không hữu luận tranh

Phật Quang Đại Từ Điển

(空有論爭) Sự tranh luận giữa 2 hệ thống giáo lí chủ trương Không và Hữu trong Phật giáo Đại thừa ở Ấn độ. Phật giáo Đại thừa ở Ấn độ có 2 hệ thống giáo lí lớn, 1 của các ngài Long thụ và Đề bà; 1 của các ngài Vô trước và Thế thân. Hệ thống Long thụ- Đề bà chủ trương các pháp đềuKhông, về sau, tông Tam luận thừa kế chủ trương này. Còn hệ thống Vô trước – Thế thân thì chủ trương các pháp đều Hữu, về sau phát triển thành tông Pháp tướng. Nhưng ở thời đại các ngài Long thụ- Đề bà và Vô trước- Thế thân, sự tranh luận chính thức chưa xảy ra, chỉ có khác nhau về tông thú giáo nghĩa mà thôi, tức là các ngài Long thụ – Đề bà chủ trương cái Không tiêu cực, mà các ngài Vô trước – Thế thân thì chủ trương cái Hữu tích cực. Trong luận Trung quán và luận Thập nhị môn, tuy ngài Long thụ nói về Chân không, Vô tướng, nhưng trong luận Thập bát không, ngài cũng bàn về sự khác nhau giữa Duy thức phương tiện và Duy thức chính quán; rồi trong luận Đại trí độ, ngài cũng trình bày về nghĩa Hữu một cách tích cực. Còn các ngài Vô trước, Thế thân tuy trong luận Du già và Duy thức nói về Hữu tích cực, nhưng cả 2 vị đều đã chú giải Bách luận của ngài Đề bà, được liệt vào hàng hơn 10 nhà chú giải Bách luận; vả lại, ngài Vô trước còn soạn luận Thuận trung để chú giải luận Trung quán của ngài Long thụ. Bởi thế nên biết, lúc bấy giờ, đối với vấn đề Không và Hữu tuy mỗi phái có chủ trương riêng, nhưng chẳng những không trực tiếp xung đột mà còn dung hợp lẫn nhau. Đến hơn 1.000 năm sau khi đức Phật nhập diệt, 2 phái Không, Hữu đều có xu thế phát đạt. Đối với Trung luận, Bách luận chủ trương Không, đã có tới hơn 70 nhà chú thích các luận này. Đối với luận Du già chủ trương về Hữu cũng có hơn 10 nhà chú thích, còn luận Duy thức cũng xuất hiện 10 vị Đại luận sư chú thích. Đến thời các ngài Hộ pháp và Thanh biện căn cứ vào tính Y tha khởi mà mở ra cuộc tranh luận về Không và Hữu. Rồi về sau, các ngài Giới hiền và Trí quang lại dựa vào Tam thời giáo mà tranh luận về vấn đề này. Trong luận Thành duy thức quyển 8, ngài Hộ pháp chủ trương tất cả pháp đều do nhân duyên sinh và chia chúng làm 3 tính: 1. Tính Biến kế sở chấp: Pháp do vọng tình mà có, nên là không. 2. Tính Y tha khởi: Các pháp đều do nhân duyên sinh, nên là hữu. 3. Tính Viên thành thực: Bản thể của tất cả pháp đều chân thực, nên gọi là hữu. Còn ngài Thanh biện thì soạn luận Đại thừa chưởng trân nêu bày rõ yếu chỉ Hữu là Không, Vô là Không, rốt ráo là Không. Về phương diện vũ trụ luận, trong triết học Phật giáo có 2 hệ thống tư tưởng lớn là Thực tướng luận là Duyên khởi luận, đồng thời, căn cứ vào đó mà đề ra 2 pháp môn lớn là Quán tâm môn và Pháp tướng môn để tổng hợp cả 2 luận thuyết nói trên. Do đó nên biết, ngài Hộ pháp đã căn cứ vào Duyên khởi luận mà lập ra Pháp tướng môn, chủ trương các pháp do nhân duyên sinh là thực hữu; còn ngài Thanh biện thì căn cứ vào Thực tướng luận mà lập ra Quán tâm môn, chủ trương rốt ráo là không. Chủ trương của 2 ngài này có vẻ như mâu thuẫn nhau, nhưng thực ra là thành tựu cho nhau, mà hiển bày cái lí cùng tột của Phật giáo là Chân không diệu hữu. Cho nên, trong Hoa nghiêm ngũ giáo chương quyển 4, ngài Hiền thủ Pháp tạng thuộc tông Hoa nghiêm đã nói (Đại 45, 501 thượng): Sắc tức là không, thuộc giáo nghĩa ngài Thanh biện; Không tức là sắc, thuộc giáo nghĩa của ngài Hộ pháp. Hai giáo nghĩa dung hòa, bao nhiếp toàn thể. Lại các ngài Giới hiền và Trí quang cũng căn cứ vào Tam thời giáo phán mà tranh luận về vấn đề Không, Hữu. Ngài Giới hiền là đệ tử của luận sư Hộ pháp, thuộc hệ thống Hữu; còn ngài Trí quang thì chịu ảnh hưởng thuyết của luận sư Thanh biện nên chủ trương Không, đối với