong giới luật, hộ trì các căn, biết tiết độ trong ăn uống, luôn luôn tỉnh giác tâm ý, tinh tấn hành trì như vậy, đầu đêm cuối đêm không bỏ phế nữa chừng, tinh cần không được thối lui thì chắc chắn đạt đến Niết-bàn giải thoát.

Đức Phật giảng dạy như vậy.

 

KINH SỐ 13

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Đức Phật bảo Tỳ-kheo:

–Nếu có bậc Hiền giả sống trong gia đình hành theo pháp thì bốn mối quan hệ gia đình đều được hoan hỷ.

Những gì là bốn?

  1. Cha mẹ, vợ con.
  2. Trẻ con, khách, nô tỳ.
  3. Tri thức thân thuộc giao hữu.
  4. Vua, vua trời, quỷ thần, Sa-môn, Bà-la-môn.

Cha mẹ cũng hoan hỷ, Sa-môn cũng hoan hỷ, Bà-la-môn thờ trời cũng hoan hỷ. Những người sống ở gia đình tín ngưỡng thờ phụng đều hay phục vụ người quyến thuộc trì giới. Ngay trong hiện tại, họ không phạm đến quyến thuộc vua, trời; tự thân luôn được mọi người thọ ân. Vị ấy trong đời sống trí tuệ như vậy, luôn hành động thiện nên được giàu sang, được vô số tiếng khen trong đời này, đời sau sinh vào cõi trời.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 14

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ có một Bà-la-môn đến gặp Đức Phật, và thăm hỏi Ngài. Sau khi thăm hỏi, vị ấy hỏi Phật:

–Thưa Hiền giả, vì nhân duyên gì người đời này ít xinh đẹp, không có sức, nhiều bệnh, tuổi thọ ngắn, không giàu có.

Đức Phật bảo Bà-la-môn:

–Này Bà-la-môn, hiện nay thế gian sống theo tham dục phi pháp, ái dục tràn lan, làm theo ý mình, sống trong phi pháp. Vì vậy con người tâm ý luôn nhiễm ô, sa đọa trong phi pháp, rồi hành động ngang ngược, tham lam sai quấy, đấy là nguyên nhân. Do nguyên nhân này mặt trời, mặt trăng không vận hành đúng; chúng không vận hành đúng thì làm cho tinh tú không vận hành đúng. Tinh tú không vận hành đúng thì ngày, tháng không đúng; năm không đúng, thời gian năm không đúng thì giờ phút không đúng. Giờ phút không đúng thì có gió ngược mùa. Đã có gió ngược mùa thì trời không mưa thuận mùa. Trời không mưa thuận mùa, nếu người ta có gieo trồng thì cũng không mọc đúng lúc và kết quả không vừa ý. Cây trái sống chín đã không đúng mùa thì con người, súc sinh, chim bay ăn các thực phẩm ấy trở nên ít sinh đẹp, ít sức lực, nhiều bệnh, tuổi thọ ngắn, ít giàu sang.

Này Bà-la-môn, do nguyên nhân ấy nên con người ít xinh đẹp, ít sức lực, nhiều bệnh, tuổi thọ ngắn, ít giàu sang.

Vị Bà-la-môn ấy quỳ dưới chân Phật, thưa:

–Nay con đã hiểu. Con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ- kheo Tăng.

Đức Phật giảng dạy như vậy.

 

KINH SỐ 15

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật dạy các Tỳ-kheo:

–Bố thí đúng lúc thì có năm phước. Những gì là năm phước?

  1. Bố thí cho người đi tới phương xa.
  2. Bố thí cho người sắp đi.
  3. Bố thí cho người bị bệnh.
  4. Bố thí khi lúa gạo đắt đỏ.

Năm là vật dụng trì giới chưa ăn, đem dâng cho bậc trì giới tu hành trước, sau đó mới ăn; đó là phước.

Người sáng suốt thực hành với lòng tin không có ý xan tham.

Khi người hiền bố thí với tâm ý trong sạch, không có hạn chế thì phước đức theo đó thật là vô cùng.

Đức Phật dạy như vậy, các Tỳ-kheo hoan hỷ vâng làm.

 

KINH SỐ 16

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Hiền giả bố thí có năm loại. Những gì là năm?

  1. Hiền giả bố thí bằng lòng tin.
  2. Hiền giả bố thí nhiều.
  3. Bố thí bằng chính tay mình cung cấp.
  4. Bố thí đúng lúc.
  5. Bố thí không xâm phạm đến người khác.

Đức Phật lại bảo Tỳ-kheo:

–Bố thí bằng lòng tin được những phước gì? Người bố thí bằng lòng tin, đến chỗ nào thì luôn được đáp ứng nhiều như thế. Đó là có nhiều tài sản, nhiều vàng ngọc quý báu, nhiều sự vừa ý, nhiều vật dụng xinh đẹp. Mọi người cũng tin tưởng người bố thí bằng lòng tin.

Này Tỳ-kheo, đây là phước do bố thí bằng lòng tin.

Những gì là bố thí nhiều không hạn chế? Như đã nói ở trên, lại được cha mẹ yêu mến kính trọng, anh em kính trọng, vợ con kính trọng, nô tỳ kính trọng, người hiểu biết ở gần kính trọng, năm hạng thân thuộc kính trọng. Này Tỳ-kheo, đây là phước do bố thí nhiều.

Bố thí tự tay, thế nào là bố thí tự tay? Như trình bày ở trên, lại thêm trong nhà được theo ý muốn, được an lạc, được đầy đủ hơn hết, được y phục bậc nhất, được chăn nệm bậc nhất, vui vẻ vừa ý, được vừa ý thích thú với sắc, thanh, hương, vị, xúc. Này Tỳ-kheo, đây là phước do tự tay mình bố thí.

