KINH A-NAN HỎI SỰ CÁT HUNG VIỆC THỜ PHẬT
(A)
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng An Thế Cao, người nước An Tức
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Có người thờ Phật được phú quý, may mắn, có người bị suy hao không may mắn, vì sao chẳng đồng? Cúi xin Đấng Thiên Trung Thiên vì chúng con giảng nói rõ.

Phật dạy Tôn giả A-nan:

–Có người thờ Phật theo minh sư thọ giới, tin vững không phạm, siêng năng phụng hành, không để mất những điều đã thọ. Hình tượng Phật tươi sáng, sớm chiều lễ bái, cung kính đốt đèn, cúng dường thanh tịnh được an vui, không vi phạm giới cấm, trai giới chẳng dừng, lòng thường hoan hỷ, được chư Thiên, thiện thần ủng hộ, làm việc gì cũng được may mắn, trăm sự tăng trưởng, được trời, rồng, quỷ than và mọi người cung kính, về sau chắc chắn sẽ đắc đạo. Người thiện nam, người thiện nữ này là đệ tử chân chánh của Phật. Có người thờ Phật không gặp minh sư, chẳng xem kinh giáo, thọ giới rồi chỉ mang danh thọ giới, mê muội chẳng tin, vi phạm giới luật, chợt tin chợt không, tâm ý do dự, lòng chẳng tôn kính kinh tượng, không đốt hương thắp đèn lễ bái, luôn luôn hồ nghi, sân hận mắng chửi, miệng nói xấu, ganh ghét người hiền, lại không giữ sáu ngày chay, tự tay sát sinh, không kính kinh Phật, đặt để trong rương hư mục quần áo nhơ bẩn, hoặc để trên giường chỗ vợ con bất tịnh, hoặc treo trên vách, chẳng để một nơi với lòng cung kính, chẳng khác nào sách vở thế gian. Nếu tật bệnh thì hồ nghi chẳng tin, liền mời thầy đồng bóng bói hỏi, tâu bày cúng tế tà thần. Vì vậy Thiên thần lánh xa không ủng hộ, yêu mị ngày càng gần, quỷ ác đầy nhà làm cho suy hao, không được may mắn, hoặc do đời trước hành động trong cõi ác nên hiện tại là người mắc tội, chẳng phải đệ tử của Phật, chết sẽ đọa vào địa ngục bị tra khảo, trừng trị. Do tội đó nên hiện tại bị suy hao, sau khi chịu tai ương, chết đọa vào đường ác, lần lượt chịu đau khổ, không thể nói hết, đều do tích ác làm điều bất thiện. Người ngu mờ mịt, không suy nghĩ về tinh thần báo ứng những việc đã làm từ trước, từ xưa đến nay, lại cho thờ Phật bị suy hao như vậy, chang biết mình đời trước không làm phước, lại oán ghét trời đất, trách cứ Thánh hiền, đổ lỗi cho trời, người đời mê lầm không thấu rõ mới như vậy. Người không thấu đạt, tâm thường bất định, lòng không vững chắc, tới lui trái lẽ, phụ bạc ân Phật mà không xét lại, nên bị trói buộc trong ba đường. Họa phước tự mình gây ra, tội vốn từ nơi thức sinh không thể không cẩn thận. Mười điều ác là oan gia, mười điều thiện là bạn lành, an thần đắc đạo đều từ thiện mà sinh. Thiện là áo giáp tốt không sợ đao binh, thiện là chiếc thuyền lớn vượt qua biển khổ. Ai có thể giữ lòng tin thì trong nhà được yên hòa, tự nhiên được phước, từ việc làm thiện đưa đến những điều tốt đẹp chứ chẳng phải thần ban cho. Nay lại không tin về sau phải chịu đau khổ.

Phật bảo:

–Này Tôn giả A-nan! Thiện ác theo người, như bóng theo hình không thể lìa nhau. Việc tội phước cũng đều như vậy, chớ có nghi ngờ mà tự rơi vào đường ác, tội phước phân minh. Lòng tin vững chắc không mê muội thì hiện tại thường an. Lời Phật chân thành không bao giờ lừa dối người.

Phật lại bảo Tôn giả A-nan:

–Phật không nói hai lời. Phật ở đời khó gặp, kinh pháp khó được nghe. Nhờ phước đời trước, nay ông được hầu Phật, nên nghĩ báo ân, tuyên dương giáo pháp, chỉ dạy cho dân chúng, vì họ mà làm ruộng phước, người tin gieo vào thì đời sau không còn lo buồn. A-nan nên thọ giáo phụng hành.

