KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT KINH LUẬN
Tác giả: Bồ-tát Thiên Thân
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam Tạng Bồ-đề Lưu Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN THƯỢNG

Pháp môn với cú nghĩa thứ lớp,

Thế gian không hiểu lìa tuệ sáng.

Bậc Đại trí thông suốt dạy ta,

Qui mạng vô lượng Thân công đức.

Phải nên tôn kính bậc cao cả,

Cúi lạy tới chân đội trên đầu,

Quyết gánh vác Phật sự khó nhất,

Giáo hóa đem lợi ích chúng sinh.

Tôi nghe như vậy: Một thuở nọ, ở tại khu vườn Kỳ Đà- Cấp Cô Độc, thuộc thành Xá-vệ, Đức Thế Tôn cùng với một ngàn hai trăm năm mươi đại Tỳ-kheo hội họp đông đủ. Bấy giờ, sắp tới giờ ăn, Đức Thế Tôn đắp y, mang bình bát vào Đại thành Xá-vệ khất thực. Vào thành, khất thực qua từng nhà xong, trở về tinh xá. Sau khi thọ thực, thu xếp y bát, rửa tay chân, trải tọa cụ, ngồi kết già như thường lệ. thẳng thân, với chánh niệm không lay động.

Khi ấy, các Tỳ-kheo đến bên Phật, lạy xuống chân, nhiễu quanh ba vòng theo hướng tay mặt, rồi ngồi qua một bên.

Bấy giờ, Trưởng giả Tu-bồ-đề từ chỗ ngồi giữa đại chúng đứng lên, để hở vai bên mặt, đầu gối bên tay mặt quì chấm đất, trước Phật chấp tay cung kính, bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Thật hi hữu, Thế Tôn! Đấng Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri đã khéo hộ niệm cho các Bồ-tát, đã khéo dặn dò giao phó các Bồ-tát…

Luận nói: Khéo hộ niệm là nói đến những Bồ-tát ơ trình độ đã thuần thục. Khéo phó chúc là nói đến những Bồ-tát ở trình độ chưa thuần thục. Tại sao phải khéo hộ niệm những vị Bồ-tát? Tại sao khéo phó chúc những vị Bồ-tát? Bài kệ nói:

Nghĩa khéo hộ nên biết,

Thêm sức thân cùng hành,

Không thoái-được-chưa được,

Đó gọi khéo phó chúc.

– Thế nào là thêm sức cho họ trên cùng đường tu tập? Đó là đối với thân Bồ-tát cùng sức trí tuệ, sẽ giúp họ thành tựu Phật Pháp. Lại nữa, Bồ-tát đó gồm thâu và đem sức giáo hóa chúng sinh. Đó gọi là khéo hộ niệm.

– Thế nào gọi là không thoái lui dù đã được hay chưa được? Nghĩa là đối với công đức chưa đạt được, e người ấy thoái chí lui gót, nên phải truyền trao sức mạnh trí tuệ cho họ. Lại nữa, những gì đã được thì giúp thêm để không thoái lui, để không xả bỏ pháp Đại Thừa. Còn như chưa chứng đắc, để không thoái lui, thì phải giúp họ đi sâu hơn nữa vào pháp Đại Thừa. Đó gọi là khéo phó chúc. Nên biết như vậy.

Kinh nói: Thưa Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát Đại Thừa phát tâm Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng? Nên trụ thế nào? Nên tu hành thế nào? Nên làm chủ tâm như thế nào?

Khi ấy, Phật bảo Tu-bồ-đề: Lành thay! Lành thay! Nầy Tu-bồ-đề! Những gì ông nói, là Như Lai khéo hộ niệm cho các Bồ-tát, khéo phó chúc cho các Bồ-tát. Bây giờ, ông nên nghe kỹ, ta sẽ nói cho ông hiểu. Bồ-tát Đại Thừa khi phát tâm Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, nên trụ như thế, tu hành như thế, làm chủ tâm mình như thế…

Tu-bồ-đề bạch với Phật: Thưa Thế Tôn! Con muốn nghe những điều ấy.

Phật bảo Tu-bồ-đề: Các Bồ-tát nên sinh tâm như vậy: Hết thảy chúng sinh, với những thứ thuộc về chúng sinh ấy, là có loài sinh bằng trứng, có loài sinh bằng thai, có loài sinh từ ẩm thấp, có loài hóa sinh, có sắc hay không có sắc, có tưởng hay không có tưởng, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không có tưởng, hết thảy cõi chúng sinh và những gì thuộc về chúng sinh, ta đều giúp họ bước vào Niết-bàn Vô Dư mà diệt độ. Diệt độ vô lượng chúng sinh như vậy, nhưng thật không có chúng sinh nào được diệt độ. Tại sao vậy? Nầy Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát có tướng chúng sinh, tức không phải là Bồ-tát. Tại sao không phải? Này, Tu-bồđề! Nếu Bồ-tát khởi tướng chúng sinh, tướng nhân, tướng thọ giả, thì không gọi là Bồ-tát.

Luận nói: Bồ-tát Đại Thừa trụ như thế nào? Hỏi, trả lời để làm sáng nghĩa này. Kệ nói:

Tâm thường rộng lớn nhất,

Tâm ấy không điên đảo,

Tâm trụ ích lợi sâu,

Đầy công đức Thừa này.

Bài kệ ấy có nghĩa gì? Nếu có bốn thứ tâm Bồ-đề sâu xa, làm lợi ích chúng sinh, thì Bồ-tát ấy đã trụ trong Đại Thừa. Tại sao? Vì tâm này càng sâu, thì công đức càng đủ. Cho nên, nếu bốn thứ tâm được sinh ra từ sự thấm nhuần lợi ích sâu xa, thì có thể an trụ trong Đại Thừa. Bốn thứ tâm ấy: Một là Rọng, hai là Bậc nhất, ba là Thường, bốn là không điên đảo.

Thế nào là tâm lợi ích rộng? Như kinh nói: Hết thảy Bồ-tát sinh tâm như vậy: Tất cả chúng sinh và những gì thuộc về chúng sinh, cho đến tất cả cõi chúng sinh và những thứ thuộc về chúng sinh.

Thế nào là tâm lợi ích bậc nhất? Như kinh nói: Ta đều giúp họ bước vào Niết-bàn Vô Dư mà diệt độ.