Những gì là phước do bố thí đúng lúc? Phước của người cho bố thí đúng lúc cũng như đã trình bày ở trên, lại thêm khi sắp chết tài sản vẫn tồn tại như ý muốn, không bị phân tán. Này Tỳ-kheo, đấy là phước do bố thí đúng lúc.

Này Tỳ-kheo, thế nào là phước do bố thí không xâm phạm người khác? Người bố thí vẫn giữ giới, không xâm phạm người khác.

Như đã trình bày ở trên. Nếu có của cải do siêng năng làm ra, do chính tự tay, sức cần cù, chịu lạnh khổ làm ra được, đối với người có phước thì của cải này không thể nào bị chiếm đoạt. Huyện quan, trộm cướp, nước, lửa không thể làm hại, không bị sử dụng lãng phí, không vừa ý. Này Tỳ-kheo, đấy là phước do bố thí không xâm phạm đến người khác.

Người hiền bố thí với lòng tin, không hạn chế, với tự tay, đúng lúc, không xâm phạm người khác thì sự bố thí này được an lạc lớn lao không thể phân biết hết được và phước cũng không thể phân biệt hết được.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 17

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật dạy Tỳ-kheo:

–Người nào để tâm ý vào trong năm pháp này, giả sử có nghe giảng dạy Phật Pháp thì cũng không thể từ bỏ trần cấu, không đắc đạo nhãn. Những gì là năm?

  1. Phiền não với người giảng kinh.
  2. Cầu theo ý mình, tìm chỗ hay dở.
  3. Muốn tìm tòi vấn nạn, gây khó dễ.
  4. Nghe với tà niệm, nghĩ đến việc khác.
  5. Không có tác ý cao thượng, nghe để phân biết tốt xấu.

Người nào tâm ý theo năm pháp ấy, nếu có nghe Phật thuyết pháp cũng không giải thoát được các thứ trần cấu và không thể sinh pháp nhãn.

Đức Phật lại bảo Tỳ-kheo:

–Có năm pháp, người nào đặt tâm ý ở năm pháp này, khi được nghe giáo pháp của Phật dạy, tự mình giải thoát những trần cấu và đắc đạo nhãn. Những gì là năm?

  1. Không có ác ý với người giảng kinh.
  2. Không tìm chỗ hay dỡ trong kinh, có nghi ngờ phải hiểu cho rõ ràng, vui vẻ.
  3. Tâm ý không chú trọng ở cảnh khác, không nghĩ ngợi việc khác.
  4. Tâm ý sáng suốt để giải rõ thiện ác.
  5. Tự biết phân biệt.

Đây là năm pháp, người nào để tâm ý làm theo năm pháp này, thì có thể giải trừ mọi phiền não cấu uế.

  1. Không phiền não với người giảng kinh.
  2. Không tìm tòi chỗ hay dỡ trong kinh.
  3. Không tìm tòi vấn nạn.
  4. Không nghĩ bậy.
  5. Tâm ý sáng suốt để phân biệt đen trắng.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 18

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Có năm pháp hành đưa đến nhất tâm. Những gì là năm?

Hành giả thực hành như vầy: quan sát thân này từ đầu xuống đến tay chân, trên đầu với tóc, não, da, như thế là đầy các tướng bất tịnh. Quán sát thân này có tóc, lông, móng, răng, mạch máu, bắp thịt, với bên trong là lục phủ ngũ tạng cùng bao thứ chất bài tiết như nước mắt, mồ hôi, đờm, dãi. Ai quán sát như vậy là tạo được niệm thứ nhất đưa đến nhất tâm.

Nếu hành giả quán sát như trình bày ở trên, tâm ý bất động với các trần bên ngoài như nói trên thì vị Hiền giả ấy với ý niệm này đã đạt được sự nhất tâm thứ hai.

Hành giả quán sát như vậy đối với mọi hoạt động của thọ, thức, “Thức ấy là đời này hay là đời sau?” Hành giả có tâm ý ấy là đạt được sự nhất tâm thứ ba.

Hành giả quan niệm quán sát như trên, rồi quán sát Thức ấy đời này, đời sau đều không có chỗ dừng. Hành giả giác ngộ được điều này là đạt được sự nhất tâm thứ tư.

Hành giả quán sát như trên, người có nhận thức người có tính toán việc này, người ấy ở đời này và đời sau đều không có chỗ dừng lại, quán sát tất cả đều là bất tịnh. Hành giả có tâm ý hiểu được, nhận thức được điều ấy là đạt được pháp của sự nhất tâm thứ năm.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 19

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật dạy các Tỳ-kheo:

–Này Tỳ-kheo, có năm nhân duyên làm cho người ta thấy không đúng, sinh nghi ngờ, mất sự sáng suốt, gây phiền não, khiến cho không đạt được sự giải thoát.

Những gì là năm?

  1. Ái dục.
  2. Sân hận.
  3. Ham ngủ nghỉ.
  4. Tham đắc năm thứ vui thích.
  5. Nghi ngờ không tin.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 20

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Đi kinh hành có được năm lợi ích. Những gì là năm?

  1. Có khả năng đi lại.
  2. Có sức khỏe.
  3. Trừ buồn ngủ.
  4. Ăn uống dễ tiêu, không gây bệnh.
  5. Hành giả dễ định tâm ý. Đã đắc định trong khi kinh hành thì được tồn tại lâu dài.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 21

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Này Tỳ-kheo, người thực hành năm pháp, có thể sống an ổn trên núi, trong các vùng đầm ao, nằm ngồi trên nệm cỏ. Những gì là năm?

