PHẬT NÓI KINH A-HÀM CHÁNH HẠNH
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư An Thế Cao, người nước An Tức.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Ta vì các ông mà thuyết giảng kinh pháp, mọi lời nói trước, sau đều nhất quán, tốt đẹp, nói chung là chỉ ra con đường nhằm vượt thoát thế gian. Hãy chánh tâm làm gốc để lắng nghe và lãnh hội Ta dạy, làm cho giáo pháp được lưu truyền nối tiếp ở đời sau.

Các Tỳ-kheo đều chắp tay cung kính thọ giáo. Đức Phật dạy:

–Trong thân con người có năm thứ giặc, luôn lôi kéo con người vào đường ác. Năm thứ giặc là gì?

  1. Sắc.
  2. Thống dương (thọ).
  3. Tư tưởng (tưởng).
  4. Sinh tử (hành).
  5. Thức.

Đó là năm thứ mà con người thường nhớ nghĩ đến.

Đức Phật dạy:

–Con người thường bị lừa dối do mắt, bị lừa dối do tai, bị lừa dối do mũi, bị lừa dối do miệng, bị lừa dối do thân. Nhưng, mắt chỉ thấy không thể nghe. Tai chỉ nghe không thể thấy. Mũi chỉ ngửi hương, không thể nghe. Miệng chỉ nếm vị, không thể ngửi mùi hương. Thân thể chỉ biết về mọi sự lạnh nóng, không thể nếm vị.

Năm cảm quan này đều thuộc tâm, tâm là gốc.

Đức Phật dạy:

–Các Tỳ-kheo muốn cầu đạo thì phải giữ tâm cho chân chánh.

Chính bắt đầu từ si mê nên con người phải bị rơi vào mười hai nhân duyên, theo đó có sinh tử. Mười hai nhân duyên là gì?

  1. Si mê là gốc.
  2. Hành.
  3. Thức.
  4. Tự (danh sắc).
  5. Lục nhập.
  6. Tài (xúc).
  7. Thống (Thọ).
  8. Ái.
  9. Thọ (thủ).
  10. Hữu.
  11. Sinh.
  12. Tử (lão, tử).

Người tạo tác, làm các việc thiện thì được trở lại làm người.

Còn những kẻ gây tạo làm các việc ác, thì khi chết đọa vào các nẻo địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Đức Phật ngồi suy nghĩ rồi giảng giải:

–Con người vì ngu si nên có sinh tử. Si là gì?

Trước đây do si mê nên nay có đời sống này. Làm người không thoát khỏi tâm si mê thì kiến thức không mở mang, không biết chết rồi sẽ đi về đâu. Được gặp Phật không thưa hỏi, thấy kinh điển không đọc tụng, tiếp xúc với Sa-môn không vâng theo lời chỉ dẫn, không tin đạo đức, không kính trọng cha mẹ, không quan sát nỗi khổ của thế gian, không rõ về sự tra khảo, trừng trị cùng cực ở cõi địa ngục. Đấy gọi là có si nên có sinh tử. Sinh tử không hề ngừng nghỉ trong khoảnh khắc của hơi thở ra vào, mạng người rất mong manh.

Trong thân người có ba sự là thân chết thì thức đi, tâm đi, ý đi. Ba việc ấy thường bám theo sát bên người. Người làm ác, chết bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; chúng quỷ, thần xấu ác. Người làm thiện cũng có ba việc luôn bám chặt, theo sát, hoặc sinh ở cõi trời, hoặc sinh nơi cõi người. Chúng sinh bị luân chuyển vào năm nẻo đều do sinh tâm không chân chánh.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Phải giữ tâm chân chánh, giữ mắt chân chánh, giữ tai chân chánh, giữ mũi chân chánh, giữ miệng chân chánh, giữ thân chân chánh, giữ ý chân chánh. Như vậy thì dù thân thể sẽ tan rã vào đất nhưng thần thức không bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, chúng quỷ thần xấu ác. Hãy xem nhà ai có con ác độc xấu xa, bị quan lại bắt bớ đều do tâm không chân chánh. Thân người có cả trăm phần danh sắc, như cái xe có cả trăm phần hợp lại. Người nhiều tham dục, ưa giận dữ, không tư duy về các sự việc trong thân, chết phải bị đọa vào địa ngục, hối hận không kịp.

