kim tàng thổ

Phật Quang Đại Từ Điển

(金藏土) Phạm: Kàĩcana-garbhà mftikà. Cũng gọi Kim thổ tàng, Thổ trung hữu kim. Khối đất có chứa vàng bên trong, ví dụ trong tính Y tha khởi có tính phân biệt và tính chân thực. Cứ theo luận Nhiếp đại thừa (bản dịch đời Lương) quyển trung, thì có 3 loại pháp là: Phần nhiễm ô, phần thanh tịnh và phần vừa nhiễm ô vừa thanh tịnh. Tính phân biệt trong tính Y tha khởi là phần nhiễm ô, tính chân thực trong tính Y tha khởi là phần thanh tịnh, còn chính tính Y tha khởi thì là phần vừa nhiễm ô vừa thanh tịnh. Cũng như trong Kim tàng thổ có 3 pháp: Địa giới, Kim, Thổ. Trong Địa giới, khi Thổ (đất) hiển hiện tức là hiện tướng hư vọng; khi Kim (vàng) hiển hiện tức là hiện tướng chân thực, vì thế trong địa giới có 2 phần là Thổ và Kim. Như cùng 1 bản thức(thức A lại da), khi nó chưa được tôi luyện bằng lửa trí vô phân biệt thì nó(thức A lại da) từ tính hư vọng phân biệt mà hiển hiện, còn tính chân thực thì không hiện. Trái lại, khi nó đã được tôi luyện bởi lửa trí vô phân biệt, thì nó từ tính chân thực thành tựu mà hiển hiện, còn tính hư vọng phân biệt thì không thể hiển hiện. Cho nên thức của tính hư vọng phân biệt (tức là tính Y tha)có 2 phần: Phần vừa nhiễm ô vừa thanh tịnh(của tính Y tha)dụ cho Địa giới, phần nhiễm ô(tính phân biệt của Y tha)dụ cho Thổ trong Địa giới, còn phần thanh tịnh(tính chân thực của Y tha) thì dụ cho Kim trong Địa giới. Ngoài ra, trong Nhiếp đại thừa luận bản quyển trung, ngài Huyền trang đời Đường dịch Sở tri tướng phần là Kim thổ tàng, còn Phiên dịch danh nghĩa đại tập (Phạm: Mahàvyutpatti) thì dịch là Thổ trung hữu kim. [X. Nhiếp đại thừa luận thích Q.5 (bồ tát Thế thân soạn, ngài Huyền trang dịch); Nhiếp đại thừa luận thích Q.5 (bồ tát Vô tính soạn, ngài Huyền trang dịch)].