  1. Siêng năng trì giới, không vi phạm những học giới đã thọ trì.
  2. Siêng năng thu nhiếp các căn, giữ gìn mọi hành động.
  3. Siêng năng tu hành tinh tấn, có sức mạnh của tinh tấn, không từ bỏ chí nguyện của tinh tấn cho đến khi đắc đạo.
  4. Đã thọ giới luật của Phật, tự hiểu rõ.
  5. Nghe kinh pháp, đã hiểu đúng.

Nếu hành giả thọ trì năm pháp này, như trên đã nói, thì có thể sống an ổn trên núi hay trong chốn đầm, ao.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 22

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật dạy A-nan:

–Này A-nan, Ta tuyên bố, thân không được làm tất cả điều ác, miệng và ý cũng vậy.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Tất cả thân, miệng, ý không được làm ác. Người nào không ngăn chặn được, làm ác, từ đó sẽ đưa đến bao nhiêu điều ác?

Đức Phật dạy A-nan:

–Có năm điều ác. Những gì là năm?

  1. Tự mình khinh khi mình.
  2. Bị người khác khinh khi.
  3. Khi nói lời cao hay thấp cũng không vừa ý bậc Hiền giả.
  4. Tiếng xấu đồn khắp.
  5. Sau khi chết bị đọa địa ngục.

Đức Phật lại bảo A-nan:

–Này A-nan, Ta dạy cần phải làm tất cả những hạnh thiện về thân, về miệng, về ý cũng vậy.

Tôn giả A-nan lại bạch:

–Đức Phật dạy: “Ta cần phải làm tất cả những hành động thiện về thân, về miệng, về ý cũng vậy”. Người nào thực hành những hành động trên thì sẽ được phước thế nào?

Đức Phật bảo A-nan:

–Có năm loại phước. Những gì là năm?

  1. Không tự khinh thường mình.
  2. Không khinh thường người.
  3. Nói lời cao hay thấp đều vừa ý bậc Hiền giả.
  4. Tiếng tăm đồn khắp.
  5. Sau khi chết được sinh Thiên.

 

KINH SỐ 23

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Có năm phiền não khi người này yêu mến gắn bó với người kia. Những gì là năm?

Này Tỳ-kheo, người nào đã yêu mến người kia, khi người kia có lỗi, bị chúng Tỳ-kheo không muốn người ấy hiện diện nên đưa đi chỗ khác. Người này suy nghĩ: “Người mà ta yêu mến bị chúng Tỳ-kheo đuổi ra, không cho hiện diện!”. Thế là người này sinh tâm ý vương vấn không muốn đến chỗ chúng Tỳ-kheo: “Ta đến chỗ chúng Tỳ-kheo làm gì!”. Vì vậy, nên người này không đi. Vì không đi nên không gặp gỡ chúng Tăng. Đã không gặp chúng Tăng nên không nghe Pháp. Do không nghe Pháp nên không thân cận với giáo pháp. Đã xa lìa Pháp thì không còn sống trong Pháp. Này Tỳ- kheo, đây là phiền não thứ nhất vì người này yêu mến người kia sinh ra.

Thứ hai, này Tỳ-kheo, nếu người này yêu mến người kia, người kia bị phạm lỗi với chúng Tỳ-kheo. Người phạm lỗi bị ngồi ở chỗ thấp nhất. Người này suy nghĩ: “Người mà ta yêu mến, bị chúng Tăng để ngồi ở chỗ thấp nhất. Ta không đến chỗ chúng Tỳ-kheo nữa vì chúng Tỳ-kheo bắt người mà ta yêu mến ngồi nơi chỗ thấp nhất!”… như trên.

Thứ ba, người được yêu mến mang bát, ca-sa đến nước khác.

Thứ tư, người được yêu mến xả giới, trở lại làm bạch y.

Thứ năm, người được yêu mến ưu sầu ngồi một chỗ vì mất danh dự… như đã nói trên.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 24

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Có năm điều xấu vì không biết nhẫn nhục. Những gì là năm?

  1. Bị nhiều oán ghét.
  2. Bị nhiều chê bai.
  3. Bị nhiều việc không ưa thích.
  4. Tiếng xấu đồn khắp nơi.
  5. Sau khi chết bị đọa địa ngục.

Đây là năm điều xấu, do không nhẫn nhục.

Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

–Có năm điều lành do nhẫn nhục đem lại. Đó là không bị oán ghét, không bị chê bai, luôn luôn vừa ý, tiếng tốt đồn khắp nơi, sau khi chết sinh lên cõi trời.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 25

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Người hành động không nhẫn nại có năm điều xấu đến với họ. Này các Tỳ-kheo, những gì là năm. Đó là:

  1. Do không nhẫn nại nên luôn thô bạo.
  2. Tánh tình nóng nảy, thường sơ suất.
  3. Sau này bị hối hận.
  4. Nhiều người ghét, không ai ưa.
  5. Sau khi chết bị đọa địa ngục.

Ngược lại là thanh tịnh.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 26

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Con voi có năm tướng trạng, nên được thích hợp với việc quan, dùng cho vua, vừa ý vua, voi đưa vua đi thi hành pháp luật.

Những gì là năm?

  1. Biết phục tùng.
  2. Có thể đứng tại chỗ.
  3. Có thể chiến đấu.
  4. Có thể chạy.
  5. Có thể tự hộ vệ mình.

Này Tỳ-kheo, thế nào là voi nhà quan tự giữ gìn?

Khi voi xông vào trận, chân trước có thể chiến đấu, các chân sau, mông, lưng, bụng, vai, cổ, vòi đều tự giữ gìn được. Đây gọi là tự bảo vệ. Nếu Tỳ-kheo có đủ năm nhân duyên thì đáng được kính nể, được tiếng khen, được người chắp tay quý trọng, được phước đức vô cùng. Những gì là năm?