Đức Phật dạy:

–Chính bản thân Ta đã xa lìa đất nước, từ bỏ ngôi vua Chuyển luân, là vì quyết lo đoạn trừ sinh tử, muốn cứu độ mọi người trong thế gian, làm cho đạt được đạo Niết-bàn. Người tinh tấn bậc nhất sẽ được chứng đắc đạo quả A-la-hán. Người tinh tấn hạng hai tự đến đạo quả A-na-hàm. Người tinh tấn hạng ba đắc quả Tư-đà-hàm.

Người tinh tấn hạng tư đắc đạo quả Tu-đà-hoàn. Người không thể phát huy sức tinh tấn lớn mạnh thì phải giữ năm giới.

  1. Không sát sinh.
  2. Không trộm cắp.
  3. Không nói hai lưỡi.
  4. Không tà dâm.
  5. Không uống rượu.

Đức Phật dạy:

–Con người khi ngồi hay lúc đứng dậy thường phải tư duy, suy nghĩ về bốn việc. Bốn việc ấy là gì?

  1. Tự quan sát bản thân và quan sát thân người khác.
  2. Tự quan sát cảm thọ của ta và quan sát cảm thọ của người.
  3. Tự quan sát ý mình và quan sát ý người.
  4. Tự quan pháp và quan pháp người khác.

Bên trong thân ta khi muốn loạn động thì nên nhiếp tâm lại, quan sát ngay vào thân thể: no quá cũng khổ, đói cũng khổ, đứng cũng khổ, ngồi cũng khổ, đi cũng khổ, lạnh cũng khổ, nóng cũng khổ. Khi biếng nhác muốn nằm, phải tự cảnh giác ngồi dậy. Ngồi không ngay thẳng thì nên đứng dậy. Đứng không ngay thẳng thì nên kinh hành. Nếu tâm không ngay thẳng thì tự điều chỉnh lại. Thí như vị quốc vương đem quân đánh trận, người mạnh mẽ đi trước, chống giữ ở phía trước, chống giữ ở phía trước để tạo được sự thích ứng nhằm giúp người ở sau. Vị Sa-môn đã xuất gia, lìa bỏ vợ con, cạo râu tóc làm Sa-môn, tuy chịu khó trong một đời nhưng sau thì được giải thoát mãi mãi. Người đã đắc đạo, bên trong tự hoan hỷ, xem vợ như chị em gái, xem con như bạn tri thức, không còn tâm tham ái, thường thể hiện tâm Từ đến chư Thiên, loài người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh cho tới các loại côn trùng bò, bay, máy, cựa trong mười phương, đều mong cho chúng được vui thích, an ổn, giải thoát, được chứng đắc đạo quả Niết-bàn; thấy côn trùng dưới đất, đem lòng từ thương xót chúng; biết rõ đời sống, không còn si mê, thường có ý niệm: luôn nghĩ đến Sư trưởng, cúng dường Đức Phật, như con nghĩ đến cha mẹ. Ví như người tử tù trong ngục, có bậc Hiền giả đến xin ra khỏi tù. Người tù có trí hiểu biết luôn nhớ ân bậc Hiền giả ấy. Tỳ-kheo đã được đạo thường niệm Phật như vậy, niệm giáo pháp như người luôn nhớ nghĩ tới việc ăn cơm.