Tôn giả A-nan lại bạch Phật:

–Người không tự tay mình giết hại là vô tội chăng?

Phật nói:

–Này Tôn giả A-nan! Dạy người khác giết hại nặng hơn tự mình làm. Vì sao? Hoặc là vì người nô tỳ ngu si hạ tiện không biết tội phước, hoặc là bị quan quyền ép buộc phải làm, không cố ý giết. Tuy mắc tội nhưng sự lý chẳng đồng, nặng nhẹ sai khác. Người dạy người khác giết là biết mà cố ý phạm, âm thầm chứa việc ngu ác, tự tay sát sinh, không có lòng Từ, lừa dối Tam bảo, cậy vào thần tự nhiên hại mạng chúng sinh. Tội đó rất nặng, oan oan tương báo, đời đời chịu tai ương, chẳng có chấm dứt, hiện tại bất an, gặp nhiều nạn xấu, chết đọa vào địa ngục, lìa khỏi hình người đọa vào súc sinh, bị người mổ xẻ, ở trong ba đường dữ, tam nạn trăm vạn ức kiếp, đem thịt nạp cho người chưa bao giờ dứt, nay lại chịu thân khốn khổ ăn cỏ uống nước suối. Đời nay hiện làm những loài cầm thú, đều do đời trước khi làm người bạo nghịch vô đạo, sát hại chúng sinh, không tin mới đến nỗi này, đời đời gây oán, trở lại đền trả với nhau. Thân hình tuy khác nhưng thần thức giống nhau, tội nặng như vậy.

Tôn giả A-nan lại bạch Phật:

–Người đời và đệ tử có ý ác hướng đến người đạo đức và người thầy, tội đó thế nào?

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Hễ làm người thì nên ưa mến điều thiện của người, không nên ganh ghét. Người có ý ác hướng đến người đạo đức và minh sư cũng như hướng ý ác đến Phật. Thà cầm mười ngàn chiếc nỏ tự bắn vào thân mình, không nên hướng ý ác đến những vị ấy.

Phật nói:

–Này Tôn giả A-nan! Tự bắn vào thân mình có đau không?

Tôn giả A-nan thưa:

–Rất đau, rất đau, thưa Thế Tôn!

Phật nói:

–Người hướng ý ác đến người đạo đức hoặc minh sư của mình thì khổ đau hơn bị nỏ bắn vào thân. Là người đệ tử, không nên khinh dể thầy mình và hướng ý ác đến người đạo đức. Nên xem những vị ấy như Phật, không nên khinh dể ganh ghét. Thấy việc thiện của người nên hoan hỷ. Người có giới đức thì chư Thiên, rồng, quỷ thần đều cảm động và tôn kính. Thà nhảy vào lửa, dùng gươm bén cắt thịt, cẩn thận chớ ganh ghét việc thiện của người, tội đó rất lớn. Cẩn thận, cẩn thận!

Tôn giả A-nan lại bạch Phật:

–Người thầy có thể la mắng đệ tử được không? Không theo đạo lý, đem lỗi nhỏ làm thành lớn là vô tội chăng?

Phật nói:

–Không thể được, không thể được! Thầy trò nghĩa cảm tự nhiên, nên thăm hỏi với nhau, xem đệ tử như mình, điều phục họ bằng lý đúng, dạy dỗ họ bằng đạo đức, điều mình không làm chớ đem cho người, nên tôn sùng lễ luật, không gây tranh cãi. Đệ tử cũng vậy, hai nghĩa thầy trò chân thành. Thầy nên tròn phận thầy, trò nên tròn phận trò, chớ phỉ báng với nhau, ngậm độc gây oán, từ lỗi nhỏ thành lớn, trở lại tự thiêu thân mình. Là người đệ tử, đối với minh sư nên hiếu thuận, cẩn thận chớ hướng ý ác đến thầy. Hướng ý ác đến thầy cũng như hướng ý ác đến Phật, Pháp, Tỳ-kheo Tăng và cha mẹ thì trời không che, đất không chở. Ta xem thấy người trong đời mạt pháp, những hạng người ác bất trung, bất hiếu, chẳng có nhân nghĩa, chẳng hợp đạo làm người. Trong bốn hạng Tỳ-kheo đời ma, họ chỉ nghĩ lỗi của người khác, không tự dứt lỗi mình, ganh người hiền ghét người thiện lại cùng nhau ngăn cản phá hoại, không nghĩ hành thiện, ganh ghét, gây dữ với người hiền. Mình đã không làm, lại phá hoại người khác, đoạn tuyệt ý đạo, khiến cho người khác không thực hành được, tham muốn việc thế tục, cầu nhiều lợi dưỡng, tích chứa của cải, tự chôn vùi mình, trọng của cải, khinh đạo đức, chết đọa vào đường ác trong địa ngục lớn, ngạ quỷ, súc sinh. Đừng nên như thế! Ở đời cầu gì để nghĩ báo ân Phật, nên trì kinh, giới luật, lấy đạo noi nhau, đạo không thể không học, kinh không thể không đọc, việc thiện không thể không làm. Hành thiện tu đức giúp thần thức lìa khổ, vượt ra sinh tử. Thấy bậc Hiền chớ khinh, thấy người thiện chớ phỉ báng, không lấy lỗi nhỏ tạo chứng thành tội lớn, trái với pháp, mất đạo lý, tội đó rất lớn. Tội phước có chứng cứ, không thể không cẩn thận!

