kiến thanh

Phật Quang Đại Từ Điển

(建聲) Chủng loại ngoại đạo ở Ấn độ đời xưa. Kiến, tức là 2 loại ngoại đạo: Kiến lập tịnh ngoại đạo và Bất kiến lập vô tịnh ngoại đạo trong 30 thứ ngoại đạo được nói trong kinh Đại nhật. Kiến lập tịnh ngoại đạo thì kiến lập tất cả pháp rồi y theo đó mà tu hành, tự cho rằng những gì mình làm đều là Tịnh pháp. Trái lại, Bất kiến lập vô tịnh ngoại đạo thì cho rằng phàm những pháp được kiến lập đều chẳng phải pháp rốt ráo, vì thế thực hành những pháp bất tịnh, mà xa lìa pháp thanh tịnh. Thanh, tức là 3 loại ngoại đạo: Thanh hiển ngoại đạo, Thanh sinh ngoại đạo và Phi thanh ngoại đạo. Thanh hiển ngoại đạo chủ trương âm thanh vốn có sẵn và thường trụ, nhưng đến khi phát âm mới hiển rõ ra cho ta nghe được. Thanh sinh ngoại đạo thì cho rằng âm thanh vốn không có, chỉ sau khi phát âm mới có và từ đó cứ tồn tại mãi. Còn Phi thanh ngoại đạo thì phản đối luận thuyết của cả Thanh hiển và Thanh sinh mà chủ trương âm thanh là vô thường không tồn tại. [X. Đại nhật kinh sớ Q.1]. (xt. Kiến Trảo).