kim quang minh kinh huyền nghĩa

Phật Quang Đại Từ Điển

(金光明經玄義) Gọi tắt: Kim quang minh huyền nghĩa, Quang minh huyền nghĩa, Quang minh huyền. Tác phẩm, 2 quyển, do ngài Trí khải giảng vào đời Tùy, đệ tử là ngài Quán đính biên chép, được thu vào Đại chính tạng tập 39. Nội dung giải thích nghĩa sâu kín của kinh Kim quang minh, bản dịch của ngài Đàm vô sấm, qua 5 phần: Thích danh, xuất thể, minh tông, luận dụng và giáo tướng. Phần thích danh chia làm 2 chương là Giáo nghĩa thích và Quán hành thích. 1. Giáo nghĩa thích: Theo mặt thuận, nói về 10 thứ Tam pháp: Tam đức, Tam bảo, Tam Đại thừa, Tam bồ đề,Tam Phật tính, Tam thức, Tam Niết bàn, Tam thân, Tam bát nhã và Tam đạo. 2. Quán hành thích: Theo mặt nghịch, giải thích tên kinh một cách chi tiết rõ ràng. Kế đến, đều y theo nghĩa kinh, văn kinh mà lấy pháp thân, pháp tính làm thể, lấy Phật quả làm tông, lấy diệt ác sinh thiện làm lực dụng. Từ những năm cuối thời Ngũ đại trở đi, bộ sớ này có 2 bản là quảng và lược, quảng bản có chương Quán hành thích trong phần Thích danh, còn lược bản thì không có. Lúc bấy giờ có ngài Từ quang Ngộ ân, soạn Kim quang minh huyền nghĩa phát huy kí để chú thích lược bản và xem quảng bản là do người đời sau ngụy tác; đây chính là đầu mối phát sinh ra cuộc tranh luận giữa 2 phái Sơn gia và Sơn ngoại. Về sách chú giải bộ sớ này gồm có: Kim quang minh kinh huyền nghĩa phát huy kí (đã thất truyền)của ngài Ngộ ân, Kim quang minh kinh huyền nghĩa nghĩa kí(thất truyền) của ngài Hồng mẫn, Kim quang minh kinh huyền nghĩa biểu vi kí, 1 quyển, của ngài Trí viên, Kim quang minh kinh huyền nghĩa thập di kí, 6 quyển, của ngài Tri lễ. [X. Phật tổ thống kỉ Q.25; Duyệt tạng tri ân Q.35, 39].