kiêu tát la quốc

Phật Quang Đại Từ Điển

(憍薩羅國) Kiêu tát la, Phạm:Kozàlà, Kauzala. Pàli:Kosalà. Cũng gọi Câu xá la quốc, Kiều tát la quốc, Cư tát la quốc, Câu tiết la quốc, Cao tác la quốc, Câu bà la quốc. Hán dịch: Vô đấu chiến quốc, Công xảo quốc. I. Kiêu Tát La Quốc. Cũng gọi Bắc Kiêu tát la. Một Vương quốc xưa thuộc Trung Ấn độ, nằm về mạn tây bắc Ca tì la vệ, phía bắc nước Ba la nại, Pháp hiển truyện gọi là Câu tát la quốc, là 1 trong 16 nước lớn ở Ấn độ vào thời đức Phật còn tại thế. Kinh đô của nước này là thành Xá vệ (Phạm:Zrà-vasti), là nơi đức Phật đã thuyết pháp giáo hóa trong suốt 25 năm. Nước này thóc lúa dồi dào, nhân dân sung túc, phong tục thuần hậu, nhưng chúng tăng ít, ngoại đạo nhiều. Ở nước này, khi ngài Pháp hiển đến (thế kỉ IV), vẫn còn di tích vườn cây của thái tử Kì đà và trưởng giả Cấp cô độc. [X. kinh Nhân vương hộ quốc bát nhã ba la mật đa Q.thượng; Hữu bộ tì nại da phá tăng sự Q.8; luận Phân biệt công đức Q.2; Đại đường tây vực kí Q.6; Tuệ lâm âm nghĩa Q.6, Q.15, Q.26; Phiên dịch danh nghĩa tập Q.7]. (xt. Xá Vệ Quốc). II. Kiêu Tát La Quốc. Cũng gọi Nam Kiêu tát la, Đại Kiêu tát la. Tên 1 Vương quốc xưa thuộc Nam Ấn độ, nằm về phía nam nước Ma kiệt đà, tương đương với Bắc bộ cao nguyên Decan hiện nay. Đại đường tây vực kí cho Vương quốc này thuộc Trung Ấn độ, nhưng xưa nay phần nhiều đều nhận vùng đất này thuộc Nam Ấn độ. Pháp hiển truyện gọi là Đạt thấn quốc (Phạm:Dakwiịà). Bồ tát Long thụ đã từng ở tại nước này và rất được vua Sa đà bà ha (Phạm:Sadvaha) tôn kính. Nhà vua đã cho xây cất 1 ngôi đại già lam 5 tầng trên núi Bạt la mạt la kì li ở phía tây nước này. Nước này mạnh mẽ, tính người dũng cảm, có hơn 100 ngôi già lam, chúng tăng đều nghiên cứu, học tập theo giáo pháp Đại thừa. Có hơn 70 ngôi đền thờ trời, các đạo khác ở lẫn lộn. Về vị trí nước này có nhiều thuyết khác nhau.Ông Khang lâm hãn (A.Cunningham) cho rằng nước này là Duy đạt ba (Vidarbha) đời xưa, kinh đô là Na cách pha nhĩ (Nagpur) hoặc Tra đại (Chanda), tức là vùng Ca đức ngõa na (Gondwàna) thuộc Bối lạp nhĩ (Berar) hiện nay. Còn các ông Cách lan thoát (Grant) và Phất cách tốn (J.Fergusson) thì cho rằng nước này là đất Sạ cáp đề tư gia nhĩ (Chhattisgarh) hiện nay, kinh đô là Uy lạp gia nhĩ (Wairagarh). [X. Đại từ ân tự tam tạng pháp sư truyện Q.4; Đại đường tây vực kí Q.10; Huyền ứng âm nghĩa Q.22; Tuệ lâm âm nghĩa Q.10; The Ancient Geography of India (A. Cunningham)].