kim cương chử

Phật Quang Đại Từ Điển

(金剛杵) Phạm:Vajra. Hán âm: Phạ nhật la, Phạt chiết ra, Bạt chiết la, Nga đam ra, Phạt xa la. Chày kim cương. Vốn là loại vũ khí của Ấn độ đời xưa. Do tính chất cứng chắc của nó có thể đánh phá các loại vật chất khác, giống như kim cương, cho nên gọi là Kim cương chử. Trong Mật giáo, Kim cương chử tượng trưng cho tâm bồ đề phá trừ phiền não, là vật mà chư tôn vị cầm ở tay hoặc là đạo cụ tu pháp. Các vị tôn thuộc Kim cương bộ trong Hải hội Mạn đồ la đều cầm Kim cương chử. Hành giả Chân ngôn cũng thường mang theo bên mình. Bởi vì Kim cương chử tượng trưng cho trí dụng kim cương của Như lai, có công năng phá trừ ma ngu si vọng tưởng bên trong và các ma chướng ngoại đạo bên ngoài. Lúc ban đầu, đầu của Kim cương chử rất bén nhọn, nhưng khi được dùng làm pháp cụ thì hình dáng của nó đã thay đổi nhiều.Về chất liệu có nhiều loại, như: bằng vàng, bạc, đồng, sắt, đá, gỗ chiên đàn, xương người, v.v…; về độ dài thì có các loại như: dài 8 ngón tay, 10 ngón, 12 ngón, 16 ngón, 20 ngón, v.v… Về hình dáng cũng có nhiều loại như: Chày 1 chĩa, 2 chĩa, 3 chĩa, 4 chĩa, 5 chĩa, 9 chĩa, chày kim cương yết ma hình người, chày hình tháp, hình báu, v.v… Trong đó, thường thấy nhất là các loại chày 1 chĩa, 3 chĩa, 5 chĩa, lần lượt tượng trưng cho Nhất pháp giới, Tam mật tam thân, Ngũ trí ngũ Phật, v.v… Chày 1 chĩa, chày 3 chĩa, chày 5 chĩa, chày báu và chày hình tháp được gọi chung là Ngũ chủng chử. Trong đó, chày 1 chĩa là hình thức xưa nhất, mũi nhọn rất dài, là vật cầm tay của Lực sĩ Kim cương Mậttích. Ngoài ra, tay Kim cương chử trong 40 tay của bồ tát Thiên thủ Quan âm và 1 trong 108 tay của bồ tát Kim cương tạng vương cũng cầm chày 1 chĩa. Trong 5 loại chày Kim cương thì chày 1 chĩa tương ứng với Liên hoa bộ, được đặt ở phía tây Đại đàn, 1 chĩa tượng trưng cho Nhất pháp giới. Chày 3 chĩa tương ứng với Yết ma bộ, được đặt ở phía bắc Đại đàn. Thông thường gọi Phạ nhật ra là chỉ cho chày 3 chĩa. Còn chày 5 chĩa cũng gọi là Ngũ trí kim cương chử, Ngũ phong kim cương chử, Ngũ phong quang minh, Ngũ cổ kim cương… Năm chĩa biểu thị Ngũ trí Ngũ Phật, trong đó, 1 chĩa tượng trưng cho Thực trí của Phật, còn 4 chĩa kia thì tiêu biểu cho Quyền trí của 4 vị Phật. [X. kinh Đại bát niết bàn Q.3 (bản Bắc); kinh Đà la ni tập Q.2; Từ thị bồ tát lược tu dũ nga niệm tụng pháp Q.hạ; kinh Kim cương đính Q.2; Đà la ni môn chư bộ yếu mục; Đại nhật kinh sớ Q.6].