kiến văn giác tri

Phật Quang Đại Từ Điển

(見聞覺知) ……….. Thấy nghe hay biết. Tiếng gọi chung những tác dụng của tâm thức khi tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài. Thấy là tác dụng của thức mắt, nghe là tác dụng của thức tai, hay (giác) là tác dụng của 3 thức mũi, lưỡi, thân, biết là tác dụng của thức ý. Đại nhật kinh sớ quyển 1 (Đại 39, 582 thượng), nói: Ngũ nhãn (5 mắt) của Như lai bắt nguồn từ tâm Bồ đề rốt ráo thanh tịnh, dùng Nhất thiết chủng trí quán xét tất cả pháp, cho nên Kiến văn giác tri của Như lai đều rõ ràng không bị ngăn ngại. Ngoài ra, theo luận Du già sư địa quyển 2, thì tùy theo sự thấy nghe hay biết mà có 4 cách nói: Tùy theo mắt thấy mà nói, tùy theo tai nghe mà nói, tùy theo cảm giác mà nói, tùy theo sự biết mà nói, v.v… [X. kinh Tạp a hàm Q.13; kinh Trung a hàm Q.49; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.1; luận Đại trí độ Q.40; luận Du già sư địa Q.56; Thành duy thức luận thuật kí Q.8].