kim cương tát đoá

Phật Quang Đại Từ Điển

(金剛薩埵) Phạm:Vajra-sattva. Tạng: Rdo-rje sems-dpa#. Cũng gọi: Kim cương thủ, Kim cương thủ bí mật chủ, Chấp kim cương bí mật chủ, Trì kim cương cụ tuệ giả, Kim cương thượng thủ, Đại lạc kim cương, Tô la đa kim cương, Nhất thiết Như lai Phổ hiền, Phổ hiền tát đỏa, Phổ hiền Kim cương tát đỏa, Kim cương thắng tát đỏa, Kim cương tạng, Chấp kim cương, Bí mật chủ, Kim tát. Kim cương tát đỏa tượng trưng cho diệu lí: Tâm bồ đề bền chắc không hư hoại và Phiền não tức Bồ đề. Trong Mật giáo, Kim cương tát đỏa chỉ cho 4 vị: I. Kim Cương Tát Đỏa. Tổ truyền pháp thứ 2 của Mật giáo. Mật giáo là do đức Đại nhật Như lai truyền cho bồ tát Kim cương tát đỏa, là vị Bồ tát đương cơ trong kinh Đại nhật. Ngài là bậc Thượng thủ trong các vị Chấp kim cương thuộc nội quyến thuộc của Đại nhật Như lai. Trong kinh Đại nhật, Ngài thường được gọi là Kim cương thủ hoặc Bí mật chủ, ngồi trong cung Kim cương pháp giới. Sau khi đích thân nhận giáo sắc của đức Đại nhật Như lai, Ngài kết tụng truyền trì Mật thừa, trở thành Tổ thứ 2 truyền trao Mật pháp. Sau khi đức Thích tôn nhập diệt khoảng 7,800 năm, bồ tát Long mãnh (Long thụ) mở tòa tháp sắt ở Nam thiên trực tiếp nhận lãnh Mật thừa từ nơi bồ tát Kim cương tát đỏa để turyền đến nhân gian. II. Kim Cương Tát Đỏa. Vị Bồ tát thân cận ngồi ở phía trước đức A súc Như lai, trong nguyệt luân ở phương đông thuộc viện Kim cương bộ, là 1 trong 37 vị tôn trên Mạn đồ la Kim cương giới Mật giáo, mật hiệu là Chân như kim cương, Đại dũng kim cương, Dũng tiến chấp kim cương. Hình tượng, chủng tử, hình Tam muội da của vị tôn này trong các hội đều khác nhau. Như trong hội Thành thân thì hình tượng của Ngài là mình mầu da người, hình Bồ tát, tay phải cầm chày 5 chĩa, biểu thị nghĩa phá dẹp 10 thứ phiền não, đầy đủ 10 ba la mật, hoặc biểu trưng tam muội của Ngũ Phật; tay trái cầm linh(chuông nhỏ) kim cương, để thức tỉnh tâm vô minh của tất cả chúng sinh, hình Tam muội da là cây chày 5 chĩa. Vị Bồ tát này chủ về đức phát tâm bồ đề của A súc Như lai, có đầy đủ hạnh Phổ hiền để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh và khiến cho hết thảy Bồ tát được thụ dụng trí Tam ma địa. Ngoài ra, vị Bồ tát này còn biểu thị cho tâm bồ đề thanh tịnh sẵn có của chúng sinh, là cùng thể nhưng khác tên với bồ tát Phổ hiền. III. Kim Cương Tát Đỏa. Vị Bồ tát chủ tôn trong hội Lí thú, ngồi ở chính giữa Mạn đồ la Kim cương giới Mật giáo. Hình tượng của vị tôn này toàn thân mầu trắng, đội mũ báu Ngũ trí, tay trái cầm linh, để bên hông trái, biểu thị ý nghĩa vui thích đại ngã mạn; tay phải cầm cây chày 5 chĩa, tượng trưng cho nghĩa khai phát mầm bồ đề Ngũ trí sẵn có của chúng sinh. Chủng tử là (oô) hoặc (hùô), hình Tam muội da là chày 5 chĩa. Vị Bồ tát này là thân Chính pháp