Ki-Ra Pa-La-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: kirapālapa; “Người chinh phục hối hận”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, không rõ sống trong thế kỉ nào. Có sách cho rằng ông là đệ tử của Lu-i-pa (s: lūipa). Ðời sống ông có vẻ giống cuộc đời vua A-dục.
Ông là nhà vua trị vì vương quốc Gra-ha-ra. Ông cho quân đi chiếm đánh và cướp bóc các nước lân bang, thế nhưng ông không hề biết nỗi khổ của chiến tranh. Ngày nọ trong cuộc chiến với một nước gần đó, thấy tận mắt chiến tranh, ông tỏ lòng hối hận. Ông đem phân phát của cải cho dân nghèo và xin tu tập với một vị Du-già sư.
Vị Du-già sư dạy ông Quy y tam bảo, thụ giới Bồ Tát và trau dồi bốn tâm vô lượng (Bốn phạm trú). Ông tinh tiến xin học tập một pháp mà chỉ trong đời này đạt Phật quả. Vị Du-già sư bèn hướng dẫn ông vào Cha-kra sam-va-ra tan-tra, truyền lực và dạy ông phép thiền tạo tác và thiền thành tựu. Vì ông còn vướng đến chuyện chiến chinh, Du-già sư dạy ông như sau:
Chúng sinh trong ba cõi,
ví như đội binh mã.
Trong thức vô biên xứ,
sinh vô số anh hùng,
thống nhất chúng làm một,
đánh tan quân giặc cướp.
Ca khúc ca khải hoàn,
trên đỉnh cao của Tâm.
Cần phải quán như vậy.
Sau mười hai năm, nhà vua đắc đạo, đạt thánh quả Ðại thủ ấn tất-địa. Ngày nọ, các nàng hoàng hậu và quần thần thấy hào quang chiếu rực, họ biết ông đã thành tựu viên mãn và cúng lạy ông. Ông khuyên:
Hãy ham muốn mang lại,
cho tất cả hữu tình,
cả bốn vô lượng tâm.
Hãy giận dữ chống lại,
mỗi một tên ma quỷ,
quấy rối trong tâm thức.
Ông sống thêm 700 năm nữa để giáo hoá. Bài ca chứng đạo của ông như sau:
Lúc nào còn vô minh,
ta còn bị trói buộc,
trong cái Ta và Người.
Lúc chớp nhoáng chứng ngộ,
mọi tư tưởng gãy đổ,
khi đó “Phật” cũng là,
danh từ vô ý nghĩa.
Khi chứng được tâm thức,
trong khoảng không vắng lặng,
thì Thật tại trở thành,
bất định, vô cấu trúc.