SỐ 337
KINH A XÀ THẾ VƯƠNG NỮ A THUẬT ĐẠT BỒ TÁT
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo, tám ngàn vị Bồ-tát ở tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành La-duyệt-kỳ. Cả hai chúng trên đều là cac bậc tôn quý, đều chứng đắc pháp Đà-lân-ni, đâu cũng nghe biết, như biển lớn không có trở ngại, chư vị đều được năm thông, thâm nhập phương tiện thiện xảo vi diệu, đạt được pháp môn Tổng trì, các pháp không, không bo ý chí, hành vô sắc tưởng, tùy theo pháp hành hóa, hành theo pháp không bị lệ thuộc, không tạo nghiệp, thuyết kinh pháp không bị nhiễm chấp. Vì tất cả chúng sinh nên quán pháp gốc đã chứng pháp nhẫn, thường làm đầy đủ các việc.

Bấy giờ có: Bồ-tát Tu Di Sơn, Bồ-tát Đại Tu Di Sơn, Bồ-tát Tu Di Sơn Đỉnh, Bồ-tát Sư Tử, Bồ-tát Hòa-ha-mạt, Bồ-tát Thường Cử Thủ, Bồ-tát Thường Hạ Thủ, Bồ-tát Thường Tinh Tấn Hạnh, Bồ-tát Thường Hoan Hỷ, Bồ-tát Thường Ưu Niệm Nhất Thiết Nhân, Bồ-tát Trân Bảo Niệm, Bồ-tát Trân Bảo Thủ, Bồ-tát Bảo Ấn Thủ, Bồ-tát Chấp Ngự, Bồ-tát Đại Ngự, Bồ-tát Thường Trì Chí Thành, Bồ-tát Dilặc. Như vậy, tất cả mười bảy vị.

Nhóm tám vị của Bồ-tát Bạt-đà-hòa gồm: Bồ-tát Bạt-đà-hòa, Bồ-tát Bảo Mãn, Bồ-tát Phước Nhật Đâu, Bồ-tát Nhân-đề-đạt, Bồ-tát

Hòa-luân-điều, Bồ-tát Thường Niệm, Bồ-tát Niệm Ích Ư Thế Gian, Bồ-tát Tăng Ích Thế Gian Công Đức. Như vậy tất cả là tám vị.

Bấy giờ, Đức Phật cùng với tám ngàn vị Bồ-tát ở cách thành Laduyệt-kỳ không xa, được sự cung kính, tôn trọng, ngợi khen của vua và đại thần, lại được sự tôn trọng của các hàng Bà-la-môn, cư sĩ.

Phật vì vô số đại chúng thuyết giảng kinh pháp, lời nói đầu đều thiện, lời nói giữa cũng thiện, lời nói sau cũng thiện. Không ai nghe thuyết pháp mà không được khai phát. Vì ở chặng đầu, giữa, sau đều hiểu rõ ràng, hoàn toàn trong sạch, không bị nhiễm ô, tinh tấn không lường.

Khi ấy, các Tôn giả: Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, Đại Cadiếp, Tu-bồ-đề, Bân-nậu, La-vân, Loa-việt, An-ba-thân, Ưu-ba-ly, Anan cùng với chúng Đại Tỳ-kheo nhiều không thể kể, sáng sớm, y phục trang nghiêm, cầm bát vào đại thành La-duyệt khất thực. Các vị Tôn giả Tỳ-kheo này, đi khắp nẻo đường trong thành để khất thực, lần lần đến cung điện của vua A-xà-thế. Đến nơi ấy, các vị đều đứng một chỗ, im lặng, từ từ khất thực.

Vua A-xà-thế có người con gái tên A-thuật-đạt (Hán dịch là Vô Sầu Ưu) mới mười hai tuổi, tướng mạo đoan chánh, xinh đẹp bậc nhất. Ở đời trước đã tạo công đức cúng dường vô số chư Phật nên có thần thông dũng mãnh, tâm không thoái chuyển đối với đạo quả Bồ-đề vô thượng. Lúc này, vương nữ A-thuật-đạt đang ngồi trên tòa bằng vàng trong cung điện của vua cha, thấy các vị Tỳ-kheo đến khất thực, chẳng rời khỏi chánh điện, vẫn ngồi yên, không đứng dậy, không nghinh tiếp, không làm lễ, cũng không mời ngồi, không cúng dường các vật dụng. Các Tỳ-kheo cũng im lặng quan sát vương nữ.

Khi ấy, vua A-xà-thế thấy công chúa Vô Sầu Ưu không cung kính, lễ bái các vị Tỳ-kheo, nên nhìn vương nữ và hỏi:

–Con không biết sao? Đây là các vị Tỳ-kheo, đệ tử của đấng Chánh Biến Tri, đã chứng đắc A-la-hán vô sở úy, việc làm thù thắng, đã đặt gánh nặng xuống, đoạn tận sinh tử, thâm nhập pháp diệu, cúng dường các vị đó thì phước đức không thể lường, là bậc thầy, là bậc cha lành luôn thương xót, ban phát phước đức cho tất cả. Con thấy thế nào lại ngồi yên, im lặng mà nhìn. Con có ý gì khác mà lại không lễ bái các bậc tôn túc ấy?

Vương nữ Vô Sầu Ưu thưa:

–Tâu phụ vương! Cha đã từng thấy sư tử làm lễ, đón mời các loại cầm thú nhỏ chăng?

Vua đáp:

–Không thấy!

Vương nữ hỏi:

–Phụ vương đã từng nghe vua Chuyển luân đứng dậy nghinh tiếp, làm lễ, mời vua các nước nhỏ ngồi chăng? Thích-đề-hoan-nhân có đứng dậy nghinh tiếp, làm lễ với chư Thiên không? Phạm thiên vương có đứng dậy làm lễ các Phạm thiên không?

Vua đáp:

–Không thấy!

Vương nữ hỏi:

–Phụ vương đã từng thấy Thần biển lớn làm lễ các thần nhỏ ơ vũng nước, ao, rãnh, kênh, suối v.v… chăng? Núi Tu-di có làm lễ các núi nhỏ chăng? Ánh sáng của mặt trăng, mặt trời có sáng hơn ánh sáng của ngọn lửa, của đom đóm không?

Vương nữ lại hỏi:

–Phụ vương phát tâm cầu đạo quả Bồ-đề vô thượng, muốn cứu độ tất cả chúng sinh, mặc áo giáp tịch tĩnh của chúng Tăng, giữ vững tâm đại bi, gầm vang âm thanh của chánh pháp như tiếng sư tử rống thì sao lại phải sợ hãi? Tỳ-kheo mà không có tâm đại từ, đại bi, xa lìa tiếng rống như sư tử, sao lại lễ bái, tin tưởng, hoan hỷ? Phụ vương đã từng thấy Đại Pháp vương giáo hóa tất cả chúng sinh đều phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng giác lại cung kính đảnh lễ các thầy Tỳ-kheo nhỏ tuổi, ít trí tuệ chăng? Thưa phụ vương, ví như nước biển không thể lường, không thể xét, không thể thấy biên vực. Bậc đại trí cũng như vậy, không thể nhận lấy phần nước suối đọng vũng nơi dấu chân trâu bò tự cho là đầy đủ, đâu có thể so sánh với nước biển. Tỳ-kheo này sợ sinh tử, hướng đến diệt độ, vậy người phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng giác có cần phải nghinh tiếp, làm lễ không?

