không tức thị sắc

Phật Quang Đại Từ Điển

(空即是色) Phạm:Zùnyatà va rùpam. Đối lại: Sắc tức thị không. Vật chất, thân thể ở nhân gian vốn không có thực thể, mà do 4 đại đất, nước, lửa, gió giả hòa hợp mà thành, cho nên gọi Không tức thị sắc; nếu 4 đại tan rã thì lại trở về không, nên gọi Sắc tức thị không. Không tức thị sắc chẳng phải phân tích sắc chất ra để thấy nó là không, mà là thể hội đương thể của sắc tức là không. Không này cũng chẳng phải là đoạn diệt, mà là tức hữu tức không(ngay cái có đó tức là không) mới là chân không. Chân không này đã là hữu, thì chắc chắn không khác với hữu, vì không tức là hữu, cho nên nói Không tức thị sắc. Bát nhã tâm kinh (Đại 8, 848 hạ), nói: Khi bồ tát Quán tự tại thể nhập vào Bát nhã ba la mật đa(trí tuệ đến bờ bên kia), Ngài thấy rõ 5 uẩn đều không, vượt qua tất cả khổ ách. Ngài nói: Này Xá lợi tử! Sắc chẳng khác không, Không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc. Thụ, tưởng, hành, thức cũng hệt như thế. [X. Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh sớ (Tuệ tịnh); Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh u tán Q.hạ; chú Hoa nghiêm pháp giới quán môn]. (xt. Sắc Tức Thị Không).