Tôn giả A-nan lại bạch Phật:

–Đệ tử đời mạt pháp, vì nhân duyên để sinh sống, việc trong gia đình, có nhu cầu cho thân miệng nên làm cách nào, bạch Thiên Trung Thiên?

Phật nói:

–Này Tôn giả A-nan! Có thọ giới cấm của Phật, thành kính phụng hành gìn giữ cẩn thận, hiếu thuận quy kính Tam bảo, hết lòng trung nghĩa, nuôi dưỡng cha mẹ, trong ngoài đều hoàn thiện, tâm miệng tương ưng. Đây gọi là việc thế gian, chứ không phải là ý thế gian.

Tôn giả A-nan bạch:

–Thế nào là việc thế gian, ý thế gian, bạch Thiên Trung Thiên?

Phật nói:

–Là đệ tử của Phật được làm nghề buôn bán: cân bằng, đo thẳng không lường gạt người khác, lấy lý thi hành, không trái với thần minh, hợp với lẽ tự nhiên, việc chôn cất, dời đổi, cưới gả, đó là việc thế gian.

Ý thế gian là làm đệ tử của Phật không được bói toán cầu thỉnh bùa chú, yêu quái, cúng tế, tấu trình giải hạn, không được chọn ngày giờ tốt. Thọ năm giới của Phật là người phước đức, có làm việc gì nên bạch Tam bảo. Huyền thông của Phật không việc nhỏ nào mà Phật không biết. Người giới đức được đạo hộ trì, sai khiến chư Thiên, rồng, quỷ thần, không ai mà không tôn kính. Giới quý báu đáng tôn kính đến đâu cũng an lành, làm gì có việc trái kỵ bất thiện? Đạo đức che trùm cả trời đất, người không thấu đạt tự gây vướng mắc. Việc thiện ác do lòng người gây ra, họa phước do người, như bóng theo hình, như vang theo tiếng. Đức của giới hạnh hợp với đạo lý, được chư Thiên ủng hộ. Sở nguyện như ý, cảm động thấu mười phương. Đức sánh cùng trơi, công lao rạng rỡ, được những vị Thánh khen ngợi không thể nói hết. Người trí thấu đạt thà bỏ thân mạng, không làm tà vạy, đúng như lời Phật dạy thì đạt được đạo độ đời.

Tôn giả A-nan nghe những lời Phật dạy, liền sửa lại ca-sa, đê

đầu sát đất bạch:

–Cúi xin Thế Tôn! Chúng con có phước, được gặp Như Lai, ân từ rộng lớn nghĩ thương chúng con mà làm ruộng phước khiến cho tất cả được thoát khổ. Lời Phật chí chân mà người tin thì ít, đời này lắm ác, chúng sinh nguyền rủa với nhau. Thật đáng đau buồn thay! Nếu có người tin chỉ một hoặc hai, tại sao đời xấu ác như vầy? Sau khi Phật diệt độ, kinh pháp tuy còn mà chẳng có người tin, dần dần suy vong. Ôi đau buồn thay! Còn cậy nhờ đâu! Cúi xin Thế Tôn vì các chúng sinh chớ vào Niết-bàn!