Thế nào là tâm thường ích lợi?

Như kinh nói: Diệt độ được vô lượng vô biên chúng sinh như thế, nhưng thật ra không có chúng sinh nào được diệt độ cả! Tại sao? Này, Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nào có tướng chúng sinh, tức không phải là Bồtát. Nghĩa này như thế nào?

Do Bồ-tát, xem hết thảy chúng sinh như chính mình. Từ nghĩa này, nên chính Bồ-tát được diệt độ thì không khác nào hết thảy chúng sinh được diệt độ. Nếu Bồ-tát nào khởi ý niệm chúng sinh không phải là mình thì không đáng được gọi là Bồ-tát. Như thế, nắm chắc chúng sinh chính là thân mình, luôn luôn không lìa ý niệm ấy; đó mới gọi là tâm thường đem ích lợi.

Thế nào là tâm ích lợi không điên đảo?

Như kinh nói: Vì sao không phải? Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nào khởi tướng chúng sinh, tướng nhân, tướng thọ giả, thì không gọi là Bồtát. Đây là chỉ rõ việc nên xa lìa sự nương dựa vào thân mình để thấy được các tướng chúng sinh v. v . ..

Từ đây trở đi là nói Bồ-tát tu hành, an trụ trong Đại Thừa. Nên biết như thế.

Kinh nói: Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát không trụ vào sự (pháp) khi làm bố thí. Không trụ vào đâu cả mà bố thí. Không trụ vào sắc mà bố thí. Không trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không trụ vào ý niệm về tướng để làm việc bố thí. Tại sao? Nếu Bồ-tát bố thí mà không trụ vào tướng, thì phước đức tích tụ là không thể suy lường. Này, Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Hư không ở phương Đông có thể suy lường được không?

Tu-bồ-đề thưa: Không thể, thưa Thế Tôn!

Phật bảo: Này Tu-bồ-đề! Phương Tây, Nam, Bắc, bốn hướng, trên dưới, hư không ở những nơi đó có thể suy lường được không?

Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không thể.

Phật bảo: Đúng thế! Đúng thế! Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát bố thí không trụ tướng, thì phước đức chứa nhóm nhiều, không thể suy lường được, cũng như thế.

Phật lại bảo: Nầy Tu-bồ-đề! Bồ-tát chỉ nên làm việc bố thí như vậy.

Luận nói: Có bài kệ:

Nghĩa Bố thí có sáu:

Của tiền-pháp vô úy,

Trong đó: Một-hai-ba,

Gọi là trụ tu hành.

Tại sao chỉ có Bố thí Ba-la-mật gọi là sáu Ba-la-mật?

Do hết thảy Ba-la-mật đều chỉ rõ nghĩa tướng của bố thí Ba-la-mật. Hết thảy Ba-la-mật là nghĩa tướng của bố thí. Nghĩa là tiền của và pháp, vô úy là bố thí Ba-la-mật.

Nghĩa ấy là gì?

Của tiền là một thể, danh của bố thí Ba-la-mật. Còn bố thí vô úy Ba-la-mật có hai thứ. Đó là trì giới Ba-la-mật và nhẫn nhục Ba-la-mật.

Đối với việc ác đã làm hay chưa làm thì không sinh sợ sệt.

Bố thí Pháp Ba-la-mật thì có ba thứ:

  1. Tì-lê- da Ba-la-mật. (Tinh tấn Ba-la-mật)
  2. Không mỏi mệt.
  3. Khéo biết tâm đúng như thật mà nói pháp.

Đó chính là trụ tu hành của Đại Bồ-tát.

Như vừa nói, ba thứ bố thí gồm thâu cả sáu Ba-la-mật, cho nên gọi là trụ tu hành của Đại Bồ-tát. Thế nào là Bồ-tát không trụ nơi sự, khi làm việc bố thí? Như thế v.v…? Kệ nói:

Thân mình việc đền ơn,

Không đắm vào quả báo,

Mãi bảo tồn không cho,

Phòng tìm cầu việc khác.

Không trụ vào sự, nghĩa là không mê đắm thân mình.

Không trụ vào đâu, là không vướng vào sự đền ơn.

Đền ơn là tìm đủ mọi cách để cung kính, cúng dường. Như kinh nói: Không trụ vào đâu cả, là không trụ vào Sắc, tức là không vướng vào quả báo. Tại sao hành Bố thí mà không trụ như vậy? Kệ nói: Quyết giữ không bố thí, phòng tìm cầu việc khác.

Nếu còn mê đắm thân mình không hành bố thí, dù cố giữ việc này, nhưng với thân không nên mê đắm. Nếu còn mê đắm quả báo, đền ơn, tức là đã xả bỏ quả Phật Bồ-đề. Vì với ý nghĩa khác mà bố thí, thì đề phòng việc làm đó, để không mê đắm.

Từ đây trở đi, là nói Bồ-tát hàng phục tâm mình, việc đó như thế nào, phải nên biết. Thế nào là hàng phục tâm? Có bài kệ nói về hàng phục:

Trong việc điều phục tâm,

Lìa khỏi tâm chấp tướng,

Và dứt mọi nghi ngờ,

Đề phòng thói quen tâm.

Lời văn ấy có nghĩa gì? Ấy là không thấy vật cho, người nhận và kẻ đứng cho. Như kệ nói: Trong việc điều phục tâm, là phải xa lìa khỏi tâm chấp tướng. Như kinh nói: Nầy, Tu-bồ-đề! Khi làm việc bố thí như thế, Bồ-tát không nên trụ vào một ý niệm nào về tướng.

Kế đến, là nói ích lợi bố thí. Tại sao? Do trong đó có điều còn nghi. Nếu lìa các ý niệm về tướng bố thí, thì làm sao phước bố thí có thể thành?

Đáp: Nếu ai bố thí như vậy thì phước sẽ trở nên nhiều hơn.

Lại nói ích lợi bố thí. Như kinh nói: Tại sao vậy? Nếu Bồ-tát bố thí mà không trụ tướng thì phước đức ấy chứa nhóm nhiều, không thể suy lường nổi.