Phụ vương đã từng thấy bậc đại trí như núi Tu-di, rất đáng tôn quý, là đấng Chánh Biến Tri, là bậc Đại Hùng, đâu phải nghinh tiếp, làm lễ những Tỳ-kheo trí tuệ như hạt cải? Phụ vương đã từng thấy ánh sáng mặt trời, mặt trăng, ánh sáng ấy soi sáng khắp, không thể lường xét. Ánh sáng của trí tuệ, của công đức, danh văn nơi đấng Chánh Biến Tri còn vượt quá hàng ngàn vạn ức lần ánh sáng kia. Ánh sáng của đom đóm chỉ tự chiếu nơi thân mình, không chiếu cho tất cả mọi người. Những vị Tỳ-kheo trí nhỏ chỉ tự độ. Còn pháp của bậc đại trí thì soi sáng khắp ba cõi, xứng đáng để nghinh tiếp, lễ bái.

Thưa phụ vương! Sau khi Phật Niết-bàn còn không làm lễ những Tỳ-kheo này, huống chi là Phật còn tại thế đâu làm trái phép tắc. Vì sao? Vì tu học pháp ấy, thân cận pháp nơi bậc Chánh Biến Tri sẽ chứng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng giác.

Vua bảo công chúa Vô Sầu Ưu:

–Tâm con ngạo mạn, xúc phạm chư Đại Tỳ-kheo này, không chịu đón tiếp, cung kính, mời các vị ngồi theo đúng phép tắc chủ khách, trái lại còn đưa ra nhiều thí dụ, không nghĩ tới việc thiết trai cúng dường. Chẳng hay con có ý gì?

Vương nữ thưa:

–Phụ vương nói con có tâm xúc phạm sao? Phụ vương cho con hỏi lại: Phụ vương có bao giờ thấy những người nghèo khổ, hạ tiện, hành khất trong nước mà đảnh lễ không?

Vua đáp:

–Không! Vì những người này không cùng hàng với ta.

Vương nữ thưa:

–Phụ vương cũng giống như những người phát tâm Thanh văn, Phật-bích-chi, Bồ-tát, không đồng hàng với Phật.

Vua nói:

–Ta lãnh hội và hành pháp Bồ-tát, từ bỏ tâm hung bạo, sân hận, hiện bày tâm nhu hòa thuan hợp hòa mình đối với tất cả mọi người.

Còn con lại không khởi tâm nhu hòa?

Vương nữ thưa:

–Người đời thật ngu si, thường ôm lòng độc ác. Bồ-tát dùng tâm từ bi đoạn trừ các sự độc hại cho mọi người. Những thứ phien não cấu uế nơi các đại Tỳ-kheo ấy đã được đoạn trừ. Nhưng chư Tỳ-kheo này thấy điều thiện không làm cho tăng trưởng, thấy việc ác cũng không làm cho tổn giảm. Thưa phụ vương! Mười phương chư Phật ở đời vị lai vì các Ty-kheo này thuyết pháp sâu xa, vi diệu, không ai là không theo đấy để tăng trưởng sự tinh tấn. Vì sao? Vì đã đóng chặt con đường sinh tử. Ví như dùng bình đựng đầy nước để giữa đất trống. Khi trời mưa, trong bình không nhận được một giọt, một giọt cũng không được vào. Vì sao? Vì bình đó đã đầy nước rồi.

Thưa phụ vương! Chúng Tỳ-kheo này cũng như vậy. Nếu mười phương chư Phật hiện đầy đủ thần thông, biến hóa, thuyết giảng kinh pháp thì không ai là không hướng tới các pháp Tam-muội của Như Lai, đối với công đức thì không điều gì là không tăng trưởng lợi ích.

Thưa phụ vương! Ví như biển lớn, ngàn vạn sông đều chảy về. Vì sao? Vì biển rộng dài, dung chứa tất cả, không thể lường. Phụ vương! Đại Bồ-tát thuyết giảng kinh pháp cũng vậy, làm cho mọi người thấy pháp và đạt được nhiều sự lợi ích, phát tâm Đại thừa giúp nhiều người quy y. Vì sao? Vì sự dung thọ của Đại Bồ-tát là không thể tính đếm, lường xét. Khi ấy, vương nữ Vô Sầu Ưu, vì vua A-xà-thế, nói kệ:

