SỐ 370
KINH A DI ĐÀ CỔ ÂM THANH VƯƠNG ĐÀ LA NI
Hán dịch: Khuyết danh, nay phụ vào dịch phẩm đời Lương
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại ao Dà-dà-linh, thuộc đại thành Chiêmba, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo năm trăm người hội đủ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các vị Tỳ-kheo:

–Hôm nay, Như Lai sẽ diễn nói cho các vị nghe về thế giới An Lạc ở phương Tây, hiện có Đức Phật hiệu là A-di-đà. Nếu trong bốn chúng có người nào định tâm trì niệm danh hiệu Phật A-di-đà, nhờ công đức này, khi lâm chung sẽ được Đức Phật A-di-đà và đại chúng hiện đến chỗ người ay, khiến người lâm chung được trông thấy, sau đấy, liền sinh tâm vui vẻ mến thích, công đức tăng trưởng bội phần. Do nhân duyên này nên được sinh vào cõi Phật, vĩnh viễn không còn thọ thân theo bào thai uế tạp, chỉ ở nơi hoa sen quý báu, tốt tươi, tự nhiên hóa sinh, có đủ đại thần thông, hào quang rực rỡ. Khi ấy, chư Phật trong mười phương nhiều như cát sông Hằng cùng nhau ca ngợi thế giới An Lạc kia. Đó là pháp Phật chẳng thể nghĩ bàn, thần thông hiện hóa các thứ phương tiện chẳng thể nghĩ bàn. Nếu ai có thể tin tưởng những việc như đây, nên biết người đó là chẳng thể nghĩ bàn, đạt được phước báo cũng chẳng thể nghĩ bàn. Đức Phật A-di-đà cùng chúng Thanh văn hội đủ. Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri cõi nước đó hiệu là Thanh Thái là trú xứ của bậc Thánh vương, thành này dài rộng mười ngàn do-tuần, trong thành có rất nhiều người thuộc dòng dõi Sát-đế-lợi.

Đức Phật A-di-đà, Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, phụ thân là Chuyển luân Thánh vương tên Nguyệt Thượng, mẫu thân tên Thù Thắng Diệu Nhan, con tên Nguyệt Minh, đệ tử hầu cận tên Vô Cấu Xưng, vị đệ tử có trí tuệ bậc nhất tên là Hiền Quang, đệ tử có thần túc hơn hết tên là Đại Hóa. Thời ấy có Ma vương tên Vô Thắng, có hạng người như Đề-bà-đạt-đa tên Tịch Tĩnh.

Đức Phật A-di-đà cùng sáu vạn Tỳ-kheo hội đủ. Nếu có người thọ trì danh hiệu Đức Phật ấy với tâm kiên cố luôn nhớ nghĩ không quên, trong suốt mười ngày đêm không hề tán loạn, siêng năng tinh tấn tu tập pháp Tam-muội niệm Phật, biết rõ Đức Như Lai ấy luôn trụ nơi thế giới An Lạc, nhớ nghĩ liên tục không phút giây nào gián đoạn, thọ trì đọc tụng Đại Đà La Ni Cổ Âm Thanh Vương này cũng mười ngày mười đêm, sáu thời chuyên niệm, năm vóc gieo sát đất kính lễ Đức Phật, chánh niệm bền chắc, đều dứt trừ tâm tán loạn. Nếu người đó có thể khiến cho tâm luôn nhớ nghĩ, không ngưng dứt, trong suốt mười ngày, ắt sẽ được thấy Đức Phật A-di-đà và cả chư Như Lai trong mười phương thế giới cùng trụ xứ của chư Phật. Chỉ trừ những người căn tánh ám độn, nghiệp chướng nặng nề, với thời gian ít ỏi này thì không thể thấy được Phật. Tất cả các phước lành thảy đều hồi hướng nguyện được vãng sinh về thế giới An Lạc, đến ngày lâm chung, Đức Phật A-di-đà cùng các đại chúng hiện ra trước mặt người ấy để an ủi, khen ngợi. Người ấy tức thì sinh tâm vui thích. Do nhân duyên này, theo như chỗ nguyện, liền được vãng sinh.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

–Vì sao gọi là Đại Đà La Ni Cổ Âm Thanh Vương? Ta nay sẽ giảng nói, các vị hãy khéo nghe và thọ trì.

