kiền đà la nghệ thuật

Phật Quang Đại Từ Điển

(犍馱羅藝術) Cũng gọi: Hi lạp Phật giáo nghệ thuật. Trường phái nghệ thuật Phật giáo Ấn độ lấy khu vực Kiền đà la ở miền Tây bắc Ấn độ làm trung tâm phát triển, thịnh hành từ khoảng sau cuộc xâm lăng Ấn độ của Alexandre Đại đế cho đến khi vương triều Quí sương diệt vong. Sự biểu hiện của nền nghệ thuật Kiền đà la gồm có các kiến trúc cung điện, chùa miếu, các điêu khắc, hội họa tượng Phật Bồ tát, có giá trị lịch sử rất lớn, ảnh hưởng lan rộng đến các nước Ấn độ, Trung á, Trung quốc, Nhật bản, v.v… Vốn là nghệ thuật truyền thống của Ấn độ hấp thu phong cách của Hi lạp, Ba tư, Đại hạ, La mã, dung hòa làm một rồi phát triển thành trường phái riêng. Về phương diện kiến trúc thì lấy chùa, tháp của Phật giáo làm chính, về hình thức thì lấy kiến trúc truyền thống của Ấn độ làm mực thước, tháp Phật thì theo kiểu bát úp của Trung Ấn độ, nhưng ở phần đầu các cây cột ta có thể thấy ảnh hưởng của La mã, Hi lạp. Thân của tháp Phật rất cao lớn, chùa nói chung đều có tường cao hình vuông, bên trong có sân, chung quanh có phòng ốc liền nhau, vật liệu kiến trúc toàn bằng đá. Về phương diện điêu khắc thì có rất nhiều đề tài, như Phật, Bồ tát hoặc các câu truyện lấy từ truyện Phật, Bản sinh đàm, số lượng rất nhiều, phần lớn được biểu hiện bằng các bức khắc nổi, ít có tác phẩm khắc tròn; lưng tượng Phật được khắc bằng phẳng, tỉ lệ thân thể không được cân xứng lắm. Hình dáng phỏng theo thân tướng của người Hi lạp, tóc có dáng gợn như sóng, khác hẳn với kiểu tóc hình trôn ốc của người Trung Ấn độ; khuôn mặt cũng không giống người Ấn độ, trán cao, mũi nhọn, môi mỏng, nhân trung ngắn, nếp áo dày và nặng. Những nơi kế thừa phong cách điêu khắc này là Bắc Ấn độ và Turkistan (tức vùng Trung á) hiện nay. Nghệ thuật Kiền đà la vượt qua dãy núi Thông lĩnh ở phía bắc mà tiến vào khu vực Tân cương của Trung quốc hiện nay, từ đó truyền đến Trung nguyên, ảnh hưởng đến nền nghệ thuật Phật giáo của thời Bắc Ngụy, rồi từ Triều tiên truyền vào Nhật bản, ảnh hưởng rõ nét trong kiến trúc và điêu khắc của thời đại Phi điểu. Một chi phái khác của nền nghệ thuật này được du nhập Miến điện, Thái lan và Việt nam (Giao châu). Đến giữa thế kỉ V, quân Áp thát xâm lăng Ấn độ, nền nghệ thuật Kiền đà la cũng nhân đó mà suy vi. [X. Đại đường tây vực kí Q.2; Cao tăng Pháp hiển truyện; Lạc dương già lam kí Q.5; Phật giáo chi mĩ thuật cập lịch sử; Tây vực văn minh sử khái luận; Le Coq: Die Buddhistische Sptantike in Mittelasien, Bd.I]. (xt. Kiền Đà La Quốc).