kim cương pháp bồ tát

Phật Quang Đại Từ Điển

(金剛法菩薩) Kim cương pháp, Phạm: Vajra-dharma. Hán âm: Phạ nhật ra đạt ma. Tạng:Rdo-rje-spyan. Hán dịch: Kim cương nhãn. Cũng gọi Kim cương nhãn bồ tát, Thiện lợi tát đỏa, Kim cương liên hoa bồ tát, Thiện thanh tịnh bồ tát, Kim cương diệu nhãn bồ tát, Quán thế tự tại bồ tát. I. Kim Cương Pháp Bồ Tát. Vị Bồ tát thân cận ngồi ở phía trước đức Vô lượng thọ Như lai trong nguyệt luân ở phương tây, trên Mạn đồ la Kim cương giới Mật giáo. Là 1 trong 16 vị Đại bồ tát, 1 trong 37 vị tôn của Kim cương giới, mật hiệu là Thanh tịnh kim cương, Chính pháp kim cương, Liên hoa kim cương. Hình tượng, chủng tử của vị tôn này trong các hội Mạn đồ la Kim cương giới đều khác nhau. Như trong hội Thành thân thì hình tượng của Ngài là thân mầu da người, tay trái cầm hoa sen, tay phải xòe ra; chủng tử là (hrì#), nghĩa là xa lìa 3 cái độc hại là tham, sân, si; hình Tam muội da là hoa sen nở rộ, hoặc là chày kim cương 3 chĩa dựng trên hoa sen; chân ngôn là: Án phạ nhật ra đạt ma ngật lí. Trong hội Tam muội da, chủng tử là (ra), nghĩa là tự tính thanh tịnh vô cấu tam muội; chân ngôn là: Tát phạ ca lí. Nếu được sự gia hộ của vị Bồ tát này, thì hành giả có thể chứng được lí bản tính của các pháp vốn thanh tịnh. II. Kim Cương Pháp Bồ Tát. Vị Bồ tát ngồi trong nguyệt luân ở phía tây trong hội Tứ ấn thuộc Mạn đồ la Kim cương giới Mật giáo, là 1 trong 4 vị Bồ tát thân cận của đức Đại nhật Như lai, tượng trưng cho Pháp trí ấn trong 4 loại Trí ấn. Hình tượng của vị tôn này đại khái cũng giống với hình tượng của bồ tát Kim cương pháp trong hội Thành thân đã nói ở trên. Chân ngôn là: Niết sắc bát la bán tả phược cát tất đệ bạc phạ đổ tát phược đát tha nghiệt đá ma đạt dụ minh a nhạ diễn đảm. Vị Bồ tát này là thân hóa độ chúng sinh của đức Vô lượng thọ Như lai, vì thế tuyên nói lí bản tính thanh tịnh để mở tỏ cho chúng sinh. Vì pháp do Ngài nói là từ chính trí mà ra, cho nên cũng gọi là Kim cương nhãn (mắt kim cương). [X. kinh Kim cương đính Q.1; kinh Kim cương đính du già trung lược xuất niệm tụng Q.2, Q.3; kinh Chư Phật cảnh giới nhiếp chân thực Q.trung].