Nầy Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Hư không ở phương Đông có thể suy lường tính kể chăng? Tu-bồ-đề đáp: Thưa không, bạch Thế Tôn! v.v… Tại sao nói sau khi tu hành mới rõ được ích lợi bố thí? Ấy là do khi tu hành tâm sẽ được hàng phục, do đó mới nói đến ích lợi của bố thí. Điều ấy có nghĩa gì?

Ấy là không còn trụ ở ý niệm về tướng khi thực hành bố thí, nên ý nghĩa mới thành tựu.

Từ đây trở đi, hết thảy phần Tu-đa-la đều chỉ rõ cách dẹp trừ tâm nghi. Tại sao sinh nghi? Vì khi bố thí, đã không trụ ở pháp, thì tại sao còn phải dứt tâm nghi ngờ, khi vì Phật Bồ-đề mà bố thí?

Kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Có thể nhìn Như Lai bằng tướng thành tựu chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Dạ không! Không thể nhìn Như Lai bằng tướng thành tựu. Vì sao? Bởi Như Lai nói tướng tức chẳng phải là tướng.

Phật bảo: Nầy Tu-bồ-đề! Phàm hết thảy các tướng đều là sự nói dối. Nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng tức chẳng phải nói dối, các tướng mà chẳng phải là tướng thì mới nhìn thấy được Như Lai.

Luận nói: Có bài kệ:

Phân biệt thể Hữu Vi,

Đề phòng tướng thành tựu,

Ba tướng thể đều khác,

Lìa nó thấy Như Lai.

Nghĩa này ra sao? Nếu phân biệt thể Hữu Vi thì Như Lai đã coi tướng Hữu Vi là Đệ nhất nghĩa. Đề phòng việc nhìn Như Lai bằng tướng thành tựu, khi cho là có thể thấy Như Lai bằng tướng thành tựu!

Như kinh nói: Không thể lấy tướng thành tựu mà thấy được Như Lai. Vì sao? Bởi Như Lai là Pháp thân Vô Vi. Như kinh nói. Vì sao vậy? Như Lai đã nói tướng tức chẳng phải là tướng. Còn bài kệ nói: Ba tướng thể đều khác nhau, lìa nó là thấy Như Lai. Như vậy, tướng thành tựu kia chẳng phải là tướng thành tựu : Vì sao? Là vì ba tướng đều khác với thể Như Lai. Như kinh nói: Phật bảo Tu-bồ-đề: Phàm hết thảy các tướng đều là vọng ngữ. Nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng, thì chẳng phải là nói dối.

Các tướng chẳng phải là tướng, như thế mới nhìn thấy Như Lai. Câu này chỉ rõ mọi pháp Hữu Vi đều là Hư vọng. Kệ nói: Lìa nó là Như Lai, điều nầy chỉ rõ chỗ không của ba tướng. Tướng chẳng phải là tướng, là cùng đối. Thể của Sinh-Trụ-Dị-Diệt cũng không nắm bắt được. Câu này chỉ rõ Thể của Như Lai chẳng phải Hữu Vi. Khi biết Như Lai là vậy, thì một khi đã vì Phật Bồ-đề mà làm việc bố thí, thì vị Bồ-tát ấy không trụ vào pháp nào. Nghi ngờ bị cắt đứt từ đó. Từ đây trở đi, là ông Tu-bồ-đề sinh nghi, nên hỏi Phật.

Kinh nói: Tu-bồ-đề thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Trong đời vị lại, và đời sau nữa, có chúng sinh nào được nghe một chương câu của kinh này mà phát sinh Thật tướng không?

Phật trả lời Tu-bồ-đề: Chớ nói là trong đời vị lai và đời sau nữa, có chúng sinh nào được nghe một chương cú của kinh này, mà phát sinh Thật tướng được chăng!

Phật lại bảo Tu-bồ-đề: Trong đời vị lai và đời sau nữa, nếu khi chánh pháp sắp diệt, mà vẫn có Đại Bồ-tát trì giới, tô bồi phước đức và trí tuệ, có khả năng phát sinh lòng tin đối với chương cú của kinh này, thì đó là sự thật.

Phật lại bảo Tu-bồ-đề: nên biết Đại Bồ-tát đó, không phải là chỉ cúng dường cho một Đức Phật, hai Đức Phật, ba- bốn- năm Đức Phật, vị ấy cũng không phải là chỉ tu hành, vun trồng căn lành nơi một Đức Phật, hai Đức Phật, ba- bốn- năm Đức Phật.

Phật lại bảo Tu-bồ-đề: Thật sự vị ấy đã tu hành, cúng dường vun trồng căn lành vô lượng trăm ngàn chư Phật, nên khi được nghe kinh này, chỉ đến một niệm đã sinh lòng tin kính. Này Tu-bồ-đề! Như Lai thấy, biết rõ hết những chúng sinh ở đó. Nầy Tu-bồ-đề! Các Bồ-tát ấy, đã làm phát sinh vô lượng phước đức như vậy, thì sẽ gom lấy vô lượng phước đức ấy. Tại sao vậy? Vì các Bồ-tát ấy, không chấp lấy tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ, giả. Này Tu-bồ-đề! Các vị Bồ-tát ấy không có tướng pháp, cũng chẳng phải là không có tướng pháp. Không tướng, cũng chẳng phải không tướng. Tại sao vậy? Nầy Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát đó chấp lấy tướng của pháp, tức là vướng mắc vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Còn nếu Bồ-tát đó có tướng pháp, tất sẽ vướng mắc vào tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả. Tại sao vậy? NầyTu-bồ-đề! Không nên giữ lấy pháp cũng chẳng phải là không giữ lấy pháp. Chỉ vì nghĩa này mà Như Lai luôn nói các pháp môn đều như bè để qua sông. Đó là pháp phải buông bỏ, chứ không phải bỏ pháp.

Luận nói:

Nghĩa đó là gì? Vừa rồi, nương theo Ba-la-mật, nói bố thí thì không trụ, ấy là nói về nghĩa sâu xa của nguyên nhân. Vừa nương theo Thể của Như Lai, không phải Hữu Vi, ấy là nói về nghĩa sâu xa của quả. Nếu trong đời ác ở vị lai, con người không có lòng tin, thì tại sao không là trống không? Do vậy, Phật trả lời nghĩa nầy, để xua tan nghi ngờ đó.

