kim cương đỉnh kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(金剛頂經) Bộ kinh nói về pháp môn Kim cương giới của Mật giáo. Kinh này cùng với kinh Đại nhật được gọi chung là Nhị bộ kinh, được thu vào Đại chính tạng tập 18. Kinh này có 2 loại: Loại đầy đủ và loại tóm lược, hiện chỉ còn loại tóm lược và có 3 bản dịch khác nhau: 1. Kim cương đính nhất thiết Như lai chân thực nhiếp Đại thừa hiện chứng đại giáo vương kinh 3 quyển, do ngài Bất không dịch vào đời Đường, là bản được lưu truyền rất rộng. 2. Kim cương đính du già trung lược xuất niệm tụng kinh, cũng gọi Lược xuất kinh, 4 quyển, do ngài Kim cương trí dịch xong vào năm Khai nguyên 11 (723) đời Đường. Do đó, ta có thể suy đoán là nguyên bản đã được soạn vào cuối thế kỉ VII ở Nam Ấn độ. 3. Nhất thiết Như lai chân thực nhiếp Đại thừa hiện chứng tam muội giáo vương kinh, 30 quyển, do ngài Thí hộ dịch vào đời Bắc Tống. Nội dung các bản kinh này trình bày về những nghi quĩ tu hành rất đặc biệt và bí mật của Mật giáo, khiến cho hành giả có thể mau chóng chứng nhập cảnh giới Phật, Bồ tát. Bản tiếng Phạm hiện nay không còn. Kinh Kim cương đính được nói trong 18 hội ở 14 chỗ. Sau, bồ tát Long thụ mở tháp sắt ở miền Nam Thiên trúc, được ngài Kim cương tát đỏa trao cho 10 vạn bài tụng của kinh này, rồi truyền lại cho ngài Long trí, Kim cương trí. Nhưng ngài Kim cương trí trên đường đáp thuyền đi Trung quốc gặp gió bão, nên phần lớn kinh điển đã bị trôi mất, phần còn lại được phiên dịch và lưu bố hiện nay chỉ là một phần nhỏ trong đó mà thôi. Tương truyền, kinh Kim cương đính có 4 loại: 1. Bản pháp nhĩ hằng thuyết. 2. Bản an trí trong tháp. 3. Quảng bản (bản đầy đủ) 10 vạn bài tụng. 4. Lược bản (bản rút bớt) 4 nghìn bài tụng, tức phẩm Tứ đại thuộc hội đầu trong 18 hội. [X. Kim cương đính du già thập bát hội chỉ qui; Kim cương đính kinh đại du già bí mật tâm địa pháp môn nghĩa quyết Q.thượng].