kim cương giới

Phật Quang Đại Từ Điển

(金剛界) Phạm:Vajra-dhàtu Hán âm: Phạ nhật ra đà đô. Tạng:Rdo-rje-dhyiís. Đối lại: Thai tạng giới. Gọi tắt: Kim giới. Theo quan điểm của Mật giáo, hết thảy muôn vật trong vũ trụ đều do đức Đại nhật Như lai hiển hiện, trong đó, phần biểu hiện về mặt trí đức của Ngài gọi là Kim cương giới, còn phần biểu hiện về mặt lí tính của Ngài thì gọi là Thai tạng giới. Đây là hai bộ căn bản của Mật giáo. Trí đức nội chứng của Như lai, thể rất bền chắc, không bị phiền não làm hoen ố, phá hoại, giống như kim cương cứng chắc, không bị các vật khác làm hư nát, vì thế, Kim cương giới có đủ các nghĩa: Trí, quả, thủy giác, tự chứng, v.v…… Trái lại, lí tính của Như lai tồn tại ở trong tất cả, do đại bi nuôi đỡ, giống như thai nhi trong bụng mẹ hoặc như một hột sen ẩn chứa trong hoa sen, cho nên ví như Thai tạng; do đó, Thai tạng giới bao hàm các nghĩa: Lí, nhân, bản giác, hóa tha, v.v…… Nếu phối hợp Kim cương giới với 5 trí thì chia làm 5 bộ là: Phật bộ, Kim cương bộ, Bảo bộ, Liên hoa bộ và Yết ma bộ; nếu phối hợp Thai tạng giới với 3 đức: Đại định, đại bi, đại trí, thì chia làm 3 bộ là: Phật bộ, Liên hoa bộ và Kim cương bộ. Theo kinh Kim cương đính, nếu Kim cương giới được biểu hiện bằng tranh vẽ, thì gọi là Mạn đồ la Kim cương giới. Còn theo kinh Đại nhật, nếu Thai tạng giới được biểu hiện bằng tranh vẽ, thì gọi là Mạn đồ la Thai tạng giới. Kim cương giới và Thai tạng giới gọi chung là Chân Ngôn lưỡng bộ hoặc là Kim Thai lưỡng bộ, là 2 mặt căn bản nhất của Mật giáo. Nếu 2 bộ được xem như là đối lập nhau, thì gọi là Lưỡng bộ tương đối; còn nếu được xem là 1 thể thì gọi là Lưỡng bộ bất nhị. Về vấn đề này, Đông Mật của Nhật bản chủ trương 2 bộ vốn bất nhị, cho nên không lập riêng pháp bất nhị, nhưng Thai Mật thì lập riêng pháp bất nhị gọi là pháp Tô tất địa. Ngoài ra, trong 2 pháp sắc, tâm thì Kim cương giới thuộc tâm pháp; trong 6 đại đất, nước, lửa, gió, không, thức thì Kim cương giới thuộc thức đại. Ấn khế chung của Kim cương giới là ấn Ngũ cổ chử (ấn chày 5 chĩa). Về phổ hệ truyền thừa của Kim cương giới, thì bắt đầu từ đức Đại nhật Như lai, rồi lần lượt đến các ngài: Kim cương tát đỏa, Long mãnh, Long trí, Kim cương trí, Bất không v.v…… [X. kinh Kim cương đính Q.1; Đại nhật kinh nghĩa thích diễn bí sao Q.7; luận Thập trụ tâm Q.10]. (xt. Mạn Đồ La).