Như kinh nói: Phật bảo Tu-bồ-đề: Chớ có nói lời ấy… cho đến…không phải bỏ pháp. Nghĩa ấy thế nào? Kệ nói:

Nói nghĩa sâu nhân quả,

Khi vào đời ác ấy,

Không trống do thật có,

Bồ-tát đủ ba đức.

Nghĩa đó là gì? Khi đến đời ác kia, nhưng các Bồ-tát vẫn trì giới, tu bồi công đức và trí tuệ đầy đủ. Do vậy mà có khả năng sinh lòng tín kính. Do ý nghĩa này, nên lời nói không gọi là trống rỗng. Lại nữa, bài kệ nói:

Trong quá khứ tu giới,

Và trồng các căn lành,

Giới đủ các đời Phật,

Cũng nói công đức đầy.

Như kinh nói: Phật lại bảo Tu-bồ-đề: nên biết, các Đại Bồ-tát ấy không phải là tu hành cúng dường trong một đời Phật, hai- ba- bốn- năm đời Phật; không phải là chỉ vun trồng căn lành trong đời một- hai- ba- bốn- năm vị Phật. Phật bảo ông Tu-bồ-đề: Mà các vị này đã tu hành, cúng dường vô lượng trăm ngàn chư Phật, đã vun trồng vô lượng căn lành bên trăm ngàn chư Phật.

Đoạn kinh văn trên chỉ rõ: Trong các đời chư Phật ở quá khứ, các Bồ-tát đã tu giới hạnh, cúng dường chư Phật đầy đủ, cũng như vun bồi các căn lành, theo thứ lớp như thế. Các Bồ-tát đó đã trì giới đầy đủ, nên công đức đầy đủ. Lại nữa, có bài kệ nói:

Thọ mạng kia và pháp,

Xa lìa khỏi chấp tướng,

Cũng nói biết tướng ấy,

Nương tám- tám nghĩa riêng.

Nghĩa này là gì? Là nói nghĩa Bát- nhã không hề bị cắt đứt. Nói vậy thì có những nghĩa gì? Đấy là nói rõ vị Bồ-tát đó, đã lìa khỏi tướng thọ giả và lìa khỏi tướng pháp. Để đối trị tướng ấy, nên mới nói nghĩa nầy. Kệ nói: Nương tám- tám nghĩa riêng, thì câu đó có nghĩa gì nữa?

Tức là nương vào bốn thứ tướng thọ giả, nên có bốn nghĩa. Rồi nương vào bốn thứ tướng của pháp nên cũng có bốn nghĩa. Cho nên nương vào tám tướng, nên có tám nghĩa khác nhau. Nghĩa nầy ra sao? Lại có bài kệ nói:

Thể khác nhau nối tiếp,

Không dứt- đến mạng trụ,

Lại đi vào nẻo khác,

Là bốn thứ ngã tướng.

Nghĩa nầy thế nào? Đây là nói rõ nghĩa của tướng thọ giả. Bốn tướng đó là gì?

  1. Tướng ngã.
  2. Tướng chúng sinh.
  3. Tướng mạng.
  4. Tướng thọ giả.

–Tướng ngã, là thấy năm ấm khác nhau, mỗi ấm là có ta trong đó.

Vọng chấp như thế gọi là tướng ngã.

–Tướng chúng sinh, là thấy thân mình nối tiếp mãi không dứt.

–Tướng mạng, là quả báo một kiếp, mạng sống sống mãi không dứt, nên gọi là tướng mạng.

–Tướng thọ giả, là khi chết rồi, lại sinh vào sáu đường, ấy là tướng thọ giả.

Như kinh nói: Tại sao? Nầy Tu-bồ-đề! Bồ-tát ấy không còn chấp tướng ngã, tướng chúng sinh, tướng nhân, tướng thọ giả nữa? Sao gọi là cùng pháp? Kệ nói:

Hết thảy không- không vật,

Thật có-không thể nói,

Dựa ngôn từ mà nói.

Là bốn thứ tướng pháp.

Bốn thứ nào?

  1. Tướng pháp.
  2. Tướng phi pháp.
  3. Tướng.
  4. Phi tướng.

Có những nghĩa gì? Đó là có thể giữ lấy, có khả năng giữ lấy hết thảy các pháp. Vì không có cho nên nói là không có tướng pháp, không có vật. Pháp ấy là vô ngã, là rỗng, là không thật có. Cũng có thể nói chẳng phải là không có tướng pháp. Nó là rỗng, không có vật, nhưng ở đây không thể nói có- không, cho nên nói là vô tướng. Do nương vào lời lẽ mà nói, nên cũng có thể nói chẳng phải là vô tướng. Vì sao? Vì nương vào không, mà nói có tướng, cho nên nương vào tám thứ nghĩa khác nhau, mà lìa tám tướng. Nghĩa là lìa nhân tướng, lìa pháp tướng. Do vậy mà nói là có trí tuệ.

Như kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Các Bồ-tát đó, không có tướng pháp, cũng chẳng phải không có tướng pháp, không có tướng, cũng chẳng phải không có tướng, nên có trí tuệ đầy đủ. Tại sao còn nói công đức, trì giới? Đây là chỉ bày về nghĩa sai khác của việc phát sinh Thật tướng. Chỉ bày như thế nào? Kệ nói:

Kẻ ấy nương lòng tin,

Cung kính sinh Thật tướng,

Nghe tiếng không giữ lấy,

Lời chính giữ như thế.

Nghĩa nầy ra sao? Người đó có công đức trì giới, dựa vào lòng tin, vào tâm cung kính cúng dường, nên Thật tướng phát sinh. Ấy là nói rõ nghĩa đó.

Lại nữa, câu: “Lại nghe nói chương cú Tu-đa-la như thế, cho đến chỉ một niệm, sinh tâm tịnh tín…” như vậy, không chỉ nói thuần là Bát- nhã. Lại nữa, có trí tuệ, là không phải chỉ nghe tiếng mà giữ lấy nghĩa, còn phải tùy thuộc vào trí tuệ Đệ nhất nghĩa, xét lời chân chính mà hiểu nghĩa như vậy, từ đó mới có thể phát sinh Thật tướng. Đó là nói rõ nghĩa nầy. Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Không nên chấp pháp, chẳng phải là không chấp pháp. Câu: “Không nên chấp pháp” là không nên nghe tiếng mà chấp lấy pháp; câu: “Không phải là không chấp pháp” là tùy thuận vào trí tuệ đệ nhất nghĩa, để xét lời chân chính, mà chấp lấy nghĩa đó. Bồ-tát ấy nghe kinh điển chương cú như vậy, thì Thật tướng được phát sinh.