  1. Nghe và thọ trì.
  2. Có khả năng thực hiện trì giới.
  3. Thọ nhận.
  4. Hành động.
  5. Giữ gìn.

Những gì là miệng với vị, thân với tiếp xúc các vật mềm láng, ý với suy nghĩ, có thể chế ngự không chấp thủ vào hình tướng của chúng?

Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo có thể tự thủ hộ, một là tự gìn giữ về sáu suy nghĩ (sáu căn). Thứ hai là thiền. Thứ ba là thọ nhẫn nhục.

Thứ tư là năng trì giới. Thứ năm là nghe và thọ tinh tấn.

Hành giả có năm việc này thì được tiếng khen, đáng được người chắp tay kính chào, được phước đức vô cùng.

Đệ tử Phật nghe dạy đều hoan hỷ phụng hành.

 

KINH SỐ 27

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Không y chỉ nơi người khác, có năm điều xấu. Những gì là năm?

  1. Người không chịu y chỉ thì tâm không mở mang.
  2. Không y chỉ thì tâm ý không nhất quán, rời rạc.
  3. Tự ý mình không hiểu đúng.
  4. Phạm vào hành động đạo đức.
  5. Không thọ trì được lời Phật dạy.

Biết y chỉ nơi người khác thì có năm điều thiện. Không ganh ghét nhau, với hảo ý thì được hiểu rõ. Đã hiểu rõ thì tâm ý không còn loạn tưởng, giác ngộ được các pháp trong thế gian, đem sự nhận thức đúng đắn ấy để lại cho đời sau.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 28

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Này Tỳ-kheo, dục là sợ hãi. Này Tỳ-kheo, dục là các khổ não. Này Tỳ-kheo, dục là những tật bệnh. Này Tỳ-kheo, dục là sự trói buộc. Này Tỳ-kheo, dục là những ung nhọt. Này Tỳ-kheo, dục là các bùn nhơ. Này Tỳ-kheo, dục là các tham đắm. Này Tỳ-kheo, dục là những hình thức rơi vào thai mẹ.

Này Tỳ-kheo, tại sao dục là sự sợ hãi?

Vì con người ngu si trong thế gian luôn bị tham dục tràn ngập, bị tham dục trói buộc, vì vậy đời sống hiện tại không thoát được sự sợ hãi, mà đời sau cũng không thoát được. Này Tỳ-kheo, vì vậy mà dục là sự sợ hãi.

Này Tỳ-kheo, vì sao dục là khổ não?

Người ngu si trong thế gian luôn bị tràn ngập bởi tham dục, bị chìm đắm bởi tham dục. Vì vậy, đời này họ không thoát được các mối sợ hãi, mà đời sau cũng không thoát khỏi. Này Tỳ-kheo, vì vậy dục chính là các khổ não.

Này Tỳ-kheo, vì sao dục là các thứ bệnh?

Người ngu si trong thế gian bị tràn ngập bởi tham dục, luôn bị tham dục trói buộc. Vì vậy, đời này họ không thoát được các mối sợ hãi, đời sau cũng không thoát khỏi. Này Tỳ-kheo, vì vậy dục chính là các bệnh.

Này Tỳ-kheo, vì sao dục là những trói buộc?

Người ngu si trong đời luôn tham dục quá độ, luôn bị tham dục phủ vây. Vì vậy, đời này họ không thoát được các mối sợ hãi, mà đời sau cũng không thoát khỏi được. Này Tỳ-kheo, vì vậy dục chính là những trói buộc.

Này Tỳ-kheo, tại sao dục là những mụt nhọt?

Người ngu si trong thế gian hay sống buông thả theo tham dục, luôn bị tham dục trói buộc. Vì vậy, đời này họ không thoát khỏi các sợ hãi, đời sau cũng vậy. Này Tỳ-kheo, vì thế mà dục chính là các mụt nhọt.

Này Tỳ-kheo, tại sao dục là những bùn nhơ?

Người ngu si trong thế gian hay sống buông thả theo tham dục, luôn bị tham dục trói buộc. Vì vậy, đời này họ không thoát khỏi các sợ hãi, đời sau cũng vậy. Này Tỳ-kheo, vì thế mà dục chính là các bùn nhơ.

Này Tỳ-kheo, tại sao dục là những tham đắm?

Người ngu si trong thế gian luôn sống buông thả theo tham dục, nên bị tham dục trói buộc. Vì vậy, đời này họ không thoát khỏi cảnh sợ hãi, đời sau cũng vậy. Này Tỳ-kheo, vì thế dục là các tham đắm.

Này Tỳ-kheo, tại sao dục là những hình thức đọa vào thai mẹ?

Người ngu si trong thế gian sống buông thả theo tham dục, mãi bị tham dục trói buộc. Vì vậy, đời này họ không thoát khỏi cảnh sợ hãi, đời sau cũng thế. Này Tỳ-kheo, vì vậy dục là con đường đọa vào thai mẹ.

Dục là sợ hãi, khổ não, bệnh, sự ràng buộc, mụt nhọt. Người ngu si đã bị dục trói buộc, tùy theo đó mà đọa vào thai mẹ như nói trên. Tỳ-kheo có Chánh kiến thì đã thấy rõ, nên lìa các sợ hãi, là người sáng suốt vượt qua các dục, quán sát trong thế gian có các hành sinh, lão luôn chuyển biến.

Đức Phật giảng dạy như vậy.

Mụt nhọt có tám loại:

  1. Mụt nghi ngờ.
  2. Mụt tham ái.
  3. Mụt tham lam.
  4. Mụt sân hận.
  5. Mụt ngu si.
  6. Mụt kiêu mạn.
  7. Mụt tà kiến.
  8. Mụt sinh tử.