Ta là Vô Sầu Ưu
Con vua A-xà-thế Năm trăm
Tỳ-kheo đến Ta không chịu làm lễ.
Liền bị vua quở trách
Không cung kính Tỳ-kheo
Ta không biết phước điền
Xa lìa hạt giống Phật.
Vô Sầu Ưu tụng kệ
Nghe ta nói lời thật
Thấy Tỳ-kheo không đứng
Tâm không muốn làm lễ.
Người lái thuyền vào biển
Mà chỉ lấy một tiền
Bỏ lại cả trăm tiền
Đến biển pháp cũng vậy.
Trăm phần bỏ lấy một
Như người thân cận vua
Hoặc gần bậc Luân vương
Mà chỉ xin một tiền.
Uổng công gần gũi vua
Người trí làm vua vui
Xin cả ngàn ức báu
Giúp vô lượng kẻ nghèo.
Làm cho họ an vui
Người như vậy có trí
So với người xin tiền
Người ấy không hiểu rõ.
Người nghe pháp cũng vậy
Vào biển pháp bao la
Mà chỉ lấy ít phần
So với người phú quý.
Bồ-tát là châu ngọc
Nguyện cúng dường Pháp vương
Tự cầu Phật, độ người
Ví như đại y vương.
Chỉ tự trị thân mình
Không cứu hết mọi người
Cũng có bậc y vương
Trị bệnh cho nhiều người.
Đó chính là y sư
Bậc thầy đầy trí tuệ
Còn vị chỉ trị mình
Bỏ rơi nhiều người khác.
Không đáng để cung kính
Hiểu biết nhiều loại thuốc
Trị bệnh cho nhiều người
Trời, người đều kính lễ.
Bồ-tát cũng như vậy
Như cây không hoa trái
Không lợi ích cho người
Cây La-hán cũng vậy.
Không lợi lạc thế gian
Như cây chiên-đàn hương
Có ích cho tất cả
Pháp Bồ-tát cũng vậy.
Mở pháp vị cam lồ
Không dùng nước châu ngọc
Tẩy trừ các cấu uế
Nước sông Hằng trong sạch.
Lợi ích vô số người
Chảy tràn vào biển cả
Còn pháp của Thanh văn
Như nước dấu chân trâu.
Không diệt não thế gian
Pháp Bồ-tát ví như
Nước sông Hằng rộng lớn
Bao trùm cõi đại thiên.
Như khi trời mưa báu
Người ngu lấy một tiền
Người trí lấy rất nhiều
Lợi ích cho mọi người.
Người nghèo thành giàu sang
Đức Phật mưa pháp vũ
Thanh văn chỉ lấy một
Bồ-tát hứng đầy đủ.
Phân phát cho mọi người
Người gần núi Tu-di
Được hiện sắc thân vàng
Các núi đá nhỏ khác.
Sắc thân không biến hiện
Nên biết pháp Bồ-tát
Cũng như núi Tu-di
Nhờ Bồ-tát sinh thiên.
Lìa sinh tử khổ não
Thanh văn không độ người
Cỏ cây thấm sương mốc
Không nhiều không phát triển.
Ngũ cốc bị hư hoại
Trận mưa lớn thấm nhuần
Cỏ cây đều tăng trưởng
Thanh văn như sương mai.
Bồ-tát như mưa lớn
Chư Phật trong đại thiên
Mưa pháp nhuần tất cả
Hoa Ca-tùy không hương.
Mọi người không thích lấy
Tu-di, Ưu-đàm bát.
Hương thơm không bay xa
Pháp của bậc Bồ-tát.
Như là hoa Tu-di
Độ tất cả mọi người
Đến Niết-bàn an lạc
Như người vượt đồng trống.
Chẳng giúp người gặp nạn
Người đi nơi đường lớn
Giúp ai gặp đại nạn
Độ thoát khổ sinh tử.
Pháp Thanh văn đồng trống
Pháp Bồ-tát đại lộ
Hướng đạo cho mọi người
Thoát mê lầm sinh tử.
Thuyền nhỏ, chở ít người
Qua lại chẳng tiện lợi
Như người đóng tàu lớn
Chở nhiều vô số lượng.
Thanh văn như thuyền nhỏ
Bồ-tát như tàu lớn
Thất giác độ hết thảy
Thoát biển cả ái dục.
Nếu mặc giáp cởi lừa
Không thể vào trận chiến
Mặc giáp cỡi voi, ngựa
Chiến đấu, thắng oanh liệt.
Ngồi đạo thọ thắng ma
Cứu thế gian trời, người
Hư không đầy tinh tú
Giữa đêm không chiếu sáng.
Lúc mặt trăng xuất hiện
Chiếu sáng khắp tất cả
Nam nữ thấy vui mừng
Thanh văn như tinh tú.
Bồ-tát như trăng tròn
Ơn Bồ-tát được yên
Đều phát Nhất thiết trí
Lửa sáng của đom đóm.
Người không thể dùng được
Mặt trời phát ánh sáng
Có ích cõi Diêm-phù
Thanh văn như lửa đóm.
Bồ-tát như nhật nguyệt
Đưa tất cả mọi người
Vượt biển khổ sinh tử.

Bấy giờ, vua A-xà-thế nghe công chúa Vô Sầu Ưu nói kệ trên liền im lặng, không rõ là nói gì.

Tôn giả Xá-lợi-phất nghĩ: “Lời nói của cô này rất kỳ lạ, chỗ nêu giảng không bị chướng ngại, do có trí tuệ nên mới được như vậy. Ta thử xem sự hiểu biết của cô ấy, không biết cô ta có hoan hỷ không?”.

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi vương nữ Vô Sầu Ưu:

–Cô cầu điều gì ở trong ba thừa?

Vương nữ đáp:

–Cầu đại từ, đại bi.

Xá-lợi-phất hỏi:

–Cô vượt khỏi Đại thừa chăng?

Vương nữ đáp:

–Không.

Xá-lợi-phất hỏi:

–Vậy cô cầu thừa nào mà gầm lên tiếng gầm của sư tử như vậy?

Vương nữ thưa:

–Nơi chỗ cầu, là không có đối tượng được cầu. Có chỗ cầu tức là không gầm lên tiếng gầm của sư tử. Không chốn cầu là trụ ở tiếng sư tử gầm. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Ta dùng pháp gì để chứng tỏ là có pháp Thanh văn, Bích-chi và Đại thừa?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

–Các pháp là vô tướng, nhất như là không, không thật có.

Vương nữ nói:

–Các pháp đều là không thì làm sao hành pháp để nêu bày về tam thừa?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

–Là hành theo không chốn hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi vương nữ:

–Có pháp Phật, không có pháp Phật khác nhau chăng?

Vương nữ thưa:

–Không gần và không xa, khác nhau chăng?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

–Không khác.

Vương nữ hỏi:

–Nội không, ngoại không khác nhau chăng?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

–Không khác.

Vương nữ thưa:

–Như vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, đắc pháp Phật hay chưa đắc pháp Phật đều không khác nhau sao?

Vương nữ vì Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết giảng các loại không và pháp không. Tôn giả Xá-lợi-phất im lặng vì không đủ biện tài để bác lại lời chất vấn ấy.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hỏi vương nữ Vô Sầu Ưu:

–Cô thấy Như Lai có gì sai khác mà lại nói hàng Thanh văn và Bích-chi không sánh bằng?

Vương nữ đáp:

–Tôn giả có biết số lượng tinh tú nơi ba ngàn đại thiên thế giới chăng?

Tôn giả Mục-kiền-liên nói:

–Tôi sẽ nhập Tam-muội, quán sát mới biết được!

Vương nữ:

–Bậc Chánh Biến Tri luôn ở trong Tam-muội nên thấy từng ý nghĩ, từng nẻo hướng tới của hằng hà sa số chúng sinh, huống chi là tinh tú. Vì vậy, nên biết bậc Chánh Biến Tri đối với các pháp luôn có thọ trì, nên Thanh văn và Phật-bích-chi không sánh bằng. Tôn giả có biết trong cõi Phật ở mười phương có bao nhiêu thế giới sẽ hoại diệt, có bao nhiêu thế giới sẽ hợp thành?

Mục-kiền-liên:

–Không biết.

Vương nữ:

–Tôn giả biết có bao nhiêu Phật ở quá khứ? Bao nhiêu Phật ở vị lai? Bao nhiêu Phật ở hiện tại không?

Mục-kiền-liên:

–Không biết.

Vương nữ:

–Tôn giả biết ở thế gian này có bao nhiêu người tham? Bao nhiêu người sân? Bao nhiêu người si không? Có bao nhiêu người đoạn tận tam độc? Có bao nhiêu người không đoạn tận trừ hết tam độc?

Mục-kiền-liên:

–Không biết.

Vương nữ:

–Thế gian có bao nhiêu người cầu Phật đạo? Có bao nhiêu người không tin Phật đạo? Có bao nhiêu người cầu Đại thừa?

Mục-kiền-liên:

–Không biết.

Vương nữ:

–Thế gian có bao nhiêu người cầu Phật đạo? Có bao nhiêu người tin nơi chín mươi sáu thứ đạo? Có bao nhiêu người không tin vào chín mươi sáu loại đạo? Có bao nhiêu người không có nơi chốn để tin?

Mục-kiền-liên:

–Không biết.

