kim thai lưỡng bộ

Phật Quang Đại Từ Điển

(金胎兩部) Gọi tắt: Lưỡng bộ. Chỉ cho 2 bộ Kim cương giới và Thai tạng giới của Mật giáo. Ở trong Nhất tâm pháp giới lập 2 môn Lí bình đẳng và Trí sai biệt để hiển bày sự ứng dụng vô cùng của Lí và Trí. Những kinh điển, nghi quĩ nói rõ về trí sai biệt gọi là Kim cương đính bộ; những kinh điển, nghi quĩ thuyết minh về Lí bình đẳng thì gọi là Thai tạng bộ. Kim cương đính bộ lấy kinh Kim cương đính làm căn bản và Mạn đồ la được căn cứ vào bộ kinh này mà vẽ ra, gọi là Mạn đồ la Kim cương giới. Thai tạng bộ lấy kinh Đại nhật làm căn bản, Mạn đồ la được căn cứ vào bộ kinh này mà vẽ ra, gọi là Mạn đồ la Thai tạng giới. Kim cương giới cũng gọi là Trí giới, tức Trí sai biệt môn, được biểu thị bằng kim cương, là vật báu cứng chắc, tượng trưng cho thực trí của Như lai. Thai tạng giới cũng gọi là Lí giới, tức Lí sai biệt môn, được biểu hiện bằng hoa sen, tượng trưng cho Lí tính mà chúng sinh vốn có sẵn bao hàm trong muôn hạnh đại bi. Kim cương giới là hành tướng trừ chướng thành thân, tự thụ pháp lạc, tức chuyển 9 thức mà thành tựu 5 trí, cho nên lập 5 bộ; còn Thai tạng giới là hành tướng hóa độ lợi sinh, tha thụ pháp lạc, cho nên lập 3 bộ, mở 3 môn: Đại định, Đại trí, và Đại bi để nhiếp dẫn chúng sinh. Về hình Tam muội da của 2 bộ, các thuyết đều khác nhau, như: 1. Kim cương giới lấy tháp làm hình tam muội gia, Thai tạng giới lấy tốt đổ ba làm hình Tam muội da. 2. Kim cương giới lấy tháp Đa bảo làm hình Tam muội da, Thai tạng giới lấy tháp Ngũ luân làm hình Tam muội da. 3. Cả 2 bộ đều lấy tháp Ngũ luân làm hình Tam muội da. Về chủng tử thì: Chủng tử của Đại nhật Như lai thuộc Kim cương giới là (vaô), nghĩa là 5 trí dung thông; chủng tử của Đại nhật Như lai thuộc Thai tạng giới là (a#), nghĩa là phương tiện tức cứu cánh. Còn (hùô) là chủng tử của Kim cương giới, (a) là chủng tử của Thai tạng giới. Kim cương giới lấy chữ cuối của tự môn làm chủng tử, biểu thị ý nghĩa từ bản lập tích; Thai tạng giới lấy chữ đầu của tự môn làm chủng tử, biểu thị ý nghĩa từ nhân đến quả. Còn có thuyết nói chữ là chủng tử Lí pháp thân của Đại nhật Như lai thuộc Thai tạng giới, chữ là chủng tử Trí pháp thân của Đại nhật Như lai thuộc Kim cương giới. Hai chữ này đại biểu cho Kim cương bộ và Thai tạng bộ. Lại nữa, Mạn đồ la Kim cương giới biểu thị bằng nguyệt luân nên dùng hình tròn; còn Mạn đồ la Thai tạng giới thì được biểu trưng bằng hoa sen nên dùng hình vuông, Lí thú của 2 bộ này khác nhau. Kim cương giới và Thai tạng giới, tuy mỗi giới có lập cách giải thích riêng, nhưng ngoài lí thì không có trí và ngược lại, ngoài trí cũng không có lí, sắc và tâm vốn không hai; lìa Kim cương giới thì không có riêng Thai tạng giới, mà lìa Thai tạng giới thì cũng không có riêng Kim cương giới, cho nên Kim cương bộ và Thai tạng bộ là cùng một thể, không hai. Thuyết Kim cương bộ và Thai tạng bộ là cùng một thể bất khả phân, được bắt đầu từ ngài Huệ quả, tổ thứ 7 của Mật tông, đệ từ ngài là sư Không hải, người Nhật, truyền ý chỉ này của ngài về Nhật bản, từ đó, tông Chân ngôn Nhật bản liền phát sinh thuyết Lưỡng bộ bất nhị do Đông Mật chủ trương, nhưng Thai Mật thì chủ trương Lưỡng bộ đối lập, cho nên ngoài Kim cương bộ và Thai tạng bộ, còn lập thêm Tô tất địa bộ, vì kinh Tô tất địa dung hợp Lí và Trí, thuyết minh ý chỉ Lưỡng bộ nhất thể bất nhị, nên Mạn đồ la của Tô tất địa bộ được gọi là Tạp mạn đồ la. [X. Đại nhật kinh sớ Q.3; Kim cương đính đại giáo vương kinh sớ Q.1].