 

KINH SỐ 29

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ Đức Phật gọi các Tỳ-kheo. Khi họ đến, Đức Phật nêu ví dụ, dạy:

–Này Tỳ-kheo, có người bị mụt nhọt lâu dài. Do thời gian kéo dài nhiều năm nên chín lỗ nơi thân thể đều bị nhọt, chín chỗ đau nhức, chín chỗ bị rỉ chảy. Từ chín chỗ ấy nước bị rỉ ra, toàn là bất tịnh, xấu xa, rất nhơ bẩn. Này Tỳ-kheo, đó là thân bốn đại. Gọi là thân bốn đại, là chín lỗ, là chín chỗ đau nhức, là chín chỗ rỉ chảy, theo đó thấm ra toàn là bất tịnh, chảy ra toàn là cấu uế, nhơ bẩn, hôi hám. Như vậy, này Tỳ-kheo, với nhân duyên mụt nhọt này, thật đáng xấu hổ, đáng sợ, đáng kinh tởm, đáng nên tu học để dứt trừ.

Đức Phật dạy như vậy, các Tỳ-kheo đều hoan hỷ phụng Hành.

 

KINH SỐ 30: PHẬT NÓI KINH TÍCH CỐT

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại núi Kê thuộc nước Vương xá.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Con người sống ở thế gian sinh và tử trong một kiếp, nếu giữ xương cốt lại, không để cho hư, không tiêu, không diệt, thì gom lại bằng cả núi Tu-di. Con người còn phải có trăm kiếp sinh tử nữa, nếu chưa đắc đạo quả A-la-hán-Niết-bàn giải thoát.

Phật dạy các Tỳ-kheo:

–Gom xương cốt của con người sống trải qua trong một kiếp nhiều như núi Tu-di. Này các Tỳ-kheo, vì vậy Ta chỉ bày nguồn gốc nhân duyên của nó. Vậy các ông phải quyết nhổ sạch cội rễ của sinh tử, đoạn trừ nguồn ác, làm như vậy thì không còn sinh tử nữa. Không còn sinh tử thì thoát khỏi thế gian, đắc đạo quả Niết-bàn giải thoát.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 31: PHẬT THUYẾT GIẢNG VỀ CỬU HOÀNH

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Ngài dạy các Tỳ-kheo:

–Có chín nhân duyên làm cho con người chết bất đắc kỳ tử.

Những gì là chín?

  1. Thức ăn không thích ứng.
  2. Ăn không liều lượng.
  3. Ăn thức ăn không quen.
  4. Thức ăn không tiêu hóa.
  5. Chỉ thục.
  6. Không trì giới.
  7. Thân cận ác tri thức.
  8. Vào làng xóm phi thời, hành động phi thời.
  9. Không tránh né điều phải nên tránh né.

Chín nhân duyên này làm cho con người chết bất đắc kỳ tử.

Các Tỳ-kheo nghe Phật dạy đều hoan hỷ làm lễ.

Thế nào là thức ăn không thích ứng? Đó là thức ăn không vừa ý, nhưng vẫn ăn vào, khiến bị đau bụng mãi. Đây là thức ăn không thích ứng.

Thế nào là ăn không điều độ? Đó là ăn không chừng mực, ăn quá sức mình. Đấy gọi là ăn không điều độ.

Thế nào là ăn thức ăn không quen? Tức là ăn thức ăn trái mùa.

Mùa đông, mùa hạ đến xứ khác không thích nghi phong tục thủy thổ ở đó, ăn uống không tiêu vì chưa quen. Đây gọi là ăn uống không quen.

Thế nào là ăn uống không tiêu hóa? Ăn vật thực này không tiêu, lại không chịu uống thuốc để thải bỏ ra, tiêu hóa thức ăn cho đúng lúc. Đấy là ăn không tiêu.

Thế nào là chỉ thục? Tức là bí nơi đường đại tiểu tiện, không ợ hơi, không hạ phong được. Đấy gọi là chỉ thục.

Thế nào là không trì giới? Đó là phạm năm giới: sát sinh, trộm cắp, thông dâm với phụ nữ của người, nói láo, uống rượu, cùng phạm các giới khác bị đưa đến quan huyện, hoặc bị giết, bị đánh chết, hoặc còn sống nhưng bị bỏ đói đến chết, hoặc được ra ngoài nhưng bị oan gia tìm cách hãm hại, hoặc kinh sợ vì nghĩ đến tội lỗi, lo buồn đến chết. Đó là không trì giới.

Thế nào là thân cận tri thức ác? Ác tri thức là gây điều ác đến cho nhiều người. Tại sao? Vì gần gũi, không rời các tri thức xấu ác, không biết thiện ác, không xét đến thái độ ác của hàng tri thức xấu ác ấy, không suy nghĩ đến hành động ác của những tri thức ác. Như vậy là thân cận với hạng tri thức xấu ác.

Thế nào là vào làng xóm phi thời? Đó là đi vào lúc tối tăm, đi vào lúc trong xóm có việc tranh cãi ồn ào, đi vào lúc gặp quan huyện, trưởng lại truy bắt, không chịu tránh, hoặc không thể tránh được đi tới bậy vào nhà người. Nhìn bậy điều không được nhìn. Nghe bậy điều không được nghe. Xâm phạm bậy điều không được xâm phạm. Nói bậy điều không được nói. Ưu ái bậy chỗ không được ưu ái. Làm bậy điều không được làm. Đó là vào làng xóm phi thời, làm việc phi pháp.

Thế nào là việc có thể tránh, mà không tránh? Đó là tránh voi dữ, ngựa dữ, bò dữ, xe chạy, ngựa lồng lộn, rắn độc, hố giếng sâu, nước, lửa, gươm trần, người say, người ác, và những điều khác nữa.