Vương nữ:

–Bậc Chánh Biến Tri đều biết rõ những việc ấy. Lại còn hơn điều này, là không thể tính kể, không có giới hạn. Hàng Thanh văn và Phật-bích-chi làm sao sánh bằng. Vì bậc Chánh Biến Tri đối với các pháp có thọ trì. Tôn giả Mục-kiền-liên được đấng Chánh Biến Tri khen là bậc thần thông đệ nhất, vậy Tôn giả đã từng đến thế giới Hương Khiết Kiền Đà Ha? Trong cõi đó các cây được trang nghiêm bằng bảy báu, và mùi hương của hoa là mùi chiên-đàn.

Mục-kiền-liên:

–Điều đó tôi chưa từng nghe, chưa từng thấy. Hôm nay mới nghe tên của nước đó vì chưa được nghe thấy nên nay tôi muốn được nghe danh tự của Đức Phật trong cõi ấy. Hiện tại Ngài có thuyết giảng kinh pháp không?

Vương nữ:

–Đức Phật kia hiệu là Hương Khiết Phóng Quang Minh Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, trụ tại thế giới đó, hiện đang thuyết giảng kinh pháp.

Vương nữ Vô Sầu Ưu an tọa chẳng động, oai nghi đoan nghiêm như nơi Tam-muội, nguyện: “Bồ-tát mới phát tâm cầu đạo quả Bồ-đề vô thượng, hơn cả hàng Thanh văn, Duyên giác. Nếu đúng như lời con nói, nguyện cầu Đức Như Lai Phóng Quang Minh ở cõi Hương Khiết phóng hào quang khiến cho các Thanh văn ở đây thấy được cõi ấy và khắp cả nước đều nghe mùi hương chiên-đàn ở cõi xa kia”.

Vương nữ Vô Sầu Ưu phát thệ nguyện xong, tức thì Đức Như Lai Hương Khiết Phóng Quang Minh kia liền phóng hào quang từ nơi thân tướng mình, khiến các Thanh văn ở cõi đây đều được thấy nghe về thế giới Hương Khiết cùng Đức Như Lai Phóng Quang Minh đang thuyết giảng kinh pháp cho đại chúng Bồ-tát. Nhờ thần lực của Phật, các vị Thanh văn đều tụ đến cõi kia được nghe thuyết pháp. Đức Hương Khiết Như Lai đã dùng sáu mươi loại âm thanh để giảng dạy:

–Đúng như lời vương nữ Vô Sầu Ưu, Bồ-tát mới phát tâm cầu đạo quả Bồ-đề vô thượng, hơn cả hàng Thanh văn, Phật-bích-chi.

Chính vào lúc này Bồ-tát Di-lặc bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Hương chiên-đàn này từ cõi nào bay đến, tỏa khắp không gian như vậy?

Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

–Vương nữ Vô Sầu Ưu cùng các đại Thanh văn đồng gầm lên tiếng gầm của sư tử nên có điềm lành này. Đức Phật Hương Khiết Phóng Quang Minh đã hiện thân và hương chiên-đàn lan tỏa đầy khắp hằng hà sa cõi.

Vương nữ Vô Sầu Ưu nói với Tôn giả Mục-kiền-liên:

–Bồ-tát hiện bày các công đức biến hóa như vậy, Tôn giả còn có mong cầu đi theo con đường nhỏ hẹp chăng? Tôn giả biết cõi Hương Khiết cách đây bao xa không?

Tôn giả Mục-kiền-liên đáp:

–Không biết.

Ví như tất cả các thứ tre, lau, lùm rừng, cây cỏ đầy khắp Tam thiên đại thiên thế giới, số lượng như vậy, dầu trải qua một kiếp để tính kể về cõi Phật kia cũng không thể tính biết được. Qua khỏi các cõi Phật nhiều như vậy mới biết được trụ xứ của Đức Phật Hương Khiết Phóng Quang Minh.

Bấy giờ, Đức Phật Hương Khiết Phóng Quang Minh thâu nhận hào quang, trở về quốc độ, cõi Phật ấy chẳng còn hiện bày. Tôn giả Mục-kiền-liên thấy sự biến hóa ấy thì im lặng, không nói gì.

Tôn giả Đại Ca-diếp hỏi vương nữ Vô Sầu Ưu:

–Trước đây, cô đã từng thấy Đức Thích Ca Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác chưa? Phật có thuyết giảng bài kệ để thấy được sắc thân Phật:

Ai dùng sắc thấy Ta
Dùng âm thanh cầu Ta
Ngu si chẳng thể tin
Người này không thấy được.
Dùng pháp thấy được Phật
Là thấy pháp thân Phật
Pháp ấy khó thấu đạt
Nên chẳng thể thấy.

Tôn giả Đại Ca-diếp nghĩ: “Không biết công chúa đã từng thấy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chưa?

Vương nữ:

–Tôi đã thấy bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri nhưng không phải dùng nhục nhãn để thấy, chẳng phải là thấy nơi sắc, chẳng phải là thấy nơi vô sắc. Cũng không dùng thiên nhãn để thấy, cũng không dùng nhãn của năm ấm sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng không dùng trí tuệ nhãn để thấy, cũng không dùng thức tưởng để thấy, cũng không dùng thân để thấy, cũng không dùng Phật nhãn để thấy, cũng không dùng thân mạng để thấy.

Tôn giả Đại Ca-diếp! Tôi thấy đấng Chánh Biến Tri cũng như thấy Tôn giả Đại Ca-diếp, vì không có trí sáng lớn nên ưa thích sinh ở thế gian, tự gọi là có thân, chuyên về một hạnh giác ngộ mong muốn thấy đạo.

Tôn giả Đại Ca-diếp hỏi:

–Cô nên trình bày pháp không có chủ, kẻ ngu si nên mới ưa sinh, tự gọi là ngã thân, tất cả vạn vật là pháp tưởng hiện có của ngã, không ở trong hay ở ngoài mà được thấy, vậy từ đâu hóa sinh?

Vương nữ đáp:

–Các pháp không thể thấy, đó là pháp vô hình, như vậy thì không thể thấy là được sinh như thế nào?

Tôn giả Ca-diếp hỏi:

–Pháp Phật cũng là không, là không thật có sao?

Vương nữ đáp:

–Muốn thấy được pháp Chánh chân vô thượng thì phải nên đúng như pháp mà thấy.

Đại Ca-diếp hỏi:

–Pháp của bạch y tôi cũng muốn nghe, huống chi là Phật đạo ma không muốn nghe sao?

Vương nữ đáp:

–Pháp không thấy là có, cũng không thấy là không.

Tôn giả Ca-diếp hỏi:

–Vậy đó là pháp không?

Vương nữ đáp:

–Các pháp đều không, không có hình tướng, không thể từ chân đế mà thấy được. Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn thấy được thân tướng Phật, thì tự mình hãy làm thanh tịnh các đức hạnh, ở trong hạnh thanh tịnh, mới thấy được thanh tịnh, mới là thuần thục.

Tôn giả Ca-diếp hỏi:

–Thế nào là tự làm thanh tịnh hạnh cho thuần thục?

Vương nữ đáp:

–Tự quán thân là không, tức là hội nhập các pháp không, các pháp không giảm, cũng không tăng. Đó là tự thấy các sự thanh tịnh.

