kiếp hoả

Phật Quang Đại Từ Điển

(劫火) Phạm:Kalpàgni. Pàli:Kappaggi. Cũng gọi Kiếp tận hỏa, Kiếp thiêu (Phạm: Kalpa-dàha). Nạn lửa khởi lên trong kiếp Hoại. Theo thế giới quan của Phật giáo, thì sự thành lập thế giới chia làm 4 kiếp: Thành, Trụ, Hoại, Không. Ở cuối kiếp Hoại, nạn lửa nạn nước và nạn gió chắc chắn xảy ra. Trong thời kì nạn lửa, trên trời có 7 mặt trời xuất hiện, từ cõi trời Sơ thiền trở xuống đều bị kiếp hỏa thiêu đốt. Phẩm Kiến bảo tháp trong kinh Pháp hoa quyển 4 (Đại 9, 34 thượng), nói: Giả sử trong kiếp thiêu, ôm cỏ khô nhảy vào lửa mà không bị cháy cũng chưa phải là khó. Luận Đại trí độ quyển 27 (Đại 25, 261 thượng), nói: Các vị A la hán, Bích chi phật (…) sức trí tuệ yếu ớt như lửa của thế gian, còn sức trí tuệ của chư Phật thì mạnh mẽ như lửa của kiếp tận. Lại nạn lửa trong kiếp hỏa đốt cháy tất cả mọi vật gọi là Kiếp hỏa đỗng nhiên. Thiền tông thường lấy việc trong kiếp hỏa có vật gì còn sót lại chưa bị thiêu đốt không, để làm thoại đầu. Chương Đại tùy Pháp chân trong Cảnh đức truyền đăng lục (Đại 51, 286 thượng), nói: Có vị tăng hỏi thiền sư Đại tùy Pháp chân ở Ích châu rằng: Kiếp hỏa đỗng nhiên, cả đại thiên thế giới đều hoại, chẳng hay cái ấy có hoại không? Sư đáp: Hoại!. [X. phẩm Tam tai, kinh Thế kí trong Trường a hàm Q.21; kinh Thất nhật trong Trung a hàm Q.2; phẩm Như lai thọ lượng trong kinh Pháp hoa Q.5; kinh Hoa nghiêm Q.10 (bản dịch mới); luận Đại tì bà sa Q.132; luận Câu xá Q.12]. (xt. Hoại Kiếp).