luân của đức A súc Như lai, lấy thể hư vọng của 4 phiền não: Dục, xúc, ái, mạn làm đức riêng để hiển bày chỉ thú mầu nhiệm: Phiền não tức là tâm bồ đề thanh tịnh, bởi thế, cùng với 4 vị bồ tát Kim cương Dục, Kim cương Xúc, Kim cương Ái và Kim cương Mạn đồng thời hiển hiện 5 tướng Kim cương bí mật. Thông thường, khi tu pháp Phổ hiền, pháp Ngũ bí mật, pháp Phổ hiền diên mệnh, v.v… đều thờ vị Bồ tát này làm Bản tôn. IV. Kim Cương Tát Đỏa. Vị Chủ tôn của bộ Đại Trí Kim Cương trong viện Kim cương bộ trên Mạn đồ la Thai tạng giới Mật giáo. Vị tôn này chủ về đức Chiết phục môn, lấy việc phá dẹp ác chướng làm bản thệ. Hình tượng của Ngài toàn thân mầu da người, ngồi trên tòa sen, đầu hơi nghiêng về phía bên phải, cánh tay mặt co lại, hơi giơ lên, lòng bàn tay ngửa, hơi co 5 ngón, cây chày 3 chĩa đặt ngang giữa bàn tay; cánh tay trái cũng co lại, hơi nâng lên, nắm lại thành quyền để ở trước ngực, lưng bàn tay đối diện với tay phải. Ngoài ra, theo kinh Đại giáo vương quyển 8, trong hội Hàng tam thế yết ma, Kim cương tát đỏa hiện tướng Hàng tam thế Minh vương với 3 mặt, 8 tay, là Luân thân giáo lệnh của đức A súc Như lai. Vị Bồ tát này vâng lãnh giáo sắc của Như lai hàng phục trời Đại tự tại ương ngạnh, khó dạy, cho nên phải hiện hình tướng Minh vương. Tuy Kim cương tát đỏa có các nghĩa được trình bày ở trên, nhưng trong Mật giáo, Kim cương tát đỏa thường được xem là tâm Bồ đề, hoặc đại biểu chung cho những người từ nơi tâm Bồ đề tiến lên cầu quả Phật. Lại nữa, Đại nhật Như lai là tổng thể của giác, Kim cương tát đỏa là tổng thể của mê, cho nên trong pháp tu của Mật giáo, nếu khi chủng tử của Đại nhật Như lai và Kim cương tát đỏa được đắp đổi dùng lẫn cho nhau, thì đó là biểu thị ý nghĩa dung hợp bản thệ của 2 Ngài và ý nghĩa Chúng sinh và Phật không hai. Thông thường, Lạt ma giáo Tây tạng sùng bái Kim cương tát đỏa và tôn Ngài là A đề Phật đà(tức Phật Bản Sơ). Đồng thời, Ngài cũng được xem là hóa thân của đức A súc Như lai trong Ngũ trí Như lai ngồi trên đài sen trắng, là chủ của Tịnh độ ở phương Đông. [X. phẩm Cụ duyên kinh Đại nhật Q.1; phẩm Tăng ích thủ hộ thanh tịnh hạnh trong kinh Đại nhật Q.7; kinh Kim cương đính du già trung lược xuất niệm tụng Q.1, Q.4; kinh Chư Phật cảnh giới nhiếp chân thực Q.trung; Lí thú thích Q.thượng; Đại nhật kinh sớ Q.5; Buddhism in Tibet (E. Schlagintweit)]. KIM CƯƠNG TÁT ĐỎA THUYẾT TẦN NA DẠ CA THIÊN THÀNH TỰU NGHI QUĨ KINH … .. Gọi tắt: Tần na dạ ca thiên nghi quĩ kinh. Kinh 4 quyển, do ngài Pháp hiền (?-101) dịch vào đời Tống, được thu vào Đại chính tạng tập 21. Nội dung tường thuật về việc trời Tần na dạ ca(trời Hoan hỉ) thành tựu được lợi ích cho tất cả chúng sinh và pháp chú trớ (cầu nguyện) của vị trời này tương ứng với 4 pháp: Tức tai, Tăng ích, Kính ái và Điều phục.