không vô biên xứ định

Phật Quang Đại Từ Điển

(空無邊處定) Phạm:Àkàzàịantyàyatana dhyàna. Cũng gọi: Không xứ định. Định Không vô biên xứ. Định này ở trên Thiền định thứ tư của cõi Sắc, 1 trong 4 định Vô sắc. Ở cõi định này, hành giả diệt trừ các sắc tưởng tương ứng với nhãn thức, hữu đối tưởng và bất thiện tưởng tương ứng với nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, cho đến diệt trừ tất cả tưởng làm chướng ngại định mà chỉ tư duy về định tướng Không vô biên. Nếu ở cõi người mà tu được định này thì sau khi chết sẽ được sinh lên Không vô biên xứ. Phẩm Vô sắc trong luận Pháp uẩn túc quyển 8 (Đại 26, 488 hạ), nói: Người bắt đầu tu tập, thì trước nên tư duy đệ tứ tĩnh lự (đệ tứ thiền) là thô khổ chướng; kế đến nên tư duy Không vô biên xứ là tĩnh diệu li (…). Khi người ấy tu tập như vậy, thì nhiếp phục được tâm mình, không để cho tán loạn, rong ruổi cảnh khác, ý chuyên 1 chỗ, niệm trụ 1 duyên, tư duy tu tập định tướng Không vô biên xứ. Tư duy như thế, siêng năng tinh tiến, gắng sức không dừng, đó gọi là gia hạnh của Không vô biên xứ định, cũng gọi là Vào không vô biên xứ định. Người ấy đối với định này đã nhiều đời tu tập (…). Lại trong định này hoặc thụ hoặc tưởng, cho đến hoặc tuệ, v.v… gọi là các pháp câu hữu của định Không vô biên xứ, các pháp này cũng được gọi là Không vô biên xứ định. Ngoài ra, mỗi định trong 4 định cõi Vô sắc, nói theo tự thể của các định này, đều gọi là định căn bản; giai đoạn dự bị trước khi tiếp cận định căn bản, gọi là Cận phần định, hoặc Gia hạnh định. Gia hạnh nghĩa là gia công dụng hạnh trước khi thực hiện một việc gì. Vì thế nên biết, Không vô biên xứ định có thể chia làm 2 loại là định gia hạnh và định căn bản; còn hiểu biết về hữu và không, hữu vô biên, không vô biên, thì gọi là định gia hạnh. Nếu được định căn bản mà nhập vào cảnh giới không vô biên, thì không còn biết, không còn hiểu. [X. kinh Tọa thiền tam muội Q.hạ; luận Đại trí độ Q.20; Thiền pháp yếu giải Q.hạ; Đại thừa nghĩa chương Q.13; Pháp giới thứ đệ sơ môn Q.thượng phần cuối]. (xt. Không Vô Biên Xứ).