khư

Phật Quang Đại Từ Điển

(佉) Cũng gọi: Khát, Khách, Khất. Chữ Tất đàm (kha) là 1 trong 50 chữ cái, 1 trong 42 chữ Tất đàm, thanh hầu thứ 2 trong 35 phụ âm Tất đàm. Chữ Khư biểu thị nghĩa vào các pháp hư không bất khả đắc, vào môn Bát nhã ba la mật và dứt hết tất cả phiền não căn bản. Đại nhật kinh sớ quyển 7 (Đại 39, 652 thượng), nói: Chữ Khư tiếng Phạm nghĩa là hư không, thế gian cũng cho rằng hư không là pháp không sinh, không tạo tác, nếu tất cả các pháp vốn không sinh, lìa mọi sự tạo tác, thì rốt cuộc cũng giống như tướng hư không, nay tướng hư không này cũng lại bất khả đắc. Bởi vì Khư nghĩa là hư không, cho nên, khi giải thích theo tướng chữ thì Khư là hư không; còn khi giải thích theo nghĩa sâu kín thì Khư là hư không bất khả đắc. Tất cả pháp vốn không sinh, lìa mọi sự tạo tác và người tạo tác, thế gian không thể lấy gì để ví dụ, chỉ hư không là có phần giống nhau, cho nên dùng cái không khó hiểu của pháp tính để ví dụ cái không dễ hiểu của thế gian. Nhưng sợ rằng sau khi nghe nói các pháp đồng như hư không, thì người đời lại rơi vào cái thấy không, vì thế mà nói cái tướng không ấy cũng bất khả đắc, nghĩa là lấy đại không để hiển bày tuyệt đối. Ngoài ra, trong 6 đại(đất, nước, gió, lửa, không, thức), Mật giáo lấy chữ Khư để biểu thị cho chủng tử Không đại. [X. phẩm Phổ hiền hạnh nguyện trong kinh Hoa nghiêm Q.31; kinh Phật bản hạnh tập Q.31; kinh Phật ban nê hoàn Q.5; phẩm Tự mẫu trong kinh Văn thù vấn; kinh Phương quảng đại trang nghiêm Q.4; Môn tứ thập nhị tự quán, phẩm Nhập pháp giới kinh Hoa nghiêm; phẩm Thích tự mẫu trong kinh Du già kim cương đính; luận Đại trí độ Q.48].