kim châm song toả

Phật Quang Đại Từ Điển

(金針雙鏁) I. Kim Châm Song Tỏa. Chỉ cho 2 vị Bồ tát: Kim cương châm (Phạm: Vajra-sùci) và Kim cương tỏa (Phạm: Vajra-zfịkhalà) trong Hiện đồ mạn đồ la Thai tạng giới Mật giáo. Đại nhật kinh sớ quyển 5 (Đại 39, 633 thượng), nói: Kế đến, ở bên phải Bộ Mẫu đặt Đại lực Kim cương châm. (…) Vị Bồ tát này dùng trí tuệ nhất tướng nhất duyên bền chắc sắc bén thấu suốt các pháp cho nên gọi là Kim cương châm. (…) Rồi bên trái Chấp kim cương đặt Kim cương thương yết la (Hán dịch: Kim cương tỏa). Vị Bồ tát này cầm ấn tướng nhiều cái vòng móc liền nhau, 2 đầu có hình cây chày kim cương (…). Ngài dùng trí ấn này thu nhiếp tất cả chúng sinh ương ngạnh khó dạy, làm cho họ không thoái tâm Bồ đề vô thượng, vì thế gọi là Kim cương tỏa. (xt. Kim Cương Châm Bồ Tát, Kim Cương Tỏa Bồ Tát). II. Kim Châm Song Tỏa. Cây kim dùng để khâu cho 2 miếng vải dính lại, tượng trưng ý nghĩa trong và ngoài dung thông vô ngại. Nhóm từ này ví dụ sự và lí, sai biệt và bình đẳng tương tức nhau, cùng 1 thể. Thụy châu Động sơn Lương giới thiền sư ngữ lục (Đại 47, 526 thượng), nói: Có kim châm song tỏa, đường may bao quát hết.