Kim Cương

Từ Điển Đạo Uyển

金剛; S: vajra; T: dorje (rDo-rje); cũng gọi là Kim cương chử (金剛杵), Kim cương chùy (金剛鎚);
Trong Ấn Ðộ giáo, Kim cương có nghĩa là “sấm sét”, một vũ khí của Ðế Thích (s: indra). Trong đạo Phật, Kim cương không phải là một vũ khí mà là biểu tượng của sự bất hoại. Ðó là biểu tượng của Chân như, của tính Không (s: śūnyatā), của thể tính hằng tồn tại của hiện tượng. Như Kim cương, tính Không không thể bị huỷ hoại vì chưa hề sinh thành. Tính Không cũng trong sáng rực rỡ thanh tịnh như Kim cương, mặc dù tính Không là gốc của thiên hình vạn trạng hiện tượng.

H 33: Kim cương chử
Tính Không là gốc mọi vật nhưng không phải là một “vật”, như Thiền tông hay nói. Mọi hiện tượng đều khác nhau, nhưng chúng là Không, tính Không với chúng tương đồng, không hề khác. Ðó là một kiến giải không thông qua suy luận mà “hiểu” được, chỉ được trực nhận trong một trạng thái giác ngộ.
Tại Tây Tạng Kim cương (chử) được viết là Dor-je (rDo-rje), là “chúa tể loài đá”, là biểu tượng “dương tính” của đạo giác ngộ, là khía cạnh Phương tiện (s: upāya). Ngược lại, chuông đồng (t: drilbu) là biểu tượng của “âm tính” và là khía cạnh trí Bát-nhã. Hai mặt này biểu tượng tính nhị nguyên của toàn thể thế giới hiện tượng. Tính nhị nguyên này sẽ tự hoại diệt trong thiền định.
Một trong năm Phật gia có thuộc tính cơ bản là tính bất hoại của Dor-je. Vị thầy nắm vững và truyền dạy các phương tiện của Kim cương thừa được gọi là Kim cương đạo sư (t: dorje lopon).

H 34: Kim cương phổ chử (金剛普杵; s: viśvava-jra)
Một pháp khí có tính chất gần giống với Kim cương, cũng có tính thiêng liêng của kim khí là truỷ thủ (Phur-bu). Truỷ thủ thường dùng để đối trị ma quỷ (tượng trưng cho sự giận giữ) và được Liên Hoa Sinh (s: padmasambhava) sử dụng khi giáo hoá Tây Tạng.
Tâm thức huyền bí của chư Phật, của trí huệ vô thượng, được tượng trưng bằng tính kiên cố vĩnh viễn, bằng ánh sáng rực rỡ và sự trống rỗng, của tự tính Kim cương bất hoại, như hư không. Thật diệu kì, nhìn được tận mặt của Chân như.