Tôn giả Ca-diếp hỏi:

–Những gì gọi là thân không?

Vương nữ đáp:

–Không tận là không, thân này là không, các pháp không cũng như vậy.

Tôn giả Ca-diếp nói:

–Từ đâu nghe được pháp này mới có thể tin tưởng chắc chắn. Đức Phật dạy hai nhân duyên mới được tin, một là nghe người khác, hai là khéo tự suy nghĩ hành động.

Vương nữ nói:

–Dùng trí tuệ nghe người khác nói, có thể nghe, rồi mới tự quán xét nơi thân tạo tác. Nếu tự có trí tuệ, lại quán tất cả, lấy sự sáng suốt làm thầy.

Tôn giả Ca-diếp hỏi:

–Làm sao tự biết thân mình làm thiện?

Vương nữ thưa:

–Nghe pháp, quán sát điều thiện, thân làm thiện thì thấy tạo tác thiện.

Tôn giả Ca-diếp hỏi:

–Bồ-tát làm thế nào tự quán thân hành thiện?

Vương nữ thưa:

–Pháp của Bồ-tát hòa hợp với tất cả người trong thiên hạ, đồng một sở thích, không điều gì mà không thông suốt. Đây là thân Bồ-tát hành thiện.

Lại nữa, thưa Tôn giả Ca-diếp! Pháp vị lai, pháp quá khứ, pháp hiện tại đều không tăng giảm, đây là pháp hành của Bồ-tát.

Tôn giả Ca-diếp hỏi:

–Làm thế nào thấy được pháp không có chỗ tăng, không có chỗ giảm?

Vương nữ đáp:

–Có hai điều là có pháp và không pháp, không tăng và không giảm. Khởi lên suy nghĩ như vậy thì tự thấy thân, ý, hành của mình. Mà thấy thân, ý, hành chính là không có sự thấy biết. Đại Ca-diếp!

Đó là tự thấy thân mình.

Tôn giả Ca-diếp hỏi:

–Làm thế nào để tự thấy thân mình?

Vương nữ đáp:

–Cũng như Tôn giả Đại Ca-diếp tự độ thân mình, không thấy tất cả mọi người.

Tôn giả Ca-diếp nói:

–Tôi không có nơi chốn được.

Vương nữ nói:

–Các pháp đều không có chỗ xả bỏ cũng không có nơi chốn chấp trước.

Tôn giả Đại Ca-diếp im lặng, không dùng lời gì để đáp lại.

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề nghe lời nói ấy, cho là rất sâu xa, nên rất hoan hỷ, bèn hỏi vương nữ Vô Sầu Ưu:

–Cô từ đâu mà đạt được lợi ích lớn, mới có biện tài này?

Vương nữ đáp:

–Cũng không được lợi ích, cũng không phải là không được lợi ích. Trí tuệ cũng không thấy pháp, pháp cũng không thấy trí tuệ, cũng không nội quán, cũng không ngoại quán. Trí tuệ là như vậy. Vì sao? Tôn giả Tu-bồ-đề nói có pháp tức là phi pháp. Cũng như Tôn giả Tubồ-đề là bậc thâm nhập tánh không bậc nhất. Pháp là có nơi chốn, có thuyết giảng, là có trí tuệ, không có trí tuệ, trí tuệ thì không có nơi chốn để nêu bày.

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Không nên chấp chặt vào chỗ vắng lặng, hễ có pháp xứ là được trí tuệ. Pháp này chỉ thấy, không thể thuyết giảng, không thể nói ra.

Vương nữ nói:

–Tất cả các pháp đều như vậy, không từ nơi nhận thức, không từ nơi chọn lấy. Thế thì làm sao được lợi ích lớn mà có trí tuệ.

Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi:

–Cô hãy nêu bày về pháp không, không có trí tuệ. Do từ đâu mà nói là có?

Vương nữ thưa:

–Tôn giả đã từng nghe tiếng kêu lớn ở trong núi, có âm thanh vang từ đâu không? Tất cả các pháp đều như vậy. Tin, không nói, tin là tiếng vang. Có trí tuệ, không có trí tuệ vốn là không tuệ. Tiếng vang đó nhờ âm thanh hợp thành.

Vương nữ hỏi Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Âm vang này phát ra là có hình tướng chăng?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Âm vang không có hình tướng. Nó do nơi không mà có tên gọi.

Tất cả các pháp đều như tiếng vang, do nơi không mà phát sinh.

Vương nữ nói:

–Tất cả pháp, nơi chốn thuyết pháp cũng từ không mà phát sinh.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Nếu tất cả các pháp từ không phát sinh, thì vì sao Phật lại thuyết giảng: Chư Phật ở đời vị lai xuất hiện nơi thế gian nhiều như cát sông Hằng?

Vương nữ thưa:

–Tôn giả muốn biết chỗ sinh ra pháp chăng?

Tu-bồ-đề đáp:

–Tôi muốn biết.

Vương nữ nói:

–Nơi chốn phát sinh là không có chỗ sinh, không có chỗ sinh chính là chốn phát sinh. Thưa Tôn giả Tu-bồ-đề! Hằng hà sa chư Phật không thấy từ Như Lai đi, cũng không phải từ Như Lai đến. Sở dĩ thành Phật là chẳng từ nơi pháp nào để phát tâm, cũng không dừng lại nơi ý.

Tu-bồ-đề nêu:

–Thuyết này là đệ nhất nghĩa về chưa sinh, chưa khởi.

Vương nữ nói:

–Chỗ thuyết giảng đều là đệ nhất. Hoặc thuyết giảng hoặc không thuyết giang cũng đều là đệ nhất. Tất cả đều là không chốn sinh, không thể nêu bày. Không thể nêu bày mới không xa lìa pháp Phật.

Tu-bồ-đề nói:

–Thật hiếm có người tại gia học đạo mà có biện tài uyên bác, hiểu rộng nghĩa lý, thâm nhập pháp diệu như vậy.

Vương nữ thưa:

–Bồ-tát cũng không là tại gia, cũng không là xuất gia, cũng không là Sa-môn, cũng chẳng phải là không Sa-môn. Vì sao? Vì do hành động của tâm ý. Hành động ấy lấy trí tuệ làm đầu, lấy sự sáng suốt làm sự hoàn hảo.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Bồ-tát có bao nhiêu chỗ để dừng lại? Tôi xin được nghe.

Vương nữ thưa:

–Bồ-tát thọ trì tám pháp trụ, là cho dừng ngay nơi sự dừng, không chỗ nào là không dừng, là bậc nhất trong hàng Thanh văn. Tám pháp ấy là những gì mà hàng Bồ-tát thường hành ý thiện, chí tâm cầu Phật, không hề chuyển hối?

  1. Đem tâm từ bi rộng lớn cứu giúp tất cả mọi người.
  2. Không bỏ lòng thương yêu rộng lớn, xa lìa pháp thế gian, đối với thân mạng không có sự chấp trước.
  3. Thực hành phương tiện thiện xảo, trí tuệ không thể nêu kể, đều phát sinh từ tâm dốc cầu thành Phật.
  4. Thường tinh tấn dũng mãnh, không nhàm chán, thấy nghe cầu đạt các pháp.
  5. Phải biết hành xứ của Bồ-tát.
  6. Cứu hộ dẫn dắt tâm ý của hết thảy mọi loài.
  7. Trí ấy không từ người khác có.
  8. Thọ trì tất cả pháp, tự chưng đắc pháp nhẫn.

