khúc lục

Phật Quang Đại Từ Điển

(曲彔) Cũng gọi Khúc lục mộc, Khúc lộc, Khúc lốc, Khúc mộc, Viên ỷ, Giao ỷ, Tham ỷ. Ghế ngồi có ngai để dựa của chư tăng thời xưa. Người Trung quốc cổ đại chỉ trải chiếu ngồi trên đất chứ không có ghế. Đến khoảng cuối đời Hán và đầu Lưỡng Tấn (Đông Tấn, Tây Tấn) do sự quan hệ giữa người Hồ (các nước Tây vực) và người Trung nguyên nên loại ghế này mới được truyền vào Trung quốc và gọi là Hồ sàng (giường người Hồ). Thông thường, khúc lục được làm bằng gỗ, có 4 chân, mỗi cặp chân tréo nhau; vì hình dáng lưng dựa cũng giống như cái tay ngai nên gọi là Khúc lục. Trong Đại minh cao tăng truyện quyển 6 có từ ngữ Tọa khúc lục sàng(ngồi giường khúc lục), như vậy, Khúc lục cũng được dùng để chỉ cho cái giường. Ngoài ra, Tọa khúc lục sàng còn được dùng để thay thế cho sự hoằng dương Phật pháp của vị Trụ trì 1 ngôi chùa trong Thiền lâm. Chương Ứng am Đàm hoa thiền sư trong Gia thái phổ đăng lục (vạn tục 137, 139 hạ), nói: Hai mươi năm qua ngồi giường khúc lục, treo đầu dê, bán thịt chó, biết hắn có bằng cớ gì? Tuy nhiên, mỗi năm 1 lần tiết thiêu hương, ngàn xưa khiến người ta càng thêm hận. [X. Vân môn Văn yển thiền sư ngữ lục Q.thượng; môn Khí vật trong Thiền lâm tượng khí tiên].