không quán

Phật Quang Đại Từ Điển

(空觀) ….. Pháp quán tưởng tất cả pháp đều không. Tất cả pháp đều do nhân duyên sinh ra, pháp do nhân duyên sinh ra vốn không có tự tính, vắng lặng không tướng. Quán xét lí vắng lặng không tướng này tức là Không quán. Các tông Phật giáo đều nói rõ về giáo nghĩa Không, tùy theo nghĩa Không này mà lập ra pháp môn quán Không, tuy có sâu cạn, hơn kém khác nhau, nhưng mục đích đều là phá trừ tình chấp cho các pháp là có thật. Nói một cách khái quát, Phật giáo Tiểu thừa tu tập pháp quán Ngã không để đoạn trừ phiền não chướng, còn Phật giáo Đại thừa thì tu tập pháp quán Ngã, Pháp đều không để lìa phiền não chướng và sở tri chướng. Trong tông Thiên thai, Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, Viên giáo mỗi giáo đều có pháp quán Không riêng biệt. Tạng giáo phân tích các pháp để quán lí không, gọi là Tích không quán; Thông giáo thì quán đương thể các pháp tức là Không, gọi là Thể không quán; Biệt giáo quán Không ngoài Giả đế và Trung đế, gọi là Thiên không quán, còn Viên giáo thì quán Giả đế, Trung đế tức là Không, gọi là Viên không quán. Vì căn cơ của người tu hành có nhạy bén và chậm lụt khác nhau cho nên có 4 pháp quán bất đồng này, nhưng đều lấy quán Không làm cửa để đi vào thực lí. [X. Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.5 phần 3; Tứ giáo nghi Q.1; Tam tạng pháp số Q.10; Quang minh huyền nghĩa thập di kí Q.5]. (xt. Tam Quán).