Đó là tám pháp. Thưa Tôn giả Tu-bồ-đề! Thọ trì tám pháp này là thực hành ngay chỗ để dừng, vượt hơn các La-hán, Phật-bích-chi.

Lúc ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề im lặng.

Bấy giờ, Tôn giả La-vân hỏi vương nữ Vô Sầu Ưu:

–Cô quả thật là đã giải bày nghĩa lý rõ ràng, hiểu sâu các pháp Tổng trì, đạt trí tuệ căn bản. Nhưng sao công chúa lại ngồi nơi tòa vàng uế trược, không có tâm khiêm nhường, cung kính. Tự mình ngồi nơi tòa cao nêu vấn nạn mà thuyết giảng kinh pháp cho chư đại Tỳkheo. Tôi từng nghe Phật dạy: “Ai không có bệnh tật thì không được ngồi nằm nơi tòa cao, nghe thuyết giảng kinh pháp”.

Vương nữ thưa:

–Tôn giả đã từng biết ở thế gian cho điều gì tịnh, điều gì là bất tịnh chăng?

Tôn giả La-vân nói:

–Ở thế gian, ai thọ trì, tin tưởng, không phạm giới là tịnh. Nếu

sai phạm là bất tịnh.

Vương nữ nói:

–Như vậy là Tôn giả chưa hiểu, chưa rõ về điều ấy. Vì sao? Thưa Tôn giả La-vân! Người giữ giới, tin tưởng, thọ trì, không phạm giới là bất tịnh, người phạm giới tức là tịnh. Vì sao? Nếu không nương vào trí tuệ thanh tịnh thì có phân biệt tịnh và bất tịnh vốn không vắng lặng, không tịnh, không bất tịnh. Chư vị A-la-hán đều thấy rõ như vầy, người nào phạm giới là tịnh. Vì sao? La-vân! Vì xa lìa nơi chốn của giới, không học, không lập nên có thể đạt đến trí tuệ vô biên, lìa bỏ nẻo ác, vượt quá thế gian. Cho nên gọi là lìa giới.

Tôn giả La-vân hỏi:

–Người như vậy thì sự lập nguyện, không lập nguyện có khác chăng?

Vương nữ thưa:

–Ví như lấy vàng đem mài dũa tạo ra nhiều đồ vật như nhẫn, vòng, dây chuyền, vật đã làm hoặc chưa làm thì màu sắc trước, màu sắc sau có khác nhau không?

Tôn giả La-vân đáp:

–Không khác.

Vương nữ thưa:

–Đúng vậy! Thưa Tôn giả La-vân! Cớ sao lại trách cứ về chỗ ngồi cao, không khiêm nhường, cung kính. Điều cốt yếu là hành động của ý. Thưa Tôn giả La-vân! Xưa kia Bồ-tát dùng cỏ trải nơi đất mà ngồi, hơn cả chỗ ngồi của Thanh văn, Phạm thiên.

Tôn giả La-vân hỏi lại:

–Vì sao chỗ ngồi của Bồ-tát lại hơn chỗ ngồi của Thanh văn, Phạm thiên?

Vương nữ thưa:

–Thưa Tôn giả La-vân! Bồ-tát ở nơi gốc cây dùng cỏ làm tòa. Ba ngàn thế giới Thích, Phạm, Tứ thiên vương và thế gian, trên đến cõi trời Ba Mươi Ba, giữa là muôn dân, quỷ thần lớn đều đến thăm hỏi. Trong hàng Bồ-tát, có vị quỳ lạy chân Bồ-tát, có vị khiêm nhường vái chào, có vị vòng tay lại. Những sự việc đó đúng chăng?

Tôn giả La-vân trả lời:

–Đúng! Rất đúng.

Vương nữ nói:

–Tôn giả La-vân nên biết! Chỗ ngồi của Bồ-tát là từ nơi ý tâm cao thấp chẳng phải là nơi tòa ngồi, cho nên vượt hơn chỗ ngồi của Thanh văn, Phạm thiên, Tôn giả nên biết như vậy.

Lúc này, vua A-xà-thế bảo vương nữ Vô Sầu Ưu:

–Con không biết sao! Tôn giả La-vân thuộc chủng tộc tôn quý bậc nhất nơi hàng Chuyển luân vương. Do lòng tin đạo nên từ giả gia đình khi còn nhỏ để hành đạo Sa-môn, bỏ ngôi vị Chuyển luân vương, là con của Phật Thích Ca, bậc trì giới đệ nhất. Sao con lại khinh mạn, không chịu kính lễ?

Vương nữ thưa:

–Thưa phụ vương! Chớ nên nói như vậy. Sao phụ vương lại lấy viên ngọc Thần Chu đem so sánh với thủy tinh. Phụ vương từng thấy sư tử sinh ra con là cáo chăng? Con của Chuyển luân vương đâu lại làm vua nước nhỏ.

Vua nói:

–Không có như vậy.

Vương nữ thưa:

–Tâu phụ vương! Cha nên biết đều là do nhân duyên thôi, chứ Tôn giả La-vân kia đâu từ Như Lai sinh, mà là sinh từ thai của cha mẹ. Hạnh sư tử của Như Lai đều hàng phục chín mươi sáu thứ ngoại đạo, trí tuệ thần thông đều đầy đủ, là vị đại thánh dũng mãnh. Tất cả các pháp đều nhận biết ro không có điều gì bị trở ngại, kể cả tâm niệm của mọi người. Ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều thấu đạt, là vị đại y vương chữa trị mọi thống khổ cho nhân loại, thường khuyến hóa tất cả để chuyển pháp luân. Các Tôn giả Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, Đại Ca-diếp, Tu-bồ-đề, Loa Việt, La-vân, A-nan, đều là hàng Thanh văn nghe pháp phụng hành chứ chẳng phải là con của Phật.

Bấy giờ các Tôn giả Thanh văn ở trong đại chúng đều nghe vương nữ Vô Sầu Ưu thuyết giảng kinh pháp. Vương nữ thưa vua:

–Tâu phụ vương! Thời quá khứ xa xưa hàng a-tăng-kỳ kiếp, có Phật hiệu là Đề-hòa-kiệt-la. Khi ấy, có nữ Bà-la-môn tên là Tu-la-đà (Hán dịch là Tiên Khiết Biện), lại có nam Bà-la-môn tên Bệ-đa-vệ theo hầu đấng Chánh Biến Tri Đề-hòa-kiệt-la.