Lại nữa, kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai đều biết rõ các chúng sinh ấy, Như Lai đều thấy rõ các chúng sinh ấy v.v…, điều này làm sáng tỏ nghĩa gì? Có bài kệ nói:

Không quả Phật vẫn biết,

Sức nguyện trí hiện thấy,

Cầu cung kính cúng dường,

Người đó không thể nói.

Bài kệ này có nghĩa gì? Những ai trì giới, chư Phật Như Lai không cần thấy quả của họ nhưng so sánh mà biết. Làm sao biết được? Kệ nói:

Do sức mạnh của nguyện trí hiện rõ cho thấy.

Câu: Như Lai đều biết chúng sinh đó… là đủ rồi, không cần nói gì nữa.

Câu: Như Lai đều thấy biết chúng sinh ấy… Nếu không nói Như Lai đều biết rõ các chúng sinh đó, thì có kẻ lại bảo Như Lai dùng trí so sánh mà biết, sợ họ sinh tâm như vậy… Nếu vậy, thì chỉ nói Như Lai thấy hết các chúng sinh ấy là tạm đủ. Sao còn phải nói: Như Lai biết các chúng sinh ấy? Nếu không nói Như Lai biết hết các chúng sinh ấy, thì có kẻ sẽ nói, Như Lai dùng mắt thịt để thấy. Đây là phòng ngừa chuyện đó. Tại sao phải nói như vậy? Do có hai lời. Lại nữa, tại sao Như Lai nói như thế? Kệ nói: Vì cầu cúng dường cung kính, thì người ấy không thể nói.

Câu ấy có nghĩa gì? Nếu như muốn được cung kính cúng dường, tự khoe là có công đức trì giới, thì kẻ ấy tất không cần phải nói, vì họ tự biết. Chư Phật, Như lai đã khéo biết rõ người ấy là ai, đang làm những gì. Thế nên người ấy không cần phải tự nói.

Lại câu: “Các Bồ-tát đó, sinh vô lượng phước đức như thế, gom lấy vô lượng phước đức như thế…” Câu ấy có nghĩa gì?

Sinh là có khả năng phát sinh nguyên nhân. Gom lấy là nghĩa tu bồi quả tự thể.

Lại câu: Tại sao thế, Nầy Tu-bồ-đề! Các Bồ-tát đó, nếu chấp tướng của pháp tất sẽ mê đắm vào ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả… Câu này có nghĩa gì? Bởi chỉ có vô minh sai khiến nên phiền não thô không hiện hành. Đây là chỉ bày cái thấy vô ngã.

Lại nữa, kinh nói: Chính vì nghĩa này, mà Như Lai thường nói các pháp môn như bè qua sông. Đó là pháp nên bỏ, chứ không phải bỏ pháp…

Có những thứ lớp nào…? Kệ nói:

Kia không trụ tùy thuận,

Ở trong pháp chứng trí,

Như người bỏ lại thuyền,

Trong pháp, nghĩa cũng vậy.

Kệ này có nghĩa gì? Đây là chỉ rõ từ giáo pháp trong kinh điển, mà được chứng trí tuệ không trụ. Muốn chứng trí tuệ này, thì phải buông bỏ mọi pháp, như bỏ bè sau khi tới bờ bên kia. Tùy thuận là tùy thuộc và thuận theo các pháp để chứng được trí tuệ. Các pháp nầy thì phải giữ lấy như người chưa lên được bờ thì phải giữ lấy thuyền bè.

Từ đấy trở đi, nói những nghĩa gì? Để ngăn cản những điều nghi ngờ khác. Những điều nghi khác là gì? Vừa nói: Không thể thấy được Như Lai bằng tướng thành tựu. Tại sao? Do Như Lai chẳng do tướng Hữu Vi mà được tên. Nếu vậy, tại sao đức Thích- ca Mâu- ni, khi chứng được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, thì gọi là Phật? Tại sao lại còn thuyết pháp? Đó là những điều nghi ngờ. Muốn xua tan nghi này, thì phải làm gì? Kinh nói: Lại nữa, Phật bảo Tuệ Mạng Tu-bồ-đề: Nầy Tubồ-đề! Ông nghĩ sao? Như Lai có chứng được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng không? Như Lai đã có thuyết pháp gì chăng?

Tu-bồ-đề thưa: Theo con hiểu những nghĩa Phật giảng nói thì không có pháp nào nhất định để Như Lai chứng được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng; cũng không có pháp nào nhất định, để Như Lai giảng nói. Tại sao? Vì pháp mà Như Lai nói, thì đều không thể chấp lấy, không thể nói được, chẳng phải là pháp, cũng chẳng phải là phi pháp. Tại sao? Do hết thảy Thánh nhân đều dùng pháp Vô Vi mà được tên.

Luận nói: Chính nghĩa này nên Phật Thích-ca Mâu-ni chẳng phải là Phật, cũng chẳng nói pháp. Nghĩa nầy thế nào? Kệ nói:

Ứng hóa Phật chẳng chân,

Cũng chẳng người nói pháp,

Nói pháp không hai chấp

Không nói lìa ngôn tướng.

Kệ này có nghĩa gì? Phật có ba thứ:

  1. Pháp thân Phật.
  2. Báo Phật.
  3. Hóa Phật.

Đức Thích-ca Mâu-ni được gọi là Phật, đó là Hóa Phật. Phật này không chứng Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, cũng không có nói pháp. Như kinh nói: Không có pháp nào nhất định để Như Lai chứng Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng cả, cũng không có pháp nào nhất định để Như Lai giảng nói…

Nếu vậy, tại sao kinh nói: Vì sao thế? Những pháp mà Như Lai nói, đều không thể chấp lấy, không thể nói… Như thế v.v… có người chế nhạo: Như Lai một mực không nói pháp.

