kiến pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(見法) … .. I. Kiến Pháp: 1. Đồng nghĩa với Hiện pháp, chỉ cho pháp hiện tại. Kinh Tạp a hàm quyển 6 (Đại 2, 40 thượng), nói: Xuất gia tu hành thường phải tinh tiến tu các phạm hạnh, đối với Kiến pháp tự biết tự chứng. 2. Chỉ cho sự thấy biết tất cả hành là vô thường, tất cả pháp là vô ngã, Niết bàn là vắng lặng. Kinh Tạp a hàm quyển 10 (Đại 2, 66 trung), nói: Chư Phật ắt vì chúng con mà nói pháp, khiến cho chúng con biết pháp, thấy (kiến) pháp. [X. kinh Tạp a hàm Q.13, Q.34; kinh Tượng tích trong Trung a hàm Q.7]. II. Kiến Pháp: Chỉ cho người tu hành Mật giáo đối với sở nguyện thành tựu, an trụ nơi tâm chân thực thanh tịnh không nhiễm trước, thấy rõ thực tướng và thông đạt thực nghĩa. Phẩm Tất địa xuất hiện kinh Đại nhật quyển 3 (Đại 18, 19 trung), nói: Lúc bấy giờ, bồ tát Kim cương thủ bạch Phật rằng: Bạch đức Thế tôn! Kính xin Ngài giảng nói về Chính đẳng giác và về Tất địa thành tựu, khiến các thiện nam tử, thiện nữ nhân, thấy pháp ấy rồi tâm được hoan hỉ, thụ an lạc trụ, không tổn hại pháp giới. Bởi vì hành giả tuy miệng tụng chân ngôn, tu hạnh chân ngôn, nhưng trong tâm biết rõ, chân ngôn ấy tuy theo duyên khởi, mà thực ra là không tạo tác, từ xưa đến nay vốn là pháp giới, không sinh không diệt, chẳng sạch chẳng dơ, pháp thể như như, đồng với đại không, tự nhiên được tam muội vô tướng. Nương vào đó mà tu hành thì thông suốt được các pháp môn và các việc thế gian, xuất thế gian là đồng nhất pháp giới, không thể tách rời, liền được Tất địa Kiến pháp thành tựu, được niềm pháp hỉ sâu xa và được hiện pháp lạc trụ. [X. Đại nhật kinh sớ Q.11; Đại nhật kinh nghĩa thích diễn bí sao Q.8]