Bấy giờ, thiếu nữ đem năm bông hoa cúng dường Phật. Khi mua

hoa thiếu nữ phát nguyện muốn kết làm phu phụ với thanh niên, cho đến khi được thành Phật. Lại phát tâm cầu pháp Đại thừa, là do ở thời quá khứ hàng a-tăng-kỳ kiếp đã tạo công đức, phát nguyện đời đời gắn bó với nhau, cũng nhằm cứu độ các hạng người thấp kém cho nên theo Phật cầu nguyen, trọn không uổng phí công sức. Nàng Câu-di là con gái dòng họ Thích, phát tâm cầu đạt đạo quả Vô thượng Chánh đẳng giác, dùng phương tiện thiện xảo khuyến hóa tất cả Bồ-tát, nên thị hiện có vợ, con trai, nô tỳ, voi, ngựa, vàng bạc, châu báu, mã não. Vì sao? Vì nhằm trừ bỏ chín mươi sáu loại ngoại đạo, không muốn họ phỉ báng Bồ-tát, chẳng phải là trang nam tử sinh trong hoàn môn. Ở thế gian, có đặc điểm gì mà nói là nhẫn nhục, khổ cực. Giả như khởi niệm ấy thì sẽ bị đọa vào địa ngục, ngày đêm bị hành hạ không thể nói. Bồ-tát mới theo Đức Phật Đề-hòa-kiệt-la Ứng Cúng Chánh Biến Tri cho tới nay, Bồ-tát được thọ ký không có sắc, tưởng, tư.

Tâu phu vương! Bấy giờ, nam Bà-la-môn Bệ-đa-vệ theo hầu Đức Phật Đề-hòa-kiệt-la Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, chứng đắc tuệ minh với sáu vạn môn Tam-muội, lại đắc Vô tận minh, hằng hà sa số pháp môn Đà-la-ni. Khi được thọ ký, nguyện trước, nguyện sau đều dứt bỏ.

Theo đó mà nói La-vân là con Phật, lại sinh từ trong thai mẹ là đã phỉ báng Bồ-tát, Như Lai. Đối với vợ con, quốc thành không đem lại an lạc. Bồ-tát xa lìa ái dục, đối với pháp thế gian không hề bị cấu nhiễm.

Vương nữ tâu vua:

–Tâu phụ vương! Trong biển lớn mà cầu mong có lửa là điều còn có thể được. Bồ-tát mà tham dục, sân hận là không thể được. Phụ vương nên biết, Tôn giả La-vân là hóa sinh, không phải sinh từ thai mẹ. Sự hóa hiện đó đều do oai thần của Phật. Bồ-tát theo sự tập tục mà giáo hóa, xả bỏ tất cả si mê, hiện hình như huyễn hóa, tất cả việc làm thường không xa lìa Tam-muội. Tự hiện lúc tuổi nhỏ, nơi nhà bạch y, cư sĩ, trong hàng Thanh văn, Bồ-tát, trong hàng trời, người, phi nhân v..v.. hạng tôn quý, thấp kém lớn nhỏ, hạ tiện, kỹ nhạc, cung nữ, ăn uống, rượu chè; tùy theo sự muốn độ mà hóa sinh. Thị hiện đến các chỗ như vậy, vô số không thể tính.

Trong chúng hội có người suy nghĩ: Vậy ai đúng là con thật của

Như Lai đủ chánh kiến, không làm gián đoạn Tam bảo, hộ trì bảy giác ý, tùy theo sở thích của người mà hóa độ thì người ấy xứng đáng là con của Phật. Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn làm con chân chánh của Phật thì nên phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Khi vương nữ thuyết giảng như vậy thì ở hậu cung có hai mươi lăm người phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh giác. Lúc ấy, ngàn Thiên tử nghe vương nữ Vô Sầu Ưu gầm lên tiếng gầm của sư tử, phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng giác, cùng cất tiếng:

–Chúng tôi là con lớn của Phật ở đời quá khứ, vị lai.

Phát nguyện rồi, bèn rưới mưa hoa che khắp cả đại thành Laduyệt-kỳ, dùng hoa cúng dường vương nữ Vô Sầu Ưu.

Lúc này, vương nữ Vô Sầu Ưu rời khỏi tòa ngồi vàng, đến trước các Tôn giả Thanh văn, Vô Sầu Ưu hỏi các vị ấy:

–Chư vị hiểu rõ về pháp khất thực chăng?

Các vị Thanh văn đáp:

–Dùng gì để hiểu và hiểu thế nào?

Thân có bốn thần, do nhân duyên sinh, thường bị che lấp, thuận theo sự biến hóa, lo sợ bị hư hoại, nên phải ăn uống. Thân này phải dùng các thức ăn uống mới đứng vững được, không ăn uống thì không được yên ổn. Thân này ví như chiếc xe bị hư hoại dần, cần phải thêm dầu cho các bộ phận được tạm yên ổn, vì khi ăn là nhằm hộ trì thân thể, không tự hiện bày kiêu mạn khi khất thực, không quá chú trọng vào sắc tướng, không vì tham ăn, cũng là để muốn phá trừ tham dục.

Vương nữ Vô Sầu Ưu nghe các Tôn giả Thanh văn nêu bày như vậy thì cũng không vui, không buồn. Thân như thế cũng là nơi chốn tạo ra tai họa, khổ cực. Ngay lúc ấy bèn thỉnh chư Thanh văn thọ lễ cúng dường trăm vị thức ăn. Thọ trai xong chư vị Tôn giả đều khiêm nhượng vái chào, liền trở về núi Kỳ-xà-quật, nghe Phật thuyết pháp, liền tự nghĩ: “Chúng ta sẽ cùng đến chỗ của vương nữ Vô Sầu Ưu”. Sau bữa ăn, cha mẹ, anh em, tông thân, hậu cung thể nữ, quần thần, dân chúng, đều ra khỏi thành, đến núi Kỳ-xà-quật. Khi đến nơi, tiến tới trước, đầu mặt sát đất đảnh lễ Phật, nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi ngồi một bên.

Các vị Thanh văn ra khỏi thiền định, cũng đến đảnh lễ Phật, rồi

ngồi qua một bên.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bèn đứng dậy sửa lại y phục, quỳ gối phải chắp tay bạch Phật.

–Bạch Thế Tôn! Vương nữ Vô Sầu Ưu này thuyết giảng pháp rất là sâu xa, vi diệu, dùng phương tiện khéo léo để lập luận biện giải, khiến mọi người không thể thắng được. Hỏi điều gì đều trả lời thấu đạt.

Phật dạy:

–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Vương nữ Vô Sầu Ưu đã từng cúng dường nơi chín mươi hai ức Phật, tạo công đức, thường không xa lìa phương tiện thiện xảo.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch:

–Bạch Thế Tôn! Vương nữ này vì sao không bỏ thân nữ?

Phật dạy:

–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Các thầy Thanh văn cho rằng Vô Sầu Ưu là nữ chăng? Nếu các vị không vào sâu nơi Bát nhã Ba-la-mật không thấy nhân căn, quán sát bản, tích, sau đó liền thấy chốn hành hóa. Bo-tát tùy ý an lạc, sử dụng quyền biến để thị hiện, có nam, nữ, không hề bị trở ngại, hoặc giới hạn vào điều đó, vì muốn độ cho mọi hạng nam, nữ.