Đấy là những trường hợp đáng tránh mà không chịu tránh.

Này các Tỳ-kheo, đó là chín nhân duyên làm cho con người chết bất đắc kỳ tử tại chỗ. Người sáng suốt thì phải hiểu rõ, tránh xa các nhân duyên ấy. Đã tránh xa thì được hai loại phước. Một là được trường thọ. Hai là nhờ trường thọ nên được nghe đạo với lời lành tiếng đẹp và có thể hành đạo, tu tập đến giải thoát.

Đức Phật dạy như vậy, mọi người đều hoan hỷ.

 

KINH SỐ 32

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Có hai hạng người khó có được trong thế gian. Hai hạng người nào?

  1. Người làm ơn trước.
  2. Người nhớ ơn không quên.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 33

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Trong thế gian có hai hạng người khó có được. Hai hạng người nào?

  1. Người thi ân với việc khó làm.
  2. Người thọ ân luôn biết báo ân.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 34

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Có hai hạng người khó có trong thế gian. Hai hạng người nào?

  1. Được tài sản không cất chứa.
  2. Được tài sản không tiêu xài phung phí.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 35

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Thế gian có hai hạng người đáng chán. Hai hạng người nào?

  1. Được của cải tài sản thì cất chứa.
  2. Được của cải tài sản thì tiêu xài phung phí.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 36

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Trong thế gian cõ hai hạng người khó có. Hai hạng người nào?

  1. Người đã được đầy đủ.
  2. Người có khả năng làm đầy đủ.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 37

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Có hai hạng người khó có trong thế gian. Hai hạng người nào?

  1. Bố thí tâm không hối tiếc.
  2. Tỳ-kheo hành chánh đạo, chứng đắc Niết-bàn.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 38

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Có hai hạng người khó có ở thế gian. Hai hạng người nào?

  1. Người từ bỏ tâm tham lam keo kiệt, sống trong gia đình luôn đứng đầu về công việc bố thí, thường tự mình thực hiện việc bố thí, bố thí bình đẳng.
  2. Tỳ-kheo hành chánh đạo, chứng đắc Niết-bàn.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 39

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Có hai hạng người trong thế gian rất cương quyết, rất thù thắng. Hai hạng người nào?

  1. Người sống đời sống gia đình mà bố thí các thứ y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc trị bệnh, vật dụng theo yêu cầu của nhiều người.
  2. Tỳ-kheo vì lòng tin xuất gia, bỏ tất cả, thân đoạn ân ái, chế ngự cảm thọ, hướng Niết-bàn, đạt đến Niết-bàn.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 40

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Nên quán sát hai pháp thanh tịnh này trong thế gian. Những gì là hai?

  1. Quý (Hổ).
  2. Tàm (Thẹn).

Nếu trong thế gian không có hai pháp này thì không thể có sự phân biệt cha mẹ, anh em, nam nữ, học trò, thầy dạy, vua chúa, đại thần. Giả sử không có hai pháp chân chính ấy trong thế gian thì con người cũng như các loài súc sinh. Ai quán sát hai pháp thanh bạch này, Quý và Tàm, thì phân biệt rõ ràng được cha mẹ, anh em, nam nữ, học trò, thầy dạy, vua chúa, đại thần. Nếu trong thế gian không có hai pháp chân chính này thì con người cũng như các loài súc sinh không khác. Vì vậy, các ông phải quán sát nhận biết hai pháp thanh bạch ấy để biết phân biệt.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 41

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật dạy các Tỳ-kheo:

–Phải từ bỏ hành động ác về thân. Tại sao? Vì điều ấy phải nên từ bỏ. Nếu không từ bỏ được hành động ác về thân thì Phật đã không dạy phải nên từ bỏ hành động ấy. Hành động ác về thân có thể bỏ được, nên Ta nêu dạy là phải bỏ hành động ác đó. Ai không từ bỏ hành động ác về thân thì tài sản sẽ bị tiêu tán không thể bố thí, bị rơi vào hai tai nạn. Có mắt không thấy được, vì vậy bị đọa vào địa ngục. Người không có hai mắt thấy thì đi đến chỗ nào cũng không thể hộ trì. Người thấy chỉ một mắt là kẻ trộm cắp, kẻ hai lưỡi… chỉ nhằm có tài sản trong thế gian để sung sướng riêng mình. Họ hành động phi pháp, dối trá, trở nên giàu có nhưng không an lạc, không bố thí, như vậy là một con mắt bị đọa địa ngục. Pháp đệ nhất là có hai mắt biết làm ăn sinh sống, lại biết bố thí, từ đó tự tại làm phước.

Nếu không biết sáng suốt làm ăn, lại không biết bố thí đúng lúc thì không sinh lên cõi trời. Nên tránh xa trường hợp không có mắt hoặc chỉ có một mắt. Người sáng suốt nên tư duy về hai mắt. Người có hai mắt là bậc nhất ở đời này và đời sau.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 42

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ Tôn giả A-nan đến gặp Đức Phật. Sau làm lễ, Tôn giả thưa:

–Bạch Thế Tôn, thế giới của thế gian, vậy thế giới là gì? Có bao nhiêu thế giới?

Đức Phật đáp:

–Này A-nan, có ba thế giới là Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới.

Lại nữa, do con người gây nên các tội nên khiến cho có thế giới; đấy là thế giới. Này A-nan, không có tội lỗi vì dục thì không có Dục giới.

Tôn giả A-nan đáp:

–Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật bảo A-nan:

–Này A-nan, tội là đất đai, thức là hạt giống, dục là tham ái, si là tối tăm. Người ngu si không có mắt nên làm các việc xấu ác. Ta biết rõ là con người do hành động ác ấy nên bị đọa vào Dục giới.

Này A-nan, người không tạo Sắc hành thì không có Sắc giới.

