kim cương trí

Phật Quang Đại Từ Điển

(金剛智) I. Kim Cương Trí. Phạm:Vajra-prajĩà. Hán âm: Phược nhật la bát nhã. Tạng:Rdo-rje-zes-rab. Chỉ cho trí thể bền chắc không hư hoại, là tên khác của Đại viên kính trí. Vì trí này có công năng phá trừ phiền não tập khí, giống như kim cương phá hủy các vật, cho nên gọi là Kim cương trí. Cứ theo Kim cương đính du già lược thuật tam thập thất tôn tâm yếu, đứng về mặt Nhân vị(giai vị tu nhân)mà nói, thì Kim cương trí chỉ cho tín tâm mới phát của hành giả, còn về mặt Quả vị(giai đoạn chứng quả)thì Kim cương trí tượng trưng cho A súc Như lai. [X. luận Bồ đề tâm; Đại nhật kinh sớ Q.1; Du già kinh nghĩa thuật đệ nhất]. II. Kim Cương Trí (671-741). Phạm: Vajrabodhi. Hán âm: Bạt nhật la bồ đề. Tổ phó pháp thứ 5 của Mật giáo Ấn độ, Sơ tổ Mật giáo Trung quốc, thuộc dòng dõi Bà la môn ở miền Nam Ấn độ(có thuyết cho rằng sư là 1 vương tử ở Trung Ấn độ). Năm 10 tuổi, sư xuất gia ở chùa Na lan đà, 20 tuổi thụ giới Cụ túc, thông suốt kinh luật luận Đại thừa, Tiểu thừa. Năm 31 tuổi, sư theo ngài Long trí học Mật giáo ở Nam Ấn độ. Năm Khai nguyên thứ 7 (719) đời Đường, sau khi ngài Thiện vô úy đến Trung quốc được 3 năm, sư dẫn đệ tử là Bất không theo đường biển qua các đảo Tích lan, Sumatra, rồi đến Quảng châu, Trung quốc, kiến lập đạo tràng Đại mạn đồ la quán đính, hóa độ 4 chúng. Năm Khai nguyên thứ 8 (720), sư đến Lạc dương, Trường sa, phiên dịch kinh điển Mật giáo và truyền trao bí pháp Quán đính. Sư và ngài Thiện vô úy cùng với Bất không được tôn xưng là Khai Nguyên Tam Đại Sĩ(ba vị Bồ tát thời Khai nguyên). Sư tịch vào năm 741 ở chùa Quảng phúc tại Lạc dương, thọ 71 tuổi(có thuyết nói 70, hoặc cho là không rõ tuổi thọ), thụy hiệu là Đại Hoằng Giáo Tam Tạng. Đệ tử có các vị: Nhất hạnh, Tuệ siêu, Nghĩa phúc, Viên chiếu, v.v.. Các dịch phẩm gồm 8 bộ 11 quyển như: kinh Kim cương đính, Du già niệm tụng pháp, Quán tự tại du già pháp, v.v… [X. Khai nguyên thích giáo lục Q.9; Tống cao tăng truyện Q.1; Phật tổ thống kỉ Q.40].