không giới sắc

Phật Quang Đại Từ Điển

(空界色) Không giới, Phạm:Àkàza-dhàtu. Chỉ cho sắc trong cõi hư không, nghĩa là những khoảng không mà mắt có thể thấy được, tức các kẽ hở và lỗ hổng như khe cửa, khoảng không trong miệng và lỗ mũi, v.v…, vì mắt có thể thấy nên thêm danh từ sắc mà gọi là Không giới sắc. Cứ theo Câu xá luận quang kí quyển 1, thì Không giới sắc lấy bóng, ánh sáng, sáng và tối trong 12 hiển sắc làm thể; nhưng vì bóng, ánh sáng, sáng và tối cũng theo 4 hiển sắc chính là xanh, vàng, đỏ, trắng mà hiển hiện, cho nên Không giới sắc cũng thuộc về xanh, vàng, đỏ, trắng. Lại xanh, vàng, đỏ, trắng là tịnh sắc thuần nhất của 4 đại châu hiển hiện trong hư không, nên Không giới sắc tức là Không nhất hiển sắc. Luận Câu xá quyển 1 (Đại 29, 6 hạ) còn nói: Vì thế không giới này lấy sáng tối làm thể, nên biết thể ấy không lìa ngày đêm, đây tức là Lân a già sắc. Do đó mà biết, Không giới sắc còn có tên là Lân a già sắc (Phạm: Agha-Sàmantaka), chỉ cho sắc gần với A già. [X. luận Câu xá luận thích Q.1; Câu xá luận quang kí Q.1; Câu xá luận bảo sớ Q.1 hạ; Huyền ứng âm nghĩa Q.24]. (xt. Không Nhất Hiển Sắc, Lân A Già Sắc).