Đức Phật bảo A-nan:

–Không tạo Sắc hành thì có Sắc giới không?

A-Nan bạch Phật:

–Không có.

Đức Phật bảo A-nan:

–Sắc hành là đất, thức là hạt giống, dục là ái, si là tối tăm, hành thức ở trong đó, nên có Sắc giới.

Này A-nan, do phước Vô sắc hành nên có Vô sắc giới. Nếu không có phước Vô sắc hành thì không có Vô sắc giới.

A-Nan bạch Phật:

–Đúng vậy, do có Vô sắc hành nên có Vô sắc giới.

–Này A-nan, do phước báo là đất, thức là hạt giống, ái dục, si ám, tối tăm nên con người ngu si không có mắt thấy. Không có mắt thấy thì không có sắc, nên nhận thức cõi ấy là Vô sắc giới.

Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 43

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật gọi các Tỳ-kheo, họ vâng dạ. Đức Phật dạy:

–Người có lòng tin có ba hành động khiến theo đấy có thể thực hiện đức tin thanh tịnh. Những gì là ba?

  1. Muốn hiểu biết sáng suốt.
  2. Muốn được nghe kinh pháp.
  3. Từ bỏ tâm cấu uế, tham lam keo kiệt.

Người sống ở tại gia tích cực bố thí rộng rãi bằng chính tay mình, luôn ưa thích bố thí, muốn hiểu biết sáng suốt, lại thích nghe kinh pháp, trừ bỏ uế xan tham. Đấy gọi là tin tưởng.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 44

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật gọi các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo đều vâng dạ. Đức Phật dạy:

–Có ba pháp thiện đem lại an lạc, người có trí tuệ muốn cầu thiện pháp ấy thì phải hộ trì giới luật. Đó là:

  1. Muốn an vui được tiếng khen đúng pháp, phải hộ trì giới luật.
  2. Muốn an vui, có tài sản vừa ý thì phải hộ trì giới.
  3. Luôn nhớ nghĩ về thân thọ này, đời sau muốn sinh vào cõi trời, người có trí tuệ phải hộ trì giới.

Người có trí tuệ, muốn được ba ước nguyện về tiếng khen, lợi ích hiện tại, đời sau sinh vào cõi trời thì phải giữ giới. Người có trí tuệ thực hiện những điều nói trên, thì ngay đời này luôn được an lạc.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 45

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Đức Phật dạy các Tỳ-kheo:

–Thế gian có ba bệnh lớn trong thân ai cũng có. Những gì là ba?

  1. Phong.
  2. Nhiệt.
  3. Hàn.

Đây là ba bệnh lớn.

Này Tỳ-kheo, có ba loại thuốc lớn. Tỳ-kheo dùng đầu mè trị bệnh phong, dầu mè là loại thuốc lớn. Tô lạc trị bệnh nhiệt, Tô lạc là loại thuốc lớn. Mật trị bệnh hàn, mật là loại thuốc lớn.

Này Tỳ-kheo, đấy là ba loại thuốc lớn, dùng để trị ba loại bệnh lớn.

Trong thân người có ba loại bệnh cùng phát sinh và cùng sống chung, được thấy và nói đến trong giáo pháp đạo đức này. Những gì là ba?

  1. Tham dục.
  2. Giận dữ.
  3. Si mê.

Này Tỳ-kheo, ba loại bệnh lớn này có ba loại thuốc lớn.

Này Tỳ-kheo, tham dục là bệnh lớn, tư duy quán sát bất tịnh là thuốc lớn. Giận dữ là bệnh lớn. Từ bi là thuốc lớn, Si mê là bệnh lớn, quán sát về nguồn gốc nhân duyên là thuốc lớn.

Này Tỳ-kheo, đấy là ba loại thuốc lớn.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 46

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Phật dạy các Tỳ-kheo:

–Có ba ác căn bản. Tham là ác căn bản thứ nhất. Sân là ác căn bản thứ hai. Si là ác căn bản thứ ba.

Tham là ác căn bản. Vì căn bản tham nên có xan tham, vì có xan tham, không xa lìa xan tham, nên thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác; đấy là ác. Do xan tham nên thân làm điều sai, tâm nghĩ theo đều là ác căn bản. Vì xan và vướng mắc vào xan nên tự hại mình và hại người khác, hại cả hai, đều là hành động ác. Vì xan nên không biết về tự thân và thân người khác, cả hai đều là ác. Vì xan và bị xan trói buộc nên muốn thi hành với lý lẽ: Giết chết, trói, cột, làm cho diệt vong, đều là ác cả. Vì xan và bị xan trói buộc nên muốn đem đau khổ cho mình bằng cách thi hành lý lẽ giết, trói, cột, làm cho diệt vong, với tâm cảm thọ thích thú, để được như ước nguyện. Đấy là ác.

Này Tỳ-kheo, người lý luận như vậy là nói không đúng lúc, không đúng pháp, nói để cho việc ác thêm phát triển. Vì sao? Này Tỳ-kheo, vì người này nói không đúng lúc, nói để phát triển điều ác.

Này Tỳ-kheo, như vậy chính họ đã làm nhiều điều dối trá, tự mình si mê, làm tăng thêm si mê.

Này Tỳ-kheo, có người thành thật nói cho họ biết, họ cũng không muốn dốc lòng nghe theo. Người nào nói ra chỗ không đúng của họ thì họ không vừa ý, phát biểu: “Vấn đề này không đúng, ta không có như vậy”. Người như vậy là nói lời ác, không thành thật, không tốt đẹp, nói lời phi pháp, nói lời làm tăng trưởng điều ác.