Để ngăn chận điều này, nên kệ nói: Ứng hóa Phật chẳng phải là chân, cũng chẳng phải là người nói pháp. Nói pháp không hai chấp, không nói mới là lìa tướng nói. Người nghe không chấp lấy pháp, không chấp lấy phi pháp. Còn người nói cũng không nói hai thứ, là pháp và phi pháp. Tại sao? Tại pháp đó chẳng phải là pháp, chẳng phải là phi pháp. Dựa vào ý nghĩa nào, để nói như vậy? Đó là nương vào nghĩa chân như mà nói.

– Phi pháp là hết thảy các pháp đều không có Thể tướng.

– Không phải phi pháp, là chân như, không có ngã tướng, mà có thật vậy. Tại sao chỉ nói là nói mà không nói là chứng? Có ngôn thuyết là đã gồm có nghĩa chứng rồi. Nếu không chứng, thì không có khả năng nói. Như kinh nói: Tại sao vậy? Do hết thảy Thánh Nhân, đều nhờ pháp Vô Vi, mà được tên. Câu đó muốn làm sáng tỏ điều gì? Pháp kia nói là nhân. Vì sao? Vì hết thảy Thánh Nhân, đều nương vào pháp chân như thanh tịnh, mà được tên. Vì pháp Vô Vi mà được tên. Từ nghĩa này, nên Thánh Nhân đó nói, pháp đó là Vô Vi. Lại cũng bởi nghĩa nào, mà những pháp Thánh Nhân kia chứng, là không thể nói như thế, hà huống là bám lấy như thế. Tại sao? Do pháp ấy xa lìa khỏi tướng ngôn ngữ. Không phải là chuyện mà có thể đem ra nói. Tại sao không nói, chỉ có Phật, mà lại nói là hết thảy Thánh Nhân? Ấy là vì, hết thảy Thánh Nhân đều nương vào chân như thanh tịnh mà có được tên. Như vậy thì có đủ thanh tịnh, trong từng phần thanh tịnh.

Kinh nói: Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Như lấy bảy báu có đầy cả ba ngàn đại thiên thế giới, đem ra bố thí, nầy Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Phước mà thiện nam thiện nữ ấy có được, có nhiều không?

Tu-bồ-đề thưa: Rất nhiều, thưa Thế Tôn! Rất nhiều, thưa Tu Già Đà! Thiện nam thiện nữ ấy, được phước rất nhiều. Tại sao vậy? Thưa Thế Tôn? Do phước đức đó, tức chẳng phải là phước đức, cho nên Như Lai mới nói: Phước đức đó, chính là phước đức. Phật nói: Nầy Tu-bồ-đề! Nếu những thiện nam thiện nữ, đem bảy báu đầy cả ba ngàn đại thiên thế giới để bố thí; nhưng nay lại có người thọ trì kinh này, cho đến chỉ bốn câu kệ v.v… rồi đem giảng nói cho người thì phước này hơn phước bố thí không thể lường nổi. Tại sao vậy? Nầy Tu-bồ-đề! Vì hết thảy pháp Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng của chư Phật, đều từ kinh này mà ra hết. Hết thảy chư Phật, Như Lai đều sinh ra từ kinh này. Nầy Tu-bồ-đề! Những gì gọi là Phật pháp thì Phật pháp đó chẳng phải là Phật pháp, mới gọi là Phật pháp.

Luận nói: Ở đây, nói thí dụ, tính kể, so lường phước đức vượt bậc kia, là có ý gì vậy? Bởi vì pháp, dù không thể chấp lấy, không thể nói, nhưng không phải là trống rỗng. Kệ nói:

Thọ trì và giảng nói,

Phước đức chẳng phải không,

Phước không tới Bồ-đề,

Hai mới tới Bồ-đề.

Vì sao nói như vậy? Thưa Thế Tôn! Nhóm phước đức tức chẳng phải là nhóm phước đức. Kệ nói: Một mình phước thì không tới Bồ-đề, nhưng có cả hai, thì cùng tới Bồ-đề. Câu kệ nầy có nghĩa gì? Phước kia không tới Bồ-đề, nhưng có cả hai, thì đạt tới Đại Bồ-đề. Là hai cái gì? Đó là:

  1. Thọ trì.
  2. Giảng nói.

Như kinh nói: Thọ trì cho đến chỉ bốn câu kệ v.v… và nói cho người khác biết. Nhóm phước đức là sao? Nghĩa của nhóm có hai thứ:

  1. Nghĩa gom góp tích chứa lâu ngày.
  2. Nghĩa đi thẳng tới.

Như người gánh một gánh nặng, thì gọi là nhóm (tụ). Do vì phước đức kia, là gom góp tích chứa nhiều ngày, cho nên gọi là đống, nhóm. Nghĩa nó như vậy. Những gì không thúc đẩy tới Bồ-đề thì không gọi là nhóm phước đức. Hai khả năng này đưa đến Đại Bồ-đề, cho nên nó vượt hơn hết thảy phước đức khác. Tại sao hai thứ này có khả năng đưa tới Đại Bồ-đề? Như kinh nói: Tại sao, Nầy Tu-bồ-đề! Hết thảy pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của chư Phật, đều từ kinh này mà ra hết. Hết thảy chư Phật, Như Lai đều sinh ra từ kinh này. Hết thảy pháp Bồ-đề của chư Phật, đều từ kinh này mà ra, là sao? Hết thảy chư Phật, Như Lai đều sinh từ kinh này, là sao? Kệ nói:

Nơi thật gọi liễu nhân,

Cũng nhân sinh cái khác,

Chỉ riêng pháp chư Phật,

Phước thành đệ nhất thể.

Bài nầy có nghĩa gì? Bồ-đề gọi là Pháp thân, Thể nó là thật, Vô Vi, thế nên đối với Pháp thân đó, thì hai thứ này có khả năng làm liễu nhân, không có khả năng làm sinh nhân. Cái khác đó là khi được thọ báo, có tướng đẹp đẽ trang nghiêm, Hóa thân như Phật, đẹp đẽ như Phật. Ở đây là sinh nhân, nên nó có khả năng làm nhân cho Bồ-đề, nên gọi là nhân. Nó chỉ rõ phước đức này là hơn hết trong các phước đức.