Đức Phật dạy:

–Này các Tỳ-kheo, hãy cùng kính trọng, phục vụ nhau như em phục vụ anh. Trong chúng có người tối tăm thì nên hỏi người có trí tuệ, lần lượt dạy bảo nhau. Học hỏi người trí tuệ như ở trong chỗ tối có đèn sáng. Không được âm thầm xúi giục nhau làm ác, không được làm chứng bậy, ghép người vào tội theo luật pháp. Không được truyền lời nói xấu của người, chuyển lời nói gây tranh cãi giành giật. Không được làm thương tổn tới tâm ý người. Không nghe, không được nói nghe; không thấy, không được nói thấy. Đi đường thường cúi đầu nhìn xuống đất, không được đạp chết côn trùng.

Không được tham đắm phụ nữ của người, không bám theo hình tướng phụ nữ của người. Ngồi luôn tự tư duy để dứt trừ tâm tham ái, cho đến khi đắc đạo.

Đức Phật dạy:

–Người muốn cầu đạo phải an tọa ở chỗ vắng lặng, tự theo dõi hơi thở của mình, biết hơi thở của mình, biết hơi thở ngắn dài.

Hơi thở không điều hòa, thân thể bị mệt. Ngưng hơi không thở, thân thể cũng mệt. Phân biệt, tự tư duy ai tạo tác thân thể này?

Dùng tâm quán bên ngoài, lại quán bên trong, lại tư duy hoan hỷ, đắc tâm ý khác với người. Bấy giờ không cần dùng đến châu báu trong thiên hạ, tâm vừa muốn theo chánh đạo. Nếu ý muốn làm trở ngại chút ít, thì nên quản lý giữ gìn, uốn nắn lại khiến ý phải theo tâm. Ví như người có gương không sáng thì không thấy được hình, lau sạch bụi bặm liền thấy rõ hình dáng. Người trừ sạch được tham, dâm, sân giận, ngu si cũng như lau gương sạch. Suy nghĩ kỹ về các pháp trong thiên hạ đều không có gì bền chắc, thảy đều là vô thường.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Hãy giữ tâm như khối đá vuông vức, khối đá ở giữa sân, mưa rơi không hề hư hoại được, ánh nắng mặt trời soi rọi cũng không làm tiêu được, gió thổi không lay chuyển, nên giữ tâm vững như khối đá ấy.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Tâm người trong thiên hạ như dòng nước chảy, trong dòng nước ấy có cây gỗ trôi theo. Chúng không nhìn qua lại với nhau, cái trước không nhìn cái sau, cái sau không nhìn cái trước; cỏ cây trôi đi đều như vậy. Tâm người cũng như thế, một ý nghĩ đến, một ý nghĩ đi như cỏ cây trước sau không nhìn nhau. Trong khắp cõi trời đất này, ngày vui không trở lại, gởi thân trong trời đất, bỏ thân này, không sinh trở lại được. Thành tựu được đạo thì mới biết rõ ân của thầy.

Đang ở với thầy phải nên phục vụ, vâng lời. Khi vắng thầy phải suy nghĩ lời dạy bảo của thầy, như người con nhớ đến cha mẹ. Ý có định thì tâm mới chuyên nhất mà thương xót đến loài người và các loài côn trùng bò, bay, máy, cựa trong trời đất. Khi đó, an tọa và tự mừng cho mình là đã thoát khỏi mọi ràng buộc trong năm dường: một là đường trời, hai là đường người, ba là đường ngạ quỷ, bốn là đường súc sinh, năm là đường địa ngục. Người đắc được đạo quả A-la-hán thì có khả năng phi hành biến hóa, có thể trong thân phun ra nước, lửa; ra vào chỗ kín không kẽ hở đều được; có khả năng thoát khổ nơi thế gian, chứng đạo quả Niết-bàn.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Đạo pháp không thể không hành, kinh pháp không thể không đọc.Phật thuyết kinh này xong, năm trăm Sa-môn đều đắc A-la-hán.

Các Sa-môn đều bước ra phía trước, cung kính đảnh lễ nơi chân Phật.

—————————————————–

*Xem bản dịch của HT Thích Tâm Châu