Này Tỳ-kheo, người như vậy thì có nhiều xan tham, và theo nhân duyên nhiều xan nên pháp thô ác, sân, si theo đấy cũng như thế. Người như vậy thì điều ác theo họ rất nhiều không phải một. Họ bị phủ vây, trói buộc bởi tham, sân, si, thô ác, phi pháp.

Có người thấy các pháp ác như vậy, nói với họ về sự chấm dứt khổ. Họ càng thêm lo buồn, sợ hãi, khi qua đời, bị sinh vào cảnh giới ác.

Này Tỳ-kheo, ví như cây đại thọ bị loài cây chùm gởi bao phủlên, đan lợp rậm rạp không phải một chỗ, cũng như vậy nhiều pháp tham, sân, si, pháp bất hảo bao trùm con người. Do nhận thấy bị che đậy nên con người sống trong khổ sở, lo buồn thiêu đốt thêm, chết đọa vào chỗ ác.

Có ba phước lành căn bản.

  1. Không tham là thiện căn bản.
  2. Không sân là thiện căn bản.
  3. Không si là thiện căn bản.

Không tham là điều thiện. Không xan tham thì thân làm điều thiện, miệng nói điều thiện, ý nghĩ việc thiện. Thân thọ nhận thiện, miệng thọ nhận thiện, ý thọ nhận thiện. Nên không nghĩ đến việc hại mình hại người, không nghĩ đến việc hại cả hai là thiện. Không xan tham, không liên hệ với xan tham, tự thân biết làm cho người khác biết, cả hai đều biết là thiện. Không xan tham, không liên hệ với xan tham, thì không gây khổ ưu cho người khác bằng cách không đưa ra lý lẽ để chiếm, giết, đánh đập, vu báng, làm chết người; đấy là thiện. Không xan tham, không bị xan tham trói buộc thì không gây buồn khổ cho người khác bằng cách không đưa ra lý lẽ khiến cho người bị giết, bị chém, bị đánh đập, bị vu báng, bị chết; tâm không thu nhận, không hoan hỷ về việc ấy mà làm cho người khác được như nguyện; đấy là việc thiện. Người như vậy là nói đúng lúc, nói lời thật, nói lời có phước, nói pháp, nói ngăn ác, đấy là điều tốt. Tại sao? Này Tỳ-kheo, người này gọi là nói đúng lúc, nói đúng pháp, nói ngăn việc ác; biết rõ mình và người, không trốn tránh, không che đậy, tự biết sự ngu si, kiêu mạn của mình và của người khác. Được người hiểu biết đến nói thì họ không tránh né; khi nghe nói, họ không nói là tôi không có. Nếu có người đưa ra lời lẽ không thật thì hiểu rõ, báo lại việc này, cho là không có việc ấy, không phải do tôi, tôi không làm việc ấy. Người ấy nói đúng lúc, nói lời có phước, nói  pháp, nói ngăn việc ác. Không xan tham với nhiều nhân duyên như vậy.

Có nhiều thiện pháp là vì từ đây đến cuối cuộc đời không tham lam, sân hận, không có si. Do vậy nhiều thiện pháp đến từ ba pháp này.

Này Tỳ-kheo, người nào lìa bỏ hết các pháp tham, sân, si xấu ác, không còn sinh lại là thấy pháp, là hành động an lành. Họ không còn ưu sầu, khổ não, sau khi chết thì sinh vào cảnh giới an lành. NàyTỳ-kheo, ví như trên cây to có cành nhánh bị cây chùm gởi phủ kín.

Có người không muốn cây chùm gởi bao phủ, không muốn bị ngăn trở vướng víu, không muốn bị che khuất, không muốn bị rậm rạp, vây kín, liền đào rễ chặt gốc cây chùm gởi. Sau khi chặt gốc liền chặt cành, sau khi chặt cành rồi chặt khúc, sau khi chặt khúc thì bửa ra, sau khi bửa ra bèn đem phơi khô, sau khi phơi khô bèn đem đốt cho nó cháy thành tro, sau khi thành tro thì cho bay theo gió hay đỗ vào dòng sông. Như vậy cây chùm gởi do nhân duyên ấy đã bị chặt từ gốc tới ngọn, không còn thấy, không mọc lại.

Này Tỳ-kheo, cũng như ví dụ ấy, những người tu hành ở trên không phải chỉ đoạn trừ chỉ có một loại. Ai xả bỏ hết pháp tham, sân, si xấu ác, khiến chúng không còn sinh nữa, thì thấy pháp, sống an ổn, không còn có khổ, não, ưu, nhiệt. Sau khi qua đời thì sinh đến cảnh giới tốt đẹp.

Đức Phật dạy như vậy.

 

KINH SỐ 47

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ,

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Có bốn hành động sáng suốt là sự hiểu biết của bậc Hiền giả  chứ không phải của người ngu si, người có trí tuệ luôn vừa ý. Những gì là bốn?

Này Tỳ-kheo, pháp bố thí, được người sáng suốt hiểu rõ, bậc Hiền giả hiểu rõ, người có trí tuệ hiểu rõ, vừa ý.

Này Tỳ-kheo, không dối trá, tất cả người trí trong thiên hạ đều hiểu rõ.

Này Tỳ-kheo, hiếu dưỡng với cha mẹ, tất cả người trí tuệ hiểu rõ.

Này Tỳ-kheo, làm vị Sa-môn được người có trí đều hiểu rõ như trên.

Này Tỳ-kheo, pháp hành đạo là chỗ người có trí biết, bậc Hiền biết, người ngu không thể biết. Người sáng suốt tự biết bố thí, không dối trá, chế ngự tâm ý, luôn hiếu dưỡng đối với cha mẹ. Đây là hành động của người trí tuệ, ngay hiẹn tại được thành tựu, ngay đời này được tịnh nguyện.

Đức Phật dạy như vậy.