Như kinh nói: Vì sao? Tu-bồ-đề… cho đến… đều sinh ra từ kinh này. Tại sao có nghĩa này? Bài kệ nói: Chỉ riêng pháp chư Phật, phước thành là Thể bậc nhất.

Nầy Tu-bồ-đề! Những gì gọi là Phật pháp, thì Phật pháp đó tức chẳng phải Phật pháp, vì pháp của chư Phật thì không ai có, cho nên Phật pháp đó gọi là Phật pháp, mới nói: Chỉ riêng pháp của chư Phật mới là bất cộng, Đệ nhất nghĩa, vì nó có khả năng làm nhân cho pháp Đệ nhất. Thành ra phước đức đó là hơn hết mọi phước đức. Do vậy, phước đức này trở nên nhiều.

Kinh nói: Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Tu-đà-hoàn có thể nghĩ là ta đã được quả Tu-đà-hoàn không? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không! Vì sao? Vì thật không có pháp nào gọi là Tu-đà-hoàn. Không bám vào sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp, thì đó mới gọi là Tu-đà-hoàn.

Phật nói: Nầy Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Tư Đà Hàm có thể nghĩ là ta đã được quả Tư Đà Hàm không? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không! Vì sao? Vì thật không có pháp nào gọi là Tu Đà Hàm, nên gọi là Tư Đà Hàm.

Nầy Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? A Na Hàm có thể nghĩ là ta đã được quả A Na Hàm không? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không! Vì sao? Vì thật không có pháp nào gọi là A Na Hàm, nên gọi là A Na Hàm.

Nầy Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? A-la-hán có thể nghĩ là ta đã được quả A-la-hán không? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không! Vì sao? Vì thật không có pháp nào gọi là A-la-hán.

Bạch Thế Tôn! Nếu A-la-hán nghĩ: Ta được quả A-la-hán, tức là đã vướng mắc vào ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Thưa Thế Tôn! Thế Tôn nói con được Tam muội Vô tránh, cao tột hơn hết. Bạch Thế Tôn! Thế Tôn nói con là A-la-hán lìa dục. Bạch Thế Tôn! Nếu con nghĩ, con được A-la-hán, thì Thế Tôn đã không nói con được hạnh Vô tránh bậc nhất. Vì sự thật là Tu-bồ-đề không làm gì cả, nên mới gọi Tu-bồ-đề là Vô tránh, là hạnh Vô tránh bậc nhất.

Luận nói: Vừa nói Thánh Nhân nhờ Vô Vi mà được tên, là chính ý nghĩa nầy. Pháp kia không nên chấp lấy, không thể nói. Nếu Thánh Nhân Tu-đà-hoàn v.v… chấp lấy quả của mình, thì tại sao nói pháp ấy không nên chấp lấy? Chứng thế nào, cứ nói như thế, tại sao lại không thể nói? Từ đây trở xuống, kinh văn nói việc cắt đứt nghi ấy, để thành pháp ấy là không thể chấp lấy, không thể nói. Kệ nói:

Không thể chấp và nói,

Không nên chấp quả mình,

Nương vào điều thiện kia,

Nói lìa hai thứ chướng.

Bài kệ này có nghĩa gì? Thánh Nhân nhờ pháp Vô Vi mà được tên, nên không chấp lấy một pháp nào. Không chấp lấy ấy là không chấp lấy cảnh giới của sáu trần. Chính từ ý nghĩa đó, mà không chấp lấy. Đi ngược dòng, thì như kinh nói: Không chấp lấy Sắc-Thanh-Hương-VịXúc-Pháp. Ấy gọi là Tu-đà-hoàn… cho đến A-la-hán, cũng không chấp lấy một pháp nào. Do nghĩa nầy, nên gọi là A-la-hán. Tuy nhiên Thánh Nhân chẳng phải không chấp lấy pháp Vô Vi, mà chấp quả của chính mình. Nếu Thánh Nhân khởi tâm như vậy: Ta có thể chứng quả, như vậy là chấp giữ vào ngã v.v… Nghĩa nầy thế nào?

Có sự sai khiến của phiền não, chẳng phải thực hành phiền não. Tại sao vậy? Do người ấy chứng quả, thì đã gỡ mình ra khỏi ngã chấp, phiền não v.v… Do vậy, không có tâm cho là ta đã chứng quả. Tại sao Tu-bồđề tự khen mình được thọ kí? Vì chính mình chứng quả, vì sanh lòng tin kính đối với ý nghĩa kia. Tại sao chỉ nói đến hạnh Vô tránh? Ấy là muốn chỉ rõ, chính công đức thù thắng đã sinh lòng tin sâu xa đó. Tại sao nói: Do ông Tu-bồ-đề thật không có làm gì cả, nên mới gọi Tu-bồ-đề là Vô tránh, là hạnh Vô tránh. Kệ nói: Nương vào sự tốt kia, nói là lìa được hai thứ chướng.

Hai thứ chướng là:

  1. Phiền não chướng.
  2. Tam muội chướng.

Lìa được hai chướng ấy, nên nói là không có làm gì cả. Nghĩa là vậy. Nói tên hai thứ chướng, và lìa hai thứ chướng đó, nên gọi là Vô tránh, là hạnh vô tránh.

Kinh nói: Phật nói, Nầy Tu-bồ-đề! Ong nghĩ sao? Xưa kia, Như Lai ở bên Phật Nhiên Đăng, có được pháp Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng không? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không! Ở bên Phật Nhiên Đăng, thật sự Như Lai không có pháp nào để được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng.

Luận nói: Lại có kẻ nghi ngờ, thuở xưa, đức Thích- ca Như Lai ở bên Phật Nhiên Đăng thọ pháp. Phật Nhiên Đăng đã giảng nói pháp cho Phật Thích- ca. Nếu vậy, tại sao nói: Pháp ấy không thể nói? Không thể chấp lấy? Để xua tan nghi này, nên nói: Phật Nhiên Đăng không có pháp nào có thể chấp giữ. Như kinh nói: Bạch Thế Tôn, không! Ở bên Phật Nhiên Đăng, thật sự Như Lai không có pháp nào để được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng. Tại sao nói như vậy? Kệ nói:

Phật nghe Nhiên Đăng nói,

Thật trí không chấp lí,

Ấy là nghĩa chân thật,

Thành pháp không chấp nói.

