Không Nên Bỏ Bát Kỉnh Pháp

Đại Đức Thích Minh Hành

 

Nhân tiện chúng tôi đọc được bài giảng “Giáo đoàn tỳ kheo Ni và bát kỉnh pháp” của TS Nhật Từ đăng trên trang Đàm thoại Phật giáo. Đây là bài giảng gây nhiều bức xúc nhất trong hàng Tăng sĩ thực tu, thực học của Việt Nam.

Đọc qua bài giảng chúng tôi cảm nhận, TS Nhật Từ đã rào đón rất kỷ trước khi giảng và khai triển về đề tài này. Bởi lẽ, đây là một đề tài không dễ, do đề tài có tính lịch sử, tính truyền thống, gắn liền quyền lợi tu học của Ni giới và đặc biệt hơn nữa văn bản Bát kỉnh pháp, thể hiện tầm nhìn “trí tuệ” của người đưa ra văn bản này.

Chúng tôi không có tham vọng, phân tích, lý giải, hoặc dẫn chứng các văn bản luật tạng để đưa ra một kết luận. Bởi vì, khi chúng ta đang còn là một vị phàm phu, cái nhìn của chúng ta chưa thật sự, thấu đáo, rốt ráo và cũng chưa hiểu hết những tánh nết “trượng phu” ẩn tàng trong tâm tư của người nữ. Thứ hai, trí tuệ và đức độ của chúng ta chưa đủ để thay đổi những điều khỏan đó. Trong khi đó những điều khỏan ấy lại giúp cho Ni giới có chổ đứng trong lòng xã hội hơn hai ngàn năm trăm năm nay, đặc biệt là các Ni giới theo truyền thống đại thừa. Thứ ba, đã có rất nhiều bài viết và bài giảng của các vị hành trì luật tạng ở những thập niên trước của thế kỷ 20, và ngay trong diễn đàn này cũng có những bài viết tương tự.

Trở lại vấn đề, Bát kỉnh pháp không phải là đề tài mới lạ xưa nay trong Phật giáo, chư lịch đại Tổ sư và các vị thức giả, chưa một ai dám lên tiếng phủ nhận bát kỉnh pháp là không phải Phật nói, có mới lạ chăng là cách triển khai và lý giải nó như thế nào, để thấy được nguyện vẹn hàm ý và giá trị đích thực của nó, ngõ hầu giúp cho Ni chúng có cơ hội, tiếp cận và tu tập theo giáo pháp của Đức Thế Tôn.

Thế nhưng, những vị “hậu sinh khả úy” ngày này lại dám dùng những phương pháp luận, phương pháp tỷ giảo…để vội vàng đưa ra một kết luận thật đáng buồn.

Sự tìm tòi, khám phá, phát hiện những tư liệu mới trong quá trình làm công tác giáo dục là điều đáng trân trọng và khích lệ, nhất là những người trực tiếp giảng dạy kinh, luật, luận cho Tăng Ni thế hệ kế thừa. Điều quan trọng nhất là những vị giáo thọ dạy về luật tạng. Bởi lẽ, chưa có một môn dạy nào khó khăn như dạy môn luật trong Phật giáo. Ngoài những kiến thức cơ bản, phổ thông và những phương pháp truyền đạt, người dạy luật cần phải có những “trăn trở mang chất tu học” mới có thể tìm ra những nguyên nhân sâu xa về việc đức Phật chế giới, đồng thời người dạy luật phải thực sự là người thường xuyên hành trì giới luật mới thấy được cái hay, cái cần thiết của việc chế giới, trong đó có bát kỉnh pháp.

Có lẽ không ai bàn cải nhiều, nếu như phân tích và giải thích bát kỉnh pháp theo truyền thống xưa nay. Đặt lại và làm mới vấn đề là điều được nhiều người quan tâm và theo dõi, nhất là những người muốn tìm hiểu và khám lịch sử. Trong đó duyên khởi và  lợi ích thiết thực của bát kỉnh pháp đối với Ni giới cũng là một điều khá quan trọng. Bởi lẽ, sự sinh tồn của ngôi nhà Phật pháp hơn hai ngàn năm trăm năm cũng chỉ dựa vào những văn bản luật nghi. Mặc dầu thời thế có thay đôỉ, vận mệnh cuả Phật giáo hưng suy theo vận thế nước nhà, nhưng ngôi nhà Phật pháp chưa từng cậy nhờ một uy lực nào bên ngoài mà làm nên sự nghiệp. Những văn bản luật nghi là kim chỉ Nam, là chất keo kết tinh những tinh thần, nhằm giúp cho người tu vượt qua những cám dỗ cuộc đời và cũng chính nhờ đó mà giữ vững ngôi nhà Phật pháp hơn 2500 năm nay.