Đức Thế Tôn liền nói chú:

Đa phục tha, bà ly, a bà ly, sa ma bà la, ni địa xà, ni xà đa ni, ni mậu để, ni mậu xí, xà la bà la xa đà di, túc khư bà đề ni địa xa, a di đa do bà ly, a di đa xà dà bà ni ha lệ, a di đa xà ba la sa bà di, niết phù đề, a ca xá ni phù đà, a ca xá ni đề xa, a ca xá ni xà đề, a ca xá cửu xá ly, a ca xá đạt xa nị, a ca xá đề tha di, lưu bà ni đề xa, lô bạt đát ni thế, giá đỏa rị đạt ma ba la sa a di, già đỏa rị a rị xà sa đế xà bà la sa đà ni, già đỏa rị mạt già bà na ba la sa đà di, bà la tỳ lê da bà la sa đà di, đạt ma giáp tha di, cửu xá ly cửu xá ly ni đề xá cửu xa la ba la đề giả di, phật đà cưu xa ly tỳ phật đà bà la bà tư, đạt ma ca la di, ni chuyên đề, ni phù đề, tỳ ma ly, tỳ la xà, la xà, la tư, la sa chánh, la sa dà la bà ly, la sa dà la a địa tha di, cửu xá ly, bà la đề cửu xá ly, tỳ cửu xá ly, tha đề, tu đà da chí đề, tu bà la xá đa chí đề, tu bà la đề si đề, tu ly, tu mục xí, đạt dương, đạt đạt đề, ly bà, già bà ly, a nậu xá bà ly, phật đà ca xá ni cừu di Phật đà ca xá cừu di, ta bà ha.

Đại Đà La Ni A Di Đà Âm Thanh Vương này, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, thiện nam, tín nữ thường xuyên chí thành thọ trì, đọc tụng thì theo như lời dạy mà tu hành. Người hành trì pháp ấy phải ở nơi thanh vắng, tắm gội sạch sẽ, mặc y phục mới, sạch, ăn uống tinh khiết, không được ăn uống rượu thịt và dùng ngũ vị tân, luôn tu phạm hạnh, thường dùng hoa thơm đẹp cúng dường Đức Như Lai A-di-đà và đạo tràng Phật, chúng Đại Bồ-tát, thường phải chuyên tâm chánh niệm như thế mà phát nguyện sinh về thế giới An Lạc, tinh tấn nỗ lực như lời phát nguyện, chắc chắn sẽ được vãng sinh nơi thế giới Phật Adi-đà.

Khi ấy, Đức Phật A-di-đà cùng các đại chúng an tọa nơi hoa sen báu. Ở cõi nước ấy, vườn rừng, hoa quả sum suê, tươi tốt đan xen khắp nơi, tạo nên vẻ trang nghiêm, đẹp đẽ. Lại có cây thọ vương gió thổi hương bay ngào ngạt, phát ra âm thanh êm dịu, chỉ thuần thuyết giảng pháp vô thượng chẳng thể nghĩ bàn. Lại có hương vị diệu tên là Quang Minh, hoặc có hương xoa được làm bằng bột báu. Đức Phật A-di-đà ở nơi hoa báu lớn ngồi kiết già. Có hai vị Bồ-tát: một vị tên là Quan Thế Âm, một vị tên là Đại Thế Chí, hai vị ấy đều đứng hầu hai bên Đức Phật và có vô số Bồ-tát đi nhiễu giáp vòng quanh nơi chúng hội này. Nếu người nào có lòng tin sâu xa, không hề hồ nghi, chắc chắn được vãng sinh về coi nước của Đức Phật A-di-đà.

Đất nơi cõi Cực Lạc ấy toàn bằng vàng ròng, hoa sen bảy báu tự nhiên vọt lên. Nếu có bốn chúng thọ trì, đọc tụng danh hiệu Đức Phật A-di-đà thì không bị các thứ sợ hãi về tai nạn nước, lưa, độc dược, dao gậy, cũng không bị các chúng như Dạ-xoa v.v… khủng bố, lại đoạn trừ bao thứ nghiệp chướng, tội nặng trong đời quá khứ, cho đến bảy đời tất đều được như sở nguyện.

Khi Đức Phật thuyết Đà La Ni A Di Đà Cổ Âm Thanh Vương này, có vô lượng chúng sinh phát nguyện, chí tâm mong cầu sinh về thế giới Cực Lạc kia.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn khen ngợi:

–Lành thay! Lành thay! Như lời các vị đã nguyện ước, chắc chắn được vãng sinh về cõi nước Cực lạc.

Khi nghe Đức Phật dạy như vậy, tám bộ chúng trời, rồng v.v… đều hoan hỷ hết mực đảnh lễ vâng theo.