kiên lao địa thiên

Phật Quang Đại Từ Điển

(堅牢地天) Phạm:Pfthivì. Dịch âm: Tỉ lí để tì, Bát la thể phệ, Tất lí thể vi. Cũng gọi: Kiên lao, Kiên cố địa thần, Kiên lao địa thần, Địa thần thiên, Kiên lao địa kì, Trì địa thần, Địa thiên. Vị thần coi về đất đai. Một trong 12 vị trời ở cõi Sắc. Cứ theo Đại đường tây vực kí quyển 8, khi đức Phật Thích ca thành đạo, có vị Địa thần thứ 1 từ dưới đất vọt lên để hàng phục các ma, rồi đến vị Địa thần thứ 2 xuất hiện để minh chứng sự thành đạo của Ngài. Phẩm Hàng ma trong kinh Phương quảng đại trang nghiêm quyển 9 cũng chép: Đức Phật vừa thành đạo thì Địa thần từ dưới đất vọt lên để chứng minh, cúi mình cung kính, bưng chiếc bình làm bằng 7 thứ báu, trong đó đựng đầy hương hoa, dâng cúng dường Phật. Trong Mạn đồ la Thai tạng của Mật giáo có vẽ 2 vị Kiên lao địa thiên nam và nữ. Vị Địa thiên nam ngồi trên tòa tròn, thân mầu đỏ, đội mũ báu, tay trái bưng bát, trong bát có hoa tươi, tay phải đặt ở trước ngực, bàn tay hướng ra ngoài, hình Tam muội da là bình báu, chủng tử là (pf). Vị Địa thiên nữ ở bên trái(hoặc phía sau)vị Địa thiên nam, cũng ngồi trên tòa tròn, thân mầu trắng, đội mũ báu, tay phải để trước ngực, tay trái đặt trước bụng. Trong hội Thành thân của Mạn đồ la Kim cương giới thì vị tôn nữ này 2 cánh tay ôm một vòng tròn, trong mũ báu có hình bán nguyệt, chủng tử là (aô), hình Tam muội da là hình vuông hoặc bình báu. Vào thời thái cổ, tại Ấn độ, vị thần này rất được tôn sùng. Các sách Lê câu phệ đà, A thát bà phệ đà, v.v… đều ca tụng vị nữ thần này có đủ các đức tính vĩ đại, kiên cố, bất diệt, nuôi dưỡng quần sinh, sinh trưởng đất đai… Lê câu phệ đà còn cho vị thần này là mẹ của các thần và tôn xưng là Địa mẫu (Phạm:Bhùmì). Kinh Kim quang minh tối thắng vương quyển 8 cho rằng tên gọi Kiên lao địa thần (Phạm:Dfđhà-pfthivì-devatà) là do cái đức bền chắc của vị thần này mà ra, về sau vị thần này được Phật giáo tôn làm Bồ tát và thờ cúng. Phẩm Thế chủ diệu nghiêm trong kinh Hoa nghiêm (bản dịch mới) nói có vô lượng vô số Chủ địa thần như: Phổ đức tịnh hoa chủ địa thần, Kiên phúc trang nghiêm chủ địa thần, Diệu hoa nghiêm thụ chủ địa thần, Phổ tán chúng bảo chủ địa thần, Tịnh mục quan thời chủ địa thần, Diệu sắc thắng nhãn chủ địa thần, Hương mao phát quang chủ địa thần, Duyệt ý âm thanh chủ địa thần, Diệu hoa toàn kế chủ địa thần, Kim cương nghiêm thể chủ địa thần, v.v… Trong Mật giáo, pháp tu cúng dường để cầu cho đất nước phồn vinh, giữ yên quốc thổ, thì gọi là Địa thiên cúng hoặc Thổ công cúng. [X. kinh Tạp a hàm Q.15; kinh Phật bản hạnh tập Q.29; phẩm Cụ duyên kinh Đại nhật Q.1; luật Ngũ phần Q.15; luận Đại tì bà sa Q.183; Đại nhật kinh sớ Q.4; Thanh long tự nghi quĩ Q.hạ; Bí tạng kí; Chư thuyết bất đồng kí Q.9].