kính ái pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(敬愛法) Kính ái, Phạm: Vazìkaraịa. Hán âm: Bà thi ca la noa, Phạ nga yết na noa, Phạ thủy ca lỗ noa, Phạt thi ca ra noa. Cũng gọi Khánh ái pháp, Kính ý pháp, Ái kính pháp. Pháp tu cầu nguyện cho chính mình và người khác được Phật, Bồ tát xót thương che chở, hoặc muốn được vua chúa và mọi người kính mến. Là 1 trong các pháp tu của Mật giáo. Đây là 1 trong 4 loại Đàn pháp, tức là pháp cầu nguyện cho sự hòa hợp thân thiện, gồm có: – Tín phục kính ái: Pháp tu cầu nguyện cho người chống trái trở lại tùy thuận với mình. – Hòa hợp kính ái: Pháp tu cầu nguyện cho vợ chồng ở thế gian hòa thuận thương kính lẫn nhau. – Câu triệu kính ái: Pháp cầu nguyện cho người không thuận theo mình, khiến cho họ sinh lòng kính mến. – Tất địa kính ái: Pháp cầu nguyện cho chúng sinh vì vô minh mà trái ngược với bản giác, đi theo 3 đường ác, cuối cùng, trở về với bản giác Phật quả. Bản tôn của các pháp tu Kính ái đều khác nhau. Pháp Kính ái chung cho cả pháp Niệm tụng, pháp Hộ ma và được chia ra từ pháp Tăng ích trong 3 pháp Tức tai, Tăng ích và Điều phục. Khi tu pháp Kính ái nên bắt đầu vào giờ Dần, vì giờ này là lúc âm dương hòa hợp. Hành giả phải mặc áo đỏ, mặt hướng về phía tây, tất cả vật cúng, pháp cụ đều dùng màu đỏ. Pháp đàn và lò Hộ ma(gọi là lò Kính ái) đều dùng hình hoa sen và màu đỏ, vì màu đỏ là màu tượng trưng cho sự hòa hợp kính ái. Pháp này thuộc về Liên hoa bộ trong 3 bộ, 5 bộ. [X. kinh Thất câu chi Phật mẫu chuẩn đề đại minh đà la ni; Kim cương đính du già hộ ma nghi quĩ].