Bài kệ này có nghĩa gì? Đức Thích- ca Như Lai, ở bên Phật Nhiên Đăng, những gì nói bằng lời lẽ, không thể chấp vào đó mà chứng pháp. Từ nghĩa nầy, đã làm sáng tỏ những gì mà trí chứng được, là không thể nói, không thể chấp giữ. Kệ nói: Ấy là nghĩa chân thật. Thành pháp kia là không chấp lấy để nói. Lại như Thánh Nhân, nhờ pháp Vô Vi mà được tên thì Pháp đó, cũng không thể chấp lấy, không thể nói được. Tại sao, các Bồ-tát chấp giữ việc làm trang nghiêm thanh tịnh cõi nước Phật? Tại sao nhận nguồn vui Báo thân của Phật mà còn chấp lấy thân là Pháp Vương? Tại sao các thế gian khác, lại chấp giữ thân Pháp Vương đó?

Từ đây trở đi, kinh văn nói về việc cắt đứt nghi nầy.

Kinh nói: Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu Bồ-tát nói là ta trang nghiêm cõi nước Phật, thì Bồ-tát đó nói không thật. Tại sao? Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai nói trang nghiêm cõi nước Phật, tức chẳng phải là trang nghiêm nên mới gọi là trang nghiêm cõi nước Phật. Do vậy, nầy Tu-bồ-đề! Các Đại Bồtát nên sinh tâm thanh tịnh như thế và không trụ vào đâu. Không nên để tâm trụ theo Sắc, không trụ vào Thanh- Hương- Vị- Xúc- Pháp mà sinh tâm. Không để tâm trụ chấp dính vào nơi nào cả.

Nầy Tu-bồ-đề! Như có người, mà thân họ lớn như núi chúa Tu- di. Nầy Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Thân đó có lớn không?

Tu-bồ-đề thưa: Rất lớn, thưa Thế Tôn! Tại sao? Phật nói: Không phải là thân, mới gọi là thân lớn. Thân kia chẳng phải là thân, nên gọi là thân lớn.

Luận nói: Nghĩa này nên biết như thế. Biết như thế nào? Kệ nói:

Trí luyện chỉ Thức thông,

Giữ tịnh độ như vậy,

Thể bậc nhất chẳng hình,

Chẳng nghiêm-trang nghiêm ý?

Bài nầy có nghĩa gì? Chư Phật không có việc gì phải trang nghiêm cõi nước, Chư Phật Như Lai chỉ có luyện tập trí tuệ chân thật để cho Thức thông suốt. Do vậy, cõi nước ấy là không thể chấp lấy. Nếu ai chấp lấy hình tướng cõi nước đó và nói là ta thành tựu thanh tịnh cõi nước Phật thì kẻ ấy nói không thật.

Như kinh nói: Tại sao vậy? Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai nói trang nghiêm cõi nước Phật ấy, tức chẳng phải là trang nghiêm, nên mới gọi là trang nghiêm cõi nước Phật. Tại sao nói như vậy? Bài kệ nói: Thể bậc nhất là chẳng hình tướng, nào phải là nghiêm hay trang nghiêm ý.

Có hai thứ trang nghiêm:

  1. Hình tướng.
  2. Đệ nhất nghĩa tướng.

Thế nên nói, nào phải là nghiêm hay trang nghiêm ý.

Lại nữa, không phải trang nghiêm cõi nước Phật, là vì nó không có hình tướng, nên chẳng phải trang nhiêm. Như vậy, không có trang nghiêm mới là trang nghiêm bậc nhất. Vì sao? Vì trang nghiêm là dùng hết thảy công đức thành tựu. Nếu ai còn suy nghĩ phân biệt cõi nước Phật là hình tướng hữu vi và nói ta đã thành tựu thanh tịnh cõi nước Phật, thì Bồ-tát ấy đã trụ vào Sắc v.v…, chính từ cảnh giới đó, mà sinh ra tâm như vậy.

Để ngăn chận điều này, như kinh nói: Thế nên, Tu-bồ-đề! Các Đại Bồ-tát nên sinh tâm thanh tịnh như thế, và không trụ vào đâu cả. Không để tâm trụ vào Sắc, vào Thanh-Hương, vào Vị-Xúc-Pháp. Không nên để tâm trụ chấp vào bất cứ nơi đâu.

Trước đây có nói, hưởng nguồn vui nơi Báo thân Phật, lại chấp lấy thân mình là Pháp Vương. Vì sao các thế gian khác chấp lấy thân Phật đó, là thân Pháp Vương? Để xua tan nghi vấn ấy nên mới nói Báo thân hưởng nguồn vui ấy là đồng một Thể, có ý nghĩa như cảnh tượng núi chúa Tu- di. Nghĩa đó là gì? Có bài kệ nói:

Như núi chúa không chấp,

Thọ quả báo cũng vậy,

Xa lìa hẳn các lậu,

Và cả pháp Hữu vi.

Bài nầy có nghĩa gì? Núi chúa Tu-di có uy thế vời vợi-cao tột, nên gọi là to lớn; nhưng núi không chấp vào Thể núi chúa, mà cho ta là núi chúa, vì núi không có sự phân biệt vậy. Hưởng nguồn vui Báo thân Phật cũng như vậy. Phật đã được Thể Pháp Vương Vô Thượng, nên gọi là lớn. Nhưng Phật không thể chấp vào Thể Pháp Vương đó, mà nói ta là Pháp Vương, bởi Phật không có phân biệt. Tại sao không phân biệt? Là do không có sự phân biệt vậy.

Như kinh nói: Tạo sao? Phật nói chẳng phải là thân, mới gọi là thân lớn. Do thân đó chẳng phải thân, nên mới gọi là thân vậy.Tại sao nói vậy? Kệ nói: Vì xa lìa các lậu hoặc, các pháp Hữu Vi. Thể của Báo thân Phật hưởng vui kia, đã lìa hết các lậu, dù có khối lượng hay không có khối lượng như vậy, cũng chỉ có một thân thanh tịnh mà thôi, vì nó đã xa lìa hẳn mọi pháp Hữu Vi, nên nghĩa nó là vậy. Ngã thể mà thật có, thì nó không nương vào điều kiện nào khác để tồn tại.

Pages: 1 2 3