kim lăng khắc kinh xứ

Phật Quang Đại Từ Điển

(金陵刻經處) Cơ sở khắc in và phát hành kinh sách Phật giáo nằm ở đường Diên linh, thành phố Nam kinh Trung quốc. Vào cuối đời nhà Thanh, xã hội loạn lạc, binh lửa liên miên vì thế kinh điển của Phật giáo phần nhiều thất tán. Do lòng thương cảm, ông Dương văn hội cùng với hơn 10 người khác khuyến hóa khắp nơi để khắc bản lưu thông kinh Phật. Trong số hơn 10 người ấy có ông Trịnh học xuyên(về sau xuất gia, pháp hiệu Diệu không) ở Giang đô, sáng lập, Giang bắc khắc kinh xứ ở Chuyên kiều Kê viên tại làng Đông thuộc Dương châu; ông Dương văn hội thì thành lập cơ sở khắc kinh tại Nam kinh. Vào năm Đồng trị 12 (1873), ấn hành bức tranh Cực lạc thế giới y chính trang nghiêm, tượng Đại bi Quan âm thập nhất diện. Về sau, xây một tòa nhà ở Nam kinh để cất giữ những bản kinh đã được khắc trong mấy năm qua. Năm Quang tự 12 (1886), ông Dương văn hội sang Anh quốc, 3 năm sau về nước, thỉnh được bộ Súc loát Đại tạng kinh(Đại tạng kinh rút gọn) của Nhật bản, từ đó ông đóng cửa đọc tụng. Năm Quang tự 16 (1890), ông đến Bắc kinh sưu tầm sách của các bậc Cổ đức chưa được đưa vào Đại tạng nhưng đã bị thất tán và thông qua một học giả Phật giáo người Nhật là ông Nam điều Văn hùng, ông đã thỉnh được những tác phẩm Phật giáo thời Tùy, Đường từ Nhật bản đưa về Trung quốc, như các bộ: Trung luận sớ, Bách luận sớ, Thành duy thức luận thuật kí, v.v… và khắc bản lưu thông. Năm Quang tự 23 (1897), ông sáng lập Kim Lăng Khắc Kinh Xứ để cất giữ và phát hành kinh sách, là nơi ấn hành kinh điển Phật đầu tiên. Năm Quang tự 33 (1900), ông mở trường Phật học tại nơi khắc kinh, gọi là Tinh xá Kì viên, nhằm đào tạo nhân tài cho việc chấn hưng Phật giáo sau này. Nhưng chưa đầy 2 năm thì phải tạm ngưng vì thiếu kinh phí. Ông lại đóng cửa đọc Đại Nhật bản tục tạng kinh, ông nhận thấy bộ Tục tạng kinh này rất lộn xộn, nên ông sửa đổi mục lục các sách, mà biên soạn thành Đại Tạng Tập Yếu. Năm Tuyên thống thứ 3 (1911), ông mắc bệnh, lúc lâm chung, ông ủy thác cho 3 người: Trần tê am, Trần tuyên phủ và Âu dương tiệm khắc bản các kinh sách được ghi trong Đại tạng tập yếu, rồi lại triệu tập những người trong hội Nghiên cứu Phật học, cùng nhau duy trì Kim Lăng Khắc Kinh Xứ. Sau khi ông Dương văn hội qua đời, các ông Trần tê am, v.v… tiếp tục công việc khắc kinh. Sau khi chiến tranh Trung Nhật bùng nổ, việc khắc kinh phải đình chỉ và một số bản kinh đã bị mất. Năm Dân quốc 41 (1951), được sự giúp đỡ của giới Phật giáo ở Nam kinh và Thượng hải, cháu của ông Dương văn hội là các ông Dương lập sinh, Dương vũ sinh, cùng với các ông Từ bình hiên và Triệu phác sơ, thành lập Hội Ủy viên hộ trì Kim lăng khắc kinh xứ. Trong đó, ông Từ bình hiên là chủ trông coi mọi việc, có ông Lữ trừng phụ tá. Ngoài ra, cũng nhờ sự viện trợ kinh tế của Hiệp hội Phật giáo Trung quốc và sự ngoại hộ của ông Chu thúc ca, v.v… Hội này thực hiện kế hoạch bổ sung nghiệp vụ và mở rộng cơ sở khắc kinh, sửa sang những căn nhà dột nát và các bản kinh đã bị hư hại, tổng cộng đã có 900 bản khắc được tàng trữ. Từ năm Dân quốc 43 (1953) trở đi, nhờ sự hộ trợ của hiệp hội Phật giáo Trung quốc, hội lại tiến thêm một bước thu tập tất cả các bản kinh tản mạn trên khắp nước, tổng cộng được trên 12 vạn bản, tuyển 20 thợ khắc kinh để khắc cho đủ các bản kinh đã bị thất lạc và khắc những bản mới những kinh sách do ngài Huyền trang soạn dịch. Để đáp ứng nhu cầu khắc kinh, Hội đã làm ra các bản khắc mới, đào tạo thợ khắc, tận lực sưu tập các loại bản kinh đã bị thất tán, đồng thời, đặt chi bộ Trung quốc biên soạn sở để soạn bộ Thế Giới Phật Giáo Đại Bách Khoa Sự Điển bằng tiếng Anh. [X. Dương nhân sơn cư sĩ di trứ, tập thứ 1; Dương nhân sơn cư sĩ sự lược (Từ văn úy); Trung quốc Phật giáo sử Q.4 (Tưởng duy kiều)].