kiến tư hoặc

Phật Quang Đại Từ Điển

(見思惑) Gọi tắt: Kiến tư. Danh từ gọi chung Kiến hoặc và Tư hoặc, là 1 trong 3 hoặc. Kiến hoặc và Tư hoặc là nhân của phần đoạn sinh tử trong 3 cõi, mê về lí gọi là Kiến hoặc, mê nơi sự gọi là Tư hoặc. Muốn đoạn trừ hết 2 loại hoặc này thì Tạng giáo, Thông giáo phải đến Cực quả, Biệt giáo đến Thất trụ, Viên giáo đến Thất tín. Theo Thiên thai tứ giáo nghi thì Kiến tư hoặc có 7 tên khác là: Kiến tu, Tứ trụ, Nhiễm ô vô tri, Thủ tướng hoặc, Chi mạt vô minh, Thông hoặc và Giới nội hoặc. Trong đây, Kiến tu, tức chỉ cho Kiến hoặc do giai vị Kiến đạo đoạn trừ và Tu hoặc do giai vị Tu đạo đoạn trừ. Tứ trụ, chỉ cho Nhất xứ trụ địa của Kiến và Tam trụ địa của Tư. Nhiễm ô vô tri, chỉ cho Kiến tư. Thủ tướng hoặc, nghĩa là Kiến tư nắm giữ tướng sinh tử trong 6 đường. Đối lại với căn bản vô minh mà gọi Kiến tư là Chi mạt vô minh. Kiến tư do hàng Tam thừa cùng đoạn trừ, cho nên gọi là Thông hoặc. Kiến tư chỉ tăng trưởng nghiệp hữu lậu và chiêu cảm sinh tử trong 3 cõi, nên gọi là Giới nội hoặc. Ngoài ra, Kiến tư còn có 2 cách giải thích khác nhau: 1. Tòng giải đắc danh: Căn cứ vào trí giải năng đoạn mà lập ra tên gọi sở đoạn. Nghĩa là khi trí vô lậu năng đoạn sinh khởi, soi lấy lí Tứ đế, thì phiền não sở đoạn được gọi là Kiến hoặc; sau đó lại tư duy về lí Tứ đế một lần nữa để đoạn trừ, gọi là Tư hoặc. 2. Đương thể thụ xưng: Dựa vào đương thể của phiền não mà đặt tên. Nghĩa là phiền não vốn không có thực thể, Kiến là pháp hư vọng không có thật, cho nên gọi là Kiến hoặc. Những phiền não tham, sân, v.v… duyên theo sự tướng 5 trần, 6 dục, rồi qua tư duy mà lưu lại trong tâm thức, nên gọi là Tư hoặc. [X. Pháp hoa huyền nghĩa Q.thượng, Q.5 thượng; Ma ha chỉ quán Q.5 hạ; Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.5 phần 5, Q.7 phần 1; Quan âm huyền nghĩa kí Q.1; Thiên thai tứ giáo nghi tập chú Q.trung, Q.hạ].