Kim cương thừa

Từ điển Đạo Uyển


金剛乘; S: vajrayāna; Một trường phái Phật giáo xuất hiện trong khoảng thế kỉ thứ 5,6 tại Bắc Ấn Ðộ. Kim cương thừa bắt nguồn từ Ðại thừa (s: mahāyāna) và được truyền qua Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản (riêng bộ Vô thượng du-già không được truyền sang Trung Quốc và Nhật). Xuất phát từ Phật giáo Ðại thừa, nhưng trường phái này lấy thêm những phương pháp tu học huyền bí, có tính chất bí truyền. Thường thường các phái này được hướng dẫn bằng một vị Ðạo sư, kinh sách của họ trình bày nhiều phép tu luyện được gọi là Tan-tra. Kim cương thừa hay sử dụng Man-tra và có ảnh hưởng mạnh nhất tại Tây Tạng. Vì hay sử dụng Man-tra, Phật giáo Tây Tạng cũng gọi Kim cương thừa là Chân ngôn thừa (s: man-trayāna). Giáo pháp của Kim cương thừa mang tính chất Mật giáo, bao gồm các yếu tố của phép Du-già và các tôn giáo thiên nhiên của Ấn Ðộ trộn lẫn với tư tưởng Phật giáo. Quan trọng nhất là ảnh hưởng từ Tây Bắc Ấn Ðộ với nhiều biểu tượng về Cực quang (s: ābhāsvara, ánh sáng rực rỡ) cũng như ảnh hưởng của Bắc Ấn về việc tôn thờ giới tính. Trong thời gian đầu, giáo pháp này chỉ được khẩu truyền, và đến giữa thế kỉ thứ 6 và thứ 10 mới được hệ thống hoá và kết tập hoàn chỉnh. Các tác phẩm quan trọng nhất của Kim cương thừa là Bí mật tập hội (s: guhyasamājatantra) và Thời luân tan-tra (s: kālacakratantra) cũng sinh ra trong thời gian này. Các kinh sách quan trọng nhất của Kim cương thừa được gồm trong các Tan-tra cũng như các bài thánh đạo ca của các vị Tất-đạt (s: siddha), là các bài diễn tả kinh nghiệm của phép tu Ðại thủ ấn (s: mahāmudrā). Lúc Kim cương thừa truyền qua Tây Tạng thì cũng là lúc giáo pháp này đã có một chỗ đứng vững chắc trong Phật giáo nói chung. Muốn lĩnh hội Kim cương thừa, hành giả phải có một kiến giải sâu xa về giáo pháp của bộ kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa, giáo pháp theo cách luận giải của Long Thụ (s: nāgārjuna) và Vô Trước (s: asaṅga). Vì vậy Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng được gọi là “Nhân thừa” (因乘) và Kim cương thừa được gọi là “Quả thừa” (果乘). Trong Kim cương thừa, có một yếu tố quan trọng khác là vai trò của một vị Ðạo sư, vị này Quán đỉnh và truyền lực, hướng dẫn đệ tử thiền quán, chú tâm vào một Nghi quỹ (s: sādhana) nhất định. Trong các phép này, sử dụng Man-tra, quán Man-đa-la và và bắt Ấn là những phương tiện quan trọng. Trong Kim cương thừa, Kim cương chử (s: vajra; t: dorje) biểu hiện sự giác ngộ, đạt được sự nhất thể của vũ trụ, vượt lên mọi nhị nguyên thông thường.