PHẬT THUYẾT ÁT-ĐA-HÒA-ĐA-KỲ KINH
Hán dịch: Mất tên người dịch, phụ vào dịch phẩm đời Tây Tấn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật cùng đại chúng Tỳ-kheo gồm năm trăm vị, ở trong khu rừng thuộc nước Vi-da. Vào một ngày rằm bấy giờ là nửa đêm yên tĩnh, khi các vị Tỳ-kheo đang cùng nhau luận bàn hỏi đáp thì trời Chiên-đàn Điều Phất với hình tướng, oai thần sáng chói rực rỡ, đến chỗ Đức Phật.

Chiên-đàn Điều Phất cởi hết châu ngọc quý báu trên thân thể để qua một bên, chỉ khoác một tấm y cung kính lạy sát chân Đức Phật, rồi thưa:

–Bạch Thế Tôn! Về thời quá khứ, đẹ tử của Phật Chánh Giác có kinh tên là Át-đa-hòa-đa-kỳ. Ngày nay, đệ tử của Phật cũng nói đến kinh Át-đa-hòa-đa-kỳ. Con xin Đức Thế Tôn giảng nói cho con nghe về kinh ấy để phụng hành.

Đức Phật im lặng không trả lời. Chiên-đàn Điều Phất cúi đầu rồi ngồi xuống.

Đức Phật vì các Tỳ-kheo mà nói rằng:

–Ta sẽ giảng nói kinh Át-đa-hòa-đa-kỳ. Các ông hãy lắng nghe, nhớ nghĩ đừng quên.

Các Tỳ-kheo thưa:

–Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn giảng nói, chúng con xin thọ trì giới kinh.

Phật nói:

–Bố thí có tám việc:

  1. Người ngu bố thí, chỉ bố thí mà không biết về ân thiện hiện có.
  2. Bố thí rồi nhưng không thông đạt về thế gian là vô thường.
  3. Người ngu si luôn chấp thế gian là thường, thực sự thì khổ vô cùng.
  4. Người ngu si chấp thế gian là vui.
  5. Người ngu nói: Đó là những điều mà ta luôn làm được.
  6. Người thế gian đều điên đảo, bất tịnh, bày ra việc hung ác, mà kẻ ngu cho là tốt đẹp.
  7. Người ngu làm việc tốt, nhưng không biết rằng làm thiện được quả báo thiện, làm ác đưa đến quả báo ác.
  8. Người ngu bố thí cho người, nhưng không biết người mình cho đức nhiều hay ít, đem tâm thiện bố thí để được chứng đạo, được phước vô lượng.

Phật nói:

–Làm sao biết được là người ngu không nhận biết? Vì bố thí có mười nhân duyên:

  1. Người ngu bố thí không biết vì tôn trọng mà tự cho để được phước thiện.
  2. Người ngu không dốc lòng cho.
  3. Người ngu trong lúc cho không có tâm kính trọng.
  4. Không tự tay cho.
  5. Bảo người khác cho.
  6. Người cho không mong muốn được phước báo.
  7. Được phước thì tự dùng hết.
  8. Người ngu bố thí Phật, Bích-chi-phật, La-hán mà không biết phước ấy rất lớn.
  9. Người ngu bố thí mà không có lòng tin, bác bỏ Phật, Bíchchi-phật, La-hán, A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn và nói chung không có đời sau.
  10. Người ngu bố thí chỉ muốn được cái tên, muốn được mọi người khen ngợi.

Đó là người ngu bố thí.

Đức Phật giảng nói kinh xong, Chiên-đàn Điều Phất và các Tỳkheo đều hoan hỷ, làm lễ rồi lui ra.