kim cương tạng vương bồ tát

Phật Quang Đại Từ Điển

(金剛藏王菩薩) Kim cương tạng vương, Phạm: Awỉottarazatabhujavajradhara. Hán âm: A sắt tra đa la xá đa bộ nhạ phạ nhật la đà lạc. Gọi đủ: Nhất bách bát tí kim cương tạng vương. Gọi tắt: Kim cương tạng. Vị Bồ tát ngồi ở đầu cực hữu trong viện Hư không tạng trên Mạn đồ la Thai tạng giới Mật giáo. Mật hiệu là Bí mật kim cương. Hình tượng vị tôn này thân mầu xanh sẫm, ngồi trên hoa sen báu, có 16 mặt(hoặc 22 mặt, trong đó có 1 mặt là mặt Phật), 18 tay, tượng trưng ý nghĩa đối trị 18 phiền não, tay cầm 18 thứ vũ khí như: Chày 1 chĩa, bánh xe, vòng dây, thanh gươm, móc câu, Phạm khiếp(hộp kinh), gậy, chày hình hoa, v.v…… biểu thị cho nghĩa phá dẹp phiền não; chủng tử là (hùô); hình Tam muội da là chày 5 chĩa, ấn tướng là Kim cương la xà nhất thiết kiến pháp ấn; chân ngôn là: Án bạt chiết lộ ba bà dạ sa ha. Trong viện Hư không tạng, vị Bồ tát này được đặt đối diện với bồ tát Thiên thủ thiên nhãn quán tự tại, đại biểu cho đức trí trong 2 môn Phúc, Trí của bồ tát Hư không tạng. Kim cương tượng trưng cho nghĩa thức thứ 8 là Đại viên kính trí vốn có, không hư hoại; Tạng biểu thị ý nghĩa thức thứ 8 bao hàm muôn pháp, còn Vương có nghĩa là thức thứ 8 an trú trong tâm của hành giả. Hoặc có thuyết cho rằng Phật Thích ca và bồ tát Kim cương tạng vương là thân biến hóa của Kim cương tát đỏa, cho nên Phật Thích ca và Kim cương tạng vương có thể được xem như cùng một thể năng biến. Tên của vị Bồ tát này không thấy trong kinh Đại nhật và Đại nhật kinh sớ, mà mới được thấy trong các bộ Huyền pháp tự nghi quĩ quyển 2 và Thanh long tự nghi quĩ quyền trung. Xưa nay đều cho rằng vị tôn này chính là bồ tát Kim cương tạng được nói trong kinh Đà la ni tập quyển 7. Ngoài ra, Lí thú thích quyển hạ và kinh Đại giáo vương quyển 2 cho rằng Kim cương tạng là danh hiệu quán đính của bồ tát Hư không tạng, rằng Kim cương tạng là cùng thể với Hư không tạng. [X. Bí tạng kí].