kim cương bát nhã ba la mật kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(金剛般若波羅蜜經) Phạm:Vajracchedikà-prajĩàpàramità -sùtra. Gọi tắt: Kim cương bát nhã kinh, Kim cương kinh. Kinh, 1 quyển, do ngài Cưu ma la thập dịch vào đời Hậu Tần, được thu vào Đại chính tạng tập 8. Nội dung kinh giải thích rõ lí tất cả pháp vô ngã. Đại khái có thể chia làm 2 phần: Phần đầu từ Tôi nghe như vầy đến quả báo cũng chẳng thể nghĩ bàn. Phần sau từ Bấy giờ, ngài Tu bồ đề bạch Phật rằng đến cuối quyển. Cứ theo sự nghiên cứu của các học giả qua nhiều thời đại thì câu văn và ý nghĩa trong phần đầu và phần cuối của kinh hiển nhiên có những chỗ khác nhau. Ngài Tăng triệu cho rằng phần đầu là nói về Chúng sinh không, phần sau là nói vềPháp không. Còn các ngài Trí khải và Cát tạng thì cho rằng phần đầu là Phật nói cho thính chúng trong hội trước; phần cuối là nói cho thính chúng trong hội sau; phần đầu nói cho hàng lợi căn, phần cuối nói cho hàng độn căn. Từ xưa đã có rất nhiều nhà giảng nói kinh này, nhất là từ ngài Lục tổ Tuệ năng trở về sau thì kinh này lại càng được coi trọng. Kinh này có 5 bản dịch khác: 1. Bản do ngài Bồ đề lưu chi dịch vào thời Bắc Ngụy(cùng tựa đề). 2. Bản do ngài Chân đế dịch vào đời Trần (cùng tựa đề). 3. Kim cương năng đoạn bát nhã ba la mật kinh(gọi tắt: Kim cương năng đoạn kinh) do ngài Đạt ma cấp đa dịch vào đời Tùy. 4. Năng đoạn kim cương bát nhã ba la mật đa kinh(tức là phần Năng đoạn kim cương trong kinh Đại bát nhã ba la mật đa quyển 577)do ngài Huyền trang dịch vào đời Đường. 5. Năng đoạn kim cương bát nhã ba lamật đa kinh(gọi tắt: Năng đoạn kim cương kinh) do ngài Nghĩa tịnh dịch vào đời Đường. Hiện nay có các bản dịch Tây tạng, Mông cổ, Mãn châu, Anh, Pháp, Đức, Nhật, v.v… Nguyên bản tiếng Phạm được ấn hành mới nhất là bản của ông Khổng tư (Conze) người Ý. Kinh này có rất nhiều tác phẩm chú sớ, quan trọng hơn cả thì có: Kim cương bát nhã ba la mật kinh luận 3 quyển, Luận tụng 1 quyển, Luận thích 3 quyển của ngài Vô trước, Kim cương bát nhã ba la mật kinh chú 1 quyển của ngài Tăng triệu, Kim cương bát nhã ba la mật kinh sớ 1 quyển của ngài Tuệ viễn, Kim cương bát nhã ba la mật sớ 1 quyển của ngài Trí khải; Kim cương bát nhã ba la mật kinh tán thuật 3 quyển của ngài Khuy cơ; Kim cương bát nhã ba la mật giải nghĩa 2 quyển của ngài Tuệ năng. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.2; Lịch đại tam bảo kỉ Q.8; Quảng hoằng minh tập Q.22; Khai nguyên thích giáo lục Q.4].