Tam thời giáo phán, mỗi vị đều có luận thuyết riêng. Ngài Giới hiền cho rằng Trung đạo cảnh không tâm hữu là thời thứ 3, còn ngài Trí quang thì chủ trương tâm cảnh đều không là thời thứ 3. Về sau, Đại sư Hiền thủ lần lượt phê phán sự hơn kém của 2 ngài qua 4 môn sau đây: 1. Sự thu nhiếp căn cơ có rộng và hẹp: Thời thứ 3 do ngài Giới hiền lập có thể thu nhiếp căn cơ của cả hàng Tam thừa, còn thời thứ 3 do ngài Trí quang lập thì chỉ thu nhiếp căn cơ Bồ tát mà thôi. Như vậy, phạm vi nhiếp cơ của thời thứ 3 do ngài Giới hiền lập rộng lớn hơn. 2. Về ngôn giáo có đủ và thiếu: Thời thứ 3 của ngài Giới hiền nói đủ cả giáo pháp Đại thừa, Tiểu thừa; còn ngài Trí quang thì chỉ nói về Đại thừa mà thôi, nên luận thuyết của ngài Giới hiền đầy đủ hơn. 3. Về sự ích lợi chúng sinh: Thời thứ 3 của ngài Trí quang cho rằng tất cả chúng sinh đều được sự ích lợi của Đại thừa; còn ngài Giới hiền thì chỉ bàn về Nhị thừa định tính và vấn đề vô tình hữu tình, v.v…, cho nên thuyết của ngài Trí quang là thù thắng hơn. 4. Về sự hiển bày nghĩa lí sâu cạn: Ngài Giới hiền tuy chủ trương cảnh không nhưng còn bàn về tâm hữu, vì thế nghĩa lí do ngài phán lập chưa rốt ráo; còn ngài Trí quang phán lập tâm, cảnh đều không, duyên sinh tức không, cho nên thù thắng hơn. Trong 4 môn trên, ngài Hiền thủ cho rằng trong 2 môn trước, giáo phán của ngài Giới hiền thù thắng hơn, còn trong 2 môn sau thì sự phán giáo của ngài Trí quang sâu sắc hơn. Về sau, tổ thứ 4 của tông Hoa nghiêm là ngài Trừng quán phê phán một cách mạnh mẽ về thuyết phán giáo này của 2 ngài Giới hiền và Trí quang. Trong Hoa nghiêm huyền đàm, ngài Trừng quán cho rằng, bàn về mức độ liễu nghĩa, nếu so sánh sự rộng hẹp của nhiếp cơ với sự ích lợi cho chúng sinh về Đại thừa, Tiểu thừa, thì sự rộng lớn của nhiếp cơ không bằng sự ích lợi cho chúng sinh về Đại thừa; nếu so sánh về ngôn giáo có đủ thiếu với sự hiển bày nghĩa lí sâu cạn, thì ngôn giáo đầy đủ không thù thắng bằng nghĩa lí được hiển bày đến chỗ cùng tận. Hơn nữa, sự phán giáo của 2 ngài, mỗi ngài tuy có 2 điểm hoàn toàn, 2 điểm chưa hoàn toàn, nhưng nếu xét đến chỗ rốt ráo thì tất cả đều chưa hoàn toàn. Vì ngài Hiền thủ lấy sự dung hội Tính tông và Tướng tông(Tính tướng dung hội) làm chủ yếu, còn ngài Trừng quán thì cho rằng giữa Tính tông và Tướng tông có sự phân cách rõ ràng(Tính tướng quyết phán), cho nên 2 ngài mới có sự kết luận khác nhau về 2 tông Không và Hữu. Sau khi Không tông và Hữu tông được truyền vào Trung quốc, cũng đã từng thịnh hành. Vào thời ngài Cưu ma la thập đời Hậu Tần và ngài Cát tạng đời Tùy, thì tông Tam luận chủ trương thuyết Không đã rất hưng thịnh, từ đời Đường về sau thì dần dần suy vi; còn thời ngài Huyền trang đời Đường, thì tông Pháp tướng chủ trương thuyết Hữu rất hưng thịnh. Nhưng, trong lịch sử Phật giáo Trung quốc, giữa 2 tông phái này đã không xảy ra tranh luận, đó là vì các ngài Cưu ma la thập, Cát tạng và Huyền trang đều ở vào các thời đại khác nhau, cho nên không thể có xung đột trực tiếp. Vả lại, giáo lí tông Hoa nghiêm, tông Thiên thai đã chủ trương thuyết Không và Hữu tương tức vô ngại, cho nên cũng không có sự thiên chấp về Không, Hữu. Tại Nhật bản, vào thời Nại lương, tông Tam luận và tông Pháp tướng đều thịnh hành và cũng có các cuộc tranh luận sôi nổi về nhiều vấn đề như: Không hữu, Thường vô thường, Ngũ tính nhĩ phi nhĩ, Hữu tính vô tính, Định bất định, Biến dịch sinh tử, Giáo thời, v.v… Từ thời Bình an trở về sau thì các tông Thiên thai, Chân ngôn, v.v… hưng thịnh, còn tông Tam luận và tông Pháp tướng thì suy vi, từ đó, cuộc tranh luận về Không và Hữu cũng chấm dứt. [X. Phật địa kinh luận Q.4]. (xt. Tam Tính, Tam Thời Giáo, Trung Quán Phái, Du Già Phái).