khư lô sắt trá

Phật Quang Đại Từ Điển

(佉盧虱咤) I. Khư Lô Sắt Tra. Phạm: Kharowỉha hoặc Kharowỉi. Cũng gọi: Khư lộ sắt na, Khư lô sắt để, Khư lô tra. Gọi tắt: Khư lô, Ca lưu, Lô tra. Hán dịch: Lư thần, Cường dục hồng. Tên một vị tiên trong truyền thuyết của Ấn độ cổ đại. Cứ theo kinh Đại phương đẳng đại tập quyển 41, thì vào đầu kiếp Hiền, phu nhân của vua thành Chiêm ba tham đắm sắc dục, bà vào trong vườn giao hợp với lừa (lư) sinh được 1 con, thân người mặt lừa, bà ta sợ hãi đem bỏ đi, nhưng nhờ phúc lực đứa bé chỉ dừng lại ở giữa hư không chứ không rơi xuống. Lúc đó có 1 La sát nữ tên là Lư thần, trông thấy, động lòng thương xót, đưa đứa bé về núi Tuyết nuôi dưỡng và đặt tên là Khư lô sắt tra. Lớn lên, đứa bé rất xinh đẹp, phúc hậu, chỉ đôi môi là giống lừa, tu khổ hạnh thành tiên, nên gọi là Lư thần tiên nhân(vị tiên môi lừa). Sau, vị tiên này nói cho các trời và long thần nghe về sự vận hành của các vì tinh tú. [X. A tì đàm tì bà sa Q.51; luận Đại tì bà sa Q.101; Phiên dịch danh nghĩa tập Q.2; Phiên phạm ngữ Q.5]. II. Khư Lô Sắt Tra. Văn tự được khắc sâu vào đá lưu hành ở vùng Thông lãnh thuộc miền Bắc Ấn độ đời xưa. Theo truyền thuyết, lọai văn tự này do vị tiên Lư thần đặt ra, cho nên gọi là Khư lô sắt tra thư, hoặc Khư lô thư, Khư lâu thư, Lư thần văn tự, Phạm mị thư, Khư lô sắt để thư. Loại văn tự này do ông Aramaische Type, người Ba tư khởi xướng vào khoảng 500 năm trước Tây lịch, rồi lại do vua Ba tư là Darius đời thứ III bắt buộc phát triển, đến khoảng thế kỉ thứ IV trước Tây lịch thì loại văn tự này được truyền vào miền Bắc Ấn độ. Nhưng thời ấy, Bắc Ấn độ đang lưu hành Phạm thư (Phạm: Bràhmì), cho nên văn tự này không được mọi người sử dụng và gần như bị tiêu diệt. Cách viết loại chữ này là viết ngang từ phải sang trái, cách đọc cũng thế. Văn tự này được khắc trên đá, kim loại, bản gỗ, đồ dùng, tiền tệ, vỏ cây hoa, v.v…, được thấy rải rác ở vùng Kiện đà la đời xưa(nay là A phú hãn, phía đông và phía bắc). Vua A dục cũng sử dụng loại văn tự này. Lần đầu tiên thám hiểm vùng Trung á, ông A. Stein đã tìm thấy loại chữ này được khắc trên những đồng tiền, vỏ cây, phiến gỗ… ở gần Hòa điền. [X. luận Đại tì bà sa Q.82, Q.101; Bách luận sớ Q.thượng phần cuối; Huyền ứng âm nghĩa Q.17; Tất đàm tạng Q.1].