kiến

Phật Quang Đại Từ Điển

(見) .. Phạm: Dfwỉi hoặc Darzana. Dịch âm: Đạt lợi sắc trí. Xem xét, suy tính. Chỉ cho cái thấy biết nhất định đối với một sự vật nào đó mà mắt thấy hoặc suy tưởng. Kiến có chính kiến, tà kiến. Cứ theo luận Đại tì bà sa quyển 95, thì Kiến có 4 nghĩa: Xem xét, tính lường quyết đoán, nắm chắc và thâm nhập; hoặc có 2 nghĩa: Nhìn kĩ, tìm cầu. Còn luận Câu xá quyển 2, quyển 26 thì cho rằng Kiến được chia làm 8 loại. Năm kiến nhiễm ô, chính kiến thế gian, chính kiến hữu học và chính kiến vô học: Năm kiến nhiễm ô chỉ cho thân kiến, biến kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ kiến. Chính kiến thế gian chỉ cho sinh đắc tuệ, văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ, thuộc tuệ hữu lậu. Chính kiến hữu học chỉ cho các loại kiến vô lậu trong thân hữu học; còn chính kiến vô học thì chỉ cho các loại kiến vô lậu trong thân vô học. Bởi vì tông Câu xá cho các loại kiến này đều là tính của tuệ, trước xem xét, tính lường rồi sau mới quyết đoán, cho nên gọi là Kiến. Trong đó, 5 kiến nhiễm ô là bất chính kiến, còn lại đều thuộc chính kiến. Luận sư Thế hữu cho rằng mắt tiếp lấy sắc cảnh, có tác dụng quán chiếu, cho nên chủ trương căn mắt thấy, đây là nghĩa chính thống của Thuyết nhất thiết hữu bộ. Còn Đại chúng bộ và luận Thành thực quyển 4 thì chủ trương thức mắt thấy, gọi là thức thấy; Đại thừa thì cho rằng căn và thức hòa hợp thì mới thấy được. Ngoài ra, tông Duy thức gọi là hành tướng của 8 thức tâm vương và tâm sở năng duyên là Kiến phần, hoặc tương đương với nghĩa xem xét. Trong các kinh luận thường căn cứ vào nghĩa suy tính mà chia Kiến thành các loại như: Nhị kiến, Thất kiến, Thập kiến, v.v… 1. Nhị kiến: Hữu kiến và vô kiến, hoặc đoạn kiến và thường kiến. Đây thuộc Biên kiến trong 5 kiến. 2. Thất kiến: -Tà kiến: Phủ định lí nhân quả. -Ngã kiến: Thấy có thực ngã. -Thường kiến: Chấp trước thân tâm thường trụ bất biến. -Đoạn kiến: Chấp trước thân tâm đoạn diệt. -Giới đạo kiến(cũng gọi Giới cấm thủ kiến): Chấp trước những giới luật không chính đáng. -Quả đạo kiến: Chấp trước kết quả do tà hạnh đạt được là chân chính. -Nghi kiến: Nghi ngờ đối với chân lí. 3. Thập kiến: Năm kiến thêm vào Tham kiến, Khuể kiến, Mạn kiến, Vô minh kiến và Nghi kiến nữa thì thành Thập kiến. Ngoài ra, những kiến giải sai lầm của ngoại đạo thì có 4 kiến, 62 kiến(theo kinh Phạm võng), chẳng hạn như chủ trương tà nhân tà quả, không có nhân quả, có nhân không quả, không nhân không quả, v.v… đều là những kiến giải sai lầm. [X. kinh Đại bát niết bàn Q.25, Q.27 (bản Bắc); kinh Lăng già Q.1 (bản 10 quyển); luận Đại trí độ Q.7; luận Đại thừa khởi tín; luận Phẩm loại túc Q.3; luận Đại tì bà sa Q.13, Q.49; luận Thành thực Q.10; luận Tạp a tì đàm tâm Q.1; luận Thành duy thức Q.6; Thành duy thức luận thuật kí Q.3 thượng; Đại thừa nghĩa chương Q.6; Hoa nghiêm khổng mục chương Q.2]. (xt. Nhất Thủy Tứ Kiến, Nhị Kiến, Thập Tùy Miên, Ngũ Kiến, Nhân Quả).