Tôn giả A-nan nhân đó nói kệ:

Phật cứu độ ba cõi
Ân Từ bi rộng lớn
Nguyện vì các chúng sinh
Xin đừng vào Niết-bàn.
Người gặp pháp còn ít
Mờ mịt không hiểu đạo
Buồn thay! Người không hiểu
Tội nặng mới như vậy.
Nhờ phước xưa gặp pháp
Chỉ một hoặc hai người
Kinh pháp dần mai một
Sẽ lấy gì nương tựa.
Ân Phật thật rộng lớn
Tội do vì chúng sinh
Trống pháp rền tam thiên
Như vậy sao chẳng nghe?
Đời trược nhiều người ác
Tự rơi vào điên đảo
Dua nịnh, chỉ trích Thánh
Tà mị hủy chánh chân.
Không tin đời có Phật
Cho Phật chẳng đại đạo
Là người chẳng phải người
Tự tạo gốc các tội.
Chết vào ngục Vô trạch
Bị đao kiếm phanh thây
Loài quỷ ưa sát phạt
Thả vào nồi nước sôi.
Dâm dục ôm trụ đồng
Với lửa dữ thiêu đốt
Phỉ báng người thanh cao
Bị móc sắt kéo lưỡi.
Say rượu không tiết lễ
Mê hoặc mất nhân đạo
Chết đọa nơi địa ngục
Nước đồng rót vào miệng.
Lại gặp nhiều ách nạn
Đau khổ không thể nói
Nếu sinh lại làm người
Hàng hạ tiện, bần cùng.
Không sát được sống lâu
Chẳng bệnh luôn khỏe mạnh
Không trộm sau giàu có
Tiền tài thường đầy đủ.
Không dâm được trong sạch
Thân thể thơm tươi sáng
Hình dáng thường rực rỡ
Cho đến làm đại vương.
Thành thật không dối trá
Được mọi người thừa phụng
Không say sau thông minh
Đức tuệ được tôn kính.
Năm phước đó siêu vượt
Trời người cùng mọi loài
Sinh đâu cũng lợi lạc
Thật sáng rõ chân đế.
Mạt thế những người ác
Không tin nhiều hồ nghi
Ngu si chẳng hiểu đạo
Mờ mịt tội sâu nặng.
Hại Thánh, hủy Chánh giác
Chết vào thành sắt lớn
Thần thức ở trong đó
Đầu đội vòng sắt nóng.
Cầu chết không chết được
Chốc lát đã biến hình
Mâu kích đâm qua lại
Thân thể cắt từng mảnh.
Tại sao đời như vậy!
Bỏ chánh tin quỷ thần
Ưa bói toán cầu khẩn
Cúng tế hại, bất nhân.
Chết đọa mười tám chỗ
Trải qua ngục Hắc thằng
Tám nạn là cõi đầu
Khó trở lại thân người.
Nếu khi được làm người
Man rợ vô nghĩa lý
Si ngốc thiếu các căn
Què câm không nói được.
Tối tăm không thông đạt
Ác với ác kéo nhau
Xoay vần qua các nẻo
Loài cầm thú sáu thứ.
Bị người bắt giết hại
Đem lột da cắt cổ
Đền trả lại oán xưa
Lấy thịt cấp cho người.
Vô đạo đọa đường ác
Cầu thoát khỏi thật khó
Thân người đã khó được
Kinh Phật khó được nghe.
Thế Tôn, Bậc Chúng Hựu
Ba cõi đều nhơ ân
Ban bố pháp cam lồ
Khiến mọi người phụng hành.
Đã được trí tuệ rồi
Vì nghĩ thương quần sinh
Mà khai thông đường đạo
Người sáng liền thoát khổ.
Phước nơi người hướng đến
Học kiến đế bất sinh
Tự quy ruộng phước lớn
Gieo giống đất bất tử.
Ân lớn ai bằng Phật
Thế Tôn chuyển pháp luân
Nguyện hết thảy mọi người
Được uống nước cam lồ.
Thuyền tuệ đến bờ kia
Khánh pháp thấu đại thiên
Bỉ ngã không còn hai
Phát nguyện Vô thượng chân.

Tôn giả A-nan tụng kệ này rồi, tất cả đại chúng trong pháp hội đồng thời tin hiểu đều phát tâm cầu đạo Chánh chân Vô thượng, thệ nguyện rộng lớn, pháp âm cam lồ tỏa khắp tam thiên, từ đó được độ, mở đường chỉ lối và làm cầu đường tốt. Quốc vương, thần dân, trời, rồng, quỷ thần nghe kinh và nghe những lời của Tôn giả A-nan đều hoan hỷ nhưng vừa buồn, vừa sợ, đảnh lễ sát chân Phật và Tôn giả A-nan, thọ giáo rồi bái lui.

Pages: 1 2