không gian

Phật Quang Đại Từ Điển

(空間) I. Không Gian. Khoảng không. Tức chỉ hư không hoặc khoảng trống giữa các vật. Phật giáo, từ thời Phật giáo nguyên thủy đến nay cho rằng 6 đại: đất, nước, lửa, gió, không, thức là những yếu tố cơ bản cấu thành sự tồn tại của muôn vật; trong đó, 4 đại đất, nước, lửa, gió, là những nguyên tố sinh thành muôn vật, còn Không đại là khoảng không gian cần thiết cho muôn vật tồn tại. Nhờ 5 đại này mà tất cả muôn vật mới tồn tại được, 5 đại này gọi chung là Sắc, có tính chất biến hoại, chất ngại. Biến hoại là biến đổi không ngừng, dù trong 1 nháy mắt cũng không trụ lại; còn chất ngại có nghĩa là 2 khối vật chất trong cùng một thời gian, không thể cùng chiếm hữu một không gian. Đến thời đại Phật giáo Đại thừa thì sản sinh một khái niệm rất đặc biệt về không gian như kinh Hoa nghiêm cho rằng trong bất cứ lỗ chân lông nào trên cơ thể đều có cõi nước của chư Phật, nhiều như nước biển, không thể tưởng tượng được; kinh Duy ma cũng nói trong căn thất chật hẹp của ngài Duy ma có thể đặt được 32 nghìn tòa Sư tử. Lại nói Bồ tát có năng lực đặt núi Tu di vào trong 1 hạt cải, mà núi Tu di không bị rút nhỏ lại và hạt cải cũng không phình ra to; đem nước 4 biển lớn rót vào trong một lỗ chân lông mà cũng không làm cho các loài cá, ba ba, tôm, cua… hay bất cứ sinh vật nào trong nước cảm thấy chao động hoặc chật chội. Khái niệm về không gian và những việc làm này chỉ có Bồ đã chứng được giải thoát bất tư nghị mới làm được. Và trong Phật giáo, khái niệm về không gian này đặc biệt được gọi là Không, Bất sinh, Vô tự tính… II. Không Gian. Cũng gọi Không nhàn, Không nhàn xứ, Không ốc. Nơi vắng vẻ cách xa làng xóm thích hợp cho việc tu đạo. Kinh Di giáo (Đại 12, 1111 hạ), nói: Hãy rời bỏ đồ chúng của mình và đồ chúng của người, một mình ở chốn không nhàn, thiền định tư duy, diệt trừ gốc khổ. (xt. A Lan Nhã).