không nhất hiển sắc

Phật Quang Đại Từ Điển

(空一顯色) Mầu sắc hiển hiện trong hư không, thuần nhất không lẫn lộn, như mầu xanh của bầu trời. Thuyết nói về núi Tu di cho rằng 4 mặt của núi này do 4 thứ báu cấu tạo thành, mặt bắc là vàng ròng, mặt đông là bạc trắng, mặt nam là lưu li, mặt tây là pha lê, phản chiếu lên khoảng hư không của 4 đại châu, hiện ra mầu vàng ở phương bắc, mầu trắng ở phương đông, mầu xanh ở phương nam, mầu đỏ ở phương tây, 4 mầu này thuần nhất thanh tịnh, không lẫn lộn, nên gọi là Không nhất hiển sắc. Tông Duy thức cho sắc này là 1 trong 13 thứ hiển sắc, tông Câu xá thì cho nó là 1 trong 21 thứ hiển sắc. Câu xá luận quang kí quyển 1 (Đại 41, 16 hạ), nói: Trong khoảng hư không ở 4 phía núi Diệu cao, mỗi phía đều có 1 hiển sắc, gọi là Không nhất hiển sắc. Núi Diệu cao là tên khác của núi Tu di. Về thể của Không nhất hiển sắc có nhiều thuyết khác nhau. Như luận Thức thân túc quyển 11 cho rằng 4 hiển sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng là thể của Không nhất hiển sắc. Luận A tì đạt ma thuận chính lí quyển 1 thì cho Không giới sắc là thể của Không nhất hiển sắc. [X. luận Đại tì bà sa Q.75; luận Du già sư địa Q.1; luận Câu xá Q.1, Q.11; Câu xá luận bảo sớ Q.1]. (xt. Hiển Sắc).