Vương nữ Vô Sầu Ưu muốn làm rõ chỗ nghi ngờ của Tôn giả Xá-lợi-phất, bèn lập nguyện hiện thân khiến cho đại chúng đều thấy mình là nam. Nghĩ như vậy rồi, tức thì đại chúng cùng thấy Vô Sầu Ưu là nam tử, không còn thấy tướng nữ nhân nữa. Vô Sầu Ưu khi ấy bay tự tại trong hư không, cách đất bảy mươi trượng, trụ giữa hư không.

Đức Phật dạy:

–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Thầy đã thấy Vô Sầu Ưu là nam tử, bay tự tại trong hư không, cách đất bảy mươi trượng, trụ giữa hư không chăng?

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch:

–Bạch Thế Tôn, con đã thấy.

Đức Phật dạy:

–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Vô Sầu Ưu này, sau bảy trăm a-tăngkỳ kiếp sẽ thành Phật hiệu là Bệ-kiệt-dụ (Hán dịch là Ly Sầu) Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Cõi nước tên là Bệ-mạc-câu-liêu-hại (Hán dịch là Vô Cấu Trược Quang Thiểm), thọ mạng mười vạn kiếp. Sau khi Phật Niết-bàn, kinh pháp lưu truyền đến mười kiếp, không đoạn tuyệt. Trong cõi ấy, đất đều bằng lưu ly. Cõi có tám phương, mỗi phương có một đường, là nơi chốn du hóa của Đức Phật ấy. Cây hoa, lan can đều do bằng bảy thứ báu tạo thành, lại có nhiều lọng hoa, tỏa mùi thơm bằng các hương quý, không hề ô uế, không có các thứ cát đá, sỏi, ngói, chỉ toàn lấy châu báu làm thành muôn vật. Trong cõi đó không có địa ngục, súc sinh, quỷ đói, chỉ có hàng Bồ-tát, trời và người, giống như cung vua ở cõi trời Đao-lợi.

Bấy giờ, đại chúng và vua A-xà-thế đều bộc lộ sự vui mừng và nói:

–Lành thay! Lành thay!

Phu nhân của vua A-xà-thế là Chiên-la-cái (Nguyệt Minh Chiếu) rời khỏi chỗ ngồi, sinh tâm tán thán chắp tay cung kính bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Được làm người là đã khó, con lại được nuôi dưỡng Bồ-tát này, thì lợi ích gấp bội. Nhân đây con xin phát tâm tạo công đức cầu đạo quả Bồ-đề vô thượng. Xin lập nguyện: “Nay Đức Phật đã thọ ký cho Bồ-tát Vô Sầu Ưu, kiếp sau sẽ làm Phật. Con nguyện được làm Phật kế tiếp Phật đó, cũng ở trong cõi ấy”.

Bấy giờ, Đức Phật biết rõ tâm nguyện của hoàng hậu Nguyệt Minh Chiếu nên hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Có thấy hoàng hậu Nguyệt Minh không?

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn, con thấy.

Phật dạy:

–Hoàng hậu Nguyệt Minh thọ trì công đức đã tạo sẽ bỏ thân nữ và được thân nam, sau đó sinh lên cõi trời Đao-lợi, làm Thiên tử tên là Bảo Đệ Nhất. Khi Phật Di-lặc hạ sinh, có quốc vương tên Ha sẽ làm thái tử trong một nước. Thái tử tên là Chung Hảo, cúng dường Phật Dilặc trọn đời, kiếp sau sẽ làm Sa-môn của Phật Di-lặc, các pháp thượng, trung, hạ đều hết lòng thọ trì; cúng dường tất cả các bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, lại hành đạo Bồ-tát.

Ly Sầu đạt quả vị Chánh biến tri được làm Phật rồi Bảo Đệ Nhất sẽ làm Chuyển luân vương ở nước đó, hiệu là Bảo Phong, cúng dường, phụng sự đấng Chánh Biến Tri, trọn đời thờ phụng vị Phật ấy, và sẽ được làm Phật kế tiếp, hiệu là Như Lai Phổ Minh, giáo hóa nơi quốc độ giống như cõi nước Vô Cấu Trược Quang Thiểm của Như Lai Ly Sầu không khác.

Hoàng hậu Nguyệt Minh nghe Phật dạy như thế thì rất vui mừng, bèn cởi vàng bạc, châu báu ma-ni đang đeo nơi mình giá trị cả trăm vạn lượng dâng lên cúng dường Phật. Hoàng hậu theo vua A-xà-thế cầu xin thọ trì năm giới, xa lìa dâm dục, khiến cho tất cả mọi người nơi cung vua đều phát tâm tu hành thanh tịnh.

Lúc ấy, Bồ-tát Vô Sầu Ưu từ trên không trung bay xuống, chắp tay bạch Phật.

–Bạch Thế Tôn! Khi con làm Phật, nguyện cho chư vị Bồ-tát trong quốc độ của con tự nhiên hóa sinh pháp tòa rộng lớn, ca-sa tự nhiên đắp vào thân, không có già trẻ, dung mạo như người hai mươi tuổi. Nếu đúng như lời nguyện của con thì tự nhiên thân con làm Samôn, có đầy đủ pháp y.

Ngay luc ấy, sự việc hiện bày đúng như lời nguyện.

Bồ-tát Vô Sầu Ưu tâu vua:

–Tâu phụ vương! Pháp không bền chắc, từ không mà an lập, từ không mà an tọa. Đối với niệm, chẳng niệm ý vẫn an lập không tán loạn, không có sự sao chép, tạo tác vì không có chỗ tùy thuộc. Phụ vương có thấy như vậy không? Trong một ngày, con từ thân nữ, lại biến thành thân nam, lại hiện Tỳ-kheo Tăng. Càng xét suy kỹ càng. Người nơi này, người chốn kia, trong than đều có ba độc, không phải dùng ba thứ thuốc để điều trị tận cùng các độc. Pháp này phải biết rõ như vậy. Do đấy đại vương không nên làm điều phi pháp, nên thường xuyên gần gũi với Phật.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi có thể đoạn trừ mọi sự cấu uế nơi con người, làm tăng trưởng công đức, lợi ích, độ người chưa được hóa độ.

Trong nước vua có nhiều sự việc phải nên tùy ý trừ bỏ.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Bồ-tát Vô Sầu Ưu đã giải thích rõ ràng, nên có thể thọ trì, nêu giảng; nên vì tất cả mà giảng giải rộng kinh pháp. Nếu có thiện nam, thiện nữ muốn cầu Phật đạo, thì nên dốc tâm cúng dường bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Ai nghe kinh này mà không phỉ báng thì công đức không thể kể, huống chi là trọn đời phụng hành, cúng dường lụa hoa, hương đèn, cờ đuốc thì công đức đó là không thể kể tính.

Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Bồ-tát Vô sầu Ưu hoan hỷ, vua A-xà-thế, hoàng hậu Nguyệt Minh, Tôn giả A-nan, tất cả đại chúng, các hàng trời, rồng, thần, A-tu-la nghe Phật thuyết giảng kinh này đều hoan hỷ, đầu mặt cung kính đảnh lễ Phật rồi lui ra.