không

Phật Quang Đại Từ Điển

(空) Phạm:Zùnya. Dịch âm: Thuấn nhã. Dịch ý: Không vô, Không hư, Không tịch, Không tịnh, Phi hữu. Đối lại: Hữu. Tất cả vật tồn tại đều không có tự thể, thực thể, thực ngã… tư tưởng ấy gọi là Không. Nói cách khác, Không là sự hư huyễn không thực của sự vật, hoặc là sự rỗng lặng trong sáng của lí thể. Tư tưởng không đã có từ thời đại đức Phật còn tại thế, rõ ràng nhất trong Phật giáo Đại thừa sau này và là tư tưởng căn bản của hệ thống kinh Bát nhã. Không được chia ra thành các loại như sau: 1. Nhị không. a) Theo phẩm Quán tà kiến trong Trung luận quyển 4 và luận Thành duy thức quyển 1, thì Không được chia ra làm 2 loại là Nhân không và Pháp không. Nhân không nghĩa là trong cá thể của hữu tình không có thực ngã, cho nên Nhân không còn được gọi là Ngã không, Chúng sinh không, Sinh không, Nhân vô ngã, v.v… Pháp không nghĩa là tất cả các pháp do nhân duyên sinh không có thực thể tồn tại, cho nên gọi là Pháp vô ngã. Tiểu thừa chỉ nói Nhân không, chứ không nói Pháp không, còn Đại thừa chủ trương Nhân pháp nhị không(cũng gọi Nhân pháp nhị vô ngã, Ngã pháp nhị không). b) Phẩm Thân kiến trong luận Thành thực quyển 10, chia Không thành 2 loại là Tích không và Thể không. Tích không nghĩa là phân tích sự vật tồn tại đến khi không còn phân tích được nữa thì gọi là Không; còn Thể không có nghĩa là ngay bản thân của tất cả sự vật tồn tại đã là không rồi, đương thể tức không, chứ không cần phải phân tích nữa. Tiểu thừa và tông Thành thực chủ trương Tích không, còn Đại thừa thì chủ trương Thể không. c) Theo Tam luận huyền nghĩa, thì Không được chia làm Đãn không và Bất đãn không. Đãn không là chỉ chấp không, chứ không biết đến Chân không và Diệu hữu. Bất đãn không nghĩa là biết rõ Chân không và thừa nhận Diệu hữu, tức là Trung đạo không. 2. Tam không. a) Theo luận Biện trung biên quyển trung và luận Hiển dương thánh giáo, thì 3 tính Biến kế sở chấp, Y tha khởi và Viên thành thực đều có nghĩa không, vì thế gọi đó là Tam không. Cảnh mà phàm phu vọng chấp thuộc về tính Biến kế sở chấp, tính này xưa nay vốn không, cho nên gọi là Vô tính không. Pháp do nhân duyên sinh thuộc về tính Y tha khởi, khác với tính Biến kế sở chấp, nhưng không phải hoàn toàn Vô, mà cũng chẳng phải là Hữu như chúng sinh vọng chấp, đây tức là Dị tính không. Còn chân như là tính Viên thành thực, là tự tính do quán xét nhân và pháp đều không mà hiển hiện, đó là Tự tính không. b) Theo kinh Kim cương toản yếu san định kí quyển 1, thì Không có 3 thứ là Nhân không, Pháp không và Câu không. 3. Tứ không. Kinh Đại tập quyển 54 và kinh Đại phẩm bát nhã quyển 5 cho rằng Không có 4 loại: Pháp pháp tướng không, Vô pháp vô pháp tướng không, Tự pháp tự pháp tướng không, Tha pháp tha pháp tướng không. 4. Lục không. Theo luận Xá lợi phất a tì đàm quyển 16, thì Không có 6 loại: a) Nội không, cũng gọi Thụ giả không, Năng thực không nghĩa là 6 chỗ bên trong (6 căn) đều là không. b) Ngoại không, cũng gọi Sở thụ không, Sở thực không, nghĩa là 6 chỗ bên ngoài (6 cảnh) đều là không. c) Nội ngoại không, cũng gọi Thân không, Tự thân không. d) Không không: Cái Không bị quán chiếu(Sở quán) cũng là Không, vì thế còn gọi là Năng chiếu không. e) Đại không, cũng gọi Thân sở trụ xứ không, nghĩa là 10 phương thế giới đều là không. g) Đệ nhất nghĩa không, cũng gọi Thắng nghĩa không, Chân thực không, Chân cảnh không. Nghĩa là ngoài các pháp ra không có cái gì được gọi là tự tính của thực tướng. 5. Thất không. Cứ theo kinh Lăng già quyển 1 (bản 4 quyển), thì Không có 7 loại: a) Tướng không, cũng gọi Tự tướng không, nghĩa là tự tướng và cộng tướng của các pháp đều là không. b) Tính tự tính không, cũng gọi Tự tính không, nghĩa là tự tính của các pháp tức là không. c) Hành không, 5 uẩn xa lìa ngã và ngã sở, vì do nhân duyên sinh. d) Vô hành không, cũng gọi Bất hành không, nghĩa là trong 5 uẩn không hề có Niết bàn. e) Nhất thiết pháp li ngôn thuyết không: Tất cả các pháp không thể dùng lời nói để diễn tả, nên là không. g) Đệ nhất nghĩa thánh trí đại không: Đề nhất nghĩa không thấy được từ quả vị Thánh trí. h) Bỉ bỉ không: Mình, người, kia, đây đều là không; cái Không này là theo nghĩa hẹp. 6. Thập không. Luận Đại tì bà sa quyển 8 nêu ra 10 không: Nội không, Ngoại không, Nội ngoại không, Hữu vi không, Vô vi không, Tán hoại không, Bản tính không, Vô tế không, Thắng nghĩa không và Không không. 7. Thập nhất không. Theo kinh Niết bàn quyển 16 (bản Bắc), thì Không có 11 loại: Nội không, Ngoại không, Nội ngoại không, Hữu vi không, Vô vi không, Vô thủy không, Tính không, Vô sở hữu không, Đệ nhất nghĩa không, Không không, Đại không… Trong đó, Vô sở hữu không cũng gọi Bất khả đắc không. 8. Thập lục không. Theo luận Biện trung biên quyển thượng, thì Không có 16 thứ: Nội không, Ngoại không, Nội ngoại không, Đại không, Không không, Thắng nghĩa không, Hữu vi không, Vô vi không, Tất kính không, Vô tế không, Vô tán không, Bản tín không, Tướng không, Nhất thiết pháp không, Vô tính không và Vô tính tự tính không. 9. Thập bát không. Theo kinh Đại phẩm bát nhã quyển 3, kinh Đại tập quyển 54 và luận Đại trí độ quyển 31, thì Không có 18 loại: Nội không, Ngoại không, Nội ngoại không, Không không, Đại không, Đệ nhất nghĩa không, Hữu vi không, Vô vi không, Tất kính không, Vô thủy không, Tán không, Tính không, Tự tướng không, Chư pháp không, Bất khả đắc không, Vô pháp không, Hữu pháp không và Vô pháp hữu pháp không… [X. kinh Đại bát nhã ba la mật Q.44; kinh Niết bàn Q.25 (bản Bắc); luận Đại trí độ Q.38; luận Bồ đề tâm; luận Thập bát không; Đại thừa nghĩa chương Q.1 đến Q.4; Duy ma kinh nghĩa kí Q.3; Hoa nghiêm pháp giới quán môn; Trung quán luận sớ Q.2 phần cuối]. (xt. Bản Thể, Không Hữu Luận Tranh).