KINH ÂN CHA MẸ KHÓ BÁO ĐÁP
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Đại sư An Thế Cao
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vậy:

Một thời, Đức Thế Tôn ngụ tại khu vườn Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:

–Cha mẹ đối với con cái có ân đức rất lớn: Bú mớm dưỡng nuôi, theo thời để dạy bảo, thân bốn đại nơi con mới được thành hình. Như có người con vai bên phải cõng cha, vai bên trái cõng mẹ, trải qua hàng ngàn năm luôn thuận hợp như thế, không hề dấy tâm oán trách cha mẹ, thì người con ấy hãy còn chưa đủ để báo đáp ân đức của cha mẹ mình.

Nếu cha mẹ không có lòng tin thì chỉ dẫn khiến cha mẹ có lòng tin, đạt được sự an ổn. Cha mẹ không biết về giới luật thì dẫn dắt, chỉ bày về giới, khiến đạt được nơi chốn an ổn. Cha mẹ không biết nghe pháp thì khiến cha mẹ được nghe, đạt được chỗ an ổn. Cha mẹ tham lam, keo kiệt, thì nên vui vẻ khuyến khích, giúp cho cha mẹ ưa thích bố thí, đạt được sự an ổn. Cha mẹ không có trí tuệ thì gắng sức giáo hóa khiến có phương tuệ sáng, đạt mọi an ổn. Như thế là giúp cho cha mẹ tin nơi Phật là bậc Giác ngộ, gồm đủ mười tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Chỉ dẫn cho cha mẹ tin nơi pháp, đạt được chốn an ổn. Các pháp thâm diệu, Phật đã hiện thân chứng đạt quả. Nghĩa lý sâu xa người trí như vậy là phải thông tỏ, theo đấy mà hành hóa.

Lại chỉ dẫn cho cha mẹ tin tưởng nơi Thánh chúng. Thánh chúng của Như Lai, hạnh hết mực thanh tịnh, luôn hòa hợp, ngay thẳng, không dối trá, thành tựu về các pháp, thành tựu về giới, về định, về trí tuệ, về giải thoát và giải thoát tri kiến. Thánh chúng của Như Lai, đó là chư vị đã đạt được bốn hướng bốn quả (Hướng Tu-đàhoàn, quả Tu-đà-hoàn. Hướng Tư-đà-hàm, quả Tư-đà-hàm. Hướng Ana-hàm, quả A-na-hàm. Hướng A-la-hán, quả A-la-hán). Chư vị là những bậc hết sức tôn quý, phải nên cung kính, tôn phụng, là ruộng phước vô thượng của thế gian.

Các người con như thế là phải chỉ dẫn cho cha mẹ hành theo Từ bi. Chư vị Tỳ-kheo có hai nghĩa vụ làm con: Đó là nghĩa vụ đối với bậc sinh thành (cha mẹ) và nghĩa vụ làm con đối với nơi chốn đã dưỡng dục mình (Thầy, Tổ, chùa chiền). Vì vậy các Tỳ-kheo cần phải tu học để thực hiện nghĩa vụ làm con đối với cha mẹ. Miệng phát ra lời nói luôn mang đậm pháp vị. Các vị Tỳ-kheo cần phải tu học như thế.

Lúc này, các Tỳ-kheo, nghe Phật giảng nói đều hoan hỷ phụng hành.