Ngày nay khoa học có nhiều tiến bộ, có nhiều phong trào đòi hỏi và bênh vực cho quyền và lợi của con người, trong đó quyền tự do bình đẳng cho người phụ nữ được phương Tây chú trọng nhất. Điều này cũng tốt thôi, chúng ta không cần phải bàn cải nhiều. Bởi vì, không lẽ những cái gì thế gian có là mình cần phải có một phong trào tương tự và đem áp dụng nguyên mẫu vào trong Phật pháp thì còn gì cái hay, cái riêng biệt của Phật giáo. Đức Phật đã là người đại trí tuệ, chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào những gì Ngài đã ban ra. Tuy nhiên tùy theo quốc độ đang sống mà áp dụng cho nhuần nhuyễn, chứ không phải vì lo sợ một thế lực nào, một phong trào cách tân nào mà làm biến dạng ngôi nhà Phật pháp. Ngày hôm nay ai đủ khả năng xây dựng ngôi nhà Phật pháp mới? Những người giảng kinh Phật đều được tiếng thơm muôn thuở, không phải vị đó tài giỏi, mà chính những lời Phật dạy quá hay, quá thiết thực, phù hợp với mọi căn tánh chúng sanh.

Mặc dầu nằm trong khuôn khổ bài giảng tại học đường, có rào đón trước sau, có phân tích dẫn chứng…nhưng không phải vì lý do đó mà không coi lại tư cách cá nhân của vị giảng sư đó. Nếu như tranh luận ở thế gian điều cấm kỵ nhất là “quan tâm” quá nhiều về đời tư của người đang giảng dạy. Nhưng trong Phật giáo lại khác biệt, nhất là những người đã dạy những môn có liên quan đến luật tạng. Luật tạng không phải để nói, phân tích mà nghiêng nặng về hành trì, vì vậy mà tất cả các người đối thoại được phép coi lại tư cách của vị đó. (đây là điều lệ bất thành văn nhưng ai cũng ngầm hiểu, điều này cũng cho thấy rằng không phải cái gì cũng có thể bình đẳng tuyệt đối). Rất tiếc vị tiến sĩ này đã đi quá khả nẳng tu tập của chính mình. Những vị có cơ duyên dạy về luật tạng hoặc những môn có liên quan tới luật tạng, đều phải được đem lên bàn giải phẫu trước khi tin tưởng những gì vị ấy nói. Đây cũng là một nguyên tắc rất bình thường và cũng phù hợp với những gì mà đức Phật căn dặn.

Học vị là một điều cũng nên khích lệ cho phù hợp với xã hội, phù hợp những người có lý tưởng tìm kiếm “chính danh ngôn thuận”, nhưng khi bước vào lãnh vực Luật học thì, những vị đẻ ra chức tiến sĩ cũng phải quỳ lạy dưới đức độ và công hạnh của người hành trì giới luật. Vì vậy học vị tiến sĩ không liên quan gì đến lãnh vực luật học cả, dù trên vai có dăm ba cái bằng tiến sĩ thì cũng không ngoài câu “tỳ ni cửu trụ, Phật pháp diệc trụ, tỳ ni diệt trụ, Phật pháp diệc diệt”. Do đó mong rằng các vị tham gia tranh luận không nên đạt nặng vị ấy có học vị gì, mà cần xem người ấy tu hành thế nào.

Chánh báo và y báo là 2 mặt hổ tương cho nhau của một con người, nhìn vào y báo để nhận biết chánh báo và ngược lại. Vì vậy, làm việc gì cũng cần phải cân phân cho tường tận, nhất là những người làm công tác giáo dục Phật giáo. Những lời nói hôm nay trên giảng đường có phải là “viên đạn bọc đường” giết chết đi những mần thánh không? Ai dám trả lời và chịu trách nhiệm trước lịch sử Phật giáo và ai cam chịu đón nhận những nhân quả trong tương lai qua bài học này? Vì vậy công tác giáo dục Phật giáo mang tính đặc thù riêng biệt, không cẩn thận sẽ “hóa chồn 500 kiếp”.

Ngày nay chư Ni có những thành công như: viết sách, có chùa lớn, có đồ chúng đông, có Phật tử nhiều, có những công tác từ thiện, cưu mang và giúp đở những mảnh đời bất hạnh, cơ nhở không nơi nương tựa…đây là một việc làm chính đáng cần nhân rộng và phát triển thành cao trào, nhưng cũng không phải vì những thành công như thế mà đòi xóa bỏ bát kỉnh pháp. Nếu những tỳ kheo ni nào tự thấy bát kỉnh pháp là bất công, ràng buộc, gây phiền toái cho quá trình tu tập của chính mình thì tự động hủy bỏ, chứ không một ai đủ tư cách đứng ra vận động đòi bỏ những gì mà Phật đã ban hành. Những tỳ kheo ni không hành trì bát kỉnh pháp, theo chúng tôi không phải là một vị tỳ kheo ni chân chánh.

Chúng tôi mượn tạm một câu chuyện phát trên sóng truyền hình nước nhà cách đây gần 10 năm để kết thúc bài viết này và xem có rút ra được bài học gì hữu ích không?. Hôm đó đòan ngoại giao Nhật Bản dọn tiệc ăn mừng nhân một sự kiện gì đó, bà cứ loay hoay phục vụ mà không ngồi vào ăn chung, một phóng viên đài truyền hình Việt Nam hỏi bà rằng: tại sao không ngồi ăn chung cùng lúc? Bà trả lời rằng: sở dĩ chúng tôi không ngồi ăn chung cùng lúc với mọi người là tôi ứng xử theo văn hóa truyền thống của chúng tôi. Nếu tôi cùng ngồi ăn chung cùng lúc là tôi không phải là phụ nữ Nhật Bản. Nghe người mà ngẫm đến ta. Thương tiếc thay vậy!